QPTD -Thứ Sáu, 19/02/2021, 09:42 (GMT+7)
Vùng 2 Hải quân - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Qua đó, không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân với ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản mà còn góp phần bồi đắp thêm tình cảm, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Huấn luyện tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Nhà giàn DK1, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân luôn làm hết sức mình để bảo vệ các hoạt động kinh tế biển và giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, nhất là ở vùng biển, đảo xa bờ. Trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, cán bộ, chiến sĩ Vùng luôn xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, luôn “lo cho dân như người thân của mình”’, “cứu dân là mệnh lệnh của trái tim”, thật sự là địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho những chuyến khai thác dài ngày trên biển.

Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm hết sức nặng nề đó, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo (10 tỉnh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6 tỉnh), Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh các địa phương, đơn vị trên địa bàn xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền đặc biệt, thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Coi đây là một nội dung quan trọng, thường xuyên, lâu dài, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, ngư dân, sinh viên, học sinh về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhằm đạt hiệu quả, các đơn vị lựa chọn nội dung, tập trung tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”; vị trí các âu tàu, làng chài, Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật trên biển của Hải quân; hướng dẫn liên lạc qua các đài canh của Hải quân nhân dân Việt Nam để khi gặp sự cố ngư dân có địa chỉ để giúp đỡ. Coi trọng tuyên truyền các hành vi bị cấm khi khai thác thủy, hải sản trên biển, đảm bảo an toàn, bền vững, đúng pháp luật trên các vùng biển của ta, không vi phạm các vùng biển của nước ngoài; hướng dẫn xử lý một số tình huống sơ, cấp cứu; ngư dân nhận biết khi gặp máy bay, tàu quân sự của nước ngoài, v.v. Thông qua đó, giúp bà con ngư dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo, ra khơi khai thác thủy sản bền vững, an toàn, đúng quy định pháp luật, không xâm phạm vùng biển của các nước trong khu vực; đồng thời, mỗi con tàu cùng với lá cờ Tổ quốc vươn khơi là một “cột mốc sống” về chủ quyền quốc gia trên biển cả. Qua đó, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.

Trong thực hiện, các đơn vị của Vùng đã lồng ghép, đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền. Cùng với các buổi nói chuyện tại địa phương, tuyên truyền theo hình thức truyền thống, cán bộ, chiến sĩ của Vùng khi làm nhiệm vụ trên biển đã tổ chức tiếp cận trực tiếp và thông qua các kênh máy nghề cá để tuyên truyền ngư dân, mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm cho ngư dân làm việc bình thường tại tàu và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Trong tuyên truyền đều có những chỉ dẫn cụ thể cho bà con về các vùng biển được phép khai thác, kết hợp với phát tờ rơi “Một số điều cần biết cho ngư dân”, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, khẩu trang y tế, v.v. Năm 2020, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tuyên truyền 1.891 lần/1.920 tàu cá, với 12.500 lượt ngư dân; tặng 13.500 tờ rơi, 4.000 lá cờ Tổ quốc, 550 áo phao, 1.000 khẩu trang y tế trị giá 775 triệu đồng cho ngư dân tại các cảng cá của địa phương. Đồng thời, triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho hàng chục nghìn tàu cá của các tỉnh bảo đảm giám sát được vị trí hoạt động của các tàu cá; tổ chức ký cam kết để các chủ tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài, khắc phục cảnh báo thẻ vàng của châu Âu.

Với mong muốn đưa hoạt động giúp đỡ ngư dân trở thành phong trào sâu rộng, có chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, Vùng đã chủ động phối hợp, mời các báo, đài của Trung ương và địa phương, Quân đội đưa tin, bài, phóng sự về thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, góp phần tạo thành phong trào hành động thiết thực, có sức lan tỏa lớn, vận động, huy động ngư dân tham gia cùng Bộ đội Hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc theo các phương án, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Công tác tuyên truyền đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành pháp luật, các quy định, chỉ thị trong khai thác thủy hải sản an toàn, bền vững; các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm nhiều so với những năm trước đây. Năm 2020, Vùng biển do Vùng quản lý đã ngăn cản 126 lượt tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài; đàm phán, giải cứu 10 vụ/12 tàu bị nước ngoài bắt giữ đưa về Vùng biển Việt Nam và bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết, v.v.

