QPTD -Thứ Sáu, 20/05/2011, 08:33 (GMT+7)
Tham gia phát triển kinh tế-xã hội - một nội dung quan trọng trong thực hiện cuộc vận động của Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên

Trong quá trình tổ chức thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên đã có nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực; trong đó, việc gắn kết chặt chẽ các yêu cầu của CVĐ với thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, thông qua tăng cường tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn công tác, hết sức được coi trọng.


BĐBP Điện Biên làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 400 km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với Trung Quốc và Lào. Địa bàn công tác của BĐBP Tỉnh bao gồm 3 huyện, trong đó có 25 xã, 321 thôn, bản có đồng bào của 15 dân tộc thiểu số cùng chung sống. Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền và các cấp, các ngành của địa phương quan tâm đầu tư, bộ mặt KT-XH và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở địa bàn biên giới của Tỉnh đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, với xuất phát điểm về kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, chưa đồng bộ… nên đời sống của đồng bào các dân tộc cũng còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn trên 51%), trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, còn nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu… Bên cạnh đó, những tác động phức tạp từ sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua việc lợi dụng các vấn đề: dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động chia rẽ dân tộc; di dịch cư tự do; truyền đạo trái pháp luật, cùng các hoạt động tội phạm, nhất là việc mua bán, tàng trữ vũ khí, chất nổ, ma tuý… đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định và phát triển của địa bàn. Thực tế đó cho thấy, việc tăng cường công tác vận động quần chúng (VĐQC), tham gia phát triển KT-XH trên địa bàn là một nội dung hết sức cần thiết trong tổ chức thực hiện CVĐ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP, có giá trị thực tiễn cao đối với yêu cầu xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ cũng như hiệu quả xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện của BĐBP Điện Biên.

Sự kết hợp giữa thực hiện CVĐ, thực hiện lời Bác dạy với tăng cường công tác VĐQC tham gia phát triển KT-XH trên địa bàn trong BĐBP Tỉnh vừa qua được thể hiện tập trung trên các vấn đề chủ yếu là: lấy việc tham gia xây dựng địa bàn vững mạnh về KT-XH là một tiêu chí, thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả thực hiện CVĐ; đồng thời, thực hiện tốt việc làm này còn là một biện pháp cơ bản để giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo tiêu chuẩn đạo đức

Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tỉnh. Từ nhận thức đó, trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên về tổ chức, thực hiện CVĐ, kết hợp với các chủ trương, phương hướng phát triển KT-XH trên địa bàn biên giới, Đảng uỷ BĐBP Tỉnh đã triển khai tiến hành CVĐ một cách toàn diện, trong đó, nội dung trọng tâm làtăng cường tham gia phát triển KT-XH trên địa bàn. Thực hiện chủ trương trên, các tổ chức đảng và đơn vị, cũng như mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong BĐBP Tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện CVĐ nói chung, thực hiện công tác VĐQC, tham gia phát triển KT-XH trên địa bàn nói riêng theo các tiêu chí cụ thể, sát hợp với từng cơ quan, đơn vị để làm cơ sở phấn đấu thực hiện và đánh giá kết quả. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cấp uỷ và người chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cũng như công tác tổ chức, chính sách và điều kiện bảo đảm để thực hiện. Bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ các yêu cầu về tổ chức, phương pháp tiến hành công tác VĐQC đã được xác định, việc đổi mới phương pháp, tác phong công tác, phát huy ý thức tự giác, tích cực của mọi cá nhân được hết sức chú trọng.

Gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, công tác VĐQC, xây dựng địa bàn biên phòng đã được triển khai tích cực, chủ động, đồng bộ, có sự đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn. Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các lực lượng và các biện pháp công tác biên phòng để tiến hành công tác VĐQC; đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả việc phối hợp với huyện uỷ các huyện biên giới, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng của Tỉnh để thực hiện công tác xây dựng địa bàn, tham gia phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, đẩy lùi khó khăn, lạc hậu. Một số chương trình phối hợp tiến hành công tác VĐQC của BĐBP Điện Biên đã có hiệu quả tốt trên thực tế vừa qua là: phối hợp với Ban Dân tộc Tỉnh về “tăng cường công tác vận động đồng bào các dân tộc phát triển KT-XH, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”; phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tỉnh về “Xây dựng điểm sáng văn hoá vùng biên giới”; phối hợp với Hội Nông dân Tỉnh về “Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới đẩy mạnh sản xuất, phát triển KT-XH, bảo vệ biên giới Tổ quốc”; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh về “Vận động phụ nữ biên giới”; với Sở Tư pháp về “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật điểm tại xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé”; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”…

