QPTD -Thứ Hai, 11/05/2015, 22:36 (GMT+7)
Xây dựng nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô”

Chương trình “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô” là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lần thứ nhất và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh triển khai rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng tham gia bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, mang lại hiệu quả cao.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ tại Tiểu đoàn Thiết giáp 47 (Ảnh: qdnd.vn)

Trước yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong tình hình mới và góp phần xây dựng người Hà Nội “Thanh lịch, văn minh”, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô”. Nội dung chương trình nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ Thủ đô có phẩm chất “trung thành, trí tuệ, sáng tạo, văn minh”, với nét đẹp là: bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, tư thế, tác phong chính quy mẫu mực, giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện Chương trình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định: học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vừa là động lực, giải pháp quan trọng để cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, rèn luyện xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô, vừa phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, hoạt động của lượng vũ trang Thủ đô. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chủ trương, biện pháp có tính khả thi cao; gắn thực hiện Chương trình với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các cuộc vận động, phong trào của Đảng, Quân đội và địa phương, tạo phong trào hành động cách mạng, sức lan tỏa sâu rộng, thu hút mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia. Trên cơ sở mục tiêu, nội dung Chương trình “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô” theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên đăng ký thực hiện phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng đối tượng, từng loại hình đơn vị. Hằng tháng, các cơ quan, đơn vị kiểm tra, nhận xét, rút kinh nghiệm, chỉ ra những mặt làm được, chưa làm được để từng người phấn đấu, lấy đó làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, quần chúng. Ban Chủ nhiệm Chương trình, Cục Chính trị luôn nêu cao vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”…, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Việc triển khai Chương trình “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô” đã tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp các mặt hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức tốt việc học tập các nghị quyết của Đảng, các chuyên đề về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Đồng thời, giáo dục cho mọi quân nhân nắm được lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc, của Hà Nội, ý nghĩa của Chương trình, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm của các đối tượng, lực lượng trong thực hiện. Bất cứ ai, dù sinh ra, lớn lên, sinh sống, công tác ở Thủ đô đều có trách nhiệm tu dưỡng bản thân theo tiêu chí đã xác định và giữ gìn, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch. Cấp ủy các cấp luôn đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, Quy định 646-QĐ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương và sự tích cực, tự giác khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; thực hiện “nói” đi đôi với “làm”, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo.

Làm theo phương pháp giáo dục của Bác, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hết sức coi trọng đưa cán bộ, chiến sĩ vào hoạt động thực tiễn và thông qua đó để xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô. Từ nhận thức đúng, Bộ Tư lệnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt các phong trào thi đua trên mọi mặt công tác. Theo đó, trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, có phong trào “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện rèn”; các nhà trường có phong trào: “Dạy tốt, học tốt, rèn nghiêm, nghiên cứu khoa học tốt, phục vụ tốt”, “Vì ngày mai lập nghiệp”; các quận, huyện, thị xã có phong trào “Xây dựng xã, phường an toàn, sẵn sàng chiến đấu cao”. Đoàn viên, thanh niên có phong trào: “Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Thủ đô thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo”, gắn với phong trào “Tuổi trẻ Thủ đô 5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội”, “Thanh niên với văn hoá giao thông”, v.v. Phụ nữ có phong trào: “Phụ nữ lực lượng vũ trang Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Công đoàn có phong trào “5 nhất, 3 không”, v.v. Từ khi Quân ủy Trung ương phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các phong trào này được gắn kết chặt chẽ với nhau, diễn ra sôi nổi, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người, mọi tổ chức thi đua trong rèn luyện, công tác, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Thủ đô”.

Cùng với đó, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về văn hoá, các cơ quan, đơn vị, nhà trường đã quan tâm, đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, củng cố hệ thống phòng Hồ Chí Minh, thư viện, phòng đọc, tủ sách pháp luật, sân bãi, dụng cụ thể thao đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Năm trật tự văn minh đô thị”, v.v. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp tăng cường quản lý, kiểm tra, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Bộ Tư lệnh còn phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn mở các đợt tuyên truyền về Luật và văn hóa giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.

Với các nội dung, biện pháp trên, Chương trình “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô” đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho lực lượng vũ trang Thủ đô ngày càng chính quy, mẫu mực,  ứng xử văn minh, lịch sự, mang mặc thống nhất. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định với mục tiêu: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị cũng như các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Đặc biệt, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tệ nạn xã hội, song Người chiến sĩ Thủ đô, trên từng cương vị công tác luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không sa ngã, có lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, “mình vì mọi người”, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, luôn chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Trong 5 năm qua (2010 - 2014), tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường của đơn vị giảm, còn dưới 0,2%, không có kỷ luật nghiêm trọng, nhiều đơn vị không có quân nhân vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đạt tiêu chí xây dựng doanh trại “chính quy, xanh, sạch, đẹp”, đảm bảo tốt đời sống vật chất, tinh thần, bộ đội yêu mến, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Các quy định về việc cưới, việc tang, nếp sống văn hóa nơi công sở, các quy định về không hút thuốc lá, uống rượu, bia, tham gia giao thông được thực hiện tốt. Trong quan hệ, giao tiếp với nhân dân, với cấp trên, cấp dưới, với đồng chí, đồng đội đúng mực. Trong công việc luôn tận tụy, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng nhân dân. Tiêu biểu như: hành động dũng cảm bắt đối tượng gây trọng án trong đêm tại phường Vĩnh Phúc, bắt đối tượng trộm cắp tài sản, cấp cứu người bị nạn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 và các hoạt động cứu hộ cứu nạn, chữa cháy, rà, phá bom mìn còn tồn đọng sau chiến tranh..., đã làm đẹp thêm phẩm chất Người chiến sĩ Thủ đô - Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, được nhân dân ghi nhận và quý trọng. Hình ảnh đó, đã tác động sâu sắc đến tình cảm các thế hệ thanh niên trên địa bàn đối với cuộc sống quân ngũ, sẵn sàng tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì thế, tỷ lệ, chất lượng thanh niên Thủ đô nhập ngũ ngày càng tăng, số có trình độ cao đẳng, đại học, năm 2014 là 40%, đợt 01 năm 2015 là 49,35%, cao nhất trong toàn quốc, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, việc thực hiện Chương trình còn có hạn chế nhất định. Việc cụ thể hóa nội dung Chương trình của một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng, chưa sát với chức năng, nhiệm vụ, kết quả đạt được chưa vững chắc. Công tác tuyên truyền, thực hiện trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, v.v.

Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xác định cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau: Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp; phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, hội viên, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức, thực hiện. Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, cuộc vận động, phong trào thi đua của Đảng, Quân đội và của Hà Nội. Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo sự phong phú, hấp dẫn, theo tinh thần hướng về cơ sở, tập trung vào dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Bốn là, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Năm là, định kỳ làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.

Trung tướng LÊ HÙNG MẠNH, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.