QPTD -Thứ Năm, 13/12/2018, 09:22 (GMT+7)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII)

Đảng tiền phong nghĩa là Đảng có vai trò, sứ mệnh lãnh đạo, đi đầu và dẫn đường sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Đảng trở thành tấm gương phấn đấu, hy sinh vì dân, vì nước và mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương để tấm gương ấy mãi trong sáng, có sức hấp dẫn, lan tỏa và thu phục quần chúng, góp phần bồi đắp tính tiền phong, nâng cao bản chất khoa học, cách mạng của Đảng và nuôi dưỡng, phát triển tính tiền phong của mỗi cán bộ, đảng viên.

Tư tưởng và tấm gương sáng ngời về nêu gương của Hồ Chí Minh

Để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức, cán bộ và giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo những chiến sĩ yêu nước trở thành người cách mạng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), Người đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh với 23 điểm. Theo Bác, người cách mạng tư cách phải chuẩn mực; thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác, với công việc. Bác đã nêu rõ những yêu cầu có tính chuẩn mực đó: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”1.

Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Tư cách ở đây chính là sự nêu gương, là tấm gương của sự phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”2. Đảng thật sự nêu gương khi xác định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”3. Người đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để trở nên người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham lam và những thói xấu khác. Đồng thời, Người nêu rõ bổn phận của mọi cán bộ, đảng viên là: cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là những chiến sĩ tiên phong, nêu gương trước quần chúng, chấp nhận gian khổ, kể cả hy sinh tính mạng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hồ Chí Minh luôn đề cao những tấm gương hy sinh của các đồng chí: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, v.v. Các đồng chí đó “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”4.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước, thực hiện sứ mệnh Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ, quyền hạn trong bộ máy của Đảng, Nhà nước gắn với chế độ hưởng thụ quyền lợi vật chất càng đòi hỏi sự nêu gương, “gương mẫu trong mọi công việc”; không màng danh lợi, giàu sang, quyền chức; được giao công việc gì cũng hoàn thành tốt nhất. Đó là sự nêu gương chân thành và tự giác.

Sinh thời, Người thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau, coi đó là lời khen chân thành của nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương tức là gương mẫu, đi đầu, thể hiện tính tiền phong, bản chất cách mạng và khoa học của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Người nêu rõ: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”5.

Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng - tấm gương cao đẹp nhất của người cộng sản, của người lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân. Người nêu gương suốt đời trong học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc, cuộc sống của nhân dân lên trước hết, trên hết. Ngày 14-7-1969, trả lời nữ nhà báo Cu-ba, Hồ Chí Minh nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”6. Nghị quyết của Đại hội đồng UNESSCO khóa 24 (họp từ 20-10 đến 20-11-1987) đã suy tôn và công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”.

Học tập và làm theo tư tưởng nêu gương của Hồ Chí Minh

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (02-9-1969), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại! Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”7.

Đảng chú trọng công tác xây dựng, tự chỉnh đốn và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém và có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong tình hình như thế, Đảng đã mở cuộc vận động lớn từ năm 2007 về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) thông qua quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Từ học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo cấp cao tự nêu gương, là bước tiến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nhận thức và hành động, nói và làm.

Trước hết, nêu gương là tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với mục tiêu, con đường cách mạng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, bảo đảm đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và thành công như ngày nay. Dù thế giới có đổi thay, dù còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, song lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng mãi soi sáng nhận thức và hành động của mọi cán bộ, đảng viên và mỗi người bằng hành động, việc làm cụ thể, phấn đấu hết sức mình, nêu gương trước nhân dân vì khát vọng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Trách nhiệm nêu gương đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, tự giác chấp hành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có bất cứ hành động hay phát ngôn trái với đường lối, quan điểm của Đảng, gây tổn hại đến uy tín và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; hoàn thành tốt nhất trọng trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Khi trách nhiệm được đề cao, có thể khắc phục được những khó khăn, hạn chế, yếu kém. Đảng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý các mối quan hệ với tổ chức đảng và chính quyền; gương mẫu thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị lợi ích vật chất cám dỗ, không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”. Đồng thời, có lối sống khiêm tốn, giản dị, gần dân, hiểu dân, hòa đồng và thấu hiểu con người; có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, ăn ở với nhau có tình có nghĩa như Bác Hồ căn dặn. Nêu gương và đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng về đạo đức như Đại hội XII của Đảng đề ra, góp phần làm rõ những chuẩn mực đạo đức trong Đảng và giáo dục đạo đức trong xã hội.

Đối với cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo phải ra sức rèn luyện, nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động và sáng tạo. Từ trí tuệ, năng lực và nhân cách của mình mà phấn đấu, cống hiến cho Đảng, đất nước và xã hội, không cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền, không tham vọng quyền lực hoặc lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, xếp đặt chức quyền cho người nhà, người thân. Khi tự mình thấy không có đủ năng lực và uy tín hoặc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý thì nên chủ động từ chức. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên cần nêu gương về lập trường quan điểm, kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện tốt những quy định về trách nhiệm nêu gương được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) ban hành là sự phát triển quan trọng trong nhận thức, hành động để tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức và đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm tốt những quy định đó, sẽ củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với dân tộc và nhân dân. Từ những quy định của Đảng trở thành hành động tự giác của cán bộ, đảng viên đã làm cho tính Đảng được đề cao; tính tiền phong cách mạng của Đảng ngày càng được bồi đắp và phát triển. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện rất cao theo các tiêu chí đã xác định, đảm bảo tính giáo dục sâu sắc; đồng thời, rất cần sự động viên, tôn vinh để trong Đảng, toàn xã hội có được nhiều tấm gương cao đẹp để tôn vinh và nhân rộng.

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 280-281.

2, 3 - Sđd, Tập 5, tr. 289, 290.

4 - Sđd, Tập 11, tr. 602.

5, 6 - Sđd, Tập 15, tr. 546, 674.

7 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 20.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.