Thứ Ba, 17/09/2024, 09:34 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Nhân dân ta, dân tộc ta hạnh phúc và tự hào có Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam.
Sinh thời, kể từ những ngày thơ ấu ở Làng Sen, tiếp đó 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước (từ năm 1911), rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (từ năm 1941), cho đến trước lúc đi xa (năm 1969), Bác Hồ của chúng ta: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho dân tộc, để lại muôn vàn tình thương yêu cho các thế hệ người Việt Nam trước đây, hôm nay và mai sau.
Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 17-7-1960. (Ảnh tư liệu)
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, Người đã viết nhiều tác phẩm với các thể loại khác nhau, trong đó có một số tác phẩm trở thành bảo vật quốc gia. Để giữ gìn và kế thừa tư tưởng của Người, những tác phẩm vô giá này được Đảng ta tập hợp in thành sách “Hồ Chí Minh Toàn tập”, trong đó có tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm được Người viết xong năm 1947, in lần đầu vào đầu năm 1948, tuy không đồ sộ, nhưng có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng lớn. Một trong những nội dung chủ yếu của tác phẩm đề cập ba khuyết điểm, mà theo Người cũng là ba căn bệnh chính của Đảng, hiện hữu trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là (1) khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; (2) khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; (3) khuyết điểm về cách nói, cách viết, tức là bệnh ba hoa. Người chỉ rõ: “Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra thì có hại vô cùng”1. Không những thế, Hồ Chí Minh còn luận giải cặn kẽ căn nguyên của từng chứng bệnh và chỉ ra cách chữa trị.
Tác phẩm ra đời cách đây đã 70 năm, nhưng soi vào thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những nội dung được đề cập trong đó vẫn nóng hổi tính thời sự và còn nguyên giá trị. Thật thấm thía biết bao, sâu sắc biết bao!
Để thực hiện quan điểm “nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với cán bộ, đảng viên trong Quân đội hiện nay, cần tập trung giải quyết tốt hai vấn đề chính.
Thứ nhất, quán triệt, thấu suốt quan điểm “nói đi đôi với làm” của Hồ Chí Minh.
Đây là quan điểm, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh và chính Người là hiện thân của việc “nói đi đôi với làm”. Theo tư duy của Hồ Chí Minh, nói ở đây được hiểu bao hàm cả nói và viết - cách nói, cách viết. Qua thực tiễn chúng ta thấy, quan điểm này chỉ đạo xuyên suốt mọi hành động của Người, từ việc lớn, hệ trọng của quốc gia - dân tộc với cương vị là người đứng đầu đến những việc nhỏ, bình thường trong cuộc sống thường nhật với tư cách là một người như bao người khác. Bác thường căn dặn cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm”; đồng thời, chỉ rõ khuyết điểm về cách nói, cách viết, tức là nói và viết không gắn với làm, Người cho đó là bệnh ba hoa và cảnh báo nếu để chứng bệnh này lây ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thì sẽ nguy hại vô cùng. Biểu hiện cụ thể của chứng bệnh ba hoa là “nói mà không làm”, “nói một đằng làm một nẻo” hoặc “nói nhiều làm ít”. Cán bộ, đảng viên nói chung mắc chứng bệnh này đã nguy hại, đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền càng nguy hại hơn và người giữ cương vị trọng trách càng cao thì mức nguy hại càng lớn. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên là người của Đảng, đại diện cho Đảng, Đảng hiện hữu trong mỗi cán bộ, đảng viên. Quần chúng nhân dân nhìn nhận, đánh giá về Đảng thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng với cả hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Theo Người, cán bộ còn là “công bộc” của dân, cho nên phải luôn tự rèn luyện và răn mình để thực hiện tốt việc “nói đi đôi với làm”, “nói sao làm vậy”, “nói ít làm nhiều”. Đó là bổn phận, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước dân, qua đó gìn giữ uy tín của Đảng và thể hiện sự trọng dân, vì dân.
Xét đến cùng, “nói đi đôi với làm” là biểu hiện tập trung nhân cách, nhân văn, phẩm hạnh của một con người và cao hơn đó là nhân cách, tầng sâu và bản sắc văn hóa của một dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng đó không tự nhiên mà có, nó được hình thành, hun đúc, kế thừa qua hàng ngàn năm lịch sử và trở thành nét tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt, thấm sâu vào tư chất của mỗi con người Việt. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại hiện nay, điều đáng mừng là vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được bạn bè và nhiều người biết đến với cái nhìn thiện cảm. Có được điều đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chúng ta nghiêm túc và nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế đã ký, cũng tức là “nói đi đôi với làm”, nói sao làm vậy, trước sau như một, trọng người, trọng mình trong quan hệ đối ngoại. Và, đó cũng là cội nguồn của lòng tin, nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc - yếu tố cơ bản, không thể thiếu đối với mỗi quốc gia cũng như mỗi người.
Theo Bác, người cán bộ, đảng viên của Đảng nhất thiết phải có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, tức là vừa hồng vừa chuyên. Trong đó “nói đi đôi với làm” là “gốc”, biểu hiện sâu sắc và thước đo tiêu chí hồng của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện “nói đi đôi với làm” vừa dễ, vừa khó. Dễ là đối với những người thấu hiểu tầm quan trọng của nó, luôn lấy đó là nguyên tắc sống, là kim chỉ nam trong mọi hành động. Còn khó là đối với những người chưa thấy hết tầm quan trọng của nó, dẫn đến thiếu ý thức rèn luyện để “nói đi đôi với làm” ở mọi lúc, mọi nơi, mọi việc. Điều đó đồng nghĩa với việc nói mà không làm, hoặc nói xong để đấy theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Bác Hồ của chúng ta là người có kiến thức rộng, thấu hiểu văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, lại trải nghiệm thực tiễn, nên hơn ai hết, Người thấy rõ tầm quan trọng của việc “nói đi đôi với làm”, cũng như tác hại của việc “nói mà không làm”, cho nên từ việc lớn đến việc nhỏ, Người luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và điều đó trở thành thói quen, nếp nghĩ thường trực của Người, phong cách của Người - phong cách Hồ Chí Minh. Bác Hồ không chỉ là tấm gương mẫu mực, mà còn luôn ở bên cạnh chúng ta, theo dõi, dẫn dắt mọi người trong mỗi hành động. Người là chỗ dựa, là niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam và tương lai tươi sáng của đất nước - “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”. Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc mọi bề, tính toán mọi yếu tố khách quan, chủ quan để luôn “nói đi đôi với làm”, đã nói là làm, viết sao làm vậy, nhằm tạo niềm tin, sức thuyết phục và là tấm gương cho cấp dưới, quần chúng noi theo. Nếu không thực hiện được điều đó, nói không gắn với làm trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường thì không những ảnh hưởng đến thanh danh bản thân, mà nguy hiểm hơn là làm tổn hại đến uy tín của tổ chức, của Đảng. Cán bộ có chức, có quyền càng cao thì mức độ ảnh hưởng càng lớn, do đó càng phải coi trọng “nói đi đôi với làm”. Trong những trường hợp cá biệt, do nguyên nhân khách quan mà người cán bộ, đảng viên chưa hoặc không thực hiện được “nói đi đôi với làm” thì phải nêu rõ lý do, thậm chí công khai nhận khuyết điểm. Tránh nhận thức giản đơn, phiến diện, coi nhẹ việc “nói đi đôi với làm”, cho đó là việc nhỏ, việc bình thường, chưa thực hiện được cũng chẳng sao, hoặc đổ vấy cho khách quan, mà không thấy rõ trách nhiệm, cũng như hậu quả của việc nói không gắn với làm. Theo Bác, những người như vậy là mắc khuyết điểm - nhiễm “bệnh ba hoa”, mà đã có bệnh thì cần được “chữa trị” kịp thời, không để nó lây lan, phát triển thành “dịch bệnh” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đáng chú ý là, Người không chỉ cảnh báo, “bắt bệnh” mà còn chỉ rõ cách chữa trị và “bốc thuốc” cho căn bệnh này.
Xuất phát từ thực trạng tình hình và trên cơ sở thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên nói riêng, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) - Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ hàng đầu trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Hiện nay, công tác xây dựng Đảng đang được triển khai tích cực, thực chất và đạt kết quả quan trọng. Với nỗ lực đó, chúng ta tin rằng, trong thời gian tới, công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên, luôn “nói đi đôi với làm”, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai, vận dụng quan điểm “nói đi đôi với làm” vào sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong Quân đội hiện nay.
Chúng ta biết rằng, tổ chức và môi trường hoạt động của Quân đội mang tính đặc thù, chi phối, tác động đến mọi hành động của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từ lời nói đến việc làm. Quân lệnh như sơn, việc chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy trở thành nguyên tắc trong mọi hoạt động của bộ đội. Đó cũng là cốt lõi của kỷ luật và kỷ luật là sức mạnh của Quân đội. Một quân đội thiếu tính kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm sẽ không thể có sức mạnh, mà không có sức mạnh thì sẽ không hoàn thành được chức năng cơ bản của nó là chiến đấu thắng lợi. Quân đội ta là quân đội cách mạng, quân đội của dân, do dân, vì dân, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện đã không ngừng trưởng thành phát triển trong hơn 70 năm qua. Đó là nguồn sức mạnh vô địch và nhờ có nguồn sức mạnh đó - nguồn sức mạnh từ sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, truyền thống dân tộc, từ bản chất của một quân đội cách mạng,… Quân đội ta đã đánh thắng những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc để trở thành một Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hoạt động rèn luyện trong môi trường đặc thù đó, cán bộ, đảng viên Quân đội luôn duy trì được việc “nói đi đôi với làm” cũng là điều dễ hiểu. Trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ, lời nói của cán bộ là mệnh lệnh, cán bộ cấp dưới tuyệt đối chấp hành. Điều đó dần hình thành thói quen, phong cách trong lề lối làm việc và trong giao tiếp, ứng xử. Thực tế trong Quân đội hiện nay cho thấy rõ điều này và có thể nói đó là điều kiện thuận lợi, là sự khác biệt của Quân đội so với các ngành, lĩnh vực khác trong việc thực hiện “nói đi đôi với làm” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhưng, nói vậy không có nghĩa là trong Quân đội hiện nay không có hiện tượng “nói không đi đôi với làm”; trái lại, tuy không phải là phổ biến nhưng vẫn còn và nó được biểu hiện ở hoàn cảnh, đối tượng, hình thức khác nhau. Trong đó, việc nói mà không làm đôi khi còn xảy ra cả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, cá biệt có cả cán bộ chủ chốt, cán bộ cao cấp.
