QPTD -Thứ Tư, 20/06/2012, 03:07 (GMT+7)
Binh chủng Thông tin liên lạc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Để thực hiện phương hướng xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cùng với các nhiệm vụ khác, các đơn vị Thông tin đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.


Phân đội Thông tin cơ động SSCĐ Lữ đoàn 205 (Binh chủng Thông tin liên lạc) sẵn sàng nhận nhiệm vụ. (Nguồn: qdnd.vn)

Quán triệt sâu sắc Chỉ lệnh Công tác quân sự của Tổng Tham mưu trưởng, những năm qua, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) đã triển khai toàn diện nhiệm vụ quân sự; trong đó, nổi bật là đã đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Việc chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện có bước chuyển biến tích cực. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được cấp uỷ, chỉ huy các cấp chú trọng; trong đó, tập trung vào các nội dung mới, những nội dung còn yếu hoặc chưa có sự thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là khả năng tiếp thu làm chủ các trang bị, khí tài (TB,KT) thế hệ mới cũng như  năng lực quản lý, điều hành mạng TTLL.

Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị luôn bám sát phương châm “Cơ bản - thiết thực - vững chắc”, tích cực đổi mới cả về nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật, nghệ thuật tác chiến và thực tiễn đặt ra; đồng thời, luôn coi trọng huấn luyện cho bộ đội nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng thành thạo các TB,KT có trong biên chế, nhất là các TB,KT mới. Để thực hiện chủ trương “đi tắt, đón đầu”, cùng với đổi mới, hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự, Binh chủng đã tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua việc tuyển chọn cán bộ gửi đi đào tạo ở các cơ sở trong và ngoài nước, kết hợp với đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của Trường Sĩ quan Thông tin và Trường Trung cấp Kỹ thuật thông tin. Thời gian qua, Binh chủng đã tiến hành khảo sát và phối hợp với các học viện, nhà trường trong toàn quân thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy môn học thông tin cho các đối tượng để phù hợp với xu thế phát triển.

Đối với công tác SSCĐ, trên cơ sở kết quả của công tác huấn luyện, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với SSCĐ. Hệ thống thông tin luôn bảo đảm thông suốt phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân. Đặc biệt, trong thời gian qua, được sự đầu tư của Nhà nước và Quân đội, Binh chủng đã mua sắm, triển khai lắp đặt, đưa vào khai thác sử dụng hệ thống thông tin Vsat phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ thông tin, nhất là với các đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Nền nếp chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực thông tin được các đơn vị duy trì nghiêm túc; các tình huống, sự cố về TTLL luôn có các phương án dự phòng và được xử lý kịp thời. Để bảo đảm tính vững chắc của cả hệ thống, Binh chủng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và toàn quân làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng thông tin của Bộ và các đơn vị, giữa thông tin cố định và thông tin cơ động. Do vậy, luôn bảo đảm TTLL tốt cho các nhiệm vụ thường xuyên và SSCĐ, cũng như cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên các địa bàn trong cả nước.

Những kết quả đạt được trong huấn luyện, SSCĐ của Bộ đội Thông tin đã góp phần quan trọng bảo đảm kịp thời TTLL cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp chủ động nắm tình hình, chỉ huy các lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện chiến tranh (nếu xảy ra) phải đối phó với kẻ thù xâm lược có ưu thế về tác chiến điện tử và vũ khí công nghệ cao thì công tác huấn luyện, SSCĐ của Bộ đội Thông tin phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, các đơn vị Thông tin cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

1. Phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác huấn luyện, SSCĐ của cấp trên; đặc biệt là, Chỉ lệnh Công tác quân sự của Tổng Tham mưu trưởng và Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng. Trong đó, cần chú trọng nắm chắc phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện đã được xác định. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện cần tập trung xây dựng hệ thống kế hoạch huấn luyện phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của các đơn vị Thông tin. Trong tổ chức huấn luyện, chú trọng phát huy vai trò của người chỉ huy và cơ quan tham mưu trong việc chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị.

Trong giáo dục, huấn luyện cán bộ, phải coi trọng các nội dung về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, pháp luật. Nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện quân sự phải bám sát thực tiễn, cập nhật sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự trên thế giới; tập trung bồi dưỡng để cán bộ thành thạo công tác tham mưu tác chiến, công tác tham mưu huấn luyện theo chức trách, nhiệm vụ; nâng cao trình độ, khả năng tổ chức lực lượng thông tin trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và bảo đảm thông tin ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Phấn đấu 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp; trong đó, 90% cán bộ tiểu đoàn và tương đương, 75% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện khá, giỏi.

Tiếp tục huấn luyện đơn vị theo phương châm “Cơ bản - thiết thực - vững chắc”; huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, cả cơ quan, chỉ huy và đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chiến dịch và chiến thuật thông qua việc bảo đảm thông tin trong các cuộc diễn tập ở các cấp. Coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản và huấn luyện theo nhiệm vụ, với yêu cầu: giỏi về thông tin truyền thống, tinh nhuệ về thông tin cơ động, làm chủ TB,KT thông tin công nghệ cao. Các phân đội thông tin tập trung huấn luyện vững chắc kỹ thuật, chiến thuật và nghiệp vụ chuyên ngành trong điều kiện tĩnh và cơ động, dã ngoại; từng bước rút ngắn thời gian triển khai, thu hồi, di chuyển đài, trạm; thành thạo trong nguỵ trang, nghi binh che dấu lực lượng, phòng chống tác chiến điện tử. Phấn đấu 100% phân đội hoàn thành các nội dung huấn luyện, có 70% khá, giỏi; 100% phân đội thông tin đạt “phân đội thông tin tinh nhuệ”.

Để nâng cao khả năng phòng, chống tác chiến điện tử cho hệ thống thông tin trong chiến tranh, ngoài việc trang bị các khí tài thế hệ mới, hiện đại, các đơn vị cần chú trọng huấn luyện cho chiến sĩ thông tin vô tuyến điện giỏi về nghiệp vụ, có khả năng phát tin ở tốc độ cao để hoàn thành nội dung trong thời gian ngắn nhất; thực hiện tốt các quy định về giữ bí mật quy ước liên lạc và thực hiện các biện pháp ngụy trang, nghi binh theo kế hoạch của người chỉ huy và cơ quan thông tin cấp trên. Mặt khác, phải coi trọng huấn luyện các biện pháp phòng, chống “chế áp cứng”, như: tổ chức làm công sự, hầm trú ẩn vững chắc; đồng thời, biết chủ động tiến công “đánh trả” hành động tác chiến điện tử của đối phương.

Xác định đúng vị trí, ý nghĩa, tác dụng của công tác thi đua trong huấn luyện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên đổi mới và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng trong huấn luyện, SSCĐ. Phát huy kết quả các Hội thi “Chỉ huy cấp trung (lữ) đoàn Thông tin toàn quân”, “Chủ nhiệm thông tin cấp chiến dịch toàn quân”, “Danh hiệu báo vụ cấp 2”..., các đơn vị cần chủ động tổ chức hội thi, hội thao để khích lệ, động viên tinh thần tự học tập vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.

2. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật (NVCMKT), làm nòng cốt bảo đảm kỹ thuật thông tin. Là Binh chủng kỹ thuật, được Đảng, Nhà nước và Quân đội xác định xây dựng hiện đại; được ưu tiên đầu tư nhiều TB,KT thế hệ mới, nên công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, NVCMKT có trình độ cao, chuyên sâu là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay. Thực hiện chủ trương của Binh chủng về đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, các nhà trường thuộc Binh chủng cần tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, TB,KT, đáp ứng yêu cầu đào tạo cho nhiều đối tượng với lưu lượng lớn. Trong quá trình đào tạo, cần tích cực ứng dụng CNTT, nghiên cứu phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử, phần mềm mô phỏng; coi trọng môn ngoại ngữ, tạo điều kiện để học viên ra trường nhanh chóng tiếp cận, khai thác TB,KT hiện đại.

Công tác huấn luyện đội ngũ NVCMKT ở các đơn vị cần bám sát chương trình cơ bản và trình độ bậc thợ; trong đó, chú trọng công tác tập huấn sử dụng các TB,KT mới và chuyển giao công nghệ sửa chữa cho các trạm sửa chữa thông tin cấp chiến thuật và các tổ bảo đảm kỹ thuật cơ động của đơn vị. Phấn đấu có trên 95% cán bộ, NVCMKT đạt tiêu chuẩn quy định về trình độ.

3. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện với nhiệm vụ SSCĐ. Trước hết, các đơn vị phải chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin trong các cuộc diễn tập do Bộ và các đơn vị tổ chức. Trong huấn luyện phân đội, cần chú trọng kết hợp huấn luyện chiến thuật chuyên ngành với tăng cường hợp luyện theo phương án SSCĐ; giữa thông tin cơ động với mạng thông tin cố định; nâng cao khả năng hiệp đồng giữa các đài, trạm trong tổng trạm thông tin. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo hướng rèn luyện khả năng cơ động liên tục, dài ngày; tổ chức diễn tập sát với các tình huống trong chiến tranh, điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Công tác bảo đảm TTLL cho nhiệm vụ SSCĐ tập trung vào việc đầu tư, bảo đảm chất lượng, đồng bộ các tổng trạm cơ động cấp chiến lược, chiến dịch và nâng cao khả năng cơ động của các đơn vị thông tin. Các cơ quan nghiên cứu, nhà trường tăng cường nghiên cứu các biện pháp phòng, chống tác chiến điện tử; đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, điều hành và bảo mật cho hệ thống TTLL quân sự. Tổ chức lực lượng thông tin cơ động phải bảo đảm gọn, nhẹ, cơ động linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra trong tác chiến.

Trước sự phát triển của thực tiễn, các cơ quan, đơn vị còn phải đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp, hiệp đồng với các ngành, các doanh nghiệp viễn thông dân sự; đặc biệt là, hợp tác trao đổi hạ tầng viễn thông, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các chương trình hợp tác phát triển, nhằm sẵn sàng huy động phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết.

4. Chú trọng xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật trong huấn luyện, SSCĐ. Xây dựng nền nếp chính quy trong huấn luyện phải được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt công tác; từ chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức huấn luyện đến bảo đảm cơ sở vật chất, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả huấn luyện. Trong diễn tập, phải tập trung giáo dục, rèn luyện bộ đội chấp hành nghiêm chỉnh  mệnh lệnh chiến đấu của người chỉ huy, các quy định của đơn vị, chú trọng rèn luyện cho bộ đội có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh trong mọi hoàn cảnh; nhất là, bảo đảm thông tin cho nhiệm vụ SSCĐ.

Quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, mà trực tiếp là của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật trong Binh chủng còn phải gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân uỷ Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác quản lý bộ đội, rèn luyện kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; trong đó, chú trọng làm chuyển biến về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của Binh chủng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá LÊ BÁ TẤN

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.