QPTD -Thứ Năm, 25/02/2016, 08:04 (GMT+7)
Các tôn giáo ở Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, đồng bào các tôn giáo đã gắn bó, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc. Trong tình hình mới, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, phân bố đan xen ở khắp các vùng, miền, cả thành thị, nông thôn và miền núi. Hiện nay, số lượng tín đồ các tôn giáo có khoảng 30 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước. Trong đó, đạo Phật hơn 10 triệu, Công giáo hơn 6 triệu, Tin Lành khoảng 1 triệu, Cao Đài khoảng 3,2 triệu, Hòa Hảo khoảng 1,4 triệu, Hồi giáo khoảng 67 nghìn; trên 100 nghìn chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Mặc dù sự hình thành, phạm vi ảnh hưởng và tác động chính trị - xã hội của các tôn giáo không giống nhau, nhưng tựu trung, đồng bào các tôn giáo đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng chục vạn thanh niên có đạo đã tham gia chiến đấu, nhiều người anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo đồng bào tôn giáo. Bởi vậy, sinh hoạt tôn giáo ngày càng phát triển: số người tham gia các hoạt động tôn giáo gia tăng; nhà thờ, đình chùa, miếu mạo, thánh thất được tu sửa và tôn tạo, xây cất lại khang trang; việc in ấn tài liệu, đào tạo các chức sắc tôn giáo được chú trọng, v.v. Nhiều tín đồ, giáo sĩ và nhà tu hành nhận thức đúng chính sách, luật pháp của Nhà nước, làm tốt cả “việc đạo” và “việc đời”. Chính vì thế, những năm gần đây, tình hình kinh tế, an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở hầu hết các vùng tôn giáo là ổn định.

Để hướng hoạt động tín ngưỡng của các tôn giáo đúng pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về Công tác tôn giáo, như: Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990; Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH 11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá 11 “Quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”. Chính phủ ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP, ngày 01-3-2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”; Chỉ thị 1940/CT-TTg, ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo”, v.v. Những văn bản trên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề, xây dựng niềm tin của đồng bào tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo,... tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Đồng thời, khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Nhờ đó, quần chúng nhân dân, tín đồ và các chức sắc tôn giáo yên tâm, phấn khởi, tích cực thực hiện tốt cả “việc đạo, việc đời”, tin tưởng vào chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là địa phương có đông đồng bào tôn giáo và các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp Nhà nước cho đồng bào các tôn giáo. Các cơ quan thông tấn, báo chí trong hệ thống chính trị đã và đang thực hiện tốt việc tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; phản ánh chân thực, sinh động đời sống tôn giáo của người dân, góp phần quan trọng đưa các chủ trương, chính sách về tôn giáo đến với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước cho các chức sắc tôn giáo. Nổi bật là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đại biểu các tôn giáo nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hiến pháp năm 2013 khu vực phía Bắc, khu vực phía Nam, góp phần tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo; phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, Ban Tôn giáo Chính phủ tích cực phối hợp với một số bộ, ban, ngành Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo; duy trì hoạt động của Tạp chí Công tác Tôn giáo và trang thông tin điện tử phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh để phục vụ nhu cầu của bạn đọc trong nước và quốc tế, đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch hòng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc. Các tôn giáo đều xây dựng đường hướng hành đạo riêng, phù hợp với đạo lý của mình, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo, “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin Lành, “Nước vinh, đạo sáng” của Cao Đài, v.v. Những đường hướng này vừa phù hợp với giáo lý, truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Những năm qua, các tôn giáo đã cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; nhất là, chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, xây dựng Nhà Tình thương, Nhà Đại đoàn kết; chăm lo giúp đỡ người bị bệnh phong, nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS, cứu trợ thiên tai, tai nạn, v.v. Tính đến tháng 10-2014, một số tổ chức, cá nhân tôn giáo đã xin phép chính quyền thành lập khoảng 270 trường mầm non, hơn 900 nhóm, lớp mầm non độc lập, chiếm 15,6% số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở này đều đảm bảo giáo viên có đủ trình độ, cơ sở vật chất (trường, lớp, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi) đúng theo quy định; đã động viên, tiếp đón khoảng 125.590 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc và chiếm 18,3% tổng số trẻ đến trường mầm non ngoài công lập. Các tổ chức, cá nhân thuộc các tôn giáo còn mở 185 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó 143 cơ sở khám bệnh đông y, đông - tây y kết hợp, 42 cơ sở tây y. Từ năm 2011 đến năm 2014, các cơ sở này đã khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho gần 1.432.000 lượt người. Các tôn giáo còn chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho hơn 177 triệu lượt người nghèo. Đối với các hoạt động bảo trợ xã hội, cả nước có trên 400 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó hơn 230 cơ sở ngoài công lập hầu hết là của tôn giáo. Hiện nay, các cơ sở này đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 41 nghìn người, trong đó có 11.365 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi. Các địa phương có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội của tôn giáo là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Hà Nội, Vĩnh Long, v.v. Nhìn chung, các cơ sở này đều đáp ứng đầy đủ các quy định, góp phần giảm gánh nặng cho các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước. 

Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn tham gia tích cực vào hoạt động dạy nghề. Giáo hội Công giáo Việt Nam đã mở một số trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề. Điển hình, như: Trường Trung cấp nghề Hòa Bình, Tân Tiến của Dòng Don Bosco ở Bảo Lộc, Lâm Đồng (thuộc Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai); Trung tâm Dạy nghề tư thục Lasan Đà Lạt (thuộc Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam); Trung tâm dạy nghề tư thục Vinh Sơn, Đà Lạt (thuộc Dòng Vinh Sơn Việt Nam) và 04 trung tâm dạy nghề của Dòng Don Bosco ở các địa phương khác. Hưởng ứng Cuộc vận động trên toàn quốc “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tôn giáo đã xây dựng phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo”. Phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nhiều chức sắc, nhà tu hành, tín đồ đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào: Xây dựng nhà tình nghĩa, Nhà tình thương, Nhà đại đoàn kết, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, v.v. Nổi bật là, từ năm 2004 đến nay, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình hoạt động Phật sự. Năm 2012, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Thông tư 065/TT-HĐTS hướng dẫn Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố triển khai, nhân rộng mô hình “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2014, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về vận động chức sắc, tu sĩ và phật tử, giáo dân tham gia an toàn giao thông.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tôn giáo vẫn còn một số hạn chế, như: nhận thức về quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa đầy đủ; việc triển khai thực hiện có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm túc, thiếu triệt để, tạo sơ hở, thiếu sót để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc. Công tác thông tin tuyên truyền về công tác tôn giáo còn hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là cho các chức sắc tôn giáo. Đây là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo thực hiện nghiêm quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, hướng các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên cơ sở tôn trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên chăm lo, bảo đảm quyền dân chủ của đồng bào các tôn giáo theo pháp luật; gắn liền yêu cầu mở rộng dân chủ với giữ vững kỷ cương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, tín đồ, chức sắc, nhà tu hành,... gây rối trật tự, làm mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo. Qua đó, tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

ThS. NGUYỄN VĂN LONG, Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ
________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 51.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.