QPTD -Thứ Hai, 08/05/2023, 09:52 (GMT+7)
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở địa bàn Tây Nam Bộ

Tư tưởng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là bộ phận trọng yếu, hợp thành tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, có giá trị to lớn trong định hướng, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng đó trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân địa bàn Tây Nam Bộ là vấn đề quan trọng, xuyên suốt.

Tây Nam Bộ1 giữ vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu 9 và khu vực phía Nam Tổ quốc. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Giữ nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khóa để ngăn ngừa bọn trộm cắp. Giữ Nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta”2, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cùng với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, “thế trận lòng dân” được chú trọng xây dựng ngày càng vững chắc; thế trận quân sự được tăng cường, tạo khả năng phòng thủ ở từng khu vực và trên các hướng, nhất là trên tuyến biên giới, biển, đảo; việc kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tạo thế và lực mới cho thế trận quốc phòng toàn dân ở từng địa phương, khu vực, hình thành thế trận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hiện nay, đất nước đang phải đối diện với nhiều thách thức mới, trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá chủ quyền của Việt Nam, chống phá chế độ, khối đại đoàn kết dân tộc, đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với công tác quốc phòng, quân sự. Do đó, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở địa bàn Tây Nam Bộ với các nội dung trọng tâm: xây dựng thế trận chính trị; thế trận quân sự; thế trận kinh tế và thế trận đối ngoại là vấn đề đặc biệt quan trọng, để cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”3. Thấm nhuần quan điểm đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nền tảng, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng. Tây Nam Bộ là địa bàn sinh sống của đồng bào Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa, luôn có tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong quá trình phát triển. Tuy vậy, lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, v.v. Vì vậy, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn ngày càng vững chắc, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết trong Đảng; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; tích cực phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, đảm bảo thực sự “trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân tin, đi đầu, làm trước, làm có hiệu quả cho dân theo”, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, tập hợp, huy động sức mạnh quần chúng tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của người dân miền Tây Nam Bộ; tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là ở địa bàn Tây Nam Bộ. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: kinh tế có mạnh mới có điều kiện làm cho quốc phòng - an ninh mạnh, “Thực túc binh cường”4, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Tây Nam Bộ cần kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; thực hiện mỗi bước tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội là một bước củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Việc thực hiện chủ trương quan trọng này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; bảo đảm phát triển kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; trực tiếp tăng cường tiềm lực của khu vực phòng thủ. Theo đó, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; các công trình, dự án kinh tế, khu công nghiệp; các nhà máy, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phải được đầu tư, triển khai xây dựng có chiều sâu, trang thiết bị hiện đại để vừa bảo đảm cho sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tác chiến khu vực phòng thủ của từng tỉnh, thành phố. Đặc biệt, chú trọng rà soát, làm tốt việc phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, quy hoạch thế trận quân sự các khu vực phòng thủ. Điều chỉnh bố trí lại dân cư, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, đồng bộ, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, biển, đảo.

Theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”5. Để thực hiện lời dạy của Người, Quân khu 9 và các tỉnh, thành phố trên địa bàn cần chú trọng huy động nguồn lực cho xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là xây dựng thế trận quân sự vững chắc. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, lo “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, tạo sự thống nhất cả về nhận thức, ý chí và hành động trong xây dựng thế trận quân sự vững chắc. Quá trình thực hiện, tập trung triển khai xây dựng thế trận phòng thủ Quân khu, các kế hoạch, công trình, bố trí lực lượng, nhất là trên hướng biển, biên giới và dự kiến nhiều phương án để sẵn sàng xử lý thắng lợi mọi tình huống. Tăng cường đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, nâng cao khả năng tự xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn. Đặc biệt, phải coi trọng xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (khu vực phòng thủ then chốt; căn cứ chiến đấu; căn cứ hậu phương; căn cứ hậu cần, kỹ thuật; khu sơ tán, sở chỉ huy các cấp; các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực bố trí các lực lượng,…), tạo lập thế trận rộng khắp, liên hoàn, vững chắc giữa các khu vực và trên từng hướng chiến lược. Xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng gắn với thế trận phòng thủ Quân khu; trong đó, ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ biển, đảo, thềm lục địa, phòng thủ biên giới, đường tuần tra và đê, kè sông, suối biên giới, địa bàn chiến lược và tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ bảo đảm sát với các tình huống quốc phòng, an ninh ở địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Chủ động điều chỉnh bố trí lực lượng quốc phòng, an ninh, hình thành thế chiến lược, sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trên hướng biển, cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong kiểm tra, quản lý, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa. Trên khu vực biên giới đất liền, các lực lượng: Quân sự, Biên phòng, Công an,... kết hợp chặt chẽ trong tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Tích cực hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là giải pháp quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Để đạt hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng; đa dạng hóa nội dung, hình thức quan hệ quốc phòng song phương và đa phương phù hợp với quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao của các địa phương trong vùng. Tăng cường, mở rộng hợp tác tin cậy với các nước có biên giới liền kề nhằm thúc đẩy hợp tác, giải quyết các vấn đề bất đồng, tranh chấp về chủ quyền biển, đảo, biên giới đất liền, v.v. Gắn kết hoạt động hội nhập, đối ngoại quốc phòng với các lĩnh vực khác, đảm bảo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong một kế hoạch tổng thể. Quá trình thực hiện, luôn chấp hành nghiêm đường lối, nguyên tắc, phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; nhận rõ đối tác, đối tượng, kết hợp chặt chẽ hợp tác và đấu tranh; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kiên định mục tiêu chiến lược, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng, như lời Bác căn dặn: “kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”6.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần được Quân khu, cấp ủy, chính quyền các địa phương nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân địa bàn chiến lược Tây Nam Bộ trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN CHUỘNG, Chính ủy Trường Quân sự Quân khu 9
___________________

1 - Chiếm 12,3% diện tích cả nước, gồm 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương, 147 đảo lớn nhỏ, hơn 200 km đường biên giới, hơn 700 km bờ biển.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 388.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 179.

4 - Sđd, Tập 5, tr. 568.

5 - Sđd, Tập 15, tr. 567.

6 - Sđd, Tập 4, tr. 522.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.