Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:34 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Trong cuộc sống, Hồ Chí Minh có phong cách diễn đạt độc đáo, vừa phản ánh nét tinh hoa bản sắc dân tộc Việt Nam, vừa mang tính đặc sắc của người trải nghiệm hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cương vị công tác trong không gian rộng lớn. Học tập, làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta luôn vững vàng, tạo tiền đề thực hiện tốt công việc theo chức trách, nhiệm vụ.
Phong cách là cái riêng, cái độc đáo, có tính hệ thống, trở thành nền nếp ổn định của một người hoặc một lớp người, được thể hiện trong các mặt của cuộc sống. Như vậy, phong cách không phải là tính bẩm sinh, mà được hình thành qua sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi và định hình trong quá trình sống của con người. Nó luôn chịu sự tác động, chi phối của hoàn cảnh, điều kiện sống, truyền thống văn hóa, lối sống, thói quen, thậm chí là của tập quán, v.v. Sự tác động này, không quyết định chi phối làm nên phong cách của con người, mặc dù, con người chịu sự tác động của hoàn cảnh, điều kiện sống, từ đó hình thành, định hình được phong cách, như: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng, con người cũng có thể định hình được một phong cách khác hẳn sự tác động của hoàn cảnh, như: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ đó, chúng ta thấy, phong cách Hồ Chí Minh là những nét riêng của Người trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, vô cùng cao thượng của một người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất và được rèn dũa qua nhiều năm tháng gian khổ, hy sinh để dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp, giải phóng con người. Trong đó, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ tính độc đáo: gọn, rõ, hấp dẫn, đại chúng, nói đi đôi với làm.
Con người nhận biết tự nhiên và xã hội thông qua bộ óc và qua các giác quan. Bán cầu đại não của con người chỉ dẫn suy nghĩ và hành động trên cơ sở toàn bộ tâm tính con người ấy có. Mà tâm tính của con người chỉ được coi là chuẩn mực khi phù hợp với bản chất của tự nhiên và xã hội mà người đó sống, tức là phù hợp với môi trường sống. Con người thường diễn đạt ý nghĩ và hành động của mình ra bên ngoài (hướng ngoại) thông qua ngôn ngữ (nói, viết) và cử chỉ (hành động).
Về ngôn ngữ nói và viết, Hồ Chí Minh luôn sử dụng ngôn ngữ đại chúng (bình dân) để mọi người đều hiểu được, tức là chuyển tải đúng và hết những thông tin cần đem đến cho mọi người. Trong đó, có ba điểm đáng chú ý nhất là: ngắn gọn, súc tích; đủ thông tin cần thiết; hấp dẫn. Có được cả ba điểm này trong phong cách của một người là không đơn giản. Viết và nói ngắn gọn, súc tích nhưng lại không “cụt, cộc”, mà vẫn đủ lượng thông tin cần thiết. Thường là người ta hay viết và nói dài rồi viện cớ do nhiều thông tin. Nhưng kỳ thực điều đó chỉ đúng một phần, bởi có không ít người viết và nói rất dài nhưng vẫn thiếu thông tin, kể cả những thông tin rất cơ bản. Hồ Chí Minh hay phê bình những người này là nói dài, mà thông tin lại ít, thậm chí “rỗng tuếch”. Vì vậy, viết ngắn, nói ngắn, nhưng lại dễ hiểu và hấp dẫn người đọc, người nghe như Hồ Chí Minh không phải ai cũng có được. Và ngay đối với Người, để có phong cách ấy cũng phải trải qua quá trình rèn luyện nghiêm túc, lâu dài trong thực tế cuộc sống, công tác.
