Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:41 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Ngày 09-7-2013, tại cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Nghệ An và cửa khẩu Nậm On, tỉnh Bô-ly-khăm-xay, hai nước Việt Nam và Lào đã tuyên bố hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với nhân dân hai nước, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào nói chung, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển nói riêng.
Biên giới Việt Nam - Lào được hình thành trong quá trình lịch sử, gắn với đặc điểm địa hình tự nhiên, mà chủ yếu lấy đỉnh các dãy núi cao giữa hai nước làm ranh giới. Phía Bắc từ A Pa Chải trở xuống là dãy núi Pu Xảm Sẩu; phía Nam từ Thanh Hoá trở vào là dãy núi Trường Sơn, với địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Thời Pháp thuộc, biên giới giữa hai nước được xác định bằng các nghị định của Toàn quyền Đông Dương và được thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương. Trước năm 1975, do chiến tranh kéo dài, nên đường biên giới giữa hai nước chưa được xác định rõ ràng bằng các văn bản pháp lý và hệ thống mốc giới trên thực địa.
Ngay sau ngày Việt Nam thống nhất và Cách mạng Lào giành thắng lợi, mặc dù còn thiếu thốn trăm bề nhưng lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác biên giới, lãnh thổ nhằm không ngừng tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Ngày 18-7-1977, trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai bên đã ký Hiệp ước Hoạch định biên giới Việt Nam - Lào, tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Theo đó, trong giai đoạn 1978 - 1987, hai bên đã triển khai cắm 214 cột mốc tương ứng với 199 vị trí mốc, hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc quốc giới trên thực địa và giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan, như: chuyển giao đất, bàn giao dân và tài sản giữa hai bên... Kết quả đó đã được hai bên ghi nhận tại Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới (năm 1986); Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới (năm 1987). Trên nền tảng đó, hai bên cũng đã ký Hiệp định về Quy chế biên giới (năm 1990) và Nghị định thư bổ sung Hiệp định về Quy chế biên giới (năm 1997), nhằm hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho việc hợp tác quản lý đường biên giới; phối hợp triển khai và hoàn thành bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 bằng công nghệ kỹ thuật số, chính xác, hiện đại, góp phần giải quyết các sai lệch về đường biên, mốc giới và các đoạn biên giới còn tồn đọng trước đây. Năm 2007, hai bên đã phối hợp với Cam-pu-chia hoàn thành việc cắm mốc tại điểm ngã ba biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia – Lào. Bằng sự nỗ lực cao độ của cả hai bên, trong giai đoạn này, vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước đã được giải quyết cơ bản, phù hợp với luật pháp, thực tiễn quốc tế và thực trạng đường biên giới giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tuy nhiên, với đường biên giới dài 2.067 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam và Lào1, nhưng do chỉ có 199 mốc giới (bình quân trên 10 km mới có một mốc, thậm chí có nơi khoảng cách giữa hai mốc liền kề lên tới 40 km), nên khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ của các lực lượng. Hệ thống mốc được thiết kế và xây dựng lúc bấy giờ chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu ở khu vực biên giới, như: kích thước nhỏ, chất lượng chưa cao, lại được xây dựng trong giai đoạn hai nước còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, sau hơn 20 năm xây dựng, hầu hết các mốc đều xuống cấp và hư hỏng, có mốc đã phải sửa đi sửa lại nhiều lần, gây tốn kém nhưng chưa bảo đảm sự ổn định. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và mở rộng giao lưu giữa hai bên biên giới, hai nước đã mở và nâng cấp nhiều cửa khẩu cùng các công trình xây dựng mới khang trang, hiện đại. Nhiều khu vực dân cư ở biên giới phát triển mạnh nên hệ thống mốc cũ không còn phù hợp, không tương xứng với ý nghĩa là mốc quốc giới, nhất là ở các khu vực cửa khẩu, nơi đông dân cư, nhiều người qua lại.
Xuất phát từ thực tế đó nhằm tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất: trên cở sở kế thừa kết quả công tác phân giới cắm mốc trên thực địa trước đây, hai bên cùng nhau phối hợp thực hiện Dự án “Tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào” và lấy đó là một trong những nội dung hợp tác trọng yếu giữa hai nước. Đây là công trình cực kỳ quan trọng của hai nước nhằm xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại; có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, KT-XH, quốc phòng – an ninh (QP-AN) và đối ngoại, vừa đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, vừa tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Để thực hiện quyết tâm đó, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, trao đổi với phía Lào để thống nhất xây dựng Kế hoạch tổng thể của Dự án. Sau 4 năm tích cực chuẩn bị, với sự hợp tác chặt chẽ của Bạn, hai bên đã thống nhất: tăng dày hệ thống mốc ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường biên giới; tôn tạo hệ thống mốc hiện có và mốc tại các cửa khẩu bảo đảm kiên cố, vững chắc, khang trang, hiện đại; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào.