Trong 5 năm thực hiện CVĐ vừa qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tỉnh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thường xuyên gắn bó, sâu sát, đồng cam, cộng khổ với đồng bào các dân tộc trên địa bàn, có nhiều giải pháp tốt giúp dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hoá, ngăn ngừa thiên tai, dịch bệnh… BĐBP Tỉnh đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới thay đổi phương thức canh tác, nuôi trồng lạc hậu để nâng cao hiệu quả kinh tế; khắc phục tình trạng du canh, du cư, chăn nuôi gia súc thả rông… Các tổ, đội công tác của BĐBP Tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho các cấp, ngành vận động nhân dân định canh, định cư, khai hoang, thâm canh, tăng vụ, làm thuỷ lợi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bố trí sắp xếp lại một số vùng dân cư phục vụ tốt yêu cầu phát triển và ổn định địa bàn. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân, BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các xã biên giới quản lý, giám sát, sử dụng có hiệu quả các dự án đã và đang được Nhà nước đầu tư; tập trung tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án đường tuần tra, đường ra biên giới gắn với phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo. Trong 5 năm qua, BĐBP Tỉnh đã tham gia giúp đỡ nhân dân trên địa bàn 2.364 ngày công trong lao động, sản xuất, khắc phục thiên tai, hoả hoạn, hơn 20.000 ngày công trong xây dựng Nhà Đại đoàn kết; tu sửa và đào đắp 66,7 km đường giao thông nông thôn, 16,5 km kênh mương thuỷ lợi; vận động 3.764 hộ định canh, định cư ổn định sản xuất, khai hoang, phục hoá 148 ha ruộng nước; phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền huyện Mường Nhé, Mường Chà khảo sát, lựa chọn 2.462 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực. Thực hiện chủ trương di chuyển nhân dân xã Mường Lay về khu định cư mới, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã cử trên 300 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp, tham gia trên 12.000 ngày công cùng cấp uỷ, chính quyền và lực lượng vũ trang Tỉnh tận tình giúp đỡ nhân dân ổn định nơi ăn ở. Nhằm góp phần xây dựng các cơ sở dân sinh phục vụ đồng bào biên giới theo phương thức xã hội hoá, BĐBP Tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để thực hiện. Với công sức của bộ đội, nhân dân các dân tộc trên địa bàn kết hợp với kinh phí các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ, BĐBP Tỉnh đã xây dựng được 13 công trình dân sinh trên địa bàn các xã biên giới gồm: 04 trạm quân-dân y kết hợp, 06 điểm trường, 02 nhà bán trú dân nuôi, 01 cầu bê tông cốt thép trên địa bàn các xã Sín Thầu, Nậm Kè, Nà Khoa, Nà Hỳ, Nà Bủng huyện Mường Nhé, xã Mường Mươn huyện Mường Chà và xã Thanh Luông, Mường Lói huyện Điện Biên (mỗi công trình có giá trị 130 đến 180 triệu đồng). Các trạm xá quân-dân y ở các cụm bản xa trung tâm ở các xã Sín Thầu, Nà Hỳ (Mường Nhé) và Mường Loi (huyện Điện Biên) đã phát huy tác dụng, hàng nghìn hộ dân được khám, chữa bệnh ngay ở các trung tâm y tế xã và huyện. Thực hiện Đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, trong 2 năm 2009 và 2010, BĐBP Tỉnh đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp khảo sát, đánh giá và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trực tiếp xây dựng 120 căn Nhà Đại đoàn kết cho 120 hộ nghèo ở địa bàn 25 xã biên giới. Thực hiện chủ trương “giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các xã biên giới đặc biệt khó khăn” của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã có nhiều hình thức, biện pháp giúp đỡ xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé, như cử 06 đợt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại tham gia lao động giúp địa phương tu sửa và làm mới 12,5 km đường giao thông liên bản; tổ chức quyên góp kinh phí để mua các phương tiện hoạt động cho các điểm sáng văn hoá xã; tham gia xây dựng 01 Nhà Tình nghĩa, 05 Nhà Đại đoàn kết, tu sửa và làm mới 14 ngôi nhà cho các gia đình khó khăn… Trong tổng số 13 công trình dân sinh do BĐBP Tỉnh xây dựng vừa qua, đã có 05 công trình được xây dựng ở xã Nà Hỳ. Cùng với hoạt động chung của BĐBP Tỉnh, các đồn biên phòng đã chủ động, tích cực tham gia giúp dân xoá đói, giảm nghèo với các cách làm thiết thực, phù hợp. Điển hình như Đồn 423 đã tổ chức giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình nghèo qua việc hỗ trợ vốn sản xuất ban đầu; hướng dẫn nhân dân khai hoang, trồng lúa nước, thí điểm đưa giống lúa năng suất cao từ 1 vụ thành 2 vụ vào canh tác…

Việc kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện lời Bác dạy BĐBP với tăng cường công tác VĐQC, tham gia phát triển KT-XH trên địa bàn biên giới của BĐBP tỉnh Điện Biên cho thấy, đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Với việc làm trên, BĐBP Tỉnh đã góp phần thiết thực vào sự phát triển KT-XH của đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới. Điều đó được tiến hành đồng thời với việc tham gia tích cực vào xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã biên giới đã góp phần tăng cường sự gắn bó, tin tưởng của nhân dân địa phương với cấp uỷ, chính quyền các cấp, với lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng trên địa bàn. Đó là cơ sở quan trọng để củng cố nền biên phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc. Thực tế công tác, gắn bó với địa bàn, với nhân dân còn là một môi trường bồi dưỡng, rèn luyện để mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tỉnh tiếp tục bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngừng trưởng thành, góp phần thực hiện tốt trọng trách bảo vệ và xây dựng địa bàn biên giới Tây Bắc Tổ quốc mà Đảng, nhân dân và quân đội đã tin tưởng giao phó.

Đại tá TRẦN THANH HẢI

Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ BĐBP Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.