Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 12/12/2013, 22:21 (GMT+7)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – nhà chiến lược quân sự tài ba

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, tiêu biểu cho tinh thần kiên quyết tiến công. Trải qua nhiều cương vị, trong những bước ngoặt của cách mạng, Đồng chí luôn thể hiện tài năng của một nhà hoạt động chính trị, quân sự xuất chúng của Đảng; nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên trái) giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào Chiến trường miền Nam (năm 1964) Ảnh tư liệu.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo của tỉnh Thừa Thiên, với lòng yêu nước cháy bỏng, được Đảng soi đường, Nguyễn Chí Thanh đã sớm bộc lộ tài năng và có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên, trước tình thế cách mạng hết sức cam go, Đồng chí đã đề ra chủ trương kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển chiến tranh du kích để xoay chuyển tình thế. Nhờ đó, mặt trận Bình - Trị - Thiên đã trở thành lũy thép, phá tan âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh của địch. Khi được điều vào Quân đội, với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đồng chí đã cùng với Tổng Quân ủy tạo bước ngoặt trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc chủ trì xây dựng, tổng kết, phát triển công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống tổ chức đảng, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm nòng cốt trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và đứng vững trước mọi biến động chính trị phức tạp. Năm 1960, được Đảng phân công phụ trách nông nghiệp - mặt trận hàng đầu của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đồng chí đã trực tiếp với đời sống và sự đói no của hàng chục triệu con người để chỉ đạo sản xuất. Liền đó, các chỉ thị về khai hoang, phục hóa; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với từng địa bàn cùng những chính sách phân phối, lưu thông mới được ban hành. Các phong trào thi đua với “gió Đại Phong” diễn ra sôi động làm chuyển biến nền nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân.

Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đồng chí được Đảng điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục lãnh đạo cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên tiền tuyến lớn. Kể từ đây, tài năng quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thực sự được bộc lộ và phát huy, góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam, tạo tiền đề đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đồng chí đã có cống hiến xuất sắc trên nhiều mặt; trong đó, vai trò của nhà chiến lược quân sự là nét nổi bật, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Một là, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà tư duy chiến lược quân sự xuất sắc. Với cương vị Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sớm nhận ra sức mạnh của chiến tranh nhân dân (CTND) và vai trò của bộ đội chủ lực trong chiến tranh cách mạng. Vì thế, cùng với việc phát huy những kinh nghiệm đấu tranh phong phú: chính trị, vũ trang, hai chân, ba mũi, ba vùng chiến lược của quân và dân miền Nam, Đồng chí chủ trương xây dựng những “quả đấm” chủ lực của Quân giải phóng miền Nam. Thực tế chiến trường đã chứng minh, những trận đánh tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực ở Ba Gia, Đồng Xoài, Bình Giã,… đã đóng vai trò quyết định làm sụp đổ hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Điều đáng nói là, ngay khi địch còn đang mạnh, “chiến tranh đặc biệt” chưa kết thúc, nhưng với tầm nhìn và tư duy chiến lược nhạy bén, Đồng chí đã dự đoán chính xác bước thay đổi chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ” của địch (đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam); từ đó, chủ động chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, bố trí chiến trường và xác định phương châm tác chiến để đối phó với quân Mỹ. Phát kiến này của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Bộ Chính trị đánh giá cao và ra quyết sách mới.

Từ giữa năm 1965, khi quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, cả thế giới nín thở lo lắng cho chúng ta, không ít cán bộ, chiến sĩ còn băn khoăn: liệu có đánh thắng được Mỹ không và thắng bằng cách nào? Tiếp tục tiến công hay quay về phòng ngự,… Chính trong lúc tương quan lực lượng tưởng như nghiêng hẳn về phía địch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bằng một tinh thần tiến công kiên quyết, trên cơ sở hoạt động thực tiễn phong phú và sự phân tích biện chứng, khoa học đã đánh giá đúng mạnh, yếu của địch. Đồng chí khẳng định, Mỹ vì thua mà phải đưa quân ồ ạt vào miền Nam, nhiều cái phải làm lại từ đầu; phải lặn lội từ ngàn dặm tới, lạ nước lạ cái, tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tuy chúng hùng hổ, phô trương sức mạnh, nhưng vào trong thế thua, nên ngay khi vào đã phải bị động đối phó, bộc lộ nhiều chỗ yếu, thành ra mạnh mà hóa yếu, yếu một thành yếu mười. Trong khi đó, chúng ta có đường lối chiến tranh đúng đắn, sáng tạo; nhân dân ta giàu truyền thống cách mạng, đồng lòng vùng lên đánh Mỹ, tiến hành chiến tranh chính nghĩa nên ta nhất định thắng. Đây là sự đánh giá về địch, về ta rất đúng, rất độc đáo của Đồng chí và đó cũng là cứ liệu quan trọng để Bộ Chính trị hạ quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” - chiến lược trọng yếu, khốc liệt nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Hai là, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – nhà chỉ đạo thực hành chiến lược quân sự sắc bén trên chiến trường. Mục đích của địch trong Chiến lược “chiến tranh cục bộ” là sử dụng quân viễn chinh Mỹ để cứu nguy cho quân ngụy; thực hiện chiến lược hai “gọng kìm”: tìm diệt và bình định, hòng giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường miền Nam. Phán đoán đúng ý đồ của địch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục kịp thời chỉ đạo các chiến trường điều chỉnh thế bố trí chiến lược, chuẩn bị lực lượng và vận dụng phương châm tác chiến phù hợp. Trước hết, phải kiên quyết tư tưởng tiến công, tranh thủ thời gian, tập trung lực lượng để chủ động đánh trước, làm cho địch lâm vào thế bị động từ đầu. Đây là sự chỉ đạo vừa phù hợp với tư tưởng cơ bản của chiến lược cách mạng là tiến công, vừa phản ánh đúng tình hình thực tế về cục diện trên chiến trường: ta đang thắng, địch đang thua, ta chủ động, địch bị động. Các trận đầu thắng quân Mỹ giòn giã tại Núi Thành, Vạn Tường, Nhà Đỏ - Bông Trang,… làm cho địch choáng váng, bất ngờ đã cho thấy sự chỉ đạo đó là kịp thời, đúng đắn và táo bạo. Tuy nhiên, đó mới là keo đầu, để đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” phải đánh tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại các biện pháp chiến dịch, chiến thuật của địch, đánh liên tục, làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề, không gượng dậy được. Trên cơ sở thực tế chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo các đơn vị trong tác chiến phải nhằm đúng đối tượng; chọn hướng tiến công chính xác, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo; phối hợp chặt chẽ các chiến trường, ba thứ quân, kết hợp cả đánh du kích và đánh tập trung. Đồng chí yêu cầu, cùng một lúc phải căng địch ra mà đánh, buộc địch phải phân tán cao độ; từ đó, nắm thời cơ, chủ động hình thành những “nắm đấm” hợp lý để thực hiện những đòn đánh tiêu diệt gọn. Trong chỉ đạo chiến lược, Đồng chí thường nêu lên cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tập trung suy nghĩ: “Đối với Mỹ ngoài việc đánh chắc, làm thế nào để giành một cái bất ngờ mà Mỹ không thể biết được. Làm thế nào trong một hoàn cảnh về vật chất, về phương tiện có khó khăn để đối phó với âm mưu chiến lược của chúng lại tạo một bước tiến nhảy vọt về xây dựng lực lượng mà địch không ngờ tới”1 để ta càng đánh càng mạnh, bảo đảm đọ sức với chúng lâu dài. Thực tiễn cho thấy, phương châm: đánh gần, đánh chắc, “nắm thắt lưng địch mà đánh” cùng các chiến thắng điển hình, như: Plâyme, Đồng Dương, Bắc Quảng Ngãi,… là biểu hiện mẫu mực về tính hiệu quả trong chỉ đạo chiến lược của Đồng chí. Cùng với đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn chú trọng chỉ đạo phát triển lối đánh Mỹ tại các vành đai du kích, “vành đai diệt Mỹ”, đánh hậu cần, hậu cứ và đánh trên cả ba vùng chiến lược. Chính sự kết hợp chặt chẽ, linh hoạt các phương thức tác chiến này đã khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, cơ động của địch, buộc chúng phải căng ra đối phó, đánh theo cách đánh của ta và chuốc lấy thất bại nặng nề.

Ba là, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có đóng góp quan trọng về phát triển lý luận CTND trong chiến tranh cách mạng. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nhất là sau khi mặt trận Huế bị vỡ, Đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Thừa Thiên đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, củng cố, xây dựng lại cơ sở, đưa cán bộ, đảng viên trở về địa phương hoạt động để nắm dân và phát huy phong trào quần chúng. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng ta thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, tư tưởng về CTND tiếp tục có bước phát triển mới khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ thực tế chiến trường, Đồng chí đã khái quát, tổng kết và cụ thể hóa lý luận về CTND với nhiều nội dung phong phú, sáng tạo và có giá trị thực tiễn cao. Đó là, trên cơ sở phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, phải làm cho cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam ngày càng có tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc, bền bỉ và có tính tổ chức, kỷ luật cao. Kết hợp chặt chẽ xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân với xây dựng lực lượng cách mạng của quần chúng; trong đó, coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân - lực lượng nòng cốt của CTND vững mạnh về mọi mặt. Coi trọng nhân tố con người, dựa vào tinh thần cán bộ, chiến sĩ và lấy đó là yếu tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh và trên chiến trường. Chú trọng củng cố và mở rộng hậu phương chiến tranh, củng cố vùng giải phóng cả về chính trị, quân sự và kinh tế,… Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn (từ năm 1965 đến năm 1967), phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đã phát triển mạnh mẽ, mang tính cách mạng triệt để, được quần chúng tự nguyện, tự giác thực hiện với tinh thần cách mạng hăng say và một lòng tin tuyệt đối, vững chắc vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng. Cũng nhờ đó, chúng ta đã phát triển hình thái chiến tranh cài răng lược trên phạm vi rộng lớn, tạo thành thế bao vây, chia cắt chiến lược, đánh bại các cuộc phản công quy mô lớn vào hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch, góp phần quan trọng làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam. 

Với 54 tuổi đời, 37 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu tấm gương sáng về ý chí kiên cường, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ghi nhận công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng cùng những cống hiến lớn lao và phẩm chất cao đẹp của Đồng chí mãi mãi in đậm trong tâm thức của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng
_______________________

1 - Viện LSQS Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – nhà chính trị - quân sự lỗi lạc, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 136.

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Dân quân tự vệ trong 90 năm qua. Mong rằng, trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;...