Công tác cắm mốc quốc giới là công tác tổng hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều lực lượng từ trung ương đến địa phương; là công tác kết hợp cả đơn phương lẫn song phương, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong từng khâu, từng bước giữa các lực lượng của ta và Bạn. Để hoàn thành tiến độ Dự án theo Kế hoạch đề ra, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào; các ban chỉ đạo tại các địa phương có chung đường biên giới và các đội chuyên trách cắm mốc của hai nước2. Về phía Việt Nam, ngày 30-01-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 137/QĐ-TTg về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, với thời gian thực hiện từ năm 2008 đến năm 2014. Trên cơ sở đó, các lực lượng, các địa phương có chung đường biên giới đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan của hai nước chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới tại thực địa. Ngày 05-9-2008, tại cửa khẩu Lao Bảo - Đen-xa-vẳn, hai bên đã long trọng tổ chức khánh thành mốc đôi 605 – cột mốc đầu tiên, chính thức khởi động công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới giữa hai nước. Phát huy kết quả ban đầu, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ cắm mốc trên từng địa bàn; tổ chức nhiều cuộc khảo sát đơn phương, song phương để xác định vị trí mốc. Các lực lượng cắm mốc đã nỗ lực cao độ, hiệp đồng chặt chẽ và có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cắm mốc, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào đúng như thoả thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thực tiễn cho thấy, để hoàn thành một mốc, các lực lượng cắm mốc của hai bên phải thực hiện đủ quy trình 08 bước: rà phá bom mìn, khảo sát đơn phương và song phương để xác định vị trí mốc, mở đường công vụ, vận chuyển nguyên vật liệu và thân mốc, xây dựng, đo đạc số liệu, nghiệm thu, bàn giao. Trong khi đó, khu vực biên giới Việt Nam - Lào có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, hầu hết là núi cao, vực sâu, chưa có đường qua lại; thời tiết lại khắc nghiệt, mưa, nắng thất thường; nhiều mốc giới muốn xây dựng được phải mở hàng chục ki-lô-mét đường công vụ để vận chuyển nguyên vật liệu và thân mốc. Riêng đối với các mốc ở địa hình núi cao, hiểm trở, lực lượng cắm mốc của hai nước phải hành quân bộ cả chục ngày đường, vượt hàng chục ki-lô-mét đường núi cheo leo, vách đứng để tiếp cận vị trí mốc… Các địa bàn cắm mốc chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn nên rất khó huy động, tận dụng phương tiện, trang bị kỹ thuật và nhân lực tại chỗ. Bên cạnh đó, các đối tượng phản động lưu vong trên đất Lào thường xuyên tung tin đe dọa; kích động các phần tử xấu cản trở công việc; gây nguy hại cho lực lượng cắm mốc và trên thực tế đã có một số cán bộ, chiến sĩ của ta và Bạn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Một khó khăn lớn nảy sinh trong quá trình thực hiện Dự án là hàng chục vị trí mốc bị sai lệch giữa các tài liệu pháp lý, bản đồ, sơ đồ đính kèm và địa hình trên thực địa. Để xử lý việc này, hai bên đã tốn nhiều thời gian, công sức, cử hàng chục đoàn đi khảo sát thực địa để làm cơ sở trao đổi, đàm phán, thống nhất phương án xử lý trên nguyên tắc, quy định về pháp lý - kỹ thuật do hai bên thống nhất thoả thuận, nhằm xác định chính xác đường biên giới trên thực địa. Do vậy, nếu không có quyết tâm cao, lường hết những khó khăn, thử thách để xây dựng kế hoạch và biện pháp hợp lý thì các lực lượng cắm mốc khó có thể hoàn thành tiến độ đề ra.
Với nỗ lực phấn đấu của Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới hai nước, của các bộ, ngành và địa phương hai bên, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác cắm mốc trên thực địa, sau hơn 5 năm triển khai, hai nước Việt Nam và Lào đã chính thức hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa với tổng số 792 vị trí tương ứng 834 cột mốc và cắm bổ sung hơn 20 cọc dấu. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành toàn bộ Dự án “Tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào” vào năm 2014; đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, cho hợp tác đầu tư, phát triển thương mại và giao lưu kinh tế, văn hoá, du lịch của nhân dân vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Sự kiện này còn thể hiện sự nhất trí cao, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, vì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Trong thời gian tới, trên nền tảng của công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý, như: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu Việt Nam – Lào nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý biên giới trong tình hình mới. Trong đó, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường QP-AN khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy mối quan hệ chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới.
Dự án Tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là một công trình quan trọng, có ý nghĩa về chính trị, KT-XH, QP-AN và đối ngoại của hai quốc gia; là công việc nhạy cảm liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc; là vấn đề vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài; là công tác tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, lực lượng từ trung ương đến địa phương hai nước; được triển khai trong một thời gian dài tại khu vực biên giới - nơi có kết cấu hạ tầng KT-XH khó khăn. Do đó, việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa vừa qua là thắng lợi của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt; thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước.
NGUYỄN ANH DŨNG
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia __________________ 1 - 10 tỉnh của Việt Nam: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; 10 tỉnh của Lào: Phông-xa-lì, Luông-pha-băng, Hủa Phăn, Bô-ly-khăm-xay, Khăm Muộn, Xa-vẳn-na-khệt, Xả-lạ-văn, Xiêng Khoảng, Xê Công và Át-ta-pư.
2 - Việt Nam tổ chức 13 đội , Lào tổ chức 12 đội.
Biên giới,Việt Nam – Lào
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng