QPTD -Thứ Năm, 19/09/2013, 14:49 (GMT+7)
Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong tình hình mới là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh thân thế, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, thể hiện cụ thể việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW  của Bộ Chính trị (khóa XI) ở đơn vị.

Đón Đoàn cán bộ Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam viếng Lăng Bác

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta; hình ảnh thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam và bạn bè quốc tế; đồng thời, là nơi hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam. Là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (gọi tắt là Bộ Tư lệnh Lăng) nhận rõ trọng trách của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mà Đảng và nhân dân giao phó, nên luôn chú ý việc học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (ĐU,BTL) Lăng xác định: trước hết, phải thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; mẫu mực về tư thế, tác phong, xử lý có văn hóa các mối quan hệ; niềm nở, thân tình trong đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách tham quan. Quán triệt tinh thần đó, đơn vị đã tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như xây dựng đạo đức, lối sống cho CB,CS, công nhân viên, người lao động. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-12-2010; Nghị quyết số 122-NQ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 08-3-2012 về "Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới". Việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung đó sẽ góp phần làm cho toàn đơn vị thấy rõ hơn vinh dự, trách nhiệm của mình trong bảo quản, giữ gìn thi hài Bác và hướng dẫn các đoàn khách tham quan; coi đây là thời cơ thuận lợi để xây dựng tổ chức, con người vững mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân trao cho. Đồng thời, đó cũng là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm chính trị, việc làm hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nội dung làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được ĐU,BTL Lăng xác định là: nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì công việc; nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác trong thực hiện nhiệm vụ. Từ yêu cầu đó, cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đi vào từng việc làm của CB,CS; thường xuyên tuyên truyền kinh nghiệm triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các điển hình tiên tiến (ĐHTT), gương “người tốt, việc tốt” trong thực hiện nhiệm vụ. Hơn thế nữa, từng ngành, từng tổ chức quần chúng còn thi đua làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua phát động các phong trào cụ thể, như: “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công dâng Bác”, “Thanh niên Quân đội học tập và làm theo lời Bác”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vinh quang con đứng bên Người”..., tạo không khí sôi nổi, ý chí quyết tâm cao trong toàn đơn vị. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ và tinh thần học tập Bác thường xuyên, CB,CS đơn vị luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, nhất là việc đón tiếp, tuyên truyền cho các đoàn khách tham quan; làm cho nơi đây trở thành điểm hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần cổ vũ việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cả nước.

Gắn Huy hiệu Bác Hồ cho các Cựu chiến binh Đoàn tàu không số

Một trong những kết quả nổi bật góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình này là ĐU,BTL Lăng đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức trang nghiêm, chu đáo, an toàn các buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng. Đây là việc làm thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với phát huy giá trị tư tưởng của Công trình Lăng; đồng thời, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, con người bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Bác Hồ trong công việc và trong cuộc sống. Các hoạt động như: duyệt binh, diễu binh, diễu hành, lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, báo công, đón tiếp các đoàn đại biểu lão thành cách mạng, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các già làng, trưởng bản... luôn được thực hiện có nền nếp, hằng ngày và mang lại hiệu quả thiết thực. Những hoạt động đó không chỉ là nơi CB,CS thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với đơn vị, mà còn tạo ấn tượng tốt đối với đồng bào, chiến sĩ trong cả nước để mọi người cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, đất nước, sự cống hiến hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh; đặc biệt là tấm gương cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng và trong xây dựng đạo đức mới của con người Việt Nam. Qua đó, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách, tự lực tự cường, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, sống có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Nhằm bảo đảm cho các hoạt động thêm phần ý nghĩa, đơn vị đã thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng nghi lễ, như: tổ chức chào cờ hằng ngày trước Lăng; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức tuyến phố đi bộ, các hoạt động nghệ thuật định kỳ hằng tháng..., tạo nên không gian văn hóa quanh Lăng, để nơi đây mãi mãi là điểm nhấn của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan.

