Thứ Sáu, 22/11/2024, 12:00 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của chiến trường miền Nam, ngày 13-4-1966, Đoàn huấn luyện trinh sát Đặc công - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân ngày nay được thành lập. Đây là lực lượng Đặc công nước, đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đơn vị đã liên tục chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị 1966 - 1973), với trên 300 trận, đánh chìm 339 tàu, đánh hỏng 33 tàu các loại của địch, phá hủy hàng chục vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, tiêu diệt hàng ngàn sinh lực địch, v.v. Đồng thời, huấn luyện hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ Đặc công nước, chi viện cho chiến trường sông, biển miền Nam; tham gia chiến dịch chống phong tỏa thủy lôi trên sông, biển miền Bắc (1972); Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp giải phóng Quần đảo Trường Sa (1975). Tiếp đó, đơn vị đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng (1979). Cùng với các lực lượng khác, Lữ đoàn đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong huấn luyện và chiến đấu, Lữ đoàn đã được Nhà nước 2 lần tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1969 và 1971), 4 tập thể và 12 cá nhân của Lữ đoàn được tuyên dương Anh hùng (riêng Đội 1 được tuyên dương 3 lần). Những danh hiệu cao quý đó càng tô thắm truyền thống: “Anh dũng, mưu trí; khắc phục khó khăn; đoàn kết lập công; chiến thắng liên tục” của Đoàn, đồng thời là nguồn động viên to lớn cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Luyện tập chiến đấu đổ bộ đường không chống khủng bố
Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Lữ đoàn có sự phát triển mới, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh cùng các mục tiêu trọng yếu về kinh tế, quốc phòng - an ninh,… trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, vừa sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Lữ đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, công tác huấn luyện lực lượng đặc biệt tinh nhuệ luôn được coi trọng và rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Trước hết, cùng với thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị các mặt, cả về con người và cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện. Đây là một trong những nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả huấn luyện của Lữ đoàn. Đặc biệt, trong bối cảnh đối tượng huấn luyện của Lữ đoàn rất đa dạng, ở nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác nhau, với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trải rộng trên các vùng biển của Tổ quốc, thì nội dung này lại càng có ý nghĩa quan trọng. Hằng năm, trước khi bước vào giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sắp xếp lại tổ chức biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nhất là đối với các khung huấn luyện về kỹ thuật chuyên sâu; đồng thời, làm tốt việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện (tháng, quý, giai đoạn) sát với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, đối tượng huấn luyện, bảo đảm chính quy, thống nhất, khoa học. Các chế độ kiểm tra, phê duyệt hệ thống kế hoạch, giáo án, bài giảng kỹ thuật, chiến thuật binh chủng ở các chuyên ngành (đặc công nước, đặc công nhái, đặc nhiệm chống khủng bố) ở các đơn vị được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ huấn luyện cho từng chuyên ngành được các đơn vị chú trọng, đã làm mới nhiều học cụ, hỏa cụ có giá trị, đáp ứng yêu cầu huấn luyện. Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn được cấp trên đầu tư củng cố, xây dựng mới hệ thống thao trường, bãi tập kỹ thuật, chiến thuật theo hướng hiện đại, sát với yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của từng lực lượng. Ngoài ra, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với các vùng Hải quân (1, 2, 4) nghiên cứu thực địa các khu vực đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, DK1, Trường Sa,… để tổ chức huấn luyện dã ngoại cho bộ đội, nhằm nâng cao khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên biển. Đến nay, cùng với các thao trường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, Lữ đoàn đã hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng hệ thống thao trường chuyên dụng, hiện đại, như: thao trường bắn đặc chủng chống khủng bố, đánh chiếm nhà giàn, cầu cảng, bể bơi chuyên dụng rèn luyện thể lực, v.v. Trong đó, thao trường huấn luyện đánh chiếm đảo trên một hướng được Lữ đoàn xây dựng từ địa hình có thật, với đầy đủ hệ thống lô cốt, hào giao thông, hầm ngầm, kè chắn sóng (cao 3m) kiên cố, cùng nhiều thiết bị khác, bảo đảm đưa người học vào sát thực tiễn chiến đấu, góp phần phục vụ tốt yêu cầu huấn luyện của đơn vị.
Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp được Lữ đoàn thường xuyên chăm lo và xác định đó là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Trên cơ sở hệ thống kế hoạch huấn luyện được phê duyệt theo phân cấp, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan tác huấn xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp cả về nội dung và phương pháp tổ chức huấn luyện; trong đó, tập trung vào các nội dung còn yếu, chưa thống nhất và những nội dung mới. Đối với cán bộ cấp đội đặc công trở lên, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng về âm mưu, thủ đoạn, phương tiện, trang bị của đối tượng tác chiến; các kiến thức về quân sự, kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị, năng lực chỉ huy, tham mưu - tác chiến và tổ chức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành đặc công, v.v. Đối với cán bộ các cấp mũi, tổ đặc công, cán bộ mới ra trường, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng năng lực thực hành, bảo đảm kỹ năng điêu luyện, khả năng làm mẫu, sửa tập thuần thục, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, chuyên ngành, võ thuật,… trọng tâm là các chuyên ngành: đặc công nước, đặc công nhái và đặc nhiệm chống khủng bố.
