QPTD -Thứ Hai, 22/03/2021, 09:12 (GMT+7)
Thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ, ngành quân nhu đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác

Trong suốt 75 năm (25/3/1946 – 25/3/2021)1 xây dựng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, ngành Quân nhu luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy và lấy đó làm động lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận”2; “Bụng có no, thân có ấm mới đánh được giặc”3. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Quân nhu luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, thường xuyên bám sát hoạt động của bộ đội, vừa bảo đảm, vừa nghiên cứu, không ngừng nâng cao chất lượng công tác, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu quân nhu cho các lực lượng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, tạo cơ sở để toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến động chỉ số giá tiêu dùng,... đặt ra cho công tác quân nhu không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, lời dạy của Bác như mệnh lệnh và trở thành động lực để Ngành vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo đó, ngành Quân nhu, trực tiếp là Cục Quân nhu đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân nhu, đáp ứng yêu cầu “nuôi quân đánh giặc” trong thời kỳ mới. Nổi bật là, tham mưu và chỉ đạo việc đổi mới phương thức bảo đảm vật chất quân nhu gắn với thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội; thực hiện phân cấp tạo nguồn hợp lý, quản lý chặt chẽ hoạt động đấu thầu trong sản xuất, mua sắm, phù hợp với điều kiện thực tế của Quân đội, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm. Phát huy tính chủ động của quân nhu các cấp trong khai thác, tạo nguồn, bảo đảm kịp thời, đầy đủ vật chất cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất. Công tác quân nhu thường xuyên có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao; bám sát sự biến động giá cả thị trường, kịp thời đề xuất điều chỉnh mức tiền ăn cho các đối tượng phù hợp với khả năng bảo đảm ngân sách; thực hiện quyết liệt các biện pháp giữ ổn định và cải thiện rõ nét đời sống bộ đội. Để đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội trong tình hình mới, Ngành đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, đầu tư nâng cấp, thay thế trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng theo hướng hiện đại, phù hợp với từng loại hình bếp ăn, làm thay đổi căn bản diện mạo nhà ăn, nhà bếp trong toàn quân và khâu tổ chức nấu ăn. Công tác bảo đảm mặc cũng không ngừng được đổi mới, cải tiến hầu hết các loại quân trang về kiểu dáng, màu sắc, đảm bảo gọn nhẹ, bền, đẹp, đa dạng về chủng loại, phù hợp với đặc thù hoạt động của các quân chủng, binh chủng, yêu cầu hội nhập.

Cục Quân nhu kiểm tra kho gạo Quân khu 9

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong công tác hậu cần, Ngành đã đề xuất nhiều chủ trương có tính chiến lược về tăng gia sản xuất và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân đưa hoạt động này phát triển đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả to lớn trên nhiều mặt. Đến nay, hầu hết các đơn vị, nhất là các đơn vị đủ điều kiện đã tự túc được 100% định lượng rau xanh, đậu phụ, 60% - 70% định lượng thịt, cá, trực tiếp giúp giữ ổn định, cải thiện bữa ăn của bộ đội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn đóng quân. Đáng chú ý là, từ năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Cục Quân nhu đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương, đơn vị tạo nguồn bảo đảm hàng triệu chiếc khẩu trang cho toàn quân và vật chất quân nhu cho các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch4; bảo đảm ăn uống cho hàng chục nghìn lượt người tại các khu cách ly tập trung do Quân đội quản lý, góp phần vào thành tích chung của toàn quân, được Đảng, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương tin tưởng, đánh giá cao.

Những năm tới, nhiệm vụ công tác quân nhu có sự phát triển với yêu cầu cao hơn, trong khi đó, ngân sách bảo đảm còn hạn chế, trang bị, phương tiện và một số nội dung bảo đảm quân nhu chưa theo kịp sự phát triển nhiệm vụ và trang bị chiến đấu của Quân đội; tình hình giá cả, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, v.v. Quán triệt sâu sắc những di huấn của Bác, toàn Ngành bám sát tình hình thực tiễn, khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới công tác, quyết liệt thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, khoa học, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Trước hết, chủ động tham mưu, bảo đảm đầy đủ, kịp thời quân nhu cho sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất. Ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc những lời huấn thị của Bác, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác hậu cần Quân đội. Trên sơ sở đó, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu về công tác quân nhu, nhất là ở cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Trước mắt, tham mưu xây dựng, triển khai  chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác quân nhu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Hậu cần nhiệm kỳ 2020 - 2025; nghiên cứu tham mưu hoàn thiện phương thức bảo đảm và cơ chế tạo nguồn quân nhu, dự trữ vật chất, trang bị quân nhu cho sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất, phù hợp với đặc thù quân sự, cơ chế thị trường. Đồng thời, ưu tiên bảo đảm tốt nhu cầu quân nhu cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhất là lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới; quản lý chặt chẽ vật chất quân nhu dự trữ sẵn sàng chiến đấu, dự trữ quốc gia cho quốc phòng ở các kho chiến lược và đơn vị. Đề xuất xây dựng và hoạt động quân nhu trong khu vực phòng thủ, từng bước đầu tư xây dựng kho, trạm quân nhu trong căn cứ hậu cần chiến lược. Thường xuyên bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn kiện quân nhu tác chiến các cấp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kế hoạch quân nhu đáp ứng yêu cầu những năm đầu chiến tranh.

Quán triệt tinh thần: “Thực túc thì binh cường”, Cục Quân nhu tiếp tục chỉ đạo, bảo đảm tốt công tác quân nhu thường xuyên, tập trung nâng cao chất lượng ăn, mặc của bộ đội. Ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công tác tạo nguồn, phương thức theo đúng quy định của luật đấu thầu; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác tạo nguồn và bảo đảm ăn uống ở các đơn vị. Chỉ đạo đổi mới công tác chế biến, cải tiến kỹ thuật nấu ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, cải thiện đời sống bộ đội. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến các mặt hàng quân trang, nhất là quân trang cho huấn luyện dã ngoại; chủ động đặt hàng sản xuất bảo đảm đầy đủ nhu cầu quân trang cho bộ đội. Cùng với đó, Ngành tiếp tục nghiên cứu, đầu tư hiện đại hóa trang, thiết bị nhà ăn, nhà bếp, trang bị quân nhu dã ngoại, phù hợp với định hướng xây dựng Quân đội hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, ưu tiên cho các bếp ăn trên đảo, ven biển, bếp ăn thuộc quân chủng, binh chủng, đồn Biên phòng; hoàn thiện và trang bị hệ thống bếp dầu, bếp điện thay thế bếp lò hơi cơ khí theo lộ trình5; triển khai lắp đặt hệ thống lọc nước uống trực tiếp tại một số đơn vị; đề xuất triển khai kế hoạch mua sắm xe bếp tự hành trang bị cho một số đơn vị cơ giới, phục vụ huấn luyện, chiến đấu và cứu hộ, cứu nạn.

Thực hiện lời Bác dạy: “..., phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”6 và phát huy kết quả đã đạt được, Ngành tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất. Với quan điểm: tăng gia sản xuất cần được đặt dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Cục Quân nhu chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo hướng chủ động, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra7, thiết thực nâng cao đời sống bộ đội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa bàn đóng quân. Theo đó, Cục chỉ đạo nhân rộng các mô hình tăng gia sản xuất hiệu quả, phát triển mạnh các khu tăng gia sản xuất tập trung, chuyên canh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tăng gia sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ về khoa học, công nghệ, vật tư, cây, con giống chất lượng cao, nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động tăng gia sản xuất của Quân đội.

Thực hiện lời huấn thị của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”8, “…cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính”9, các cơ quan chức năng của Ngành tập trung tham mưu, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng cơ quan, đơn vị quân nhu các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đề xuất giải quyết những bất cập, mất cân đối về nguồn nhân lực, kiện toàn cơ quan quân nhu cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm nòng cốt để tổ chức tăng gia sản xuất ở các đơn vị. Trước yêu cầu mới đặt ra rất cao, Ngành tích cực, chủ động nghiên cứu, sáng tạo cải tiến nâng cao chất lượng trang, thiết bị quân nhu gắn với yêu cầu từng bước hiện đại hóa Quân đội; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động công tác quân nhu; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức quân nhu cho các đối tượng, nhiệm vụ và phát triển lý luận bảo đảm quân nhu trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong điều kiện tác chiến mới.

Thiếu tướng AN PHƯƠNG NAM, Cục trưởng Cục Quân nhu
_______________

1 - Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Quân nhu Cục - tiền thân của Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần ngày nay.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 179.

3 - Sđd, Tập 4, tr. 540.

4 - Bảo đảm 50.000 suất quân trang, huy động trên 30.000 suất quân trang dùng chung; bảo đảm hơn 25.000 suất quân trang tăng thêm cho Biên phòng và chỉ đạo bảo đảm tốt ăn uống cho hơn 150.000 người tại các khu cách ly của Quân đội.

5 - Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến trang bị 3.343 hệ thống bếp điện, bếp dầu cho 49 đơn vị; riêng trong năm 2021 là 443 hệ thống.

6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 157.

7 - Phấn đấu đến năm 2025, các đơn vị tự túc 100% định lượng rau xanh, thịt xô lọc; 65% định lượng thịt nạc; thịt gia cầm; 50% định lượng cá; giá trị thu từ tăng gia sản xuất và dịch vụ hậu cần (đã trừ chi phí) bình quân đạt 1,4 triệu đồng/người/năm.

8 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.

9 - Sđd, Tập 7, tr. 180.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.