QPTD -Thứ Tư, 06/01/2021, 14:19 (GMT+7)
Thực hành “nói đi đôi với làm” theo phong cách Hồ Chí Minh

Cùng với giá trị tư tưởng và đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành di sản vô giá, nền tảng văn hóa tinh thần, biểu tượng sáng ngời về tấm gương mẫu mực của vị Lãnh tụ kính yêu trong mỗi con người Việt Nam. Để phong cách của Người tiếp tục thẩm thấu, lan tỏa sâu rộng và hiện hữu trong đời sống xã hội cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, thực hành “nói đi đôi với làm” là giải pháp thiết thực nhất.

Ngay từ khi theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, Nguyễn Tất Thành đã thắc mắc tại sao thực dân Pháp rêu rao khẩu hiệu: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà lại đàn áp, bóc lột tàn nhẫn nhân dân Việt Nam? Người đã nung nấu ý tưởng được làm quen với nền văn minh Pháp để tìm hiểu xem đằng sau khẩu hiệu ấy ẩn giấu những gì? Vì thế, nước Pháp là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Người thanh niên yêu nước. Khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống ở nước Pháp, Bác đã vô cùng thất vọng với một nền văn minh mà ở đó: Tự do – bình đẳng – bác ái chỉ dành cho giai cấp tư sản, còn các tầng lớp nhân dân lao động Pháp cũng bị bóc lột nặng nề, nghĩa là: giữa khẩu hiệu và thực tế không thống nhất với nhau. Qua đó, Người đã lấy hình ảnh “con đỉa hai vòi” để gán cho chủ nghĩa thực dân, đế quốc; trong đó, một vòi hút máu ở chính quốc, vòi còn lại hút máu ở các nước thuộc địa. Đến khi tiếp cận, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, mà khởi đầu là Luận cương của V.I. Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ Cách mạng Tháng Mười Nga – cuộc cách mạng giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động với thực tiễn Việt Nam và đã tìm thấy “cẩm nang thần kỳ” soi sáng con đường cứu nước, cứu dân. Vận dụng triệt để nguyên tắc “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn” của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực hành “nói đi đôi với làm”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lấy đó làm nguyên tắc, phương châm xuyên suốt mọi hoạt động và cũng là biểu hiện thực tiễn về tư tưởng, đạo đức, văn hóa,… làm nên đặc trưng cốt lõi phong cách lãnh tụ vĩ đại.

Để việc học tập Bác trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, tổ chức và tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nghị quyết các hội nghị Trung ương (khóa XII), các chỉ thị, quy định,… của Đảng đều chú trọng đề cập đến nội dung này, nhất là đẩy mạnh học tập và làm theo Bác về “nói đi đôi với làm”. Đây là nội dung quyết định uy tín, hiệu suất công việc của mỗi cá nhân, tổ chức. Có thể nói, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là minh chứng về học tập tinh thần của Bác trong rèn luyện và thực hành nhiệm vụ. Những năm qua, các ban, bộ, ngành, các tổ chức và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa, triển khai các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả thiết thực; phát hiện, bình chọn và giới thiệu hơn 2.000 điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Thủ đô Hà Nội (tháng 12/2020).

Tuy nhiên, việc tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương,… còn diễn ra hình thức, làm cho xong; thậm chí ủy viên cấp ủy, cán bộ chủ trì, chủ chốt trực tiếp lên lớp quán triệt cho cơ quan, đơn vị học tập nhưng bản thân lại thực hiện không đúng. Một số nơi, lĩnh vực còn xảy ra tình trạng “thương mại hóa” tình người trong quan hệ xã hội dẫn đến căn bệnh “nói không đi đôi với làm”; cán bộ chủ trì, chủ chốt sống hai nhân cách: trong cuộc họp thường rao giảng rất hay về đạo đức, phong cách, nhưng hành động thực tế lại không đúng với những gì đã nói. Hiện tượng bùng nổ quảng cáo “một tấc đến trời”, lạm phát ngôn từ diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều phương tiện,… gây phản cảm, hoen ố giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc, v.v. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh phong trào tự giác học tập và làm theo Bác về “nói đi đôi với làm” trong toàn xã hội; coi đây là nguyên tắc hàng đầu trong mọi hoạt động. Theo Hồ Chí Minh: “Bất kỳ ở từng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình. 2. Mình đối với người. 3. Mình đối với công việc”1. Vì thế, thực hành “nói đi đôi với làm” cần phải được tiến hành nghiêm túc trong tất cả các quan hệ đó.

