QPTD -Thứ Năm, 18/02/2016, 14:49 (GMT+7)
Thực hiện “Dân vận khéo” ở Sư đoàn 968

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1 và chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác dân vận2, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nên đã đạt hiệu quả thiết thực.

Thượng tướng (nay là Đại tướng) Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng
Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện
của Sư đoàn năm 2015.

Để công tác dận vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, Đảng ủy Sư đoàn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác dân vận trong thời kỳ mới; đồng thời, cụ thể hóa nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý, năm. Trong đó, tập trung làm rõ vị trí, vai trò, nội dung, hình thức, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận giỏi” phù hợp với đặc điểm địa bàn, tình hình, nhiệm vụ của Sư đoàn. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định hình thức, phương pháp thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; tăng cường quốc phòng - an ninh, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống, tăng cường mối quan hệ máu thịt quân - dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn, làm cho nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng ủy Sư đoàn yêu cầu các cấp ủy thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với nâng cao trách nhiệm của cấp ủy viên phụ trách (từ cấp đại đội đến cấp Sư đoàn); đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của cơ quan, cán bộ chính trị, người chỉ huy, tích cực xây dựng, củng cố Tổ công tác dân vận theo quy định. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, duy trì có nền nếp chế độ giao ban, hội ý, trao đổi thông tin, nắm tình hình với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, lực lượng đóng quân trên địa bàn; gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào, cuộc vận động, như: phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Khu dân cư thực hiện hài hòa, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, v.v. Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Sư đoàn chủ yếu là thông qua hình thức kết nghĩa, phối hợp hoạt động, nhận đỡ đầu, khám chữa bệnh định kỳ. Đảng ủy Sư đoàn chỉ đạo Trung đoàn 19 làm điểm, sau đó sơ kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, điển hình tiên tiến ra toàn Đơn vị.

Để nâng cao trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Sư đoàn yêu cầu các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, vai trò, yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Theo đó, bên cạnh thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục chính trị hằng năm theo quy định, các đơn vị đã tập trung làm cho bộ đội, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản về tư tưởng, tác phong dân vận Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên và của cấp ủy cấp mình về công tác dân vận; nhiệm vụ đơn vị, đặc điểm, tình hình địa bàn. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy chế công tác dân vận trong Quân đội, của Quân khu và Sư đoàn. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với giáo dục theo chủ đề, chuyên đề; giáo dục chính khóa với ngoại khóa; giáo dục tập trung với giáo dục theo đối tượng; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng và thiết chế văn hóa, nhất là của “Tổ dân vận”, Đoàn Thanh niên. Đồng thời, chú trọng giáo dục bộ đội qua giao ban, giao nhiệm vụ; thông qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống pa-nô, áp phích, phương tiện truyền thanh nội bộ và tuyên truyền miệng.

Với phương châm “giúp dân là tự giúp mình”, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn luôn “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, thường xuyên bám sát thực tiễn “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị xã (phường, thị trấn) vững mạnh. Đảng ủy Sư đoàn xác định đây là nội dụng trọng tâm của quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, thống nhất nội dung, quan điểm, xây dựng kế hoạch, chọn khâu đột phá, nhất là ở nơi khó khăn, phức tạp, nơi dễ xảy ra “điểm nóng” để thực hiện. Tham gia giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức Đoàn Thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ vững mạnh. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng cho con em địa phương đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn; đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan dự bị để bổ sung nguồn cán bộ cho địa phương; phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, những vấn đề liên quan giữa địa phương với đơn vị3, v.v. Những việc làm đó đã góp phần làm cho cơ sở xã (phường, thị trấn) nơi Sư đoàn đóng quân đều vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Cùng với đó, Đảng ủy Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Từ thực tiễn địa bàn đóng quân4, Sư đoàn xác định, muốn cho dân tin tưởng, làm theo, thì mỗi cơ quan, đơn vị phải thực sự là mô hình về tăng gia sản xuất. Vì thế, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị phát huy truyền thống, nêu cao dân chủ, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cải tạo đất, xây dựng vườn, ao, chuồng, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng,… đảm bảo mỗi tiểu đoàn, trung đoàn là một mô hình kinh tế xanh, sạch, hiệu quả cao. Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, mỗi đơn vị trong Sư đoàn đã thực sự là ngôi nhà “Xanh, sạch, đẹp, chính quy”; tự túc phần lớn được rau, củ, quả, thịt, cá; đời sống của bộ đội được nâng lên rõ rệt (điển hình là Trung đoàn 19 đã tự túc được 100% rau xanh, thịt lợn, trứng và 98% cá, v.v). Để nhân rộng, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm cải tạo đất, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp vật nuôi, cây trồng đến nhân dân. Với hình thức kết nghĩa: Sư đoàn với cấp tỉnh; trung đoàn với cấp huyện; tiểu đoàn với cấp xã; đại đội với cấp thôn, xóm, các đơn vị, trực tiếp là các “Tổ dân vận” đã đến từng thôn, xóm, bản, xây dựng mô hình, làm thí điểm để các tập thể, cá nhân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về tăng gia, sản xuất tập trung, v.v. Đến nay, những vườn rau, củ quả, ao cá, chuồng, trại,… của các đơn vị trong Sư đoàn được nhân dân học tập, làm theo và nhân rộng trên địa bàn đóng quân. Các đơn vị kết nghĩa với từng địa phương (theo phân cấp) đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, nhất là thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nếp sống mới, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, bài trừ hủ tục, ngăn chặn tệ nạn xã hội, loại trừ văn hóa xấu độc, phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch5. Một trong những vấn đề được các đơn vị rất quan tâm là kết hợp chặt chẽ giữa hành quân dã ngoại, huấn luyện tổng hợp với làm công tác dân vận. Trước mỗi đợt công tác, các đơn vị đều cử lực lượng đi tiền trạm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để nắm chắc đặc điểm, phong tục, tập quán đồng bào địa phương, xác định rõ nội dung, chương trình, kế hoạch, hình thức giúp dân trên những việc cụ thể. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bộ đội, thực hiện nghiêm kỷ luật dân vận, nhất là những thời điểm dã ngoại ở nhà dân. Việc tham gia phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, bằng những hành động thiết thực, như: mở rộng, chỉnh trang đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng; làm vệ sinh, nạo vét kênh, mương; xây dựng hội trường, nhà văn hóa, trường học; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số6, v.v. Các hoạt động, như: “Tháng hành động vì trẻ em”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Thắp nến tri ân”, “Dâng hoa mộ liệt sĩ”, đón hài cốt liệt sĩ quân tình nguyên và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về an táng ở các nghĩa trang trên mảnh đất Quảng Trị,… đã trở thành nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của Sư đoàn. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn không quản ngại khó khăn, gian khổ, lao mình vào bão lũ, cứu người, giúp nhân dân Quảng Bình khắc phục hậu quả cơn bão lớn (năm 2010 và 2013), giúp dân thu hoạch lúa chạy lụt, phòng, chống cháy rừng ở Quảng Trị (năm 2011); kết hợp hành quân diễn tập và làm công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình (năm 2013 và 2014), v.v. Những việc làm trên đã thực sự làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao và ngày càng tin tưởng, thương yêu, đùm bọc.

Có thể khẳng định, thông qua thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Sư đoàn đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, mối đoàn kết quân - dân ngày càng gắn bó, xây dựng địa bàn ngày càng vững mạnh./.

Đại tá PHAN VĂN SĨ, Chính ủy Sư đoàn
_________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW và Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết 138-NQ/ĐU và Nghị quyết 488-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu 4 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới”.

3 - Từ năm 2011 - 2015, Sư đoàn kết nạp được 474 đảng viên là con em của đồng bào địa phương đang công tác, thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Đơn vị; lập danh sách đề nghị sĩ quan dự bị cho 247 đồng chí.

4 - Sư đoàn đóng trên địa bàn 02 tỉnh: Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Nơi đây đất đai khô cằn, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt, hậu quả chiến tranh còn nặng nề, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại có diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá quyết liệt, v.v.

5 - 5 năm (2011-2015), Sư đoàn đã tổ chức 260 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước,… với gần 70.000 lượt người tham gia; trong đó, có trên 2.500 đồng bào dân tộc thiểu số (Vân Kiều, Pa Cô), v.v.

6 - Các đơn vị đã ký kết với 06 xã: Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Hiếu, Cam An (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và Thủy Tân (huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tổ chức 16 đợt xây dựng nông thôn mới, với hơn 3.590 ngày công, thực hiện chỉnh trang, mở rộng gần 10 km đường giao thông nông thôn, 07 km đường giao thông nội đồng; nạo vét gần 02 km kênh mương; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 764 đối tượng chính sách, hộ nghèo và đồng bào Vân Kiều.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.