QPTD -Thứ Hai, 14/10/2019, 08:46 (GMT+7)
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ nơi tuyến đảo tiền tiêu Đông Bắc

I. Khó khăn, thách thức và bản lĩnh, quyết tâm của người lính đảo

(Tiếp theo và hết)

II. Gương sáng nơi đảo xa

Những kết quả mà Lữ đoàn 242 đạt được là tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp là khâu then chốt, quyết định.

Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nêu gương mẫu mực trong mọi hoạt động của đơn vị, thì ở đó vai trò đội ngũ cán bộ được phát huy, tỏa sáng, được mọi người tôn trọng, yêu quý, tin tưởng và ủng hộ; đồng thời, có tác dụng động viên, cổ vũ, khích lệ, lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ noi theo, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ngược lại. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Lữ đoàn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; gắn việc nêu gương với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; phong trào Thi đua Quyết thắng và các phong trào, cuộc vận động khác, v.v.

Để việc nêu gương của đội ngũ cán bộ đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chú trọng đề cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; đồng thời, cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của cấp trên thành các tiêu chí, quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ trì các cấp phù hợp với thực tiễn đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của cán bộ từng cấp, từng điểm đảo. Các cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng về vị trí, tầm quan trọng của việc nêu gương theo Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; trong đó, hướng trọng tâm vào xây dựng cam kết, đề ra biện pháp, quyết tâm thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng để “tự soi, tự sửa”, khắc phục khó khăn, phấn đấu, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị đã chủ động đưa việc thực hiện nêu gương của đội ngũ cán bộ thành nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; nội dung sinh hoạt định kỳ hằng tháng, quý và năm của các cấp ủy, chi bộ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo nội dung đăng ký của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị. Qua đó, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh những hạn chế, khắc phục triệt để tình trạng chung chung, hình thức, v.v.

Thực hiện phương châm: kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo, lấy làm theo là chủ yếu và nêu gương bằng hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là, trong xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật có các phong trào: “Trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực noi theo”; “Một tập trung, ba nắm vững, một đúng, ba dứt điểm”1. Trong xây dựng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học của đội ngũ cán bộ các cấp có các phong trào: “Bám sát cơ sở, nắm vững tình hình, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả”; “Cán bộ, đảng viên miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”, v.v. Qua đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp được phát huy mạnh mẽ và thể hiện rất rõ nét trong việc tự xác định nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, ý chí, quyết tâm cao, luôn gương mẫu, tự giác chấp hành, duy trì các nền nếp chế độ trong ngày, trong tuần. Tác phong mang mặc, lời nói, hành động, việc làm của đội ngũ cán bộ đều chuẩn mực, đúng theo điều lệnh, điều lệ quân đội, “giờ nào, việc nấy”; “đồng cam, cộng khổ”, chia sẻ vui buồn, khó khăn với chiến sĩ, luôn luôn lắng nghe, tìm hiểu suy nghĩ, tâm tư, tình cảm để có cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Trần, Cô Tô, Ngọc Vừng hôm nay, điều để lại ấn tượng đậm nét nhất chính là việc đội ngũ cán bộ cán bộ các cấp, từ tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn luôn chung sức, sát cánh cùng bộ đội trong mọi hoạt động; từ báo thức, thể dục buổi sáng cho đến quá trình học tập, sinh hoạt, tăng gia, thể thao và bất cứ ở đâu cũng đều hành động đúng điều lệnh và tràn ngập tinh thần đồng chí, đồng đội. Dù khó khăn, vất vả, nhưng tình cảm cán bộ, chiến sĩ luôn nồng ấm, chan hòa, những nụ cười rạng rỡ luôn thể hiện trên gương mặt sạm đen nơi nắng, gió của biển khơi.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 hành quân dã ngoại làm công tác dân vận

Không những thế, trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động, đội ngũ cán bộ nơi đây đều gương mẫu, tự giác làm trước từ việc nhỏ nhất, như: không hút thuốc lá trong đơn vị, quyên góp ủng hộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, v.v. Đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đảo Trần không hút thuốc lá. Công tác chính sách hậu phương Quân đội, giúp đỡ gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn,... cũng đều bắt nguồn từ cán bộ phát động, vận động, ủng hộ trước, tạo thành phong trào tương thân, tương ái, lan rộng trong toàn đơn vị. Các mô hình: “Người con hiếu thảo”, “Tiết kiệm phụ cấp, hợp lý chi tiêu”,… do cán bộ đơn vị nêu gương đi đầu, làm trước đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ngược hẳn với trước đây, khi thân nhân chiến sĩ ra thăm hầu như đều chu cấp tiền cho con em để chi tiêu, thì nay họ lên thăm đơn vị, rồi nhận tiền tiết kiệm của con mang về mà trong lòng dâng dâng xúc động.