Cùng với đó, ĐU,BTL Lăng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị đã xây dựng, khai thác và phát huy tốt Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, với hàng nghìn bài viết cảm động về tấm gương đạo đức Bác Hồ và giá trị, ý nghĩa của công trình Lăng; biên tập, xuất bản hàng chục đầu sách, đề cương tuyên truyền về Lăng Bác, Khu Di tích K9, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; phối hợp làm phim tư liệu về Bác... Những nội dung đó được phát liên tục trên hệ thống nghe, nhìn quanh Lăng, giúp du khách cập nhật thông tin thường xuyên về Bác1. Đặc biệt, thông qua các hiện vật, lời thuyết minh của hướng dẫn viên trong Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đã làm cho du khách thấy Bác như vẫn còn ở quanh ta, với những vật dụng cụ thể, đơn sơ, nhưng toát lên cả một cuộc đời thanh cao, giản dị, hết lòng vì dân, vì nước. Nhiều du khách, sau khi được thấy tận mắt hình ảnh của Bác, đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục về vị lãnh tụ kính yêu và như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để hoàn thiện mình, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện nghiêm lời Bác dạy, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân.

Có thể thấy rằng, để có được sự đánh giá cao và tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các đoàn khách trong nước và quốc tế đối với đơn vị, CB,CS của BTL Lăng đã luôn phát huy tinh thần tận tâm, tận lực, chủ động, sáng tạo, chu đáo trong từng công việc. Mỗi người luôn tự nhủ mình phải thường xuyên rèn luyện, học tập, công tác cho xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ được giao; nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, toàn đơn vị đã bồi dưỡng, nhân rộng được 06 tập thể và 09 cá nhân ĐHTT trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trong đó, tập thể Viện 69 được chọn là 1 trong 50 tập thể điển hình cấp toàn quân.

Hiện nay, toàn Đảng đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng. Bởi vậy, việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới càng có ý nghĩa thiết thực. Để làm được điều đó, trước hết, các đơn vị phải tập trung đổi mới công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, nâng cao nhận thức cho CB,CS, công nhân viên và người lao động về việc phát huy vai trò, ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào của những người đang công tác bên Lăng Bác; từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ được giao. Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ đón tiếp các đoàn khách và tuyên truyền giá trị của Công trình Lăng; chủ động bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, nghi thức tổ chức sinh hoạt chính trị, nội dung giới thiệu; tham mưu, đề xuất với các cơ quan, ban, ngành chức năng để phối hợp chặt chẽ, hiệu quả việc đón tiếp, tuyên truyền đối với các đoàn khách tham quan. Mặt khác, phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, văn hóa, đạo đức cho CB,CS, công nhân viên và người lao động. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tổ chức hoạt động giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại khu vực Lăng theo định kỳ hằng tháng, để nơi đây mãi mãi là điểm sáng về văn hóa. Thứ ba, tăng cường kết hợp việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động; thường xuyên tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, xây dựng và nhân rộng các ĐHTT; trong đó, lấy Đoàn 195 là đơn vị điểm trong việc “làm theo”, Đoàn 275 là đơn vị điểm trong thực hiện tiêu chí về xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Bác Hồ; tăng cường đoàn kết, thống nhất, giải quyết tốt các mối quan hệ, tạo môi trường thuận lợi để CB,CS phấn đấu và trưởng thành. Thứ tư, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cán bộ các cấp phải đăng ký, thực hiện tốt vai trò “nêu gương, tình thương, trách nhiệm” trước quần chúng; thường xuyên nắm và giải quyết tốt tình hình tư tưởng, giữ vững sự ổn định của đơn vị; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, mẫu mực về phong cách, lối sống, phấn đấu trở thành đơn vị tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân.

Thời gian tới, ĐU,BTL Lăng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống.

Đại tá, ThS. CAO ĐÌNH KIẾM
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng
________________

1 - Trong năm 2012, CB,CS đơn vị đã đón tiếp gần 2 triệu lượt người về Lăng viếng Bác, trong đó có hơn 500 nghìn khách quốc tế; hướng dẫn và phục vụ 122 đoàn đại biểu người có công với cách mạng, các ĐHTT trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về báo công; đón tiếp 3.789 đoàn, với hơn 100 ngàn lượt người thăm Khu Di tích K9, trao tặng 4.105 Huy hiệu Bác Hồ; Trang tin điện tử có hơn 6 triệu lượt người truy cập, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.