QPTD -Thứ Năm, 08/03/2018, 10:19 (GMT+7)
Phụ nữ Quân đội phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân, với tinh thần vượt khó vươn lên, Phụ nữ Quân đội luôn phát huy truyền thống, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực công tác, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao đổi với đại biểu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VI (năm 2016)

Tiếp nối truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu năm xưa, ngay từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã ghi dấu sự đóng góp tích cực của ba chiến sĩ nữ nuôi quân1 và nhiều chị em làm công tác mua sắm vũ khí, ngụy trang giữ bí mật, vận chuyển, vận động nhân dân tích cực ủng hộ để làm nên chiến thắng đầu tiên, vang dội: Phay Khắt (ngày 25-12-1944), Nà Ngần (ngày 26-12-1944). Từ đó, đã khẳng định vai trò của Phụ nữ Quân đội qua các thời kỳ kháng chiến của dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Phụ nữ Quân đội được củng cố, phát triển về số lượng, chất lượng, có mặt trên mọi lĩnh vực, các mặt trận, từ vùng địch vận, vùng du kích đến vùng giải phóng; từ hậu phương ra tiền tuyến,... vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa làm giao liên, nuôi quân, quân y, sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, tải đạn, văn công, văn nghệ, v.v. Hoạt động của Phụ nữ Quân đội luôn gắn kết chặt chẽ với Phong trào Thi đua yêu nước do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, như: "Phụ nữ 5 tốt", “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, v,v. Thông qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Phụ nữ Quân đội đã có nhiều phong trào thi đua tiêu biểu, như: “Tìm địch mà đánh”, “Ba đảm đang chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”,... góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Phụ nữ Quân đội tiếp tục được củng cố, kiện toàn, phát triển lên tới gần 10 vạn chị em, với hơn 1.900 tổ chức Hội, có mặt ở hầu hết các lĩnh vực công tác quân sự, quốc phòng trên mọi miền đất nước. Dù ở đâu, cương vị, chức trách nào, chị em luôn phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, rèn luyện theo phẩm chất Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ở các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Phụ nữ Quân đội luôn chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, mệnh lệnh của người chỉ huy, chế độ trực ban, trực nghiệp vụ; tích cực, chủ động trong công việc, làm cho các mô hình thi đua, như: “Vào phòng máy là vào vị trí chiến đấu!”,“Trạm là nhà, đường dây là trận tuyến!”,“Phiên ban, kíp ban kiểu mẫu”, “Khâu áo chiến sĩ”, “Bát nước thao trường”,... ngày càng lan tỏa sâu, rộng. Trong lao động, sản xuất, không chỉ chấp hành nghiêm quy định, quy trình đảm bảo an toàn lao động, chị em còn chủ động cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin, tìm cách làm hay, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong công tác phục vụ, bảo đảm, Phụ nữ Quân đội luôn nhiệt tình, chu đáo, tận tụy, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho bộ đội, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đội ngũ chiến sĩ quân y tập trung rèn luyện “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, góp phần đảm bảo quân số khỏe, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội và tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, đã có hàng ngàn sáng kiến, đề tài, công trình, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao của Phụ nữ Quân đội được ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực hoạt động của Quân đội. Trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tuyên truyền, vận động nhân dân, các nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, vận động viên, nữ quân nhân đã có nhiều đóng góp vào thành tích của đơn vị, Quân đội và đất nước, thắt chặt thêm mối quan hệ máu thịt quân - dân. Trong công tác lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ cán bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy với công việc; có phương pháp, hình thức tổ chức thực hiện hiệu quả, xứng danh với lời Bác Hồ đã khen tặng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, v.v.

Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của lớp lớp cán bộ, hội viên qua các thời kỳ đã kết tinh thành truyền thống “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” của Phụ nữ Quân đội; điển hình là những nữ Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang: Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Đinh Thị Vân, Kan Lịch, Trần Thị Lý, Tạ Thị Kiều, La Thị Tám, Đặng Thùy Trâm, v.v. Cùng với đó, là những nữ cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị; những nữ đồng chí được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua toàn quân, nữ “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, v.v. Gần đây, Phụ nữ Quân đội đã có: 05 tập thể, 02 cá nhân đạt Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 05 cá nhân, 01 tập thể đạt giải thưởng Phụ nữ Sáng tạo; 02 tập thể đạt Giải thưởng KOVA; hàng ngàn hội viên phụ nữ được các cấp biểu dương, khen thưởng mỗi năm. Những kết quả đạt được, những tấm gương trên là niềm tự hào, sự cổ vũ, khích lệ Phụ nữ Quân đội phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ yêu cầu cần tập hợp được đông đảo nữ quân nhân ở những nơi không có tổ chức Công đoàn, năm 1991, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo Ban Công đoàn Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị có nữ trong toàn quân tổ chức đại hội phụ nữ cơ sở lần thứ Nhất. Từ đây, các phong trào thi đua, cuộc vận động của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Tổng cục Chính trị tổ chức phát động trong phụ nữ toàn quân. Tháng 5-1992, Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ Nhất long trọng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay, công tác Phụ nữ Quân đội đã có sự phát triển mới, đi vào nền nếp và có tổ chức chuyên trách từ Bộ Quốc phòng đến cấp đầu mối trực thuộc Bộ. Ngày 10-3-1993, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 102/QĐ-QP về việc thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội, trực thuộc Tổng cục Chính trị, có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về công tác phụ nữ trong Quân đội và đây được xác định là ngày truyền thống của Ban Phụ nữ Quân đội. Ngày 25-8-1993, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định 619/QĐ-TM về biên chế hệ thống công tác phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 7-1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Quy định 72/QĐ-TW về “Tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có các tổ chức: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Công đoàn Quốc phòng và Hội Phụ nữ”. Theo Quy định này, công tác phụ nữ trong Quân đội đã trở thành một ngành độc lập, thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội; là một mặt hoạt động quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân. Trọng tâm là xây dựng các tổ chức Hội, lực lượng hội viên; cơ quan, đội ngũ cán bộ; công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và giáo dục mầm non, v.v. Các hoạt động đó được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị và hướng dẫn về nghiệp vụ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ở mỗi cấp đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, chỉ đạo trực tiếp của chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị cùng cấp và hướng dẫn của cơ quan chính trị cấp trên. Đây là sự ghi nhận của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với quá trình ra đời, phát triển của công tác phụ nữ, phong trào phụ nữ và những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, hội viên Phụ nữ Quân đội. Đồng thời, cũng là dịp để chị em ôn lại, tôn vinh sự cống hiến, đóng góp to lớn của thế hệ đi trước, tạo động lực để tiếp tục phát huy trong giai đoạn mới của cách mạng.

Phong trào “Nuôi heo đất” tiết kiệm giúp phụ nữ khó khăn của Hội Phụ nữ
Cơ quan Tổng cục Chính trị

Là cơ quan tham mưu chiến lược đầu ngành về công tác phụ nữ trong Quân đội, những năm qua, Ban Phụ nữ Quân đội đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, giáo dục mầm non; tổ chức các phong trào hành động cách mạng; nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức hội phụ nữ ở cơ sở; gắn công tác xây dựng Hội với tham gia xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tham gia hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, v.v. Với thành tích đạt đ­ược trong 25 năm qua (1993 - 2018), Phụ nữ Quân đội và Ban Phụ nữ Quân đội được tặng thưởng các danh hiệu, phần thưởng cao quý2. Thành tích ấy là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; sự hướng dẫn nghiệp vụ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo); sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội. Đó còn là sự đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Phụ nữ Quân đội, cán bộ chuyên trách công tác phụ nữ trong toàn quân. Qua đó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động của Ban Phụ nữ Quân đội trong tình hình hiện nay. Trước hết, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị; nắm vững chức năng, nhiệm vụ, triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ trọng tâm, thời điểm quyết định. Đồng thời, luôn chủ động, nhạy bén, sáng tạo nắm bắt tình hình, đề xuất và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; tích cực đổi mới phương thức hoạt động; xây dựng quan hệ đoàn kết, hiệp đồng công tác với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, địa phương và nhân dân. Chú trọng chăm lo xây dựng Ban Phụ nữ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; trong đó, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ “giỏi một việc, biết nhiều việc”, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định.

Với quyết tâm cao, sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ, xứng đáng với 10 chữ vàng mà Quân ủy Trung ương trao tặng Phụ nữ Quân đội: “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, Ban Phụ nữ Quân đội và phụ nữ toàn quân tiếp tục nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại tá BÙI THỊ LAN PHƯƠNG, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội
____________

1 - Các chị: Cầm, Loan, Thanh.

2 - Cờ thi đua xuất sắc và xuất sắc tiêu biểu 25 năm liên tục của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bằng khen của Chính phủ; Huân chương chiến công hạng Ba và hạng Nhì (giai đoạn 1997 - 2001); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và hạng Nhất. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống, Ban Phụ nữ Quân đội một lần nữa vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.