QPTD -Thứ Năm, 23/08/2012, 15:06 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động

 Mở rộng hợp tác quốc tế trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay là chủ trương chiến lược của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp để mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.       

alt
Hội nghị phối hợp tuyên truyền về Cảnh sát biển Việt Nam, tháng 5-2012 (nguồn: qdnd.vn)
 

Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) là lực lượng hành chính dân sự của Chính phủ, do Bộ Quốc phòng quản lý, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Bởi vậy, nhiệm vụ hợp tác quốc tế (HTQT) của CSBVN vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính quốc phòng - an ninh (QP-AN). Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lực lượng CSBVN đã chủ động tích cực HTQT, đạt được những kết quả quan trọng, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thúc đẩy quan hệ HTQT với các đối tác, CSBVN đã thực hiện tốt việc chia sẻ, trao đổi thông tin phòng, chống cướp biển và tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực châu Á (ReCAAP); phối hợp với Tổng cục Ngư chính Nam Hải (Trung Quốc) tổ chức kiểm tra liên hợp tại vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ; ký thoả thuận hợp tác với Cục Công an đường thủy, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Nội vụ (Cam-pu-chia) về thiết lập hệ thống cung cấp thông tin trên biển; ký Bản Ghi nhớ với lực lượng Phòng vệ bờ biển Hàn Quốc; phối hợp với lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ tổ chức 5 khoá huấn luyện, bồi dưỡng chuyên ngành cho cán bộ CSBVN… Thông qua các mối quan hệ HTQT, lực lượng CSBVN tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý, vận dụng thiết thực vào việc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ của Ngành; đồng thời, góp phần tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, nâng cao uy tín, vị thế của CSBVN, Quân đội, đất nước ở khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, do biển có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, nên tình trạng tranh chấp chủ quyền các vùng biển trong khu vực ngày càng gay gắt. Trên vùng biển nước ta, hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, thủy sản trái pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài diễn ra phức tạp. Mặt khác, lợi dụng vùng biển rộng, lực lượng CSBVN mỏng, các loại tội phạm: cướp biển, buôn bán, vận chuyển ma tuý, buôn bán vũ khí, chất nổ,... hoạt động ngày một tinh vi, manh động. Trước tình hình đó, để duy trì nghiêm luật pháp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, CSBVN cũng rất coi trọng tăng cường mở rộng HTQT, đưa các mối quan hệ phát triển cả bề rộng và chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Nhiệm vụ HTQT của lực lượng CSBVN chính là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; do đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSBVN là những người trực tiếp thực hiện. Đây cũng là công việc hệ trọng có liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền, an ninh biển, đảo của đất nước. Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSBVN nắm không chắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước sẽ dễ bị chệch hướng, ảnh hưởng trực tiếp tới chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc và tới hình ảnh, vị thế Việt Nam trong khu vực và thế giới. Chính vì thế, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSBVN về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ HTQT. Trọng tâm của công tác giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ hiện nay là về đường lối, chính sách đối ngoại “độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh CNH,HĐH, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”1. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng cho bộ đội những kiến thức cơ bản về Luật Biên giới quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam cũng như các hiệp định, hiệp ước về vùng biển, đảo mà Việt Nam tham gia ký kết; âm mưu, thủ đoạn hoạt động trên biển của các thế lực thù địch… Qua đó, tạo sự thống nhất cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ HTQT của bộ đội.

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, Đảng ủy Cục CSBVN ra Nghị quyết chuyên đề làm cơ sở để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của mình. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, vận dụng linh hoạt các hình thức: học tập trung kết hợp với tổ chức các hội thi tìm hiểu về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt về Luật Biển Việt Nam; tổ chức cho cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự nghiên cứu, học tập; thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng, như: phong trào thi đua, văn hoá văn nghệ, diễn đàn, sinh hoạt tập thể,… cũng là những hình thức giáo dục hiệu quả. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ CSBVN nhận thức đúng và biết vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả HTQT góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, xây dựng chiến lược HTQT trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết và kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ HTQT với thực hiện các nhiệm vụ khác. Những năm qua, theo thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, hoạt động hợp tác của CSBVN được triển khai trên nhiều kênh (song phương, đa phương), với nhiều nội dung phong phú, đem lại hiệu quả tích cực: giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp trên biển; tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế biển, giảm thiểu về tai nạn, tội phạm trên biển… Thực tế cho thấy, để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, CSBVN phải chủ động xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hợp tác bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp điều kiện thực tế, nhất là đối tác; xác định rõ lộ trình và bước đi thích hợp để triển khai thực hiện theo hướng toàn diện, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, cả hợp tác song phương và đa phương, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong hợp tác, chú trọng giữ vững nguyên tắc, tăng cường xây dựng niềm tin, đưa các quan hệ đã có phát triển cả bề rộng, chiều sâu; đồng thời, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác mới. Theo đó, lực lượng CSBVN đẩy mạnh hợp tác với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng của Trung Quốc, Cam-pu-chia và Cảnh sát biển Phi-líp-pin để thiết lập và thực hiện có hiệu quả đường dây nóng về an ninh trên biển; chủ động hợp tác với lực lượng chức năng của các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). CSBVN sẽ tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng bảo vệ an ninh biển của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực và quốc tế, nhằm xây dựng Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Cũng cần thấy rằng, việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát duy trì pháp luật, bảo vệ chủ quyền, an ninh, tìm kiếm, cứu nạn, tuyên truyền vận động nhân dân vùng biển, đảo xây dựng thế trận QP-AN trên các vùng biển của CSBVN có nội dung, biện pháp riêng cho mỗi nhiệm vụ, nhưng chúng đều có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiệm vụ HTQT. HTQT tạo cơ sở, động lực để thực hiện các nhiệm vụ khác; ngược lại, thực hiện tốt các nhiệm vụ khác là điều kiện quan trọng góp phần tăng cường, củng cố HTQT. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, CSBVN tập trung vận dụng các giải pháp phù hợp để kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ HTQT với các nhiệm vụ được giao.

Ba là, kết hợp chặt chẽ yêu cầu chính trị, QP-AN trong thực hiện nhiệm vụ HTQT. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề xảy ra trên các vùng biển thường liên quan đến lĩnh vực QP-AN, trật tự, an toàn xã hội và đối ngoại của đất nước. Đặc biệt, đối tượng thường rất đa dạng: lực lượng công khai và bí mật, lực lượng vũ trang và phi vũ trang, hoạt động có tính chất an ninh truyền thống và phi truyền thống… Thời gian gần đây, các hành động vi phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển có thể là chủ trương của một số nước, song cũng có thể là hoạt động bất hợp pháp của một số đối tượng tội phạm ở nước này nhưng lại được bảo trợ của chính quyền nước khác... Dù ở trường hợp nào, các hoạt động này đều ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của ta. Do vậy, CSBVN tiếp tục kết hợp chặt chẽ yêu cầu chính trị, QP-AN trong thực hiện nhiệm vụ HTQT. Muốn vậy, các đơn vị phải nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; lấy bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền, an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo là mục tiêu xuyên suốt. Trong giải quyết các vấn đề trên biển, CSBVN tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các yêu cầu, biện pháp hoạt động đối ngoại để xử lý linh hoạt, mềm dẻo các tình huống, bảo đảm hài hoà các lợi ích: chính trị, QP-AN, đối ngoại và đối nội của đất nước.

Bốn là, xây dựng lực lượng CSBVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Do đặc thù nhiệm vụ, lực lượng CSBVN chủ yếu hoạt động độc lập trên các vùng biển xa và thường xuyên phải tiếp xúc với người nước ngoài; đối mặt với hiểm hoạ thiên tai, tội phạm, cướp biển,… trong khi phương tiện, trang bị còn hạn chế. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng CSBVN phải được xây dựng vững mạnh toàn diện, thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục CSBVN tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền duy trì nghiêm túc chương trình giáo dục chính trị theo quy định; chăm lo xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đội ngũ  cán bộ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo chuyển biến tích cực trên mọi mặt công tác. Đồng thời, thường xuyên nắm chắc chỉ thị, hướng dẫn của trên để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quân số phù hợp với tổ chức, nhiệm vụ của từng đơn vị. Các đơn vị, cơ quan chức năng của Cục CSBVN cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ các cấp theo quy định; đồng thời, chú ý công tác sơ, tổng kết, kịp thời khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là kiến thức về luật biển, ngoại ngữ, năng lực xử trí các tình huống trên biển...

Trong huấn luyện, chú trọng bám chắc phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành các chế độ trực ban, trực chiến, tuần tra, kiểm soát; giữa giáo dục pháp luật với truyền thụ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm và đối ngoại... Đồng thời, tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề xuất với cơ quan chức năng của Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách phù hợp, quan tâm, chăm lo đời sống, vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ CSBVN, tạo điều kiện tốt nhất để anh em yên tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, lực lượng CSBVN nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ HTQT, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh trên biển, thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

 Đại tá, TS. NGUYỄN QUANG ĐẠM

Phó Cục trưởng, Tham mưu trưởng Cc Cảnh sát biển

                   

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 235, 236.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.