QPTD -Thứ Tư, 21/06/2023, 14:59 (GMT+7)
Xây dựng phong cách làm việc cho cán bộ cơ sở trong Quân đội theo phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng trong di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là tiêu chí, chuẩn mực, hình mẫu để cán bộ, đảng viên noi theo. Đối với cán bộ cơ sở trong Quân đội, việc học tập, làm theo và xây dựng phong cách làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh là nội dung rất quan trọng, góp phần quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ trên từng cương vị, chức trách được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta là tấm gương, hình mẫu tiêu biểu của phong cách làm việc cách mạng và khoa học. Sinh thời, Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, bởi theo Bác: “cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”1. Cán bộ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội là người trực tiếp hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn ở đơn vị; họ vừa là người lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; vừa là người trực tiếp huấn luyện, giáo dục, rèn luyện bộ đội và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, chính đặc trưng này đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở cần phải có phong cách làm việc ngang tầm với chức trách, nhiệm vụ của mình. Thực tế cho thấy, có những nội dung công việc hoàn thành chưa tốt không phải do năng lực hạn chế hay thiếu về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật,... mà do phong cách làm việc chưa phù hợp. Bài viết này xin đề xuất một số nội dung về xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, quần chúng, đúng pháp luật và nêu gương cho cán bộ cơ sở trong Quân đội theo phong cách Hồ Chí Minh.

Trước hết, theo Hồ Chí Minh phong cách làm việc khoa học là “làm việc đúng hơn, khéo hơn”2. Làm việc đúng hơn là cách làm việc của người cán bộ phải đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, sát với chức năng và từng nhiệm vụ của đơn vị; có cách thức, biện pháp làm việc khoa học để giải quyết được những mâu thuẫn, khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ cấp dưới và đồng cấp đang gặp phải; làm việc có tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả. Còn làm việc khéo hơn là cách làm theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ vất vả, người cán bộ phải luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo để đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị lên trên hết.

Khắc ghi lời dạy của Bác “Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”3, cán bộ cơ sở cần có khả năng bao quát nhiệm vụ của đơn vị, nhất là nhiệm vụ chính trị trung tâm trong từng giai đoạn, tránh xác định “Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”4. Theo đó, trong lãnh đạo cán bộ cơ sở “phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”5; khi chỉ huy có kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, có “óc tổ chức” để chia công, xếp việc và tổ chức động viên toàn đơn vị thi hành; quá trình triển khai chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, “phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”, kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Bên cạnh đó, cán bộ cơ sở phải “Bất kỳ ở hoàn cảnh nào…cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và chính trị của mình”6 để không ngừng sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách huấn luyện, quản lý, cách tổ chức lực lượng thực hiện tốt mọi công việc của đơn vị, từ đó tìm ra cách làm hay mô hình hiệu quả tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn đơn vị.

Hai là, phong cách làm việc dân chủ. Cán bộ cơ sở trong Quân đội là người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi chiến sĩ, thậm chí còn cùng ăn, ở, sinh hoạt và công tác với bộ đội nên phải thực sự sâu sát không được quan liêu, hách dịch, biết phát huy được trí tuệ tập thể, cá nhân  đề cao tính tích cực, năng động, sáng tạo tham gia thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong cách làm việc phải luôn luôn thực hành dân chủ, bởi đó là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”7. Để có được phong cách dân chủ, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ cơ sở phải đặt lợi ích của đơn vị, của tập thể, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, không tư lợi dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu có mâu thuẫn về lợi ích thì phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, trước hết và phải biết hy sinh lợi ích cá nhân.

Muốn vậy, cán bộ cơ sở phải luôn đề cao tự phê bình và phê bình, thường xuyên kiểm điểm, tự soi, tự sửa việc làm của mình để chủ nghĩa cá nhân không có điều kiện phát triển và biết tạo cơ chế để phê bình và tự phê bình được thực hiện tốt trong toàn đơn vị. Quá trình công tác phải luôn luôn đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “dân chủ tập trung”, làm việc tập thể, cá nhân phụ trách; biết đoàn kết, tập hợp lực lượng và phát huy sáng kiến của mọi người; luôn bàn bạc, lắng nghe nhiều ý kiến trước khi đưa ra quyết định. Có như vậy, mọi thành viên trong đơn vị mới phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của mình tham gia xây dựng đơn vị vững mạnh, phát triển.

Ba là, phong cách quần chúng. Thực tiễn cho thấy, cán bộ cơ sở nói chung, trong Quân đội nói riêng là người trực tiếp triển khai, tổ chức mọi hoạt động của đơn vị; đồng cam, cộng khổ với bộ đội,... nên phải có phong cách quần chúng. Để xây dựng phong cách này đòi hỏi cán bộ cơ sở phải luôn chan hòa, cởi mở, sống hòa mình vào tập thể đơn vị; phải luôn quan tâm, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền; biết quy tụ đoàn kết mọi thành viên trong đơn vị thành một khối thống nhất về ý chí, hành động mới có thể vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đồng thời, luôn coi cán bộ, chiến sĩ như người thân của mình, “phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu”8. Từ đó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tôn trọng, tin yêu, lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của cán bộ, chiến sĩ; sẵn sàng tiếp thu ý kiến phê bình, sửa chữa khuyết điểm và học hỏi chính ở cán bộ, chiến sĩ, nhưng không theo đuôi, mà phải biết đoàn kết, tập hợp, giáo dục để cùng nhau tiến bộ. Trong điều kiện hiện nay, phong cách dân chủ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn bao hàm cả tác phong làm việc độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở quyết nghị của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, vì lợi ích chung của tập thể, đơn vị cũng như vì sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là bổn phận, danh dự, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên và là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở trong Quân đội vừa “hồng” vừa “chuyên”, bảo đảm hoàn thành thắng lợi trọng trách được giao.

Bốn là, phong cách làm việc đúng pháp luật là cách làm việc đúng nguyên tắc, quy chế, quy định về chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của từng người trên cương vị chức trách được giao, bảo đảm mọi hành động của người cán bộ cơ sở phải đúng chuẩn mực theo điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Để có phong cách này, cán bộ cơ sở phải luôn thể hiện mình là người mẫu mực trong chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên; các chế độ, quy định, kỷ luật và pháp luật. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ cơ sở phải luôn giữ đúng phẩm chất nhân cách của người quân nhân cách mạng, tư cách của người đảng viên, thể hiện rõ được bản chất của đội quân cách mạng. Trong quan hệ với nhân dân, thực hiện đúng mười Lời thề danh dự của quân nhân, mười hai Điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân; đồng thời, chỉ huy toàn đơn vị thực hiện đúng các quy định đó. Có như vậy mới “làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội”9.

Năm là, với tư cách là người quản lý, chỉ huy, trực tiếp làm công tác giáo dục cho cán bộ cấp dưới, hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị mình, cán bộ cơ sở là người đi tiên phong trong giáo dục, vận động, thuyết phục từng người, từng bộ phận, từng tổ chức và toàn đơn vị. Để hoàn thành tốt chức năng là nhà giáo dục, cán bộ cơ sở cần đề cao phong cách nêu gương. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cán bộ cơ sở phải “làm người kiểu mẫu” trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn. Mọi lúc, mọi nơi đều phải làm gương cho toàn đơn vị, như Hồ Chí Minh đã dạy: “Mình chủ trương cho bộ đội làm việc gì thì mình phải làm trước, làm đúng, hết sức làm hơn ai hết. Từ công việc nhỏ đến công việc to đều như thế. Gặp lúc gay go, nguy hiểm chừng nào thì người lãnh đạo càng xông pha trước chừng ấy mới kéo được người khác theo mình”10. Theo đó, cán bộ cơ sở phải mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống và phương pháp tác phong công tác. Muốn vậy, phải tự tu dưỡng, rèn luyện và thấm nhuần đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản; phải luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; phải bằng cái “tâm”, “tầm” và “trí” làm cho mọi quân nhân tin tưởng noi theo, đem hết sức mình cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân.

Phong cách làm việc của cán bộ cơ sở trong Quân đội là nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Để có được phong cách làm việc khoa học, dân chủ, quần chúng, đúng pháp luật và nêu gương theo phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay ở các nhà trường phải thường xuyên được coi trọng. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân, nhất là Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ góp phần xây dựng phong cách làm việc khoa học cho cán bộ cơ sở trong Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

TS. NGUYỄN HỒNG ĐIỆP, Trường Sĩ quan Chính trị
______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.318

2 - Sđd, tr. 272.

3 - Sđd, tr. 279.

4 - Sđd, tr. 463.

5 - Sđd, Tập 10, tr. 213.

6 - Sđd, Tập 5, tr. 293.

7 - Sđd, tr. 284.

8 - Sđd, tr. 484.

9 - Sđd, tr. 285.

10 - Hồ Chí Minh - Về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 56.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.