Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:42 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Sự cố hóa chất độc, phóng xạ là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiễm độc, nhiễm xạ môi trường, uy hiếp tính mạng, tài sản của nhân dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh chủng Hóa học đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ, bảo vệ môi trường.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Hóa học không chỉ là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn mà còn là lực lượng nòng cốt trong xử lý, khắc phục sự cố hóa chất độc, phóng xạ, bảo vệ môi trường. Những năm qua, Binh chủng đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo phóng xạ trên địa bàn cả nước; tổ chức điều tra, thu gom, xử lý khối lượng lớn chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; tham gia khắc phục nhiều sự cố hóa chất độc, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, v.v. Bên cạnh đó, Binh chủng có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp và phối hợp với các lực lượng có liên quan thực hiện tốt việc phân tích, kết luận, xử lý mẫu lạ; truy tìm, đánh giá mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ, hóa chất độc hại,… đề xuất biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước, được Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao.
Bộ đội Hóa học xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. (Ảnh: binhchunghoahoc.vn)
Hiện nay, nguy cơ rò rỉ, sự cố hóa chất độc, phóng xạ ngày càng gia tăng, do một số quốc gia trên thế giới tiếp tục duy trì, phát triển kho vũ khí hóa học, hạt nhân; chủ nghĩa khủng bố luôn tìm cách sở hữu loại vũ khí giết người hàng loạt này. Bên cạnh đó, việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguồn phóng xạ diễn ra phức tạp; hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, cơ sở hóa chất quy mô lớn của các quốc gia trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đối với Việt Nam, nhu cầu sử dụng hóa chất trong sản xuất ngày càng lớn. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất hóa chất vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Công tác quản lý hóa chất ở các cấp, các ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố. Mặt khác, hậu quả của bom mìn, vật liệu nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh vẫn đang hiện hữu,… đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân. Để ngăn ngừa, ứng phó có hiệu quả với sự cố hóa chất độc, phóng xạ, cần có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Bộ đội Hóa học cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố hoá chất độc, phóng xạ và thảm hoạ môi trường. Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo vệ môi trường, trọng tâm là Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 14-4-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định 26/2016/QĐ-TTg, ngày 01-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 689-NQ/QUTW, ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương “Về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Điều lệ Công tác bảo vệ môi trường trong Quân đội. Đồng thời, tăng cường quán triệt nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp nhận thức rõ nguy cơ tiềm ẩn, tác hại của sự cố hóa chất độc, phóng xạ và vai trò, trách nhiệm của bản thân. Về nhận thức, lực lượng hóa học các cấp phải xác định rõ ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, từ đó đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Để đạt hiệu quả cao, trong quá trình giáo dục, các cơ quan, đơn vị cần lồng ghép tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, tổ chức thông tin tình hình, nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, kết hợp với giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động cứu hộ, cứu nạn, v.v. Trên cơ sở đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần không quản nguy hiểm, hy sinh, quyết tâm khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh với tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, biểu hiện sa sút ý chí, ngại khó khăn, gian khổ.
2. Tích cực tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ môi trường trong Quân đội. Chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với sự cố hóa chất độc, phóng xạ là một nội dung quan trọng trong Chiến lược bảo vệ môi trường. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh chủng tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, lực lượng và địa phương nắm chắc tình hình, khảo sát, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố tại các cơ sở hóa chất, bức xạ trọng điểm; tham mưu, đề xuất biện pháp quản lý, phòng ngừa, ứng phó, nhất là những nơi có nguy cơ cao. Trước mắt, Binh chủng chủ trì xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý an toàn hóa chất, phóng xạ trên phạm vi cả nước, nhằm quản lý, kiểm soát các nguồn hóa chất, phóng xạ. Đồng thời, tham gia soạn thảo, trình phê duyệt các văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng trong phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra; tham mưu, đề xuất về tổ chức, xây dựng lực lượng hóa học chuyên trách, lực lượng hóa học tại chỗ và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ cho các địa phương, doanh nghiệp.
Hiện nay, trên đất nước ta còn một lượng lớn chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Đây là nguồn ô nhiễm hóa chất độc rất nguy hiểm. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, một mặt Binh chủng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc, lập bản đồ, khoanh vùng, cảnh báo. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý triệt để chất độc hóa học da cam/dioxin. Mặt khác, Binh chủng tiếp tục tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT-BQP, ngày 03-02-2017 của Bộ Quốc phòng về tổ chức thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý chất độc hóa học da cam/dioxin trong Quân đội; Chương trình “Nghiên cứu kỹ thuật, an toàn hạt nhân bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho Quân đội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Để chủ động phòng ngừa sự cố hóa chất độc, phóng xạ, Binh chủng chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động tới môi trường, quốc phòng, an ninh của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, dự án phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng và kiện toàn hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ trong Quân đội”; trong đó, chú trọng đầu tư hiện đại hóa trang, thiết bị các trạm quan trắc môi trường ở cả 3 khu vực, nhất là các trạm quan trắc ở khu vực miền Bắc.
3. Chủ động xây dựng, hoàn thiện kế hoạch ứng phó sự cố sát thực tiễn; tăng cường huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ, khả năng ứng phó các sự cố hoá học, sinh học, phóng xạ và thảm hoạ môi trường cho lực lượng hóa học các cấp. Sự cố hóa chất độc, phóng xạ khi xảy ra sẽ lây lan rất nhanh, nếu xử lý không kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý sự cố, Binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ sở hóa chất để khảo sát, nắm tình hình, nghiên cứu, dự kiến các tình huống có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện cho phù hợp, theo phương châm “4 tại chỗ”1 và tư tưởng chỉ đạo “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả”. Trong đó, ưu tiên các hoạt động cứu người bị nạn, ngăn chặn, hạn chế hóa chất độc rò rỉ, phát tán ra môi trường, bảo vệ các khu vực quan trọng và làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng cũng như việc huy động, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị.
Song song với đó, Binh chủng yêu cầu các đơn vị tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các phương án, tình huống, nhằm nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành và khả năng cơ động ứng phó sự cố, nhất là đối với các phân đội hóa học, xác định đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định khả năng ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện, giáo dục - đào tạo phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị hiện có; đồng thời, rèn luyện cho bộ đội có ý thức tổ chức kỷ luật cao, khả năng cơ động nhanh, chịu đựng gian khổ, nguy hiểm; làm chủ, khai thác có hiệu quả các trang thiết bị, phương tiện hiện có, nhất là trang bị, phương tiện hiện đại.
4. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ. Cùng với tích cực củng cố, xây dựng lực lượng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của lực lượng hóa học các cấp, Binh chủng chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chuyên ngành. Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tổ chức, chỉ huy, điều hành, phương pháp cứu hộ, cứu nạn, xử lý sự cố; giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường do các loại hóa chất đặc thù quân sự hết hạn sử dụng; giải pháp xử lý môi trường sau sự cố cháy, nổ hóa chất và các phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, Binh chủng tiếp tục đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường, kết hợp đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, trạm quan trắc, xưởng thực nghiệm, nhất là các phòng thí nghiệm phân tích chất độc quân sự, phòng thí nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học da cam/dioxin.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, Binh chủng tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các tổ chức quốc tế, cả về vật chất, trang bị cũng như kinh nghiệm tổ chức lực lượng, chỉ huy, huấn luyện, diễn tập. Trong đó, chú trọng hợp tác về dự báo, cảnh báo, sử dụng trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn; cơ chế phối hợp hành động; tăng cường tiềm lực bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ quốc gia; tích cực tham gia diễn tập, tập huấn tìm kiếm, cứu nạn với các nước trong khu vực để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, khả năng ứng phó, xử lý các tình huống, góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ, bảo vệ môi trường, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng
_______________
1 - 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Binh chủng Hóa học,ứng phó chất độc,phóng xạ
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng