QPTD -Thứ Hai, 12/08/2024, 08:47 (GMT+7)
Quân khu 3 đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng theo lời Bác Hồ dạy

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 3 trên tất cả các mặt công tác. Đối với phong trào Thi đua Quyết thắng, việc hoc tập và làm theo Bác được duy trì thường xuyên, tạo động lực thúc đẩy lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Hội nghị khảo sát kết quả thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2023 tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: qdnd.vn

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước và trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng, những năm qua, với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 3 được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai toàn diện, đồng bộ. Hoạt động thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thường xuyên, liên tục; gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước và các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành, thực sự là động lực to lớn, cổ vũ, động viên, khơi dậy lòng nhiệt tình, say mê, sáng tạo, ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Phong trào Thi đua Quyết thắng hướng vào xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, làm cơ sở nền tảng vững chắc để xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Giai đoạn 2019 - 2024, có 238 điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh từ cấp cơ sở đến cấp Quân khu; 06 tập thể, 10 cá nhân được tôn vinh cấp Bộ Quốc phòng, trở thành nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí phấn đấu vươn lên, quyết tâm lập nhiều đỉnh cao thành tích mới trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, nặng nề hơn trong bối cảnh Quân khu đang đẩy mạnh điều chỉnh tổ chức, lực lượng theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương, nhằm xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu “tinh, gọn, mạnh”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là phát huy ưu thế “Quân khu đồng bằng... Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước”1, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng theo lời Bác dạy, tạo xung lực mới thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ là một trọng tâm, với các nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với phong trào Thi đua Quyết thắng. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự phát triển vững chắc của phong trào thi đua. Vì vậy, Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”2, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc trong nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng trong tình hình mới, từ đó đề cao trách nhiệm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư về mọi mặt cho phong trào thi đua. Cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì, các đơn vị cần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, hướng dẫn của cơ quan chính trị, thực hiện chức năng tư vấn của hội đồng (tổ) thi đua - khen thưởng và vai trò xung kích của các tổ chức quần chúng trong tổ chức hoạt động thi đua. Đặc biệt, phát huy đầy đủ vai trò của chính ủy, chính trị viên, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng trong chỉ đạo, tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng. Đồng thời, tiếp tục gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai lồng ghép hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu rộng, bền vững trong từng cơ quan, đơn vị.

Hai là, thường xuyên tiến hành tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ đúng đắn, khơi dậy ý thức tự giác và sự sáng tạo của bộ đội; phát huy tốt vai trò của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong thực hiện phong trào thi đua. Để đạt hiệu quả trong thực hiện giải pháp này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thi đua trở nên một phong trào sâu rộng, mọi người đều hăng hái tham gia, thì cần đánh thông tư tưởng của mọi người”3, để từ đó tăng cường giáo dục, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn, động viên các tổ chức và cán bộ, chiến sĩ hăng say cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu vượt lên để giành những đỉnh cao trong thi đua. Nội dung giáo dục cần quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung, cách thức tổ chức thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm của cơ quan, đơn vị mình. Chú trọng giáo dục truyền thống, phát huy niềm tự hào của quân và dân Quân khu 3 với tinh thần: “Sấm đường 5”, “Cát Bi rực lửa”, “Đường 10 quật khởi”,... từng gây kinh hoàng và thiệt hại cho địch; “Tay cày, tay súng”, “Sóng Duyên Hải”, “Làm giàu đánh thắng”,… vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Hình thức, phương pháp tiến hành phải phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều kênh khác nhau, khơi dậy động lực, tinh thần tự giác thi đua của cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong những nhiệm vụ khó, những thời điểm nhạy cảm.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng theo chỉ dẫn của Bác: “Kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”4. Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan chức năng tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, nhiệm vụ đột xuất. Trong đó, lấy nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào Thi đua Quyết thắng để xác định hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, chức năng hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Mục tiêu, nội dung thi đua phải sát thực, vừa có tính toàn diện, vừa đột phá vào những trọng tâm, trọng điểm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc, nhất là những mặt yếu, khâu yếu của đơn vị. Chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, hợp lý, được mọi người hưởng ứng và tự giác đăng ký phấn đấu, với tinh thần: “lời thách thi đua phải thiết thực, chớ bông lông. Đã thách thì phải làm cho kỳ được, hoặc vượt quá mức thách, càng tốt”5. Để đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị phải tích cực đổi mới, bảo đảm các hình thức, biện pháp tiến hành đa dạng, phong phú, phù hợp. Kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua với tổ chức các hoạt động kỷ niệm truyền thống của đơn vị, các ngày lễ lớn của đất nước; lồng ghép hiệu quả với các cuộc vận động, các phong trào cụ thể của các cấp, các ngành, tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu thi đua.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Thi đua là cơ sở để khen thưởng; khen thưởng phải đúng người, đúng thành tích; có như vậy mới thúc đẩy phong trào thi đua phát triển không ngừng. Do đó, cần phải gắn chặt thi đua với khen thưởng; khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận đồng tình; tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích trong khen thưởng. Trong thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ sửa đổi. Sau đợt thi đua phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”6, chủ động, tích cực, có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình ngay từ đầu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với chất lượng, hiệu quả thiết thực; chú trọng bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đánh giá đúng sức vươn lên của từng đơn vị, tạo cho phong trào thi đua có sức sống lâu bền, phát triển rộng khắp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh nhận thức lệch lạc và hành động không đúng, làm ảnh hưởng đến phong trào chung; lấy kết quả phong trào thi đua làm cơ sở để đánh giá năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 3 tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa sức lực, trí tuệ và tài năng, lập nên nhiều đỉnh cao thành tích mới, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng BÙI CÔNG CHỨC, Phó Chính ủy Quân khu
__________________
        

1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tạp chí Lịch sử Quân sự, tháng 6/1992.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 146.

3 - Sđd, tr. 146.

4 - Sđd, tr. 146.

5 - Sđd, tr. 146.

6 - Sđd, tr. 146.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.