Vì thế, việc tiếp tục quán triệt, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh “nói đi đôi với làm” vào sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong Quân đội hiện nay là hết sức cần thiết, quan trọng. Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thực chất, tạo chuyển biến tích cực về “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên. Điều quan trọng là, thực hiện Chỉ thị 05 phải bảo đảm thực chất, tạo chuyển biến toàn diện, nhất là việc “nói đi đôi với làm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần gắn thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đang được triển khai sâu, rộng trong toàn quân, phục vụ thiết thực cho việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, coi trọng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của đảng viên về “nói đi đôi với làm” và chấp hành kỷ luật phát ngôn. Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong Đảng bộ Quân đội thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh. Tuy nhiên, để vận dụng và thực hiện tốt quan điểm của Hồ Chí Minh “nói đi đôi với làm” vào sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nên chăng các cấp ủy, tổ chức đảng cần cụ thể hóa và xác định rõ đây là một trọng tâm trong hoạt động lãnh đạo, kiểm tra, giám sát. Từ đó tạo sự chuyển biến vững chắc về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc “nói đi đôi với làm”, nhất là trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
3. Nêu cao ý thức tự bồi dưỡng, rèn luyện “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên. Cùng với sự giáo dục của tổ chức, sự giúp đỡ của đồng đội, việc tự bồi dưỡng, rèn luyện về “nói đi đôi với làm” của mỗi cán bộ, đảng viên có vai trò quyết định. Việc làm này của mỗi người cần được tiến hành một cách tự giác, thường xuyên và đạt tới yêu cầu trở thành bản lĩnh, ý thức thường trực trong mọi hoạt động.
4. Thường xuyên quán triệt, giáo dục về tầm quan trọng của việc “nói đi đôi với làm” đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên coi trọng thực hiện tốt vấn đề này. Cùng với đó, cần phải nhắc nhở, thậm chí kiểm điểm, phê bình những cán bộ mắc khuyết điểm trong nói và viết, gây ảnh hưởng xấu đến đơn vị, Quân đội. Đồng thời, chú trọng nêu những tấm gương sáng, điển hình về “nói đi đôi với làm” trong cán bộ, đảng viên để bộ đội học tập, noi theo. Việc làm này tưởng như bình thường, nhưng có ý nghĩa lớn, vì thế cần trở thành hoạt động thường xuyên trong cơ quan, đơn vị.
Đã 70 năm trôi qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nhưng nó không hề cũ và còn nguyên giá trị, hơi thở thực tiễn. Nghiên cứu tác phẩm, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Người, những tư tưởng, quan điểm của Người về xây dựng Đảng nói chung, về “nói đi đôi với làm” đối với cán bộ, đảng viên nói riêng. Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, chúng ta nguyện học tập và làm theo Người, luôn “nói đi đôi với làm” từ những việc nhỏ nhất, góp phần đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thay cho lời kết, chúng ta cảm ơn nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện tình cảm sâu nặng của mình, của “Bộ đội Cụ Hồ”, của tất thảy người Việt Nam với Bác qua những vần thơ bình dị mà chân thực: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
MẠNH HÀ
______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 273.
Hồ Chí Minh,cán bộ Quân đội,nói đi đôi với làm
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó) 17/09/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Ngãi xây dựng “Chi bộ bốn tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh 16/09/2024
Binh đoàn 15 đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng theo lời Bác Hồ dạy 12/09/2024
Những chỉ dẫn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội trong tác phẩm Thường thức chính trị 05/09/2024
Giá trị to lớn, tầm nhìn vượt thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 02/09/2024
Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 01/09/2024
Thấm nhuần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong Quân đội 26/08/2024
Vùng Cảnh sát biển 1 nâng cao hiệu quả học tập và làm theo Bác 15/08/2024
Quân khu 3 đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng theo lời Bác Hồ dạy 12/08/2024
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay 23/07/2024
Thấm nhuần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong Quân đội
Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giá trị to lớn, tầm nhìn vượt thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những chỉ dẫn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội trong tác phẩm Thường thức chính trị
Binh đoàn 15 đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng theo lời Bác Hồ dạy
Lực lượng vũ trang Quảng Ngãi xây dựng “Chi bộ bốn tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó)