QPTD -Chủ Nhật, 27/01/2013, 03:14 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Với 4.658,5 km đường biên giới đất liền, 3.260 km bờ biển, đi qua 44 tỉnh (thành phố), khu vực biên giới (KVBG) nước ta là địa bàn chiến lược trọng yếu cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng – an ninh (QP-AN), có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và bảo vệ biên giới, như: Luật Biên giới quốc gia (BGQG), Luật An ninh quốc gia, Pháp lệnh về Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng các nghị định của Chính phủ… làm cơ sở để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương và lực lượng BĐBP triển khai thực hiện. Công tác đàm phán phân giới, cắm mốc và tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với các nước láng giềng được chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Hệ thống chính trị cơ sở ở KVBG từng bước được xây dựng vững mạnh; việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN và với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới được đẩy mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển, đảo từng bước được nâng lên. Lực lượng BĐBP được chăm lo xây dựng vững mạnh toàn diện, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tăng cường mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hội nghị hiệp đồng bảo vệ biên giới tiếp giáp giữa 3 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang năm 2012. (Nguồn: laocai.gov.vn)
 

Bên cạnh kết quả đã đạt được, một số nơi ở KVBG vẫn chưa thực sự vững mạnh, kết cấu hạ tầng giao thông kém phát triển; trình độ KT-XH còn thấp; giáo dục, y tế, văn hóa còn nhiều bất cập; đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, thậm chí một số vùng còn đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, cơ sở chính trị ở một số địa phương biên giới còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, biển, đảo còn diễn biến phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng. Tình trạng xâm canh, xâm cư, tranh chấp biển, đảo còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường… Hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội và đặt ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc yêu cầu mới cao hơn. Trong đó, việc xây dựng, bảo vệ BGQG phải bảo đảm: vừa là “phên dậu” của Tổ quốc, vừa là không gian giao lưu, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là với các nước láng giềng, các nước, các tổ chức khu vực. Do đó, xây dựng và bảo vệ BGQG hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là vấn đề chiến lược quan trọng, cấp thiết, thể hiện chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước; theo đó, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, bảo vệ và xây dựng BGQG. Trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương và của Đảng ủy BĐBP, công tác quản lý, xây dựng biên giới cần tập trung vào ba khâu trọng yếu: quản lý tốt mốc giới và dấu hiệu đường biên quốc gia; kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông biên giới; kết hợp bảo vệ đường biên, mốc giới với bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa và công tác phòng thủ trên cả ba tuyến: ngoại biên, biên phòng, nội địa (tuyến đất liền) và khơi – lộng – bờ (tuyến biển, đảo). Để đạt được mục tiêu đó, BĐBP phải xây dựng kế hoạch, phương án sát đúng; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng và nhân dân trong thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; thực hiện tổng hợp các biện pháp công tác; trong đó, đối ngoại biên phòng là nội dung rất quan trọng. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, việc thực hiện công tác này, trước hết phải quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng; thực hiện đa dạng hóa các hình thức quan hệ, hợp tác với các nước, nhất là đối với các nước có chung đường biên giới về kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Trong thực hiện đối ngoại, cần kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, Nhà nước, ngoại giao nhân dân và đối ngoại biên phòng; trong đó, chú trọng các hình thức: đẩy mạnh việc kết nghĩa giữa các thôn, bản hai bên biên giới, phối hợp tuần tra song phương, thiết lập đường dây nóng, tổ chức giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, thực hiện bảo vệ biên giới từ xa, vững chắc. Trong đàm phán giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ phải kiên định về nguyên tắc chiến lược, lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất; đồng thời, phải mềm dẻo về sách lược, cùng nhau thương lượng để tăng đồng thuận, giảm đối đầu, nêu cao cảnh giác, tránh mắc mưu các thế lực thù địch, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước.

