QPTD -Thứ Tư, 28/02/2018, 09:32 (GMT+7)
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại đoàn kết là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết có nội hàm rộng. Đó là sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, với tinh thần: “Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ. Đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân. Đoàn kết giữa các tầng lớp trong nhân dân với nhau. Đoàn kết giữa đồng bào toàn quốc, từ Bắc chí Nam. Nói rộng hơn nữa: Đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân châu Á, nhân dân nước Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”1. Như vậy, đại đoàn kết dân tộc cũng tức là đại đoàn kết toàn dân, nghĩa là tập hợp mọi người dân vào một khối thống nhất giữa ý chí và hành động trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, v.v. Theo Người: “Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn, rất độ lượng thì mới có thể thu hút được mọi đoàn thể và cá nhân có lòng thiết tha yêu nước, không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái”2. Từ đó Người khẳng định, đại đoàn kết dân tộc phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bởi chỉ có Đảng của giai cấp công nhân mới có mục đích tiêu biểu cho những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, được các tổ chức, đảng phái và toàn dân tin tưởng, ủng hộ, để có thể “đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”3, đồng thời có mối liên hệ với đông đảo bè bạn ở ngoài nước. Theo Bác, muốn được thừa nhận quyền lãnh đạo, thì trong đấu tranh và công tác hằng ngày, Đảng phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất, chân thực nhất và “khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Hồ Chí Minh đã chỉ ra các điểm tương đồng làm căn cứ trong việc tập hợp tất cả những người yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” và “Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”4. Để khối đại đoàn kết rộng rãi bảo đảm được vững chắc thì phải lấy liên minh công nông làm nền tảng, vì: “Muốn đoàn kết rộng rãi thì cái gốc phải vững, tức là công nông liên minh có vững chắc mới đoàn kết được các giai cấp khác”5. Để đoàn kết chặt chẽ, theo Người, mục đích và lập trường phải nhất trí nhưng cũng cần phải đấu tranh, đấu tranh là để tăng cường đoàn kết, khắc phục tình trạng đoàn kết xuôi chiều; tích cực phê bình và tự phê bình nhằm biểu dương mặt tốt, khắc phục những mặt chưa tốt mới giúp củng cố khối đoàn kết: “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình” vì “phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết”6.

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
năm 2017 của nhân dân xóm Bo (Kim Bình-Kim Bôi-Hòa Bình).
(Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Với tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng được một khối đại đoàn kết toàn dân tộc có sức mạnh to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội nên cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội đa dạng, phức tạp với sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau với những lợi ích cũng rất đa dạng, khác nhau. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế vừa mở ra nhiều cơ hội nhưng vừa làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng luôn coi trọng đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung và lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng cho các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Để khối vững chắc, Đảng lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng. Bởi vì, họ là các giai tầng cơ bản, chủ yếu trong cơ cấu xã hội - giai cấp, lại có lợi ích thống nhất với các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc; quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho các thành phần của xã hội phát triển. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài và có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những chủ trương, phương hướng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên hoàn toàn đúng với tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh và có sự phát triển phù hợp với tình hình mới. Nếu tổ chức thực hiện tốt, sẽ xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc có sức mạnh to lớn, đưa cách mạng Việt Nam hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu đề ra. Muốn vậy, hãy thấm nhuần lời Bác: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”7. Điều đó có nghĩa không phải cứ giương “đại đoàn kết toàn dân tộc” lên thì đã có đại đoàn kết toàn dân tộc. Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nói đến cụm từ “đoàn kết thật sự” để yêu cầu các tổ chức, địa phương, đoàn thể và các cán bộ, đảng viên, đoàn viên cho đến mọi người dân phải chú ý thực hiện tinh thần đoàn kết từ những việc làm cụ thể hằng ngày, chứ không nhất thiết phải là những việc liên quan đến mặt trận hoặc chính sách đoàn kết, như: “Học nhau điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thế là đoàn kết thật sự”, “thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”, thậm chí gắn liền với bất cứ người dân nào: “Gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết”8. Từ đó suy ra mỗi thành phần trong Khối mà đoàn kết thực sự thì Khối sẽ đoàn kết thực sự, đặc biệt là Đảng Cộng sản (thành phần lãnh đạo Khối). Theo Hồ Chí Minh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Thời gian qua, bằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều mặt của đời sống, chính trị, xã hội, nhân dân phấn khởi, tăng niềm tin vào Đảng. Tuy nhiên, để “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”9, thì còn nhiều việc phải làm. Đó là, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, tự đổi mới, tự chỉnh đốn; các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tự soi, tự sửa, coi trọng khắc phục khâu yếu, mặt yếu, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất cao. Các cấp ủy đảng và mỗi đảng viên phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng, tiếp thu ý kiến xây dựng của nhân dân để nâng cao chất lượng các mặt công tác và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Các thành phần khác của Khối tùy theo chức năng, nhiệm vụ cũng cần chủ động có những giải pháp phù hợp trong việc xây dựng nội bộ đoàn kết chặt chẽ thực sự thì kết quả sẽ là khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Với quan điểm “cán bộ là gốc của mọi công việc”, nên trong vấn đề đại đoàn kết toàn dân, Bác luôn đòi hỏi: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ; phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích chung của nhân dân lên trên lợi ích riêng của mình; phải làm gương mẫu trong đoàn kết dân tộc”10. Thế nhưng hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, không thực hiện đúng lời Bác, dẫn tới sa sút phẩm chất, sống xa dân, thiếu trách nhiệm với dân, tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Vì vậy, chúng ta càng thấm thía biết bao tư tưởng đại đoàn kết của Người. Càng trong gian khó, càng cần phải đoàn kết, thống nhất để vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn, chiến thắng giặc ngoại xâm và giành thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Do vậy, cần tiếp tục kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM
­­­­­­­­­­­­­­­­­__________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 90.

2 - Sđd, Tập 3, tr. 480.

3, 4, 5 - Sđd, Tập 9, tr. 244, 244, 69.

6 - Sđd, Tập 10, tr. 584.

7 - Sđd, Tập 6, tr. 16.

8 - Sđd, Tập 13, tr. 524.

9 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 160.

10 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 96.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.