Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 08/12/2014, 21:38 (GMT+7)
Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân công tác của Đảng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ khi ra đời đến nay, đã lập nên những chiến công oanh liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Quân đội ta đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, xứng đáng là “đội quân công tác” của Đảng.

Bộ đội Lữ đoàn 82 (Quân khu 2) làm công tác dân vận.
(Nguồn: qdnd.vn)

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn dựa vào dân, sát cánh cùng nhân dân thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong các giai đoạn cách mạng của Đảng. Bởi vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Quân đội luôn nhận được sự giúp đỡ của nhân dân để tạo nên nguồn sức mạnh to lớn đánh thắng kẻ thù xâm lược; thực sự là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xứng danh với tên gọi trìu mến, thân thương “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Để thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, các đơn vị Quân đội đã thường xuyên bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc điểm, tình hình và các quy định của địa phương, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội làm cơ sở để xác định nội dung, hình thức công tác Dân vận (CTDV), nhất là trên những địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng dân tộc, tôn giáo. Thông qua thực tiễn bám nắm cơ sở, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Quân đội đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”, thực hiện đúng phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo được niềm tin trong nhân dân, phát huy sức dân để hoàn thành nhiệm vụ. Với tinh thần tích cực, chủ động, 70 năm qua, CTDV trong Quân đội đã có bước đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, cách làm, nên đã đạt được những kết quả quan trọng2. Hoạt động của hệ thống “Chiến sĩ dân vận”, “Tổ CTDV”; kết nghĩa; huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV; các chương trình phối hợp; cử cán bộ tăng cường cơ sở các xã biên giới của Bộ đội Biên phòng và CTDV của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng; Chương trình quân - dân y kết hợp… đã từng bước đi vào nền nếp, có hiệu quả tốt. Trước yêu cầu phát triển của các vùng chiến lược, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã kịp thời quyết định thành lập và chỉ đạo tổ chức hoạt động của các đội công tác tăng cường cơ sở trên các địa bàn trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Quân khu 4 (Đội công tác 123); thể hiện vai trò nòng cốt góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Kết quả nổi bật trong thời gian qua là: CTDV của Quân đội đã góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời đã chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, tình đoàn kết các dân tộc, tình hữu nghị với các nước. Mặt khác, đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn và chính sách dân tộc, tôn giáo trong Quân đội, v.v. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, hậu phương chiến lược vững chắc trong thế phòng thủ chung của cả nước. Thông qua thực tiễn hoạt động, CTDV đã trở thành một trong những phương thức chủ yếu để tăng cường mối quan hệ gắn kết chiến lược giữa Đảng, nhân dân và Quân đội; là điều kiện để giáo dục, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho CB,CS Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, ở một số đơn vị việc thực hiện chức năng “đội quân công tác” chưa thực sự rõ nét; việc tham mưu, đề xuất phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành CTDV, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, biên giới có lúc chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, các lực lượng trong giải quyết các vụ việc phức tạp hiệu quả chưa cao, chưa tạo sức mạnh tổng hợp trong tiến hành CTDV; phương thức hoạt động của đội công tác chưa mang tính đột phá, có thời điểm còn thiếu tính chủ động, chưa phù hợp với đối tượng và loại hình đơn vị, v.v.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới với không ít khó khăn, phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, chia rẽ sự đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân với Đảng, nhân dân với Quân đội; tình trạng tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi, v.v. Tình hình đó, đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, là những cản trở không nhỏ chi phối đến việc thực hiện chức năng “đội quân công tác” của Đảng trong Quân đội.

Từ kinh nghiệm thực hiện chức năng “đội quân công tác” 70 năm qua vận dụng vào tình hình hiện nay cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, toàn quân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho CB,CS về vị trí, vai trò “đội quân công tác” trong tình hình mới. Trước hết, cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt CTDV chính là biện pháp quan trọng để Quân đội ta hoàn thành chức năng “đội quân công tác” của Đảng và là cơ sở để tăng cường đoàn kết quân - dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, Quân đội. Bởi vậy, các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTDV trong tình hình mới; làm rõ mục đích, yêu cầu, quan điểm, nhiệm vụ đối với mặt công tác quan trọng này. Từ đó, đề cao trách nhiệm của mọi CB,CS trong tổ chức thực hiện; vận dụng cụ thể vào từng công việc, trên từng lĩnh vực, địa bàn, xây dựng mô hình dân vận phù hợp, hiệu quả. Việc làm này phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, phương tiện, nhất là hệ thống thông tin đại chúng; gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với đẩy mạnh hoạt động thực tiễn; nâng cao hiệu quả CTDV với khắc phục kịp thời tư tưởng lệch lạc, vi phạm kỷ luật dân vận, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Đồng thời, xây dựng lề lối, tác phong khoa học, bám sát cơ sở, địa bàn; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị, gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Các đơn vị cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, với tinh thần “ở đâu có bộ đội, ở đó có CTDV”; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội của dân” trong giai đoạn mới.

