QPTD -Thứ Ba, 22/12/2015, 07:54 (GMT+7)
Thực hiện cuộc vận động lớn trong Quân đội ở Sư đoàn 301 - hai năm nhìn lại

Qua 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) đã có bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, tạo động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 tham gia xây dựng nông thôn mới
tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. 
(Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Vinh dự là đơn vị được giao trọng trách bảo vệ Thủ đô thân yêu, từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi đóng quân, Sư đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống “Trung thành vô hạn, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân, đã ra quân là chiến thắng”, góp phần tô thắm thêm bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Thủ đô Anh hùng. Đây là tiền đề rất quan trọng để Sư đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Cuộc vận động, nên ngay sau khi Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều nội dung, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở Chỉ thị 778-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Kế hoạch 191/KH-CT của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về việc thực hiện Cuộc vận động, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai cho các đơn vị thực hiện. Trong đó, xác định rõ nội dung xuyên suốt của Cuộc vận động là: nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ; đề cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm có hiệu quả; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của Đơn vị; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện vô cảm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, quan liêu, lối sống tự do, buông thả. Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung tiêu chí, chuẩn mực đạo đức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Sư đoàn ngay từ những ngày đầu thực hiện. Quá trình triển khai Cuộc vận động, Sư đoàn phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị và các tổ chức quần chúng; gắn Cuộc vận động với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, cùng các phong trào, các cuộc vận động khác, bảo đảm cho Cuộc vận động mang lại ý nghĩa thiết thực, đi vào cuộc sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.

Để tạo sự chuyển biến về nhận thức làm cơ sở thực hiện Cuộc vận động, Sư đoàn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung tập trung vào giáo dục truyền thống, nhằm khơi dậy niềm vinh dự, tự hào được là người chiến sĩ Thủ đô, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như trong thực hiện nhiệm vụ, với tinh thần “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy các cấp, các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục nhiệm vụ, truyền thống đơn vị qua tọa đàm, diễn đàn, trao đổi, tham quan bảo tàng, phòng truyền thống, viếng Lăng Bác1, v.v. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo; đồng thời, phê phán những suy nghĩ, việc làm không tốt; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tiêu cực trong quá trình đô thị hóa,… để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, làm cho Cuộc vận động thấm sâu vào nhận thức và hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ, trở thành động lực tinh thần to lớn khích lệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn quyết tâm phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực công tác. 

Sự chuyển biến rõ nhất trong thực hiện Cuộc vận động được thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo vệ vững chắc Thủ đô - trái tim của cả nước. Theo đó, trước khi bước vào huấn luyện, Sư đoàn tập trung quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác huấn luyện và làm tốt công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ này, như: mô hình học cụ, giáo án, bài giảng, thao trường, bãi tập, tập huấn cán bộ, v.v. Quá trình huấn luyện cho các đối tượng bảo đảm chặt chẽ, đúng, đủ nội dung, chương trình, theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng tác chiến; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp huấn luyện, hội thi, hội thao, với từng nội dung, từng ngày, từng tuần theo phân cấp. Nhằm bảo đảm cho Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, các đơn vị luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua trong huấn luyện, với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: “Ngày là vàng, giờ là ngọc, một phút cũng học, một giây cũng rèn”, “Gian khó không sờn, nắng mưa chẳng quản, bên nhau đoàn kết, hăng say luyện rèn”, “Phát huy truyền thống, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, “Ngày học Thanh niên”, “Tuần Thanh niên tự quản”, v.v. Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” ở các đơn vị được hưởng ứng rộng rãi, với hàng trăm sáng kiến tham gia hội thi các cấp; nhiều sáng kiến hay được áp dụng trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện. Đồng thời, tập trung đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu; đề cao tinh thần trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp; phê phán những thói hư, tật xấu, trây lười trong huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng công tác2

Cùng với thực hiện tốt công tác huấn luyện, Sư đoàn thường xuyên duy trì thực hiện nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ lệnh 285/CL-TL của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Chủ động bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn Thủ đô bảo vệ thành công nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội. Nổi bật là, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia diễu, duyệt binh tại lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp đỡ nhân dân phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, v.v. Trong 2 năm (2014 - 2015), Sư đoàn đã huy động gần 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng lực lượng tại chỗ dập tắt cháy hàng chục héc ta rừng tại Đồi Kiên - thị xã Sơn Tây; chữa cháy tại phường Dương Nội, Phú Lãm, khu đô thị La Khê, trạm biến áp 220 KV thuộc quận Hà Đông; giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả giông lốc trên địa bàn thành phố Hà Nội, thu hoạch hơn 3.000 ha lúa và di chuyển 05 tấn vật chất về nơi an toàn ở 2 thôn Tiên Trượng và Bùi Xá thuộc thị xã Xuân Mai, v.v. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn lăn xả trong bão lũ, cháy rừng, không sợ hiểm nguy để giúp đỡ nhân dân giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. Qua đó, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Thủ đô” luôn được tỏa sáng trong lòng nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm, được dân tin, dân quý.

Phát huy truyền thống tự lực tự cường, Sư đoàn thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, làm phong phú thêm ý nghĩa của Cuộc vận động trên các lĩnh vực công tác. Các đơn vị đã thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, gắn với thực hiện các phong trào: “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh công tác tăng gia, chăn nuôi, đa dạng hóa các loại rau, củ, quả và thực hiện tốt mô hình “Vườn, ao, giàn, chuồng”, v.v. Nhờ thực hiện tốt Cuộc vận động trong công tác bảo đảm hậu cần, đến nay Sư đoàn đã bảo đảm được 100% rau xanh, 85% nhu cầu thịt, cá; 100% đơn vị đạt tiêu chuẩn “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; bảo đảm đúng, đủ chế độ tiêu chuẩn cho bộ đội; không có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, đời sống của cán bộ, chiến sĩ nâng lên một bước. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội, vệ sinh phòng dịch được thực hiện tốt, không để dịch bệnh xảy ra, quân số khỏe đạt 98%. Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” được Sư đoàn thực hiện hiệu quả; các chế độ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa được duy trì nghiêm túc, nên vũ khí, trang bị luôn đồng bộ, sạch sẽ, sắp đặt gọn gàng, không để hư hỏng, mất mát hoặc cháy nổ xảy ra, bảo đảm an toàn về mọi mặt, phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Thủ đô” trong lòng nhân dân, Sư đoàn đã thực hiện tốt phong trào thi đua “Bộ đội và Dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn,... với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 2 năm (2014 - 2015), Sư đoàn tham gia hơn 2.500 ngày công giúp nhân dân địa phương nạo vét kênh mương, làm các công trình phúc lợi, đường làng, ngõ xóm; khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 623 đối tượng chính sách, với tổng số tiền gần 60 triệu đồng; thăm, tặng quà gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó với số tiền gần 38 triệu đồng; đóng góp xây quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” hằng năm hàng trăm triệu đồng, v.v.

Có thể khẳng định rằng, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” ở Sư đoàn 301 đã đạt được những kết quả quan trọng. Thông qua đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn được bồi đắp thêm những giá trị cao đẹp về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Thủ đô” trong thời kỳ mới; thực hiện có hiệu quả Chương trình “Xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô”, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn có phẩm chất chính trị tốt, trung thành, trí tuệ, sáng tạo, văn minh, tạo tiền đề quan trọng để Sư đoàn vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đại tá NGUYỄN KHẮC NHÂN, Chính ủy Sư đoàn
__________________

1 - Trong 2 năm (2014 - 2015) Sư đoàn đã phối hợp với các cơ quan báo chí làm được 10 phóng sự, 46 tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền nội bộ trên 860 giờ, 338 lượt bảng tin, cùng 928 lượt băng rôn, khẩu hiệu, áp phích. Kết quả kiểm tra chính trị 100% đạt yêu cầu, có trên 87,5 % khá, giỏi.

2 - Trong 2 năm (2014 - 2015), Sư đoàn có gần 120 sáng kiến; trong đó, có 08 sáng kiến đạt giải (01 giải A, 03 giải B, 04 giải C) và đề nghị Bộ Quốc phòng chứng nhận 03 sáng kiến có tính ứng dụng cao trong thực tế. Củng cố, làm mới gần 6000 bia bảng các loại, tu sửa hơn 140 thao trường phục vụ tốt cho huấn luyện. Kết quả kiểm tra huấn luyện 100% đạt yêu cầu, trong đó 80%-85% trở lên đạt khá, giỏi; diễn tập các cấp đạt khá về chiến thuật, giỏi về kỹ thuật và an toàn tuyệt đối; tổ chức tham gia hội thi, hội thao đạt giải cao, như: thi Trưởng ban Quân khí giỏi toàn quân đạt giải Nhất toàn năng, Trưởng ban Pháo binh đạt giải Ba quân sự chung, Trưởng ban Xăng dầu đạt giải Ba toàn năng; thi Soạn thảo văn bản đạt giải Nhất toàn năng, Thợ sửa chữa ô tô đạt giải Ba, Bắn súng máy phòng không 12,7mm cấp toàn quân đạt giải Nhất.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.