QPTD -Thứ Ba, 28/09/2021, 06:29 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân đoàn 2 đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”

“Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng…”1 - Thấu triệt lời Bác dạy, Trường Quân sự Quân đoàn 2 đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo và sẵn sàng chiến đấu.

Trường Quân sự Quân đoàn 2 có nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, đào tạo sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho Quân đoàn. Năm 2020, Nhà trường được Bộ Quốc phòng giao đào tạo giai đoạn 1 sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học cho Học viện Quân Y; tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Do yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, Nhà trường tổ chức đóng quân trên 3 khu vực, lực lượng phân tán, đất đai khô cằn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh,… có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19 trong năm 2020, 2021; nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu và giá cả có nhiều biến động, liên tục tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống cán bộ, học viên. Trước thực tế đó và nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật đã phát huy vai trò nòng cốt, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Để Phong trào đi vào thực tế một cách tự giác, thiết thực, hiệu quả, Nhà trường thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, với các chủ đề, chỉ tiêu thi đua cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị; đưa nội dung, chỉ tiêu Phong trào thi đua vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác của người chỉ huy hằng tháng, quý, năm để tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý thức, trách nhiệm và xây dựng động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn cho các đối tượng.

Bám sát mục tiêu “Một tập trung - Ba khâu đột phá” của Quân đoàn, Nhà trường đã cụ thể hóa nội dung Một tập trung: tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, gắn với thực hiện Chị thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng cơ quan, phân đội hậu cần vững mạnh toàn diện. Ba khâu đột phá: tạo chuyển biến vững chắc, nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống, sức khoẻ bộ đội; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành nghiêm nguyên tắc bảo đảm hậu cần; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quy trong công tác hậu cần, bảo đảm tốt an toàn giao thông. Năm tốt: tinh thần phục vụ tốt; tăng gia sản xuất, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt; chống lãng phí và thực hành tiết kiệm tốt; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các mô hình hậu cần tốt; xây dựng chính quy, cải cách hành chính tốt.

Quá trình triển khai, Nhà trường gắn với thực hiện các phong trào: “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi” của ngành Quân nhu; “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác”, “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt” của ngành Quân y và các phong trào “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả” của ngành Doanh trại, Vận tải, Xăng dầu. Thông qua các phong trào thi đua, lề lối, tác phong, chế độ công tác hậu cần từ cơ quan đến đơn vị đi vào nền nếp, chính quy; ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần được nâng lên; hoạt động bảo đảm hậu cần có nhiều đổi mới, chủ động chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu, cơ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất của Nhà trường.

Ủng hộ lương thực, thực phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19

Quán triệt quan điểm tự lực, tự cường và thấm nhuần lời dạy của Bác: “Các cơ quan trong Quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân”2, Nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quản lý chặt chẽ từ khâu tạo nguồn lương thực, thực phẩm đến chế biến nấu ăn; thực hiện chế độ công khai tài chính hằng ngày tại bếp, chế độ xuất, nhập tay ba, nấu ăn đối chứng các bếp; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, vững chắc. Các đơn vị tích cực thi đua phát huy nội lực, triệt để tận dụng và cải tạo đất đai, ao hồ, tiến hành quy hoạch tăng gia sản xuất gắn với quy hoạch doanh trại chính quy; xây dựng và nhân rộng mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến). Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân mượn đất ruộng của địa phương để thâm canh, gối vụ. Nhờ đó, Nhà trường đã tự túc được 90% nhu cầu rau xanh; 92,3% nhu cầu thịt lợn; 58,5% nhu cầu thịt gia cầm, 100% nhu cầu đậu phụ, giá đỗ,… đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thời điểm giáp vụ. Từ nguồn thu tăng gia sản xuất, trong 5 năm qua (2015 - 2020), Nhà trường đã trích quỹ bảo đảm ăn ngày lễ, Tết gần 1,5 tỉ đồng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cán bộ, học viên.

Nhà trường thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo mùa; tăng cường các biện pháp giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn; quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải giữ gìn vệ sinh môi trường. Duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ chuyên môn bệnh xá, bổ sung kịp thời, đầy đủ thuốc quân y, trang thiết bị y tế ở từng tuyến; tích cực phát triển vườn dược liệu, kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh cho bộ đội, các đối tượng chính sách, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân. Đáng chú ý, khi dịch Covid-19 lây lan vào Việt Nam, Nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu, rộng các chỉ thị, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đến toàn thể cán bộ, học viên; chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc quy tắc phòng dịch 5K của Bộ Y tế và tổ chức phun khử khuẩn Cloramin B hằng tuần trong đơn vị. Đặc biệt, khi dịch bùng phát mạnh tại Bắc Giang, theo chỉ đạo của trên, Nhà trường đã chủ động tuyển chọn, giao nhiệm vụ, tổ chức huấn luyện bổ sung công tác phòng, chống dịch cho 45 cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch ở 04 điểm cách ly tập trung tại 02 huyện: Lạng Giang, Yên Dũng và cách ly tập trung sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, nhiều năm qua, Nhà trường không có dịch bệnh xảy ra trong đơn vị, quân số khỏe đạt 98,8% trở lên. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất quốc phòng và tích cực triển khai xây dựng cơ bản, hệ thống thao trường, bãi tập, khu thể thao, sân vườn, đường nội bộ, khuôn viên cây xanh, thảm cỏ. Trong quá trình xây dựng, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật phát huy vai trò giám sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định trong xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Quan tâm làm tốt công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa doanh trại, doanh cụ, hạn chế thấp nhất sự xuống cấp do tác động bởi thời tiết, khí hậu, môi trường. Đồng thời, động viên các cơ quan, đơn vị phát huy tinh thần tự lực, tự cường, huy động nội lực, công sức bộ đội, nguồn vốn tự có để xây dựng, củng cố doanh trại, cảnh quan môi trường “chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đều có khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan, môi trường khang trang, sạch, đẹp; điều kiện sinh hoạt của bộ đội được cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ; tăng cường công tác quản lý, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong mọi khâu, mọi hoạt động công tác hậu cần; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm và quản lý; duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ quy định trong công tác hậu cần, trong sản xuất, mua sắm theo đúng quy chế, quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình bảo đảm hậu cần, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tăng gia sản xuất, tạo nguồn, sử dụng điện, nước, xăng dầu, chế biến nấu ăn; kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo giữa các bếp ăn, tổ chức nấu mẫu, nấu đối chứng, nhất là thời điểm giá tăng đột biến và khi có sự điều chỉnh mức tiền ăn cơ bản, v.v. Đồng thời, thực hiện dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ; thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý, sử dụng xăng, dầu, điện, nước, doanh cụ, doanh trại,... thực hiện giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị. Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, Nhà trường đã tiết kiệm được 490.360.000 đồng; trong đó, có 415.810.000 đồng do chênh lệch giá sản phẩm chế biến, tăng gia sản xuất, chất đốt; 19.250.000 đồng do thu hái dược liệu từ các vườn thuốc nam và điều trị không dùng thuốc; 55.300.000 đồng do tiết kiệm điện năng từ sử dụng thường xuyên.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, Nhà trường chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác hậu cần và đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với các cuộc vận động, phong trào Thi đua Quyết thắng, hoạt động hội thi, hội thao của các ngành nghiệp vụ. Năm 2020, Nhà trường được Bộ Tư lệnh Quân đoàn tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” giai đoạn 2015 - 2020. Tháng 6/2021 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Phát huy kết quả đạt được, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ.

Đại tá NGUYỄN QUỐC PHONG, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Nhà trường
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 179.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 431.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.