Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:59 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đạo đức cách mạng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là một trong những cơ sở để Đảng ta đề ra nội dung giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình mới.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; coi đó là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Theo Bác, “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”1. Người khái quát nội hàm đạo đức cách mạng là: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”2; “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác”3.
Trung thành, thẳng thắn với Đảng, với nhân dân không chỉ là đạo đức cốt yếu của mỗi người cách mạng, mà còn là động lực quan trọng giúp cán bộ, đảng viên công tác hiệu quả hơn. Ngược lại, cán bộ, đảng viên giấu giếm sai lầm tức là dối trá với Đảng, với nhân dân, là trái với đạo đức cách mạng. Bởi, cán bộ, đảng viên “đã trung thành thẳng thắn thì bao giờ cũng đặt lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”4. Đạo đức cách mạng còn là “Quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, luôn luôn giữ vững tinh thần chí công vô tư”5. Hồ Chí Minh khẳng định: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”6. Đạo đức cách mạng là “đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”7. Như vậy, đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là làm việc không vì danh vọng cá nhân hay lợi ích cục bộ, mà vì lợi chung của Đảng, dân tộc, loài người; nó là gốc, nguồn lực vô địch của người chiến sĩ cách mạng và là nền tảng vững chắc để cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ.
Phẩm chất đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện nổi bật ở cần, kiệm, liêm, chính; trong đó, “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính”8. Vì cán bộ, đảng viên “không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”9. Người giải thích rõ ràng thế nào là Cần, Kiệm, Liêm, Chính để mọi người hiểu và dễ thực hành. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, bao gồm: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”10. Riêng đối với cán bộ Quân đội, do đặc thù của hoạt động quân sự, nên ngoài những phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, Hồ Chí Minh cho rằng, “Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”11.
Để có đạo đức cách mạng, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng,…; Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng; Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ; Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng; Vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu; Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”12.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng, nhằm tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng thật sự trong sạch về chính trị; vững vàng về tư tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động; lành mạnh về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước phát triển ngày càng bền vững. Vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn hiện nay, cần tập trung giải quyết một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Một trong những nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết, là do bản thân những cán bộ, đảng viên này thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Mặt khác, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng chưa được coi trọng đúng mức, nội dung và phương pháp chậm đổi mới, thậm chí không ít nơi chỉ là hình thức, hiệu quả thấp, nên chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt, giáo dục, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cũng như đạo đức cách mạng của Người; làm cho tư tưởng đó thật sự trở thành nền tảng trong xây dựng Đảng về đạo đức. Đồng thời, làm cho cán bộ, đảng viên thấy được sự cần thiết phải học tập, làm theo và thực hành đạo đức cách mạng trong mọi lúc mọi nơi, trở thành nội dung quan trọng trong xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, đội ngũ cán bộ với đội ngũ đảng viên. Quán triệt quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”13 cả trong sinh hoạt cũng như trong xây dựng Đảng. Tăng cường lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, dựa vào dân để xây dựng Đảng; có thiết chế cụ thể để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, phê bình, góp ý với cấp ủy, chính quyền về các mặt hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và công tác quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vấn đề này phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Các cấp ủy cần quán triệt, làm rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm, đề cao tinh thần “tự soi”, “tự sửa” trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ, đảng viên làm gương trước quần chúng. Trên cơ sở đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường, quan điểm vững vàng; luôn tiền phong, gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực công tác, phong cách lãnh đạo, sâu sát quần chúng, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Thứ tư, xây dựng Đảng về đạo đức phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, bằng nhiều hình thức, theo phương châm kết hợp biện pháp tư tưởng và tổ chức, lý luận và thực tiễn, giữa giáo dục, nâng cao nhận thức lý luận, quan điểm, tư tưởng với rèn luyện trong thực tiễn, tự phê bình và phê bình. Đặc biệt chú trọng nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mục tiêu, lý tưởng cách mạng, quan điểm, đường lối của Đảng. Bởi, những nội dung này là nền tảng để hình thành, phát triển và nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức cách mạng là giá trị riêng có của mỗi người, không thể vay mượn. Mặt khác, do cán bộ, đảng viên đảm nhiệm những công việc khác nhau, ở mức độ khác nhau trong mỗi thời kỳ cách mạng, tương ứng với mỗi loại cán bộ cần có những phẩm chất phù hợp, nên cần đề cao tính tự giác, tự tu dưỡng, tự rèn luyện của người cán bộ, đảng viên. Để việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng có hiệu quả, cần tiến hành theo nguyên tắc: Một là, cán bộ, đảng viên phải nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, nghĩa là phải đầu tầu, gương mẫu, nghĩ và làm mọi việc có lợi cho nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, đi đầu trong mọi công việc, làm việc có năng suất, hiệu quả. Hai là, kết hợp giữa “xây” và “chống”; xây là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục chuẩn mực đạo đức mới, khơi dậy ý thức tự giác, lối sống lành mạnh ở mọi người, hướng mọi người vào cuộc đấu tranh cho sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức; chống là chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm. Ba là, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng là công việc mà mọi cán bộ, đảng viên phải làm thường xuyên, làm suốt đời.
Thứ năm, xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân. “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ”14. Các cấp cần sớm xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới để cán bộ, đảng viên lấy đó làm tiêu chí tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện theo chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm chuyển hóa những quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng thành lập trường chính trị và niềm tin sâu sắc của cá nhân. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Đảng muốn vững mạnh, phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Đó là việc hết sức quan trọng và rất cần thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phải trở thành việc làm tự giác, nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đại tá, PGS, TS. TRẦN ĐĂNG BỘ - Thượng tá, TS. ĐÀM TRỌNG TÙNG
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 601.
2 - Sđd, Tập 9, tr. 354.
3 - Sđd, Tập 11, tr. 604.
4 - Sđd, Tập 11, tr. 209.
5 - Sđd, Tập 9, tr. 508-509.
6 - Sđd, Tập 11, tr. 612.
7 - Sđd, Tập 13, tr. 90.
8 - Sđd, Tập 6, tr. 129.
9 - Sđd, Tập 5, tr. 122.
10 - Sđd, Tập 6, tr. 208.
11 - Sđd, Tập 5, tr. 259.
12 - Sđd, Tập 11, tr. 603-609.
13 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 35.
14 - Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh,đạo đức cách mạng,xây dựng Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam