QPTD -Thứ Năm, 22/08/2019, 09:22 (GMT+7)
Trường Trung cấp Biên phòng 1 đẩy mạnh học tập và làm theo Bác Hồ

Để không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Trường Trung cấp Biên phòng 1 đã triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, góp phần xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trường Trung cấp Biên phòng 1 (tiền thân là Trường Hạ sĩ quan Biên phòng), có nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ biên phòng trình độ sơ cấp, trung cấp; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Trung Quốc, tiếng Lào và tiếng Anh); bồi dưỡng văn hóa nguồn cho cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, v.v. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cùng với những thuận lợi là cơ bản, Nhà trường còn gặp không ít khó khăn, như: ngành nghề và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đa dạng; trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý giáo dục của đội ngũ cán bộ, giáo viên có mặt còn hạn chế. Đặc biệt, năm học 2018 - 2019, Nhà trường được Bộ Tư lệnh Biên phòng giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thành lập Trường Cao đẳng Biên phòng trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cấp Biên phòng 1 và 2. Đây là nhiệm vụ mới, phần nào chi phối tới hoạt động của Nhà trường và tư tưởng của cán bộ, giáo viên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 là một trọng tâm. Qua đó, tạo sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách và tinh thần phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng

Việc học tập và làm theo Bác được thể hiện trước hết trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Nhà trường và âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biên giới (cả trên đất liền và trên biển), v.v. Trong thực hiện, Nhà trường đã kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục chung với giáo dục riêng; coi trọng giáo dục các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bảo đảm tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, quần chúng của Nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, tinh thần trách nhiệm cao; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ Biên phòng ưu tú, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, từng bước khắc phục những biểu hiện ngại khó, ngại khổ, tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo; xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

Thấm nhuần lời căn dặn của Hồ Chí Minh: “… cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, đối với nhà trường “… không có thầy giáo thì không có giáo dục”2; đồng thời, từng bước triển khai thực hiện Đề án thành lập Trường Cao đẳng Biên phòng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước hết, Nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, đủ số lượng, có cơ cấu và dự trữ hợp lý về lứa tuổi, trình độ; vững mạnh về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ học vấn, năng lực, phương pháp sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế lãnh đạo công tác cán bộ; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong và ngoài Quân đội; cử cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các đồn biên phòng để nâng cao trình độ, ưu tiên đối với các chuyên ngành còn thiếu, trong diện quy hoạch. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình; chủ động sắp xếp, giải quyết hợp lý số cán bộ, giáo viên, từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, không để xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển, v.v. Đảng ủy Nhà trường lãnh đạo quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, giáo viên; thực hiện đúng quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nhận xét và đánh giá cán bộ chủ trì các cấp; tăng cường các biện pháp quản lý, nắm tâm tư, nguyện vọng, khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên tích cực tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, pháp luật, đảm bảo cho họ luôn có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực sư phạm, trình độ, phương pháp, tác phong công tác tốt. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học trở lên (trên 30% trình độ sau đại học), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Làm theo lời dạy của Bác: “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều”3; đồng thời, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020,... Nhà trường lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt”; thực hiện nghiêm khâu đột phá trong dạy - học ngoại ngữ, học tiếng nước láng giềng cho học viên. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình khung, chương trình chi tiết trình độ trung cấp và các loại hình đào tạo khác; bổ sung chương trình đào tạo môn binh chủng hợp thành, gắn với chiến thuật và chức năng, nhiệm vụ, môi trường chiến đấu của Bộ đội Biên phòng; kịp thời cập nhật tình hình thực tiễn vào các môn học theo hướng: giảm thời gian huấn luyện lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành. Cùng với đó, Nhà trường chủ động xây dựng dự thảo chương trình khung và chương trình chi tiết đào tạo cao đẳng; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ kiểm tra, dự giờ và hoạt động ngày phương pháp của các khoa giáo viên; tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường; phát huy dân chủ trong nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ,... góp phần nâng cao năng lực và phương pháp sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Bám sát phương châm: “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, coi trọng huấn luyện: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát thực tiễn tại các tuyến biên giới, Nhà trường lãnh đạo, điều hành thực hiện chương trình đào tạo đảm bảo thông suốt, an toàn; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp dạy - học, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với tình hình, đối tượng tác chiến, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của Bộ đội Biên phòng. Đồng thời, tích cực đổi mới hình thức thi, kiểm tra theo hướng: phát triển năng lực cá nhân, lấy người học làm trung tâm; phát huy khả năng sáng tạo, tính năng động, tích cực, chủ động của người học trong quá trình tiếp nhận kiến thức; tổ chức chấm thi tập trung, đảm bảo trung thực, khách quan, thực chất. Vì vậy, kết quả thi, kiểm tra cho học viên tốt nghiệp ra trường 100% đạt yêu cầu (có trên 84% khá, giỏi); học viên ra trường về các đơn vị công tác đều đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quán triệt tư tưởng của Bác: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh”4; đồng thời xác định: xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật là khâu đột phá quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo chặt chẽ công tác xây dựng chính quy, nâng cao chất lượng thực hiện điều lệnh, điều lệ, quản lý, rèn luyện học viên, không để học viên vi phạm kỷ luật, pháp luật. Xây dựng và thực hiện chặt chẽ cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị với các khoa giáo viên, giữa Nhà trường với gia đình và đơn vị cũ trong giáo dục, quản lý, rèn luyện học viên; kết hợp “dạy chữ” với “dạy nghề” và “dạy người”. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị luôn phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, gắn trách nhiệm của cán bộ chủ trì đối với kết quả giáo dục, quản lý, rèn luyện học viên; từng bước đưa công tác quản lý, rèn luyện học viên đi vào chiều sâu, góp phần làm chuyển biến tốt hơn việc xây dựng và phát triển nhân cách người quân nhân chuyên nghiệp Biên phòng. Đồng thời, thường xuyên thực hiện chấn chỉnh lễ tiết tác phong quân nhân, sắp xếp nơi ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên, học viên; duy trì nghiêm nền nếp chế độ quy định; đẩy mạnh xây dựng, tu sửa cảnh quan môi trường đơn vị xanh - sạch - đẹp, v.v. Do đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội có chuyển biến tích cực, các vụ việc vi phạm giảm cả về số vụ, tính chất và mức độ. Nhiều năm liền, Nhà trường không có cán bộ, giáo viên, học viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; kỷ luật thông thường giảm dưới 0,02%.

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân với dân như cá với nước”, các cơ quan, đơn vị trong Nhà trường đã xây dựng và phát huy tốt mối quan hệ đoàn kết quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí; tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”,... với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp khả năng và điều kiện thực tế, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, bồi đắp thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà trường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Những kết quả trên đây là động lực để Trường Trung cấp Biên phòng 1 tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN QUANG PHƯƠNG, Chính ủy Nhà trường
____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.

2 - Sđd, Tập 10, tr. 345.

3 - Sđd, Tập 6, tr. 357

4 - Sđd, Tập 5, tr. 483.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.