Thứ Năm, 24/04/2025, 11:34 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ở Người, luôn toát lên tư tưởng sâu sắc, toàn diện - kim chỉ nam cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. Việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Bác vào xây dựng đội ngũ giảng viên các nhà trường Quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 1 nói riêng có ý nghĩa quan trọng.
Bác Hồ là người khai sinh ra nền giáo dục mới với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”1. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đó là phải “kiến thiết giáo dục”. Theo Người, vấn đề mấu chốt để phát triển nền giáo dục mới là quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Người chỉ rõ, “…nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”2.
Đối với Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan lục quân 1), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sát đến công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Người từng căn dặn: “Giáo viên thì thi đua tìm cách dạy cho dễ hiểu, cho chóng tiến bộ”3. Người cũng yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải thực sự tiêu biểu về đức và tài, thực sự mẫu mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm việc, có trí tuệ, phương pháp sư phạm, khoa học, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn, v.v. Thấm nhuần tư tưởng đó và trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục và đào tạo nói chung, xây dựng đội ngũ giảng viên nói riêng, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cấp ủy, chỉ huy các cấp của Nhà trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ giảng viên, đạt nhiều kết quả khá toàn diện. Đến nay, đội ngũ giảng viên tăng nhanh cả số lượng và chất lượng, trình độ sau đại học có sự phát triển vượt bậc, đạt 63,25% (tăng 24,81% so với nhiệm kỳ trước); có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, nhiệt huyết, say mê với nghề; năng lực sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học và thể lực không ngừng được nâng lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Trong những năm tới, trước yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự nghiệp xây dựng, hiện đại hóa Quân đội, đòi hỏi Nhà trường tiếp tục “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn theo quy định”4. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ giảng viên là vấn đề mang tính nền tảng, cấp thiết.
Trước hết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp về vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên. Thấm nhuần quan điểm “không có thầy giáo thì không có giáo dục” của Bác, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo, từ đó xác định trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ đức, đủ tài. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là các khoa giáo viên cần tập trung quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục, đào tạo, trọng tâm là Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030”. Bám sát đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên, nhất là số lượng, chất lượng, kết quả hoàn thành nhiệm vụ,… làm cơ sở tham mưu với Ban Giám hiệu các chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục, phát huy trách nhiệm nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong xây dựng đội ngũ giảng viên với đấu tranh loại bỏ những nhận thức, tư tưởng chưa đầy đủ, toàn diện, thậm chí xem nhẹ vai trò đội ngũ giảng viên hoặc tư tưởng cho rằng: xây dựng đội ngũ giảng viên là trách nhiệm riêng của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên; tạo sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và sự ủng hộ của đội ngũ học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường trong xây dựng đội ngũ giảng viên.
Hai là, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giảng viên theo yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một trong các nhà trường lớn của Quân đội, có số lượng học viên đông, nhiều khoa chuyên ngành, với yêu cầu nổi bật đối với đội ngũ giảng viên là có thể lực, sức khỏe tốt và chuyên môn sâu về sư phạm quân sự. Do vậy, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên phải toàn diện cả về số lượng, trình độ, năng lực và sức khỏe; trong đó, chú trọng về chất lượng. Vấn đề mấu chốt nhất là lựa chọn được những chuyên gia đầu ngành giữ cương vị chủ trì ở các khoa và cơ quan tham mưu về công tác giáo dục, đào tạo theo tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Chuẩn hóa về chất lượng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành, có phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, năng lực và phương pháp sư phạm theo yêu cầu chuẩn hóa của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và không ngừng đổi mới, sáng tạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”5. Mục tiêu của Nhà trường là đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân trình độ đại học, sau đại học cấp phân đội; đối tượng đào tạo cả học viên trong nước, quốc tế. Vì vậy, cùng với chuẩn hóa theo những yêu cầu chung của quốc gia và Quân đội, Nhà trường, mà trực tiếp là các khoa giáo viên cần xác định những yêu cầu đặc thù cả về phẩm chất, năng lực, trình độ, thể lực và kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đội ngũ giảng viên cần phải có kiến thức toàn diện, trình độ ngoại ngữ và tin học tương ứng bảo đảm quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo quan điểm “Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung sẽ trở thành lạc hậu”6.
Ba là, nâng cao chất lượng tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Thấm nhuần lời dạy của Bác là người thầy giáo phải “luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn”7 và quán triệt, thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” của Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng chủ động tham mưu cho Nhà trường xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Nguồn bổ sung giảng viên cần được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, bao gồm học viên đào tạo chính quy, tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, cán bộ đã trải qua thực tiễn đơn vị cơ sở, có năng khiếu và nghiệp vụ sư phạm, sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài Quân đội đối với những chuyên ngành Quân đội có nhu cầu nhưng chưa đào tạo được. Chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ các bộ môn, khoa chủ quản trong tuyển chọn, dự nguồn đào tạo, tự đào tạo, tự bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của từng khoa, bộ môn. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng kết hợp bồi dưỡng, rèn luyện tại chỗ, đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội với gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; coi trọng hình thức tự học tập, tự bồi dưỡng, xây dựng động cơ, quyết tâm học tập, phấn đấu suốt đời vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giảng dạy với nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Đây là giải pháp, phương thức chủ yếu để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học - con đường đúng đắn để việc truyền thụ tri thức không rơi vào sơ cứng, giáo điều. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các khoa, cơ quan chức năng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Để nâng cao tính khả thi, hiệu quả ứng dụng của các sản phẩm khoa học thì ngay từ khâu lựa chọn, đề xuất đề tài nghiên cứu phải bám sát vào mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu, cơ quan chức năng tham mưu và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để đưa kết quả nghiên cứu vào nội dung, chương trình giảng dạy kịp thời. Đồng thời, sớm nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Chế độ đãi ngộ phải thiết thực, tương xứng với cống hiến của giảng viên, bao gồm cả vật chất và tinh thần nhằm động viên giảng viên hăng hái, say mê nghiên cứu khoa học.
Năm là, tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo hướng hiện đại và lấy người học là trung tâm. Vận dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp dạy - học truyền thống với hiện đại, sát thực tiễn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Duy trì nền nếp, chất lượng các hoạt động bồi dưỡng phương pháp dạy học, như: thông qua bài, kiểm tra giảng, dự giảng, giảng mẫu, giảng thử,... nhằm rút kinh nghiệm những hạn chế, kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thầy giáo ngày nay không phải như trước, chỉ biết gõ đầu trẻ,… cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác”8. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả; phát huy dân chủ quân sự, tạo điều kiện cho giảng viên giao lưu, học hỏi, hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài Quân đội, tạo khí thế thi đua sôi nổi, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, tiêu cực trong thi, kiểm tra nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội thực sự có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hiện đại hóa Quân đội.
Đại tá, TS. NGUYỄN QUANG CHUNG, Trường Sĩ quan Lục quân 1 __________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 35.
2 - Sđd, Tập 10, tr. 345.
3 - Sđd, Tập 5, tr. 541.
4 - Quân ủy Trung ương – Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 về “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”, tr. 8.
5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 290 - 291.
6 - Sđd, tr. 274.
7 - Sđd, tr. 274.
8 - Sđd, tr. 389.
Chủ tịch Hồ Chí Minh,Trường Sĩ quan Lục quân 1,đội ngũ giảng viên,nhà trường Quân đội
Vận dụng tư tưởng “người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay 16/04/2025
Hồ Chí Minh - Người vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề sở hữu và kinh tế nhiều thành phần 08/04/2025
Nêu cao tính đảng của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tư tưởng Hồ Chí Minh 31/03/2025
Nâng cao chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh 20/03/2025
Sư đoàn 395 thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao theo lời Bác Hồ dạy 13/03/2025
Quan điểm của Hồ Chí Minh về bệnh giấu giếm khuyết điểm và sự vận dụng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng 26/02/2025
Hiệu quả thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới ở Sư đoàn 320 20/02/2025
Tổng Công ty Thái Sơn đẩy mạnh công tác dân vận theo lời Bác Hồ dạy 17/02/2025
Tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” 12/02/2025
Làm theo lời Bác, Học viện Biên phòng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo 10/02/2025
Nêu cao tính đảng của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - Người vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề sở hữu và kinh tế nhiều thành phần
Vận dụng tư tưởng “người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay