QPTD -Thứ Năm, 03/05/2012, 15:25 (GMT+7)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - cốt lõi là thực hiện tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Là người sáng lp và lãnh đạo Đảng ta, tư tưởng và đạo đức ca Ch tch H Chí Minh soi sáng mi chng đường hot động ca Đảng. Hin nay, toàn Đảng đang tp trung thc hin Ngh quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Mt s vn đề cp bách v xây dng Đảng hin nay". Để vic xây dng, chnh đốn Đảng đạt được mc tiêu đề ra, vn đề ct lõi nht là thc hin tư tưởng, đạo đức ca Người.

alt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". (nguồn: dangcongsan.vn)
 

Nghị quyết đã đánh giá tình hình và nguyên nhân, đề ra mục tiêu, phương châm và giải pháp để tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, xác định quyết tâm chính trị của toàn Đảng là: phải khắc phục được những hạn chế, yếu kém, xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng... Nghị quyết thực sự mang đến một luồng gió mới, góp phần củng cố niềm tin, bồi đắp tình cảm của nhân dân đối với Đảng. Nhân dân ta tin tưởng vào thắng lợi của Nghị quyết; bởi chúng ta biết rõ, Đảng ta là một Đảng Mác - Lê-nin chân chính, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện, luôn gắn bó với dân tộc và không ngừng phấn đấu hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân. Trong mọi chặng đường cách mạng, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhờ bản lĩnh chính trị của một Đảng dày dạn kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng, nắm vững nguyên tắc Đảng, được tôi luyện trong thực tiễn, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, nên Đảng ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử trước dân tộc. Giờ đây, đất nước thực hiện kinh tế thị trường, CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, đã và đang đặt ra yêu cầu mới rất cao về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc... của đội ngũ đảng viên. Dù không phải đối mặt với đạn bom... như trong chiến tranh, nhưng sức công phá của "danh lợi, vật chất, tiền tài", cộng với sự chống phá nham hiểm của các thế lực thù địch bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình", thì những thử thách đối với người CB,ĐV là không thể xem thường. Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã phân tích, đề ra một số vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; trong đó, quan trọng và xuyên suốt nhất là các nội dung, giải pháp nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của CB,ĐV mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và chăm lo xây dựng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu thường xuyên của Đảng. Bởi vị trí, vai trò của Đảng ta đối với dân tộc, sự phát triển của tình hình nhiệm vụ cách mạng và đặc biệt là thành phần xuất thân của đội ngũ đảng viên chủ yếu là nông dân ở một nước nông nghiệp lạc hậu. Chính vì vậy, Đảng phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong, gương mẫu cho đảng viên. Để các tổ chức đảng và mọi CB,ĐV luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, Đảng phải đặc biệt coi trọng vấn đề tự phê bình và phê bình (TPB&PB). Hồ Chí Minh cho rằng, TPB&PB là nguyên tắc quan trọng của sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển Đảng và là biện pháp cơ bản để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người khẳng định: mọi CB,ĐV phải chấp hành nghiêm chế độ TPB&PB; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu TPB&PB. Để thực hiện tốt việc TPB&PB, yêu cầu đối với mọi đảng viên và tổ chức đảng là phải trung thực, chân thành với mình cũng như với người khác. Người đặc biệt phê phán các biểu hiện che dấu khuyết điểm, sợ tự phê bình và không dám phê bình; thái độ nể nang, né tránh hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác... Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng đó của Người, Đảng ta luôn chú ý thực hiện tốt việc TPB&PB, nhờ đó, tổ chức đảng và CB,ĐV luôn được xây dựng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo quần chúng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong những năm qua, chất lượng, hiệu quả TPB&PB trong Đảng giảm sút. Không ít CB,ĐV thiếu tự giác trong TPB&PB; có khuyết điểm nhưng không thành thật, quanh co đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể, cho cơ chế. Một số người biết rõ lỗi phạm của mình nhưng vẫn "lý sự" để che dấu khuyết điểm. Đặc biệt, một số đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương mắc khuyết điểm nhưng không thành thật nhận lỗi hoặc có nhận thì chỉ qua loa, đại khái. Trong lúc đó, tổ chức đảng thì nể nang, không dám đấu tranh trực diện hoặc chỉ phê bình qua loa. Nhiều đảng viên, do thiếu bản lĩnh, nên không dám đấu tranh, vì sợ mất việc, mất địa vị, không được đề bạt, nâng lương. Một số cấp ủy và tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức và chưa có biện pháp hữu hiệu để giáo dục, rèn luyện, kiểm tra và xử lý những đảng viên vi phạm... Đây chính là một trong những thiếu sót, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng, làm cho vai trò của tổ chức đảng trong giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên bị lu mờ, dẫn đến các hành vi tham nhũng, hối lộ, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, xa rời quần chúng... Nguyên nhân chủ yếu của tình hình đó, như Đảng ta đã chỉ ra, là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của CB,ĐV, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bị buông lỏng và đặc biệt: "Nguyên tắc TPB&PB thực hiện rất kém"1. Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định TPB&PB là nhóm giải pháp đầu tiên và là công việc cấp bách cần làm ngay trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ"2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xác định, việc tiến hành TPB&PB phải tập trung vào 3 nội dung cấp bách nhất về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu gắn với thực hiện 19 điều đảng viên không được làm và những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đơn vị. Để thực hiện tốt điều đó, mọi đảng viên phải nêu cao tinh thần tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện TPB&PB; đồng thời, luôn phát huy vai trò của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng trong đơn vị. Ủy ban kiểm tra các cấp, với chức năng, nhiệm vụ của mình, cần chủ động nắm chắc tình hình đảng viên và tổ chức đảng thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý để giúp cấp ủy gợi ý đảng viên và tổ chức đảng kiểm điểm. Việc gợi ý của cấp ủy có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chất lượng TPB&PB, bởi vậy, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, nhạy cảm... mà những kỳ kiểm điểm trước đây thường bị bỏ qua; những trường hợp vi phạm nếu không thành thật nhận lỗi cần phải được xem xét, xử lý thích đáng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, quy trình xem xét kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức đảng cần phải được đổi mới cho phù hợp. Hiện nay, việc xem xét, đề nghị kỷ luật đang được thực hiện theo quy trình: cấp dưới đề nghị lên, cấp trên có thẩm quyền xem xét quyết định. Thế nhưng, trong thực tế, do nể nang hoặc vì sợ mất thành tích của đơn vị, nên các vụ việc vi phạm kỷ luật thường chỉ được đề nghị mức kỷ luật rất thấp, thậm chí có nơi không đề nghị kỷ luật. Điều đó làm cho kỷ luật của Đảng không nghiêm và dễ dẫn đến bị coi thường. Để khắc phục tình trạng này, trong thực hiện quy trình kỷ luật, cùng với việc xem xét đề nghị của cấp dưới, cần phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban kiểm tra trong xem xét, đánh giá cụ thể từng vụ việc, nhằm giúp cho cấp ủy cấp trên ra quyết định kỷ luật chính xác; tăng cường hơn nữa việc cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo xem xét, kết luận kỷ luật đối với các vụ việc vi phạm. Mặt khác, do tính chất phức tạp của cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta cần chú ý tăng cường vai trò của pháp chế XHCN. Trước hết, cần bổ sung các điều luật liên quan đến chống tham nhũng sát với thực tế và đủ sức răn đe. Hiện nay, ai cũng biết, Pháp lệnh Chống tham nhũng đã quy định về việc phải kê khai tài sản, nhưng trong thực tế, tác dụng của việc làm này không đáng kể. Không những thế, dư luận còn cho rằng, việc xử phạt các tội tham nhũng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe những kẻ phạm tội. Chúng ta biết rằng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ký sắc lệnh tử hình một cán bộ cao cấp của Quân đội là Đại tá Trần Dụ Châu, người đã có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng, nhưng phạm tội tham nhũng... Thứ hai, cần tăng cường vai trò của các công cụ hỗ trợ chống tham nhũng. Bởi lẽ, những kẻ tham nhũng thường dùng đủ các mánh khóe để che đậy hành vi; muốn phanh phui được các vụ việc, phải có phương tiện kỹ thuật để phát hiện, làm rõ. Do vậy, để đẩy lùi tệ nạn này, Nhà nước ta cần đầu tư về trang thiết bị, đủ sức phát hiện và đưa các vụ việc ra ánh sáng...

Cùng với TPB&PB, những vấn đề liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ giữ một vị trí hết sức quan trọng trong các giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đánh giá khách quan chất lượng và vai trò của đội ngũ cán bộ trong công cuộc đổi mới đất nước: "Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên"4. Song, Nghị quyết cũng vạch rõ những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ trong những năm qua. Đó là tình trạng một bộ phận CB,ĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; nhất là sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tham nhũng, hối lộ... Nhiều năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng dường như tệ nạn đó không suy giảm. Một số người có chức, có quyền đã tìm mọi cách hưởng lợi từ việc phân bổ ngân sách, dự án, đầu tư công trình, cầu cống, cấp quyền sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, qua kiểm tra, thanh tra và kiểm toán đã bộc lộ những vi phạm nghiêm trọng của người đứng đầu, như sử dụng ngân sách nhà nước sai mục đích; nhập máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để ăn chênh lệch giá; tìm mọi cách "rút ruột" vốn, vật tư Nhà nước để nuôi các xí nghiệp "sân sau" của mình. Thủ trưởng của một số cơ quan, đơn vị thì nhận hối lộ, quà cáp từ việc tuyển chọn, bố trí, đề bạt, nâng lương cấp dưới. Ở một số địa phương, có tình trạng cán bộ lộng hành ức hiếp quần chúng, lợi dụng sơ hở của luật pháp để trục lợi... Tình trạng đó đã làm thất thoát một lượng tài sản lớn của quốc gia, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tạo chứng cứ cho các thế lực xấu đẩy mạnh việc chống Đảng và chế độ. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh: phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đội ngũ CB,ĐV; "xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH,HĐH và hội nhập quốc tế"3. Để thực hiện tốt vấn đề đó, Đảng phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho CB,ĐV; khẩn trương đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của CB,ĐV; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ cho phù hợp. CB,ĐV phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, biết giải quyết đúng đắn, hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của dân tộc; phải luôn quan hệ mật thiết với quần chúng, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bằng lời nói và việc làm của mình mà làm cho dân tin, dân phục, dân yêu... như Bác Hồ đã dạy.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta không có mục đích tự thân, mà có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta. Bởi vậy, công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ CB,ĐV nói riêng bao giờ cũng gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN. Để thực hiện được mục tiêu đó, các cấp phải quán triệt phương châm chỉ đạo mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra là: kết hợp tốt giữa "chống và xây", "xây và chống" để xây dựng Đảng vững mạnh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, cùng với việc đấu tranh ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, chúng ta phải chú ý xây dựng đội ngũ CB,ĐV "vừa hồng vừa chuyên" theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là những cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng; nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ, TPB&PB; quyết tâm phấn đấu, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cương vị công tác của mình, người CB,ĐV phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, họ phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để đề ra chương trình, kế hoạch khả thi, đưa đơn vị mình, ngành mình phát triển, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Để thực hiện được điều đó, họ phải biết phát hiện đâu là khâu xung yếu, mũi nhọn của đơn vị để tập trung sức phát triển; có khả năng, trình độ tổ chức đơn vị, biết động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cấp dưới vươn lên; biết phát huy thế mạnh, hạn chế mặt yếu, đoàn kết toàn đơn vị hướng tới mục tiêu đã chọn...

Cùng với đó, người đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với quần chúng; luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: lấy dân làm gốc, đoàn kết, gắn bó với nhân dân. Trong cơ chế thị trường, bên cạnh những tác động tích cực, cũng nảy sinh nhiều hạn chế, tiêu cực, như: phân hóa giàu - nghèo, bất bình đẳng về cơ hội... Bởi vậy, trách nhiệm của CB,ĐV, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải góp sức làm hạn chế, thu hẹp sự phân hóa đó; quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để mọi người đều có khả năng phấn đấu vươn lên. CB,ĐV phải thể hiện rõ quan điểm quần chúng trong hoạt động thực tiễn; luôn tôn trọng, lắng nghe quần chúng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy được sức mạnh của tập thể, tạo được sự tin yêu, mến phục của nhân dân./.

TS. NGUYN VIT HIN

__________

1 - Nguyễn Phú Trọng - Quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tạp chí QPTD, Số 3/2012, tr. 8.

2 - Sđd, tr. 9.

3 - ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 21.

4 - ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 26.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.