QPTD -Thứ Hai, 12/08/2013, 14:48 (GMT+7)
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tiếp theo và hết*
IV

Quân đội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Bác Hồ

Để thực hiện tốt các chức năng: chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, bên cạnh xây dựng yếu tố con người, Quân đội còn được Nhà nước giao quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản một khối lượng lớn cơ sở vật chất, tài chính, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Cùng với đó, thời gian, công sức của bộ đội cũng là những tài sản, giá trị không thể đo đếm được. Vì vậy, sử dụng có hiệu quả, không để thất thoát, hư hỏng vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước, Quân đội giao quản lý là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) và là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị. CB,CS quân đội làm tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách quốc phòng, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân; đồng thời, nâng cao chất lượng các mặt công tác, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Có thể thấy rằng, THTK,CLP là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhận thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức, cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc và có bước đi thích hợp mới đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã thường xuyên quan tâm đến THTK,CLP và có nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm đẩy mạnh THTK,CLP theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề rất quan trọng; có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi CB,CS đối với việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật được giao; trên cơ sở đó mà xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả, lối sống lành mạnh, tiết kiệm, không tham ô, lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã coi đây là một tiêu chí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cơ sở, gắn với yêu cầu quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật THTK,CLP; Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh THTK,CLP… Đây là cơ sở để tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị; bảo đảm cho THTK,CLP luôn đi vào nền nếp, trở thành hành động tự giác, thường xuyên của mọi CB,CS, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động.

Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên về THTK,CLP, căn cứ vào tình hình thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị 101/CT-BQP về “Tăng cường THTK,CLP trong Quân đội”; Bộ Quốc phòng đã xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị này trong toàn quân. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành các văn bản, quy định phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định, chương trình, kế hoạch đã ban hành, bảo đảm cho việc THTK,CLP trong Quân đội được thực hiện thuận lợi, thống nhất và mang lại hiệu quả cao. Nhằm phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Quy định 646-QĐ/QUTW “Về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội”, trọng tâm là gương mẫu về THTK,CLP. Theo đó, cấp trên phải gương mẫu trước cấp dưới, cán bộ gương mẫu trước chiến sĩ; nhận thức gắn với hành động, lời nói thống nhất với việc làm; khắc phục những biểu hiện “nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi”, phô trương, hình thức trong tổ chức các hoạt động. Muốn vậy, đội ngũ CB,ĐV trong Quân đội phải luôn đề cao tinh thần tự giác, ý thức cần, kiệm, tự lực tự cường, chí công vô tư, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; việc chi tiêu, quản lý, sử dụng tài sản công phải chặt chẽ, có quy chế, kế hoạch cụ thể, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Từ các tiêu chí THTK,CLP đã được xác định, các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt việc quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi CB,CS; đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua với những nội dung, biện pháp thiết thực, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực. Ngành Hậu cần có các phong trào: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”; “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”; “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”… Ngành Kỹ thuật có phong trào: ““Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”; “Quản lý xe tốt, lái xe an toàn”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Tháng an toàn, tiết kiệm”; “Tuần kỹ thuật kiểu mẫu”… Trong huấn luyện, xây dựng đơn vị có phong trào: “Huấn luyện giỏi, an toàn, tiết kiệm”; “Cần, kiệm để xây dựng đơn vị”, v.v.

Làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, việc THTK,CLP trong Quân đội thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, trên mọi lĩnh vực hoạt động; trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các đơn vị được nâng lên; ý thức tiết kiệm của CB,CS ngày càng trở thành nền nếp thường trực, tự thân trong mỗi người. Thông qua thực tiễn công tác ở các đơn vị, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong THTK,CLP, như: “Hòm tiết kiệm đồng đội” ủng hộ CB,CS có hoàn cảnh khó khăn của Quân đoàn 1; “Tiết kiệm phụ cấp hướng tới tương lai” của Lữ đoàn Công binh 550 (Quân đoàn 4); “Tiết kiệm thời gian và nguyên vật liệu” của Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giữ tốt, dùng bền vũ khí, trang bị” của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 (Quân khu 9) ;“Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội; “Ngôi nhà 100 đồng” của Thanh niên Quân đội… Việc THTK,CLP không chỉ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật, mà còn thể hiện ở việc đổi mới phương thức hoạt động của các ngành, các cấp, trong các lĩnh vực công tác sao cho vừa bảo đảm tiết kiệm, vừa phù hợp với đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ. Trong công tác huấn luyện, các đơn vị đã phát huy nội lực, tích cực cải tiến, đổi mới việc bảo đảm cơ sở vật chất, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập theo hướng tiết kiệm, thiết thực; việc sử dụng thời gian, công sức của bộ đội bảo đảm hợp lý, khắc phục tư tưởng quản lý theo kiểu “nước sông, công lính”, “được chăng hay chớ”... Ngành Hậu cần đã hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần cho nhiệm vụ thường xuyên và dự trữ sẵn sàng chiến đấu phù hợp với cơ chế thị trường, tính chất nhiệm vụ của từng đơn vị, địa bàn; kết hợp giữa tự sản xuất với đặt hàng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi trong các cơ quan, đơn vị. Việc mua sắm, thanh lý tài sản chặt chẽ, đúng quy định thông qua Hội đồng mua sắm, Hội đồng thanh lý; giá trị mua sắm từ 100 triệu đồng trở lên đều phải qua đấu thầu. Ngành Tài chính đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành ngân sách, tài sản phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng cơ chế, chính sách về tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa một số hoạt động trong bảo đảm tài chính theo hướng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, giảm chi cho ngân sách quốc phòng. Trong đầu tư, xây dựng cơ bản đã tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả vốn, trái phiếu chính phủ, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm tiết kiệm trong đầu tư, xây dựng; công khai, minh bạch trong thực hiện chế độ, chính sách, mua sắm tài sản công, tài sản doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ các giải pháp tăng cường quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh với THTK,CLP. Ngành Kỹ thuật tập trung thực hiện tốt các dự án quy hoạch hệ thống kho tàng, cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân; hoàn chỉnh tổ chức biên chế về con người và trang bị kỹ thuật phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao ý thức “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm” trong các cơ quan, đơn vị, v.v.

Những nỗ lực của lãnh đạo, chỉ huy và mọi CB,CS trong THTK,CLP đã được thể hiện bằng kết quả cụ thể trên các mặt hoạt động; năm sau cao hơn năm trước, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, động viên mọi người cùng tự giác thực hiện. Năm 2011, ngành Hậu cần toàn quân tiết kiệm trong quản lý, sử dụng xăng, dầu được 13,286 tỷ đồng; giảm chi cho ngân sách thông qua đấu thầu các gói thầu xây dựng cơ bản 2,610 tỷ đồng; tiết kiệm thông qua thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán các công trình xây dựng cơ bản trị giá 7,792 tỷ đồng; thông qua thẩm định quyết toán giá trị hoàn thành giảm chi trị giá 1,259 tỷ đồng. Ngành Doanh trại tiết kiệm hạn mức điện năng theo Chỉ thị của Bộ Quốc phòng trị giá 32,432 tỷ đồng; ngành Vận tải tiết kiệm xăng, dầu trị giá 5,986 tỷ đồng; tiết kiệm chi tiêu thường xuyên trị giá 270 triệu đồng… Năm 2012, tiếp tục phát huy thành tích từ những năm trước, kết quả THTK,CLP đã được nâng lên rõ rệt. Việc giảm chi ngân sách thông qua đấu thầu xây dựng cơ bản, tạo nguồn vật chất hậu cần trị giá 29,197 tỷ đồng; tiết kiệm thông qua việc thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán các công trình xây dựng cơ bản trị giá 21,317 tỷ đồng1. Cũng trong năm 2012, ngành Doanh trại tiết kiệm được 110,842 tỷ đồng; ngành Quân nhu tiết kiệm được 29,254 tỷ đồng; ngành Xăng, dầu tiết kiệm được 261,32 tỷ đồng; ngành Vận tải tiết kiệm được 17,256 tỷ đồng; ngành Quân y tiết kiệm được 5,672 tỷ đồng2... Việc sử dụng tài sản, phương tiện công luôn được các cấp coi trọng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, công khai; hạn chế tối đa việc tổ chức các hội nghị tập trung đông người, tăng cường hội nghị trực tuyến để giảm chi phí hội họp, công tác phí; thực hiện tiết kiệm 10% ngân sách chi hội nghị, 5% công tác phí được các cấp chấp hành nghiêm túc, v.v.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, việc THTK,CLP của Quân đội vẫn còn một số tồn tại. Nổi lên là, công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của trên về THTK,CLP ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, sâu sắc; ý thức tự giác trong THTK,CLP của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; việc sử dụng ô tô, điện, nước, công tác phí ở một số nơi còn lãng phí; thanh quyết toán một số hạng mục, công trình xây dựng cơ bản hoàn thành còn chậm, kéo dài. Chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo quy định, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc THTK,CLP chưa thành nền nếp vững chắc; việc chế biến món ăn ở một số đơn vị còn hạn chế, dẫn đến bộ đội ăn không hết tiêu chuẩn, gây lãng phí. Vấn đề sử dụng thời gian, công sức của bộ đội ở một số nơi chưa hợp lý; việc bố trí, phân công công tác cho bộ đội chưa thật sự khoa học; chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao... Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề cơ bản nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì đối với THTK,CLP chưa được khẳng định rõ nét; chưa tạo thành phong trào rộng lớn, chưa trở thành ý thức tự giác, thường trực của một bộ phận CB,CS; tinh thần tập thể chưa được phát huy đầy đủ… Điều đó đang đặt ra cho cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong toàn quân phải có những chủ trương, biện pháp thiết thực, cụ thể hơn nữa trong khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, bảo đảm cho việc THTK,CLP trong Quân đội thực sự đi vào nền nếp và ý thức thường trực trong mỗi CB,CS.

Thời gian tới, nhiệm vụ của Quân đội đặt ra ngày càng cao, tính chất ngày càng phức tạp; một số lực lượng được đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đi đôi với sự phát triển của nhiệm vụ, các đơn vị cũng được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; việc bảo đảm vật tư, tài chính, nguồn ngân sách cho Quân đội cũng lớn hơn. Bởi vậy, công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất đòi hỏi phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm phục vụ tốt hơn nữa đời sống, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Tình hình trên đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên chú trọng việc THTK,CLP, quản lý và sử dụng tốt cơ sở vật chất, trang bị được giao; xây dựng cho CB,CS ý thức tiết kiệm, tinh thần làm chủ tập thể, tránh tham ô, lãng phí, thất thoát, hư hỏng. Các cấp phải tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về đặc điểm, nhiệm vụ, sự cần thiết phải THTK,CLP trong tình hình hiện nay; tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về việc THTK,CLP. Trước mắt, toàn quân phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013”. Theo đó, các cấp, các ngành phải thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định. Đồng thời, tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu; 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… Cùng với đó, các đơn vị phải xây dựng nội dung, chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trên các lĩnh vực, trong mọi hoạt động; tổ chức tốt các phong trào thi đua; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến trong THTK,CLP và có hình thức kỷ luật thích đáng những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, gây lãng phí tài sản, vật chất của đơn vị. Mặt khác, phải thường xuyên quan tâm, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho CB,CS; đề cao vai trò gương mẫu, đi đầu của CB,ĐV, nhất là của cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị; tạo ý thức tự giác trong mỗi CB,CS, bảo đảm cho việc THTK,CLP trên mọi lĩnh vực công tác của Quân đội luôn đi vào nền nếp, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra.

THTK,CLP theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nội dung cơ bản trong Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Điều đó đã thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, trang bị, góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phát triển bền vững.

HỒNG LÂM – MINH SƠN
__________

* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 5, 6, 7/2013.

1 - Báo cáo Chuyên đề “Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí trong ngành Hậu cần Quân đội năm 2012” của Thanh tra Tổng cục Hậu cần.

2 - Thông báo kết quả công tác thi đua - khen thưởng năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua - khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2013 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.