Hai là, đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên các tuyến biên giới, biển, đảo. Đây là nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất trong xây dựng và bảo vệ BGQG. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tập trung đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án KT-XH, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển cho từng tuyến và toàn vùng biên giới. Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng tuyến và địa bàn biên giới, BĐBP cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng mở các cặp cửa khẩu; xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế mở, kinh tế cửa khẩu, các thị trấn, khu kinh tế - quốc phòng và các cơ sở công nghiệp chế biến có khả năng thu hút nguyên liệu và trao đổi sản phẩm, hàng hóa giữa miền núi với miền xuôi và với các nước láng giềng. Trong quá trình thực hiện, cần đổi mới phương thức đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ, huy động nhiều nguồn vốn: của Nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp và từ việc lồng ghép các chương trình, dự án; trong đó, cần coi trọng đầu tư cho sự phát triển, nhất là đầu tư về kỹ thuật công nghệ canh tác, chế biến để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, thực hiện đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, như: cao su, cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi đại gia súc… tạo nhiều việc làm và thu nhập cho đồng bào, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH,HĐH nông thôn miền núi. Đối với khu vực biển, đảo, Nhà nước cần tăng cường đầu tư xây dựng các cụm, khu kinh tế - quốc phòng; gắn xây dựng các khu kinh tế ven biển với đầu tư xây dựng trên đảo các dịch vụ hàng hải, cơ sở hậu cần biển; đồng thời, có chính sách tiếp tục đưa dân ra sinh sống trên các đảo và khuyến khích làm kinh tế biển, tạo thế đứng chân ngày càng vững chắc.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở KVBG, như: hệ thống đường giao thông, đường tuần tra biên giới, bưu chính viễn thông, thủy lợi, thủy điện, y tế, giáo dục… Trên cơ sở đó, có kế hoạch điều chỉnh dân cư, đưa dân ra sát biên giới, hình thành các làng, xã biên giới, tạo vành đai biên cương trong thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, tiếp tục củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc – nhân tố quan trọng trong xây dựng và bảo vệ biên giới. Xây dựng và bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, nhân dân là lực lượng đông đảo, thường xuyên, trực tiếp ở KVBG. Vì vậy, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo ở vùng biên giới, biển, đảo, tạo nền tảng để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là vấn đề quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ biên giới. Để làm được điều đó, BĐBP cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, gắn với thực hiện phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển về mọi mặt, nhất là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo bước chuyển biến căn bản về đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển, đảo. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển KT-XH có hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về tài chính, y tế, giáo dục, đất đai, dạy nghề, việc làm… bảo đảm cho đồng bào có thể sinh sống ổn định và làm giàu ngay trên mảnh đất vùng biên giới, biển, đảo; trên cơ sở đó, tăng cường sự cố kết giữa mỗi gia đình, dòng họ với thôn, bản, xã (phường) và với dân tộc, đất nước. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng, củng cố lòng tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, từ đó nguyện đóng góp sức người, sức của, thậm chí cả tính mạng của mình vì sự bình yên biên giới.

 Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng BĐBP vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Để phát huy tốt vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng BĐBP vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vấn đề cơ bản hiện nay là phải coi trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, được nhân dân tin yêu. Đồng thời, tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ về nghiệp vụ, đối ngoại, pháp luật và năng lực vận động quần chúng cho BĐBP, bảo đảm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, các đơn vị BĐBP phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục - đào tạo cả ở cơ quan, đơn vị và nhà trường, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chỉ huy và chuyên môn kỹ thuật ở đơn vị cơ sở, nhất là đối với các hải đội và đồn biên phòng. Bên cạnh đó, cần tăng cường trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật cho các đơn vị, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động, tuần tra, xử lý các tình huống trên bộ, trên biển; xây dựng và điều chỉnh thế bố trí của các đồn, trạm biên phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, cần có kế hoạch xây dựng, củng cố lực lượng và đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động của các tổ, đội chuyên trách, bán chuyên trách phối hợp với các tổ chức nhân dân trong bảo vệ an ninh biên giới; đồng thời, khuyến khích các hình thức kết nghĩa đỡ đầu giữa các tỉnh nội địa với các địa phương biên giới; tổ chức động viên nhân dân các xã biên giới tình nguyện tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, làm dấy lên phong trào “Cả nước hướng về biên giới”, góp phần xây dựng và bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trung tướng VÕ TRỌNG VIỆT

y viên BCHTƯ Đảng, Tư lnh BĐBP.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.