Trước tác động của tình hình kinh tế - xã hội đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân, làm phân tâm đến các tầng lớp xã hội, thay đổi nếp sống ở các vùng, miền, nên CTDV cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa  hình thức cho phù hợp với từng địa bàn và từng loại hình đơn vị. Từ thực tiễn tiến hành CTDV, cần tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định mô hình sáng tạo, hiệu quả để phát huy; đồng thời, bám sát sự phát triển của tình hình trên các địa bàn để xác định mô hình, nội dung, biện pháp phù hợp. Trên cơ sở đó và căn cứ vào yêu cầu của CTDV hiện nay, các đơn vị cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động kết nghĩa, huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của “Tổ CTDV’; phát huy vai trò của dân quân tự vệ làm CTDV, các tổ, đội công tác liên ngành ở các địa bàn và cán bộ tăng cường cơ sở, nhất là các đồng chí tham gia cấp ủy, chính quyền và Hội đồng nhân dân các cấp. Các đơn vị phải thường xuyên bám sát tình hình địa bàn, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, chủ động tham mưu, đề xuất, hướng hoạt động CTDV về cơ sở; tích cực nghiên cứu, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các hoạt động bổ ích cho nhân dân trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các vụ việc và các hủ tục, tệ nạn, không để tồn đọng kéo dài. Thông qua hoạt động thực tiễn, cần phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong tiến hành CTDV để nhân rộng cho các đơn vị và mọi CB,CS học tập, noi theo.

Một trong những nhân tố quyết định để việc thực hiện chức năng “đội quân công tác” mang lại hiệu quả thiết thực là phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp. Theo đó, các cơ quan, đơn vị phải coi CTDV là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, gắn kết quả CTDV với hoạt động của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và các tổ chức, lực lượng; khắc phục những nhận thức lệch lạc, coi CTDV là việc của cơ quan chính trị và cán bộ dân vận chuyên trách. Để làm được điều đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới”; coi đây là cơ sở để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để đổi mới CTDV cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong việc tham mưu, chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng trên địa bàn trong thực hiện CTDV. Ngoài ra, các đơn vị cần tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan dân vận theo Quy chế CTDV trong Quân đội; tập trung xây dựng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân vận và đội ngũ cán bộ dân vận các cấp, bảo đảm thực hiện tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động CTDV và thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở.

Để cho dân tin, dân yêu, dân làm theo và giúp đỡ bộ đội, các đơn vị cần giáo dục cho CB,CS làm CTDV phải thực sự là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lối sống trong sạch, giản dị, phong cách quần chúng, gần cơ sở. Bên cạnh sự giáo dục, rèn luyện của tổ chức, mỗi người phải tự giác ghép mình vào các quy định, kỷ luật của đơn vị; tích cực khắc phục khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là học tập Bác ở phong cách quần chúng. Trong quá trình làm CTDV, mọi CB,CS phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của địa phương, kỷ luật Quân đội và kỷ luật trong quan hệ với nhân dân; nói đi đôi với làm, luôn có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhân dân, chia ngọt sẻ bùi trước những khó khăn, vất vả của nhân dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, CB,CS Quân đội phải luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, từ lời nói đến hành động phải thể hiện sự khiêm tốn, lễ phép trước nhân dân; khắc phục mọi biểu hiện vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân.

Thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” là bản chất, truyền thống của Quân đội ta, làm thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, tô thắm thêm phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội của dân”. Đó là nhân tố quan trọng để Quân đội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đại tá NGÔ VĂN BÍCH, Cục trưởng Cục Dân vận
____________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 234.

2 - Tổng kết 10 năm hoạt động công tác dân vận (2003 - 2013), toàn quân đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương được 44.230 lượt xã, phường; tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương 1.261 lượt cán bộ; đào tạo được hơn 1.000 y tá, y sĩ thôn bản; củng cố được 1.553 trạm y tế xã; khám, chữa bệnh cho hơn 4,3 triệu lượt người; mở 234 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho 2.370 học sinh; xây dựng 3.730 Nhà Đại đoàn kết, Nhà Đồng đội trị giá hơn 200 tỷ đồng; tham gia giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn với 2.700.000 ngày công, di dời 275.600 người dân và 39.350 phương tiện.

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Dân quân tự vệ trong 90 năm qua. Mong rằng, trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;...