QPTD -Thứ Ba, 26/04/2022, 18:28 (GMT+7)
Phê phán quan điểm sai trái về quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Sau hơn 35 năm đổi mới và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp rất lớn của công tác quản lý phát triển xã hội. Tuy nhiên, lợi dụng một số hạn chế trong thực hiện công tác này, các thế lực thù địch đã xuyên tạc quan điểm và cách thức quản lý phát triển xã hội, hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, chúng ta cần nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.  

Nhận diện một số quan điểm sai trái về quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Đã từ lâu, vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” ở nước ta luôn được các thế lực phản động quy chụp rằng, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam không có dân chủ, chế độ xã hội mà Việt Nam đang xây dựng là chế độ độc đảng toàn trị. Lợi dụng việc một số đối tượng bị xử lý vì tội chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, họ dùng mọi cách can thiệp đòi xóa bỏ bản án cho những người vi phạm pháp luật; khi không đạt mục đích, họ lu loa rằng Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, từ đó kêu gọi các cá nhân, “tổ chức quốc tế” lên tiếng, can thiệp. Nguy hiểm hơn, trong một số vụ việc, họ còn sử dụng người già, phụ nữ, trẻ em như một công cụ, phương tiện để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, v.v. Mục đích của họ là đẩy người dân xung đột với chính quyền, phá hoại mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước hòng chia rẽ, kích động tư tưởng đối đầu, bạo loạn, đòi đa nguyên, đa đảng, thực hiện “xã hội dân sự”.

Đối với vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, họ xuyên tạc rằng, cách quản lý của Việt Nam là “cai trị”; phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số; đẩy người dân tộc thiểu số vào rừng sâu, lên núi cao. Ở vùng Tây Bắc, họ tập trung vào người Mông, kêu gọi lập “Tổ quốc riêng, vua riêng”, “Xứ Thái tự trị”. Ở Tây Nguyên, họ xuyên tạc rằng: “người Kinh chiếm đất của người Thượng bản địa”, “Cộng sản Việt Nam cấm đạo, diệt đạo, phân biệt đối xử với người Thượng”, kêu gọi thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập”. Ở Tây Nam Bộ, họ cho rằng: “Việt Nam vi phạm quyền con người đối với đồng bào Khmer”, v.v. Mục tiêu của họ là nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước Việt Nam.

Các thế lực phản động còn cho rằng, Việt Nam chưa quan tâm tới Người có công và những người yếu thế trong xã hội. Hằng năm, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hay dịp lễ, Tết, như: 30/4, 02/9, những ngày có liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có công, thương binh, liệt sĩ là họ lại xoáy vào xuyên tạc, công kích, bôi nhọ chế độ. Rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; lợi dụng các tổ chức “thiện nguyện”, “từ thiện” để mua chuộc lòng dân. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, họ lợi dụng hình ảnh về nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội là người già, người neo đơn, người nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư,… để xuyên tạc rằng: Chính phủ đã “bỏ rơi” nhóm đối tượng này, để họ chết mòn trong đại dịch; “người nghèo bị bỏ mặc trước đại dịch Covid-19”, v.v. Từ đó, họ không chỉ kích động, gây mâu thuẫn, bất mãn trong xã hội, mà còn làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái

Thứ nhất, về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Chúng ta biết, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ tiến bộ nhất; trong đó, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều đó không chỉ được khẳng định trong Cương lĩnh, Hiến pháp, pháp luật, mà còn được thể hiện sinh động trong thực tiễn đời sống xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực,...”1. Trong xây dựng các văn bản luật, nhà nước Việt Nam luôn công khai bản dự thảo, thậm chí gửi đến từng hộ dân để mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đóng góp ý kiến, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc xây dựng pháp luật. Tiêu biểu, trong đợt lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, từ tháng 01 đến tháng 5/2013, cả nước đã tổ chức được 28.000 hội thảo, hội nghị, tọa đàm và thu được 26 triệu lượt ý kiến đóng góp về nội dung Hiến pháp. Những con số trên đã minh chứng cho quản lý phát triển xã hội của Việt Nam là rất dân chủ và cách quản lý này không thể là “độc đoán, chuyên quyền”, “bóp nghẹt dân chủ” như lời rêu rao của các thế lực thù địch. Dù nơi này, nơi khác, trường hợp cụ thể này hoặc trường hợp cá biệt khác, công dân Việt Nam ở nơi nào đó còn vi phạm, nhưng không thể lấy những trường hợp cá biệt, cụ thể đó để khẳng định quản lý phát triển xã hội của nhà nước Việt Nam là mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu ưu tiên trong chính sách xã hội của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững của xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình an sinh xã hội, lao động việc làm, đã tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi trung bình mỗi năm giảm 03% - 04%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hằng năm, cả nước có khoảng 1,1 - 1,2 triệu trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, 95% dân số có thẻ Bảo hiểm y tế, cung cấp nước sạch, giá viễn thông của Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất trong khu vực, bảo hiểm xã hội bao phủ khoảng 35% lực lượng lao động và hướng tới 45%, là điểm sáng trong đánh giá của Liên hợp quốc.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”2. Nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ dành nhiều ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Riêng Chương trình 135 (giai đoạn 2016 - 2018, đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103 nghìn người; dạy nghề cho 720 nghìn người dân tộc thiểu số, góp phần giúp đồng bào tìm kiếm việc làm). Để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số, Chính phủ đã thực hiện các chính sách thông qua các chương trình quốc gia về tiêm chủng mở rộng; chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng; chống các bệnh sốt rét, bướu cổ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh cho vùng khó khăn, v.v.

Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó, “Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”3. Vì vậy, trong khi thực hiện nhất quán chính sách “tự do tín ngưỡng”, chúng ta vẫn phải kiên quyết đấu tranh chống mọi sự lợi dụng “dân tộc”, “tôn giáo” phá hoại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam luôn thực hiện hiệu quả quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực đền ơn đáp nghĩa, nhất là đối với Người có công với cách mạng và nhóm người yếu thế trong xã hội. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn trân trọng, biết ơn và có trách nhiệm sâu sắc đến các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và Người có công với cách mạng. Các chế độ ưu đãi từng bước được nâng lên, nội dung ưu đãi được luật pháp hóa và trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế,...). Hiện nay, cả nước có trên 9,2 triệu Người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; trong đó, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Nhiều chính sách ưu đãi dành cho Người có công đang được thực hiện; đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được lan tỏa rộng rãi, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Riêng trong lực lượng vũ trang, những năm qua, toàn quân đã và đang triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, như: xây tặng hơn 4.300 Nhà Tình nghĩa, Nhà Đồng đội; giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng, v.v. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với Người có công trong cuộc sống.

Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính,… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người nói chung, quyền, lợi ích của người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội nói riêng. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia nhiều Điều ước quốc tế, Công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới, v.v.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho cuộc sống của các đối tượng chính sách, người yếu thế, người lao động trở nên vô cùng khó khăn. Ngay từ ngày đầu, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tinh thần chống dịch với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì nhóm người già, người nghèo, người vô gia cư,… đã được chú trọng, quan tâm sâu sắc. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62 nghìn tỉ đồng cho khoảng 20 triệu trường hợp thuộc 07 nhóm đối tượng thụ hưởng. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã tạo niềm tin, phấn khởi và động lực để các tầng lớp nhân dân vượt qua chặng đường khó khăn.

Tất cả quan điểm và hệ thống chính sách xã hội ở nước ta nêu trên cho thấy, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đều nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn đang đặt ra và giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội vì hạnh phúc của nhân dân. Thực tiễn sinh động đó đã hoàn toàn bác bỏ các luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với công tác quản lý phát triển xã hội ở nước ta.

TS. NGUYỄN VĂN VỊ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
__________
_________

1 - ĐCSVN - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb CTQG ST, H. 2013, tr. 743.

2 - ÐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 65 - 66.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb CTQG, H. 2001, tr. 128.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.