QPTD -Thứ Năm, 13/06/2013, 23:08 (GMT+7)
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (phần II)

Tiếp theo*

II

THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

 

Đảng và Nhà nước ta xác định, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP)” là chủ trương nhất quán, lâu dài, một nội dung quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đất nước; là yêu cầu khách quan trong vận hành đời sống kinh tế - xã hội, cần phải được nhận thức đầy đủ, sâu rộng, triển khai thực hiện nghiêm túc, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày của từng tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực công tác. Hiện nay, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về THTK,CLP” còn được xem là một giải pháp không thể thiếu, thiết thực góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng.

Để có cơ sở pháp lý cao, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai THTK,CLP của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể đối với nhiệm vụ này. Theo đó, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ra Chỉ thị số 21-CT/TW về “Đẩy mạnh THTK,CLP”; Quốc hội ban hành Luật THTK,CLP; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 30/CT-TTg về “Tăng cường THTK,CLP”... Nhằm hiện thực hóa các chỉ thị, nghị quyết về THTK,CLP, các bộ, ngành, địa phương, với chức năng, nhiệm vụ của mình, đã xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; gắn đẩy mạnh THTK,CLP với phòng, chống tham nhũng, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, tạo môi trường làm việc trong sạch, tiết kiệm, ý thức trách nhiệm cao của bộ máy công quyền và nhân dân. Đồng thời, coi THTK,CLP là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng; nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; ý thức thường trực trong mỗi người. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp của việc THTK,CLP, các cấp ủy, tổ chức đảng đã chú trọng đề ra nhiều biện pháp nhằm đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục với những biểu hiện của sự lãng phí, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân dưới các biểu hiện khác nhau.

Những chủ trương, biện pháp kiên quyết và đồng bộ đó đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta đối với việc THTK,CLP, nhằm đưa việc làm này thành nền nếp, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc THTK,CLP thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, cả về nhận thức và hành động; những biểu hiện của lãng phí được đấu tranh, khắc phục kịp thời. Học tập và làm theo tấm gương của Bác về THTK,CLP, nhiều làng, xã đã xây dựng hương ước trong tổ chức việc tang, việc cưới, lễ hội, mừng thọ, mừng nhà mới... để hướng dẫn nhân dân thực hiện. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh các phong trào, như: “8 giờ vàng ngọc”; “Chất lượng, tiến độ, tiết kiệm, an toàn và hiệu quả”; “Đi đúng giờ, về đúng giờ, làm việc nghiêm túc”, tạo sự chuyển biến tích cực trong THTK,CLP. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giữ gìn của công, không tham ô, lãng phí. Các nguyên tắc, chế độ, công tác kiểm tra, giám sát… của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân trong THTK,CLP được thực hiện có nền nếp, đúng quy định của pháp luật. Sự chuyển biến trong THTK,CLP được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi lên 7 lĩnh vực quan trọng là: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của các cơ quan, tổ chức và các công trình phúc lợi công cộng; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Về tiết kiệm trong chi thường xuyên, đa số các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, bố trí dự toán chi NSNN theo đúng chỉ tiêu được giao; nghiêm túc thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên của năm 2011, tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên của 9 tháng cuối năm và đã tiết kiệm được 3.857,7 tỷ đồng; tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng với khoản tiền khoảng 1.081,4 tỷ đồng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu, tiết kiệm chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước[1].

Việc tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực, góp phần khắc phục khó khăn cho nền kinh tế. Chỉ riêng 12 tập đoàn, tổng công ty 91 thuộc khối doanh nghiệp nhà nước, năm 2012 đã rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án đầu tư với tổng số vốn 39 nghìn tỷ đồng; tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản trên 14 nghìn tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc khối doanh nghiệp nhà nước (12 tập đoàn, 11 tổng công ty 91 và 18 tổng công ty) đều đăng ký chỉ tiêu thực hiện tiết kiệm do cắt giảm khâu trung gian, chi phí không cần thiết là 12.548,7 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện được 4.433 tỷ đồng; các cơ quan chức năng đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về NSNN 3.529 tỷ đồng. Thông qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán 9.727 dự án, đã cắt giảm các khoản chi sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, góp phần tiết kiệm NSNN 803,89 tỷ đồng [2], v.v.

Mặc dù vậy, việc THTK,CLP ở nước ta trong những năm qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình hình lãng phí còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Chế độ công khai, minh bạch tài chính chưa nghiêm, còn mang tính hình thức, nhất là trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; chất lượng quy hoạch còn thấp, chưa sát với thực tế; nhiều dự án công trình xây dựng lập dự toán vượt định mức quy định, thời gian thi công kéo dài. Tình trạng đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, nợ trong xây dựng cơ bản còn lớn; hiện tượng thông đồng trong đấu thầu các dự án công trình để giảm giá nhận thầu còn xảy ra. Công tác quản lý, quy hoạch đất đai vẫn còn là khâu yếu, chưa khắc phục được tình trạng quy hoạch “treo”, sử dụng đất không đúng mục đích. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức còn xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ, gây lãng phí, thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Việc lãng phí trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn phổ biến, chi phí gián tiếp cao; quản lý tài sản, vốn lỏng lẻo; tình trạng bị chiếm dụng vốn, mất vốn của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều. Các hoạt động văn hoá, như: việc cưới, việc tang, lễ hội và tiêu dùng hằng ngày có nơi còn xa hoa, lãng phí. Theo thống kê của Thanh tra Nhà nước, năm 2011, toàn quốc có 5.828 tổ chức vi phạm về giao, sử dụng đất; trong đó, có 512 cơ quan nhà nước với diện tích 2.480,47 ha; 05 tập đoàn kinh tế nhà nước lớn đã gây lãng phí 30.000 tỷ đồng; phát hiện, giảm trừ các khoản quyết toán không đúng chế độ, quy định 5.863 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 425 tập thể và 697 cá nhân, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 22 vụ việc, liên quan đến 35 người vi phạm Luật THTK,CLP. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế là 4.585 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về NSNN 1.476 tỷ đồng, 1.937 ha đất và xử lý kỷ luật hành chính đối với 275 tập thể, 766 cá nhân… Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 103/154 đầu mối, đạt 66,8% kế hoạch, kiến nghị xử lý về tài chính 8.165 tỷ đồng [3]. Những khuyết điểm đó do nhiều nguyên nhân, song vấn đề cơ bản nhất vẫn là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu, đi đầu thực hiện THTK,CLP; công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, nâng cao ý thức của nhân dân trong THTK,CLP chưa được quan tâm đúng mức; những bất cập trong thể chế, chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội; sự sơ hở, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán trong một số lĩnh vực; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, v.v.

Thực trạng trên cho thấy, việc THTK,CLP tuy đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn những bất cập, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây ra những hậu quả khó lường cho nền kinh tế; đồng thời, ảnh hưởng đến phẩm chất, nhân cách, suy giảm uy tín của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Để tăng cường THTK,CLP theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, cần nhận thức được những vấn đề có tính nguyên tắc, làm cơ sở định hướng, chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Trước hết, phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với việc THTK,CLP. Các cấp phải coi đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy, nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức; lấy kết quả THTK,CLP làm cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về THTK,CLP; nắm vững thực trạng đang diễn ra hiện nay và đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực hiện nhiệm vụ này. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên trì, kiên quyết, liên tục, sâu sát cơ sở; phát hiện và xử lý kịp thời những nhận thức và hành động không đúng trong THTK,CLP. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Quy định về những điều đảng viên không được làm; đưa việc THTK,CLP trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày và là điều kiện bắt buộc để mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện.

Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và những quy định về THTK,CLP. Cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế - xã hội. Theo đó, các cấp cần quản lý chặt chẽ các khoản chi theo đúng dự toán ngân sách đã cấp; kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; chấn chỉnh, quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài theo đúng quy định; tăng cường sử dụng họp trực tuyến để tiết kiệm chi phí tổ chức họp, đi lại, ăn ở của các đại biểu. Mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí. Trên cơ sở quy định chung, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa các quy định về THTK,CLP cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của cấp mình; duy trì chặt chẽ, thành nền nếp thường xuyên, tránh mọi biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu công tác kiểm tra, giám sát, “cha chung không ai khóc” trong quản lý tài sản chung.

Thứ ba, phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong THTK,CLP. Thực tiễn chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, kiên quyết với những sai phạm, thì ở đó, việc THTK,CLP được thực hiện tốt và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu trong đẩy mạnh THTK,CLP là vấn đề cấp bách hiện nay. Để làm được điều đó, người đứng đầu phải quán triệt và nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, quy định của trên về THTK,CLP; tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thật nghiêm túc, có hiệu quả trên lĩnh vực mình phụ trách, quản lý. Bản thân người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong THTK,CLP; thực hiện nói đi đôi với làm; nắm vững và giữ đúng nguyên tắc trong quản lý kinh tế, tài sản công; mẫu mực trong chấp hành các quy định của Trung ương và địa phương về việc cưới, việc tang, lễ hội. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải coi đây là tiêu chuẩn đánh giá năng lực, đạo đức, lối sống của người đứng đầu; đẩy mạnh phê bình và có chế tài xử lý nghiêm khắc những người đứng đầu vi phạm các quy định về THTK,CLP.

Thứ tư, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với việc THTK,CLP. Các cấp phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, công tác thanh tra của các ngành chức năng đối với việc THTK,CLP; gắn kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện với kiểm tra, giám sát chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các quy chế, quy định về THTK,CLP để có cơ sở kết luận được chính xác. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong THTK,CLP để đề nghị cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng; phê bình, xử lý nghiêm khắc những người thiếu tinh thần trách nhiệm, gây lãng phí tài sản, công sức của tập thể. Đồng thời, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cổ vũ về THTK,CLP; có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng về THTK,CLP; hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác, tạo môi trường lành mạnh, bảo đảm cho việc THTK,CLP mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động rất lớn của tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay thì việc THTK,CLP càng phải được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ này; trong đó, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề cơ bản nhất.

(Số sau: III- Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong THTK,CLP)

 

HỒNG LÂM - MINH SƠN

________________

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 5/2013, tr. 32-34.

1 - Theo Báo cáo số 124/BC-UBTCNS13 của Ủy ban Tài chính - Ngân sánh của Quốc hội về kết quả thẩm tra sơ bộ việc thực hiện Luật THTK,CLP năm 2011.

2 - Theo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật THTK,CLP (năm 2012) của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

3 - Theo Báo cáo số 124/BC-UBTCNS13 của Ủy ban Tài chính - Ngân sánh của Quốc hội về kết quả thẩm tra sơ bộ việc thực hiện Luật THTK,CLP năm 2011.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.