Bên cạnh đó, chỉ huy Lữ đoàn và cơ quan còn duy trì nghiêm chế độ luyện tập, diễn tập chỉ huy - cơ quan xử lý tình huống trên bản đồ, có một phần thực binh, theo các phương án A, A2, BM, CV. Qua đó, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực tham mưu - tác chiến và khả năng quyết đoán, sáng tạo trong xử lý tình huống của cán bộ các cấp. Từ năm 2011 đến nay, Lữ đoàn đã tổ chức được hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng với trên 920 lượt cán bộ tham gia; kết quả 100% đạt yêu cầu; trong đó có 76% - 78% đạt khá và giỏi.
Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ được giao và sự phát triển về cách đánh, nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Đặc công nói chung, trên môi trường sông biển nói riêng, Lữ đoàn tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành và chuyên sâu cho từng lực lượng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và lấy đó làm cơ sở, động lực để nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Lữ đoàn. Trên cơ sở tiếp tục bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu cùng các khâu đột phá về huấn luyện của Quân chủng và căn cứ vào tình hình thực tiễn, Lữ đoàn xác định trọng tâm huấn luyện của đơn vị phải bảo đảm “thuần thục, điêu luyện về kỹ thuật, giỏi về chiến thuật” nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất khác. Đồng thời, Lữ đoàn cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ huấn luyện thành các tiêu chí cơ bản, như: “bơi lặn giỏi, võ giỏi, bắn giỏi, giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ và nghĩa tình đồng đội keo sơn” cùng nhiều biện pháp đồng bộ để các đơn vị triển khai thực hiện.
Huấn luyện bơi của đặc công nhái trên biển
Theo đó, để thực hiện nội dung “bơi lặn giỏi” - tiêu chí đặc trưng của lực lượng Đặc công Hải quân, Lữ đoàn coi trọng các khâu huấn luyện cơ bản, kiên trì thực hiện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ bơi lặn trong điều kiện thuận lợi đến môi trường biển xa, sóng gió phức tạp. Trong đó, trọng tâm là các nội dung: bơi dai sức đường dài, bơi bí mật có vũ khí, trang bị; lặn xa và sâu, lặn khí tài bắt mục tiêu, khắc phục vật cản dưới nước, vượt kè chắn sóng, dong kéo vũ khí trang bị, mìn, khối nổ áp sát mục tiêu, v.v. Quá trình thực hiện, các đơn vị chú trọng tổ chức tốt các biện pháp bổ trợ, như: bơi cạn, tập hít thở sâu, kết hợp với các biện pháp bơi kèm, rèn luyện thể lực, tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, nhằm nâng cao khả năng bơi lặn trong điều kiện vật cản và thời tiết phức tạp.
Đối với các nội dung về võ thuật và bắn súng, trên cơ sở các kỹ năng được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức huấn luyện chuyên sâu các nội dung này cho từng lực lượng. Trong huấn luyện võ thuật, từ các bài võ chiến đấu bộ binh, võ chiến đấu đặc công, các đơn vị tích cực nghiên cứu, phát triển để vận dụng vào các tình huống đối kháng một cách thuần thục, điêu luyện ở trên tàu, giàn khoan, cầu cảng và dưới nước,… để đánh gần một cách hiệu quả. Về nội dung bắn súng, bộ đội được huấn luyện sử dụng thành thạo tất cả các loại súng bộ binh, nhưng trọng tâm là thuần thục kỹ năng bắn nhanh, trúng mục tiêu ở các cự li, trong các tư thế và điều kiện phức tạp.
Để nâng cao khả năng chịu đựng khó khăn, gian khổ cho cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện và rèn luyện bộ đội trong điều kiện, môi trường phức tạp. Hằng năm, các đơn vị của Lữ đoàn đều phối hợp với các vùng Hải quân thực hiện huấn luyện cơ động, dã ngoại kết hợp với rèn luyện bộ đội dài ngày trên biển, bảo đảm sát địa bàn, đối tượng tác chiến và yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao sức chịu đựng dẻo dai với sóng to, gió lớn, nhất là khả năng sống trôi dạt trên biển nhiều giờ cho bộ đội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, xây dựng nghĩa tình đồng đội keo sơn cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đối với bộ đội đặc công Hải quân cả trong huấn luyện và hoạt động tác chiến. Thông qua các mô hình “Đôi bạn bơi lặn”, “Nhóm đoàn kết” giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ đã tạo sức mạnh để từng cá nhân, đơn vị vượt qua khó khăn, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đây vừa là truyền thống, vừa là kinh nghiệm quý của Lữ đoàn.
Phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được, những năm qua, chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn không ngừng được nâng cao. Năm 2015, kết quả bơi đường dài đạt 25 km và rèn luyện kỹ năng sống trôi dạt trên biển của các đối tượng đạt 25 giờ liên tục; lặn sâu đạt từ 45 m - 55 m; bắn súng theo nhiệm vụ BM đạt loại giỏi; tham gia Hội thao võ chiến đấu toàn quân đạt 3 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng và Hội thao thể dục thể thao cấp Quân chủng đoạt Giải Nhất khối trung, lữ đoàn,… góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xứng đáng với truyền thống của một đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá HOÀNG MINH SƠN, Lữ đoàn trưởng
Lữ đặc công 126
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm