QPTD -Thứ Sáu, 27/01/2017, 10:55 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Pháo binh đẩy mạnh thực hiện “3 thực chất” trong giáo dục - đào tạo

Trường Sĩ quan Pháo binh triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực; trong đó, thực hiện “3 thực chất” trong giáo dục - đào tạo (dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất) là nội dung quan trọng, xuyên suốt của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên.

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt1, Trường Sĩ quan Pháo binh đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực. Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị 03-CT/TW, tiếp đó là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với chủ trương đổi mới giáo dục - đào tạo; chỉ đạo các phòng, khoa, tiểu đoàn cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm tạo bước đột phá về thực hiện “3 thực chất” trong giáo dục - đào tạo.

Thiếu tướng Nguyễn Du – Hiệu trưởng Nhà trường trao Giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý tốt nhân dịp 20-11

Ý thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ nhà giáo - chủ thể của hoạt động dạy, yếu tố quyết định “dạy thực chất” và thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị2, Nhà trường đã có nhiều đổi mới trong xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Nhà trường chủ động rà soát, tăng cường công tác tạo nguồn, quy hoạch đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; gắn quy hoạch, đào tạo với sắp xếp, sử dụng, nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành và có chất lượng toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, cả trước mắt, cũng như lâu dài. Trong tuyển chọn đội ngũ giảng viên, Nhà trường ưu tiên cán bộ có năng lực, đã qua thực tiễn huấn luyện, quản lý, chỉ huy ở các đơn vị pháo binh trong toàn quân; học viên tốt nghiệp loại giỏi và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Quân đội có chuyên ngành phù hợp, đủ tiêu chuẩn. Cùng với tuyển chọn, Nhà trường chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường trong nước, nước ngoài với đào tạo, bồi dưỡng tại Trường và luân chuyển thực tế tại đơn vị. Trong 5 năm (2011 - 2016), Nhà trường đã mở 08 lớp đào tạo giáo viên: bắn pháo, trinh sát - đo đạc, chiến thuật và binh thao; phối hợp với Học viện Chính trị tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ Lý luận dạy học đại học cho 138 giảng viên; xét chọn, cử đi học 148 đồng chí (sau đại học 65 đồng chí), đi thực tế 70 đồng chí. Đến nay, 100% giảng viên của Nhà trường có trình độ đại học; trong đó, 34,4% có trình độ thạc sĩ và 7,8% là tiến sĩ; 04 đồng chí được phong danh hiệu Phó Giáo sư, 01 Nhà giáo Nhân dân, 07 Nhà giáo ưu tú. Phát huy kết quả đó, hiện nay, Nhà trường đang đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giai đoạn 2015 - 2017, định hướng đến năm 2020; phấn đấu đến năm 2020, trên 60% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có trên 10% tiến sĩ.

Cùng với đó, Nhà trường tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); bổ sung, cụ thể hóa tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với đội ngũ giảng viên, phải đảm bảo tiêu chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt; luôn say mê, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; có phương pháp, tác phong công tác phù hợp, uy tín cao trước tập thể, bảo đảm vừa truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, vừa giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vừa bồi dưỡng kinh nghiệm chiến đấu, công tác cho học viên. Với đội ngũ cán bộ quản lý, phải thực sự là “người thầy thứ hai” trong định hướng, xây dựng động cơ nghề nghiệp, duy trì nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, tổ chức tự học tại đơn vị, hướng dẫn học viên thực hành, thực tập và hoạt động ngoại khóa, v.v.

Khắc ghi lời Bác: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế3, Nhà trường chỉ đạo các phòng, khoa tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng cấp học, bậc học, đối tượng đào tạo. Thực hiện Đề án 63 của Bộ Quốc phòng, Nhà trường đã xây dựng, hoàn thiện 14 chương trình đào tạo học viên trong nước và 09 chương trình đào tạo học viên quốc tế. Các nội dung, chương trình đào tạo bảo đảm tính liên thông, liên kết giữa các cấp học, bậc học; kết hợp tốt giữa trang bị kiến thức đại cương, kiến thức chuyên ngành với bồi dưỡng năng lực, bản lĩnh, phương pháp, tác phong chỉ huy cho người học. Trong từng môn học, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lý thuyết với thực hành, dành nhiều thời gian hơn cho huấn luyện thực hành trên vũ khí, khí tài pháo binh (nhất là các loại mới, hiện đại), công tác chỉ huy tham mưu pháo binh cấp phân đội trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và cập nhật sự phát triển của nghệ thuật quân sự, cách đánh mới của Bộ đội Pháo binh. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng kết hợp đào tạo chính khóa với ngoại khóa, giữa đào tạo tại Trường với đi thực tế tại đơn vị; tăng cường luyện tập tổng hợp, diễn tập có bắn đạn thật, trên các dạng địa hình với các hình thái tác chiến tiến công, phòng ngự, đánh địch đổ bộ đường không,… sát thực tế chiến đấu và hoạt động ở đơn vị.

Huấn luyện thực hành trên pháo

Cùng với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Nhà trường chăm lo xây dựng môi trường sự phạm lành mạnh, mẫu mực, tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực người dạy, người học trong quá trình dạy - học. Theo đó, Nhà trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về phương pháp dạy - học đại học; đồng thời, chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo; gắn đổi mới phương pháp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng trong dạy học, từng bước áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Thực hiện chỉ đạo của Nhà trường, các khoa đẩy mạnh hoạt động phương pháp, tích cực tổ chức giảng tập, giảng thử, giảng mở rộng, giảng mẫu,… để thống nhất về phương pháp và chuẩn hóa động tác thực hành. Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã coi trọng vận dụng phương pháp nêu vấn đề, tăng cường đối thoại, trao đổi thẳng thắn giữa người dạy và người học, hướng học viên vào giải quyết những vấn đề mới, phức tạp, sát với điều kiện tác chiến mới. Đồng thời, chú trọng truyền thụ kinh nghiệm huấn luyện, kinh nghiệm chiến đấu được rút ra từ thực tiễn và qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Song song với đó, Nhà trường chủ động huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giảng đường, phương tiện dạy - học hiện đại. Đến nay, 100% các môn học đều có giảng đường chuyên dùng, các khoa có phòng phương pháp, phòng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với đầy đủ hệ thống máy tính, máy chiếu, phần mềm mô phỏng 2D, 3D. Hệ thống Thư viện được trang bị hiện đại, bao gồm: hệ thống cổng từ quản lý, kiểm soát thông tin tư liệu, phòng tư vấn bạn đọc, phòng đọc tự chọn, cùng hệ thống mạng LAN, tích hợp hơn 15.000 đầu tài liệu,... phục vụ nhu cầu tự học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên.

Để “học thực chất”, Nhà trường chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới cách học, coi trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Cùng với làm tốt công tác tuyển sinh đầu vào, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục về mục tiêu, yêu cầu đào tạo, giúp học viên chuẩn bị tốt tâm lý, xác định động cơ, phương pháp học tập đúng đắn. Trong quá trình đào tạo, huấn luyện, Nhà trường có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học; phát huy vai trò “người thầy thứ hai” của đội ngũ cán bộ quản lý trong tổ chức tự học; nhân rộng và phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ môn học ở các lớp, đại đội, tiểu đoàn học viên.

Hội thi Olimpic các môn khoa học Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh (năm 2015)

Công tác kiểm tra, duy trì nền nếp hội thi giáo viên dạy giỏi4, cán bộ quản lý tốt và hội nghị nâng cao chất lượng giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cũng như phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”,… được Nhà trường đẩy mạnh thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, thi, kiểm tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc định hướng hoạt động của người dạy và người học; là một trong những động lực để đổi mới phương pháp dạy - học. Để thực hiện “thi thực chất”, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học viên. Theo chỉ đạo của Nhà trường, đề thi, kiểm tra được các khoa, tổ bộ môn xây dựng theo hướng tổng hợp, khái quát cao, vừa đánh giá trình độ, kiến thức cơ bản, vừa nâng cao kỹ năng, kỹ xảo, tính sáng tạo của người học trong vận dụng nguyên tắc lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn hoạt động quân sự. Bên cạnh đó, các khâu coi thi, chấm thi cũng được tiến hành nghiêm túc. Đặc biệt, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò chuyên trách của Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng huấn luyện, đảm bảo công tác khảo thí độc lập với tổ chức đào tạo, đánh giá chính xác, khách quan kết quả giáo dục - đào tạo.

Với nỗ lực và quyết tâm cao, việc thực hiện “3 thực chất” của Nhà trường đã đạt được kết quả tích cực, chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường không ngừng được nâng lên. Kết quả các khóa đào tạo gần đây có trên 80% trở lên học viên tốt nghiệp khá, giỏi; học viên các khóa tốt nghiệp ra trường đều hoàn thành được chức vụ ban đầu, có trên 60% hoàn thành ở mức khá; uy tín của Trường trong hệ thống nhà trường Quân đội được khẳng định. Kết quả đó không chỉ khẳng định hướng đi đúng đắn của Nhà trường, mà còn cho thấy ý thức chính trị của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tự hào với chặng đường 60 năm xây dựng, trưởng thành (18-02-1957 – 18-02-2017), Trường Sĩ quan Pháo binh tiếp tục phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, thi đua dạy tốt, học tốt, công tác tốt”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Binh chủng Pháo binh “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN DU, Hiệu trưởng Nhà trường

_____________         

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr. 507.

2 - Sđd, Tập 12, tr. 270.

3 - Sđd, tr. 647.

4 - Đến năm 2016, Nhà trường có 27 đồng chí đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ, hàng trăm đồng chí giáo viên dạy giỏi cấp Trường. Năm 2015, tham gia Hội thi Ô-lim-píc các môn khoa học Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà trường được Tổng cục Chính trị tặng Giấy khen; học viên Phùng Tuấn Vũ được Ban Thanh niên Quân đội tặng danh hiệu “Thanh niên Quân đội chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ”, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.