Thứ nhất, “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với mình. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn tự đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt và tự thực hành “nói đi đôi với làm” nghiêm túc, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo thực hiện yêu cầu đó. Từ những câu chuyện kể về Bác Hồ cho thấy, Người luôn coi trọng thực hành - tức là làm và hành động, làm nhiều hơn nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Người là những câu chuyện sinh động, tấm gương mẫu mực về “nói đi đôi với làm”, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cùng các phẩm chất: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” và phong cách: làm việc, tư duy, diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt,… chỉ vì: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”2. Học tập, làm theo tấm gương của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tự hình thành ý tưởng, đặt ra những kế hoạch cụ thể, khoa học, phù hợp với khả năng và quyết tâm thực hiện bằng được, nhằm chuyển hóa thành hiện thực. Đây là sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, giữa ý tưởng, kế hoạch và quyết tâm thực hiện với thước đo là kết quả đạt được trong hoạt động thực tiễn của mỗi chủ thể khi giải quyết mối quan hệ này. Vì vậy, quá trình thực hành, dù là cá nhân hay tổ chức cũng phải thường xuyên tự kiểm điểm, đánh giá chính xác kết quả đạt được, kịp thời bổ sung, điều chỉnh theo hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nhưng vừa sức, bảo đảm hiệu quả thực hành “nói đi đôi với làm” ngày càng cao trong quan hệ mình đối với mình.

Thứ hai, thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác. Cùng với tấm gương sinh động về “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác, Hồ Chí Minh còn vận dụng nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa phương Đông về tư tưởng: “dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” - trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói để cảm hóa, giáo dục người khác theo phương châm: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”3. Không chỉ đề cao nêu gương của bản thân, Người còn yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm. Đồng thời, phải hoan nghênh người khác phê bình mình; việc gì cũng thiết thực, nói được, làm được. Người dạy thanh niên: “Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết. Như thế thì ai cũng phải yêu mến kính phục thanh niên và phong trào thanh niên nhất định sẽ ăn sâu lan rộng”4. Như vậy, học tập và làm theo Bác về “nói đi đôi với làm” trong mối quan hệ mình với người khác đặt ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là cán bộ, đảng viên, người giữ các trọng trách cao càng phải gắn trách nhiệm, danh dự cá nhân với lời nói của mình và phải quyết tâm thực hiện bằng được những gì đã nói, đã công bố trước tập thể, hoặc người khác. Có như vậy, mới giữ được chữ “tín” của mình đối với người khác, bởi “một sự mất tín, vạn sự mất tin”. Cùng với đó, luôn tự kiểm điểm và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình khi mình có khuyết điểm, chưa thực hiện được những gì đã nói. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi xu nịnh, vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, các biểu hiện: “nói nhiều làm ít”, “nói hay, làm dở”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí “nói nhưng không làm”, v.v.

Thứ ba, yêu cầu thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với công việc. Đây là quan hệ quyết định hiệu suất, hiệu quả công việc, uy tín của cá nhân, tổ chức trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương sáng, gương mẫu về thực hành nói đi đôi với làm trong mọi công việc mà còn yêu cầu: “Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ” và “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích”5; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Người chỉ rõ: “Mỗi người công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, viên chức, đều phải hiểu rõ nghĩa vụ vẻ vang của mình là phục vụ sản xuất. Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”6. Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức trước hết vẫn là con người, vì thế dù là tổ chức nào thì hạt nhân vẫn là con người và do đó, để mỗi tổ chức hoàn thành tốt phận sự của mình thì hạt nhân của tổ chức phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của quần chúng mà thực hành: chủ trương một, biệp pháp mười, quyết tâm hai mươi. Đối với mỗi cá nhân, khi được tổ chức giao đảm nhiệm trọng trách nào đó, thì lời nói, việc làm của họ về cơ bản được mặc định là đã vượt qua giới hạn cái riêng của bản thân họ để đại diện cho tổ chức đó. Vì thế, kiên quyết đấu tranh với những người: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”7. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương và cuộc đấu tranh phòng, chống giặc nội xâm, đẩy lùi sự tha hóa về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu phẩm chất của cán bộ, đảng viên; đặc biệt chú trọng phẩm chất, phong cách “nói đi đôi với làm”. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm”8.

Đẩy mạnh thực hành “nói đi đôi với làm” là biểu hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong mọi hoạt động, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục góp phần giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

VĂN THẢNH – VĂN LUYỆN*
_____________

* Đại tá Ngô Văn Luyện, Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hậu cần.

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H.2011, tr. 129.

2 - Sđd, Tập 15, tr. 615.

3 - Sđd, Tập 1, tr. 248.

4 - Sđd, Tập 5, tr. 217.

5 - Sđd, Tập 14, tr. 168.

6 - Sđd, Tập 13, tr. 68.

7 - Sđd, Tập 5, tr. 327.

8 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, H. tháng 02/2020, tr . 41.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.