Không chỉ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân còn là người bạn đồng hành với ngư dân, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Thực hiện Chương trình điểm tựa cho ngư dân, các lực lượng của Vùng đang làm nhiệm vụ trên biển đã kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc với bảo vệ hoạt động hợp pháp và tính mạng, tài sản của bà con ngư dân trên biển trước sự tấn công của tàu cá nước ngoài, cướp biển,... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ bám biển, bám ngư trường để khai thác tiềm năng của biển, phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương trong triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo quy định hiện hành của Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang thiết bị cho ngư dân trên biển và các nhu cầu về nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu, tàu cá gặp sự cố trên biển, tất cả đều có sự giúp đỡ của các chiến sĩ Vùng 2 Hải quân. Năm 2020, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển của Vùng đã tổ chức cứu nạn được 21 tàu cá và 85 ngư dân của các tỉnh bị nạn trên biển; tổ chức sửa chữa, khắc phục hỏng hóc cho 52 tàu cá, cung cấp 06 tấn lương thực, thực phẩm các loại, 720 m3 nước ngọt; khám, sơ cấp cứu, điều trị, cấp thuốc cho 131 ngư dân các tỉnh bị ốm đau, tai nạn trên biển. Đặc biệt, ngày 27/4/2020, lực lượng của Vùng đã cứu nạn 30 ngư dân trên tàu cá QNa 95654 của tỉnh Quảng Nam gặp nạn và bị chìm tại vùng biển DK1 sau 48 giờ trôi dạt lênh đênh trên biển, bảo đảm an toàn. Những hoạt động cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ kịp thời đó, đã để lại hình ảnh đẹp về người lính Hải quân, tạo niềm tin mạnh mẽ trong ngư dân; giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng các lực lượng khẳng định và bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển.

Tình cảm sâu sắc, sự gắn bó trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nhân dân Việt Nam với ngư dân đã giúp bà con có thêm động lực để vươn khơi, bám biển, bám ngư trường, cùng với các lực lượng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế biển. Năm 2020, ngư dân các tỉnh phía Nam đã phát hiện 82 mục tiêu các loại, chủ yếu là tàu quân sự, tàu chấp pháp của Trung Quốc, Mỹ, Inđonesia, Malaixia, kịp thời thông báo, giúp cho các lực lượng trên biển của Vùng nắm, theo dõi hành động của các mục tiêu, xử lý tốt các tình huống, bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế, quân sự của ta trên biển.

Hiện nay, các hoạt động nhằm kiểm soát trên thực địa để khẳng định yêu sách chủ quyền và âm mưu “Độc chiếm Biển Đông” của nước ngoài hết sức tinh vi, quyết liệt; khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Inđonesia và Malaixia có những diễn biến phức tạp hơn. Trước tình hình đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền các vấn đề về biển, đảo và Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Vùng 2 Hải quân cùng với các địa phương và đơn vị tiếp tục phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Thường xuyên thực hiện tốt công tác phối hợp để trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình biển, đảo, đặc biệt là khi tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, căng thẳng cần kịp thời thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận; hoạt động của ngư dân, tàu cá của ta trên biển; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền.

2. Tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tình hình thực tế trên biển; thu hút nguồn nhân lực xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản Việt Nam năm 2017, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, ngư dân, sinh viên, học sinh gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

3. Phối hợp chặt chẽ trong thực hiện tốt công tác dân vận, cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ nhân dân, ngư dân; quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các địa phương, công tác chính sách, hậu phương Quân đội.

4. Bám sát kế hoạch, chủ động trao đổi, phối hợp thực hiện các nội dung kế hoạch đã ký kết, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo, thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” năm 2021 và những năm tiếp theo.

Chuẩn Đô đốc ĐỖ VĂN YÊN, Chính ủy Vùng

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.