Xin lấy đoạn sau đây trong tác phẩm Đường kách mệnh (năm 1927) để coi như là một tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi diễn đạt tư tưởng của mình: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả, v.v. Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”1. Một dẫn chứng khác là Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 là rất vắn tắt. Trong đó, “Chánh cương vắn tắt của Đảng” chỉ có 01 trang (265 chữ); “Sách lược vắn tắt của Đảng” chưa đầy 01 trang (251 chữ); “Chương trình tóm tắt của Đảng” khoảng 0,5 trang (179 chữ); “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam” có khoảng 02 trang (592 chữ), nhưng các văn kiện đó lại đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí làm thành cương lĩnh của một đảng chính trị. Đó là: 1. Mục tiêu của Đảng; 2. Lý luận chính trị nền tảng của Đảng; 3. Con đường để đạt mục tiêu; 4. Lực lượng lãnh đạo của Đảng; 5. Lực lượng quần chúng thực hiện mục tiêu; 6. Phác thảo một xã hội tương lai khi đảng chính trị nắm được chính quyền; 7. Phương pháp cách mạng của Đảng; 8. Quan hệ quốc tế của Đảng. Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02 - 1951) do Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, trình bày chỉ có 25 trang, nhưng chứa đựng đầy đủ tư tưởng, quan điểm, đường lối, phương châm,… lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Hồ Chí Minh phản đối cách nói, viết đã rỗng mà lại dài, chứ không phản đối cách nói, bài viết dài mà đủ, không thừa; đồng thời Người cho rằng, không phải nhất thiết lúc nào đó và về cái gì đó cũng phải nói, viết ngắn mới tốt. Khi viết, Người hay xuống dòng, có lẽ là để người đọc khỏi thấy ngồn ngộn chữ. Thông qua ngôn ngữ nói và viết, Hồ Chí Minh biểu đạt tư tưởng của mình phù hợp với từng đối tượng người nghe, người xem. Hồ Chí Minh đề cập bốn vấn đề mà người nói và viết phải xác định thật rõ: nói và viết cái gì; nói và viết cho ai; nói và viết để làm gì; nói và viết như thế nào. Người hay phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ hay nói và viết “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống”, “thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe và người đọc, không quan tâm họ có hiểu hay không.
Hồ Chí Minh nói tiếng nói của nhân dân, học tiếng nói của nhân dân, hay dùng ca dao, tục ngữ khi diễn đạt ý tưởng2. Người diễn giải những vấn đề lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với mọi người một cách rõ ràng, đúng bản chất của vấn đề, dễ hiểu, không rườm rà, kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”. Ngôn ngữ của Hồ Chí Minh vì thế trở thành giá trị văn hóa dân tộc. Những bài nói, viết của Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân. Những lời kêu gọi hừng hực khí thế bao chứa quyết tâm chiến lược của cả một dân tộc; những lời chúc Tết được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ của Người làm cho đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới thật thiêng liêng, ấm áp, chứa chan cảm xúc lòng người; những bài văn chính luận hào sảng; những bức thư gửi cho các ngành, các giới, các em học sinh, các cháu thanh niên, thiếu niên nhi đồng đầy tình cảm thân thương, không “lên gân, lên cốt” trích dẫn nghị quyết này, chỉ thị nọ, kể cả “Thư” trước lúc từ giã cõi đời gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong nước và bạn bè quốc tế (sau này được gọi là Di chúc), đã nói lên phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Phong cách đó toát lên quan điểm “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” mà nhân dân Việt Nam gắng sức hướng theo, đồng lòng xây dựng nền văn hóa từ giữa những năm 40 của thế kỷ XX trở đi, phản ánh trong Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) của Đảng.
Hành động là thứ “ngôn ngữ đặc biệt” trong phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Khác với rất nhiều danh nhân khác trên thế giới, Hồ Chí Minh không để lại nhiều pho sách lớn, những “tập đại thành” gồm những bài nói và viết. Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản năm 2011, gồm 15 tập (mỗi tập khoảng 400 - 700 trang, khổ 16 cm x 24 cm) là không lớn lắm nếu so với nhiều nhà hoạt động cách mạng khác trên thế giới. Nhưng, độc đáo thay, cả cuộc đời Hồ Chí Minh mới là pho sách đồ sộ; pho sách cuộc sống “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” biểu đạt toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Ở Hồ Chí Minh, toát lên một phong cách diễn đạt đặc biệt, đó là nêu gương sáng, nói đi đôi với làm. Hồ Chí Minh không phải làm theo “thiên cơ”, nghĩa là những điều định sẵn trong sinh thể, mà là sự rèn luyện qua những năm tháng của cuộc đời. Ngay từ năm 1927, trước khi Đảng ra đời, trong cuốn sách gồm những bài giảng cho các lớp huấn luyện cho Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên (Đường kách mệnh), Hồ Chí Minh đã đòi hỏi tư cách của người cách mạng là “Nói thì phải làm”3. Trên thực tế, trong các thời kỳ cách mạng Việt Nam, kể cả hiện nay, không ít người có bốn biểu hiện sai lệch về giữa nói và làm: Nói thì nhiều nhưng làm thì ít; Nói thì hay nhưng làm thì dở; Nói mà không làm; Nói một đằng làm một nẻo. Những người này thường gây phản cảm cho tập thể, cộng đồng, những người xung quanh và đặc biệt tai hại, nếu đó là cán bộ, đảng viên. Nói không đi đôi với làm thì thực sự biến thành đạo đức giả. Độ xa của không gian có khi không phải đo từ một điểm này đến một điểm khác cách trở nghìn trùng, hàng trăm, hàng nghìn năm ánh sáng, hoặc từ mặt đất lên mặt trăng, mà lạ thay, có khi lại từ miệng đến chân tay của con người khi người đó mắc phải “căn bệnh” nói không đi đôi với làm. Hồ Chí Minh, luôn có phong cách: nói đi đôi với làm, đã nói là làm; nói ít làm nhiều, mà nhiều khi làm mà không nói. Đó là “những hành vi vô ngôn” của Người.
Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, tự nó là gương sáng. Bản thân Người nhận thức rằng, ở phương Đông và Việt Nam thì một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Nói chuyện với cán bộ ở một trường huấn luyện (tháng 11-1945), Hồ Chí Minh cho rằng, phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?... Miệng nói, tay phải làm mới được. Khi chống giặc đói ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới thành lập, Hồ Chí Minh kêu gọi những người có ăn cứ mười ngày (hoặc ba ngày) nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu giúp những người đang bị đói. Khi kêu gọi như vậy thì Người gương mẫu thực hiện, nghĩa là không trừ bản thân mình ra; không ai cản được Người làm việc nghĩa đó. Hồ Chí Minh là nhà chiến lược giáo dục. Với quan niệm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nên Người phát động phong trào chống giặc dốt. Người cho rằng, phải học mọi lúc mọi nơi và bản thân Người là một gương sáng về tự học suốt đời. Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh, cho nên Người kêu gọi mọi người hằng ngày tập thể dục và khẳng định: “Tự tôi ngày nào cũng tập”. Hồ Chí Minh thể hiện “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” bằng chính việc làm của mình hằng ngày. Vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước nổi bật một phong cách “xắn tay áo làm”4 khi đề ra nhiệm vụ gì đó, chứ không phải cứ nói, cứ kêu gọi thật hay, thật rền rã, mọi người làm mà lại trừ bản thân mình ra. Phong cách đó toát lên tư tưởng rõ ràng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”5. Với hành động thường ngày, Hồ Chí Minh không muốn dạy ai cả, cũng không phải là nhằm đưa ra những hành động thị phạm. Người làm việc này, việc nọ một cách tự nhiên, thật lòng, như hít thở khí trời, không làm ra vẻ ta đây, ra oai. Nhưng, tự những hành động đó lại toát lên những thông điệp được người Việt Nam yêu nước coi đó là lời nói, cử chỉ hướng dẫn hành động; là những lời dạy, những hành động làm mẫu để hoàn thiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của mình. Quá trình Hồ Chí Minh sống, những chi tiết của cuộc sống thường nhật như ăn, ở, làm việc từ thuở hàn vi cho đến lúc đứng ở đỉnh tháp của quyền lực do nhân dân Việt Nam giao phó (Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước) là sự biểu cảm tuyệt vời cho phong cách Hồ Chí Minh.
Đất nước Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và đã đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử. Chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn vững vàng trước những nguy cơ, thử thách lớn và hiện đang tiếp tục vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận lĩnh trách nhiệm lãnh đạo chính quyền và xã hội do nhân dân giao phó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày càng tỏ rõ là một tổ chức chính trị trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, văn minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cùng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là những đường hướng dựa trên nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được nhân dân đồng tình, ủng hộ, ra sức thực hiện. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong đó, coi trọng khắc phục tình hình một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng và chống “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng đang đi vào cuộc sống. Hơn lúc nào hết, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng càng phải ra sức tăng cường sức mạnh bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị. Nói đi đôi với làm, do đó, trở thành một khâu cực kỳ quan trọng trong phong cách của người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ. Có như vậy, toàn quân mới thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Làm như thế cũng tức là mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta học tập và làm theo một cách thiết thực nhất phong cách Hồ Chí Minh.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG _______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 283.
2 - Trên thế giới nhiều người cho rằng, tục ngữ là kết tinh “sự thông thái” của nhân dân.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 280.
4 - Ngày 20-02-1947, đến thăm cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, khi nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào của Tỉnh, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu,…Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi" (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.77).
5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 672.
Phong cách diễn đạt,Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam