QPTD -Thứ Sáu, 10/02/2023, 09:46 (GMT+7)
Vận dụng tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài, quy tụ được trí tuệ, tài năng, đạo đức của từng cá nhân, tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là bài học vô giá, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng để phát triển đất nước nói chung, nền công nghiệp quốc phòng nói riêng trong tình hình mới.

Kế thừa, phát triển quan điểm trọng dụng nhân tài trong lịch sử đất nước, với tư tưởng chủ đạo: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tài, Người cho rằng: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”1, “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”2. Vì vậy, Người đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, phát hiện, thu phục nhân tâm, quy tụ những người tài năng, thuyết phục nhiều nhân sĩ, trí thức cả trong và ngoài Đảng, trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng, động viên, khích lệ họ đem hết tài năng, đức độ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Trong số rất nhiều những nhân tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh quy tụ, có những cá nhân đã đóng góp quan trọng vào phát triển ngành Quân giới. Đó cũng là nền tảng quan trọng, định hướng xuyên suốt trong thu hút, trọng dụng nhân tài, góp phần vào sự phát triển không ngừng của ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam gần 80 năm qua.

Hiện nay, Đảng ta xác định: “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trong đó phát huy nội lực là yếu tố quyết định; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”3. Để đạt mục tiêu này, nhân tố hàng đầu, yêu cầu cơ bản và cấp thiết là phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, nghiên cứu, quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài nói chung, trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng nói riêng có ý nghĩa then chốt. Qua đó, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát huy tốt nhất vai trò cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ, cán bộ chủ trì các đơn vị công nghiệp quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới. Để đạt được điều đó cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, quán triệt sâu sắc, nhận thức đúng đắn tư tưởng trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài. Trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là việc sử dụng người tài vào các chức vụ quan trọng, công việc trọng yếu, mà còn được phản ánh bằng hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài. Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”4. Vì vậy, để xây dựng phát triển nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại và lưỡng dụng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, cần tập trung đột phá vào nhiệm vụ xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, bảo đảm tính đồng bộ, đổi mới và hiệu quả; có sự phân công, phân cấp chặt chẽ trong quản lý công nghiệp quốc phòng từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng và cụ thể hóa mạnh mẽ các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, trọng dụng nhân tài tham gia xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Cùng với đó, cần quán triệt, thực hiện tốt quan điểm của Đảng về: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”5. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết hợp chặt chẽ giữa nghĩa vụ với quyền lợi, lý tưởng với sự thụ hưởng; kết hợp giáo dục rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức với thực hiện chính sách đãi ngộ thỏa đáng, công bằng, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh để nhân tài phấn đấu vươn lên, cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.

Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển nền Công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới” tại Nhà máy Z176

Hai là, trọng dụng nhân tài phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, bảo đảm tính đồng bộ, lâu dài, bền vững. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng”6. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là sự quan tâm hàng đầu của Người. Trong bản Di chúc, Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”7. Vì vậy, trọng dụng nhân tài phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với thực hiện quan điểm, mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ; quan tâm xây dựng lực lượng kế cận, kế tiếp; phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh, khát vọng vươn lên của học sinh, sinh viên, nhất là con em cán bộ, đảng viên trong Quân đội, trong ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trong nước với đào tạo cán bộ ở nước ngoài; vừa coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường Quân đội, vừa quan tâm thu hút những sinh viên tài năng ở các trường ngoài Quân đội có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong Quân đội, sẵn sàng cống hiến cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Đào tạo cán bộ, bồi dưỡng trí thức, phát triển nhân tài phải công phu, tỉ mỉ, thật sự khoa học, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội; thực sự trân trọng, tin yêu, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, trí thức tài năng ngày càng trưởng thành, phát triển. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ khoa học giỏi, giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự để bồi dưỡng, đào tạo số cán bộ khoa học mới.

Ba là, thực hiện tốt công tác cán bộ. Trong sử dụng con người nói chung, nhân tài nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”8. Trong khi đó, yêu cầu xây dựng nền quốc phòng trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều nhân tài là cán bộ chiến lược đủ tầm tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp, hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia. Phấn đấu có nhiều nhân tài là cán bộ chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm về công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết số 283-NQ/ĐU, ngày 24/10/2016 của Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về “Lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện công tác cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học có số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng cao. Tổng cục và các viện nghiên cứu cần chú trọng lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu trong và ngoài nước, có trình độ và năng lực nghiên cứu để bố trí, sắp xếp bổ sung vào đội ngũ cán bộ khoa học. Chủ động rà soát, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng những tài năng khoa học trẻ. Các viện nghiên cứu bám sát tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, kỹ thuật, kịp thời cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với từng chức danh, làm cơ sở, căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học. Có chính sách ưu đãi phù hợp đối với những cán bộ có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có kết quả xuất sắc được ứng dụng, góp phần trực tiếp nâng cao năng suất, hiệu quả trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ, thiết thực để họ tiếp tục cống hiến cho Ngành, cho Quân đội.

Bốn là, tập trung nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài. Đây là nhiệm vụ quan trọng, chìa khóa mở đường, tạo cơ sở khoa học vững chắc và động lực mạnh mẽ để quy tụ, tập hợp lực lượng, khơi dậy và phát huy các nguồn lực cho tìm kiếm, tạo nguồn, tuyển chọn, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong thời kỳ mới. Mục tiêu xuyên suốt là tạo sự chuyển biến đồng bộ, vững chắc về số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn lực nhân tài phục vụ Quân đội, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; hình thành, phát triển được nhiều nhân tài là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị công nghiệp quốc phòng nòng cốt; thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài là nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ, nhất là đội ngũ công trình sư, tổng công trình sư, thiết kế trưởng, kỹ sư trưởng, công nghệ trưởng thực sự tiêu biểu về bản lĩnh, lập trường, mẫu mực về đạo đức, lối sống, có trình độ, khả năng ngang tầm với nhiệm vụ. Yêu cầu cơ bản, quan trọng đối với nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, kịp thời cung cấp luận cứ khoa học, góp phần tạo nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài, mở ra một thời kỳ mới, mang tính bước ngoặt cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng, còn nguyên giá trị, cần được các cấp, các ngành nghiên cứu, vận dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài, vững bền của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
____________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 504.

2 - Sđd, Tập 5, tr. 184.

3 - Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 313.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 324 - 325.

6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 280.

7 - Sđd, Tập 15, tr. 622.

8 - Sđd, Tập 5, tr. 309.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.