Điểm đáng chú ý nữa là, trước đây, cán bộ chính trị và trợ lý các cơ quan của Lữ đoàn thường bị đánh giá là nói nhiều, nói dài, viết dài. Làm theo lời Bác, để nói ngắn, viết gọn mà vẫn đúng, đủ nội dung, đòi hỏi người cán bộ phải tích cực tìm hiểu, chịu khó học, đọc và rèn luyện kỹ năng nói, viết sao cho cô đọng, súc tích. Muốn tham mưu đúng, trúng, hiệu quả, người cán bộ phải chủ động nghiên cứu, sáng tạo, bám sát các quan điểm, chủ trương, chỉ thị, hướng dẫn của trên, thực tiễn nhiệm vụ, tâm lý của tuổi trẻ và dự kiến được các tình huống, vấn đề nảy sinh, v.v. Thời gian qua, 100% cán bộ chính trị và trợ lý các cơ quan trong Lữ đoàn đã tích cực tự điều chỉnh tác phong, lề lối làm việc theo hướng sát cơ sở, gần gũi với bộ đội, nên chất lượng thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ nét, không có trường hợp cán bộ và trợ lý cơ quan ngồi ở nhà viết nghị quyết, báo cáo, giải quyết công việc riêng, mà tất cả đều sát cánh cùng bộ đội mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Kết quả đó, được xem là một cách đội ngũ cán bộ chính trị, trợ lý cơ quan nêu gương cho đơn vị và chiến sĩ noi theo.

Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên trong thời bình, nền tảng cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của mỗi đơn vị, Quân đội. Với nhận thức đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn đã quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương “Rèn cán trước luyện binh”, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện. Theo đó, cùng với duy trì nền nếp chế độ tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hằng tuần, tháng và trước mỗi giai đoạn huấn luyện, nhất là số cán bộ mới ra trường, cán bộ chuyển đổi vị trí và mới được bổ nhiệm, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ các cấp thực hiện nghiêm các nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ thông qua giáo án, giảng thử, giảng mẫu. Đồng thời, động viên, khuyến khích cán bộ đề cao tính tích cực, tự giác trong tự học, tự rèn, nâng cao kiến thức, kỹ năng quân sự theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Với phương châm và tư tưởng chỉ đạo: “Rèn cán giỏi để luyện binh tốt”, “Huấn luyện giỏi thời bình để đánh thắng giặc thời chiến”, “Giỏi cấp dưới, thành thạo cấp mình, biết trên một cấp”,… các cơ quan, đơn vị tích cực tổ chức hội thi, hội thao cán bộ huấn luyện giỏi, nhất là cán bộ cấp trung đội, đại đội. Cùng với đó, Lữ đoàn tổ chức nhiều phong trào thi đua học tập, gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” dành riêng cho đối tượng cán bộ. Qua đó, giúp từng cán bộ, đảng viên, cấp ủy đảng và cơ quan chức năng nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân, đơn vị mình, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phấn đấu nêu gương, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nội dung cần khắc phục trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã được xác định hằng năm.

Thực hiện mục tiêu “Không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”, cán bộ trên các đảo luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao. Hằng đêm, cùng với việc canh gác của chiến sĩ, đội ngũ cán bộ từ trung đội đến tiểu đoàn đều tham gia tuần tra, kiểm tra canh gác. Tại trận địa trực chiến của các đơn vị pháo binh, phòng không, thông tin,… ngoài phân đội trực chiến luôn có cán bộ đại đội và trợ lý cơ quan tham gia. Các tiểu đoàn đảo duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ báo động chiến đấu, hành quân xa, mang vác nặng ban đêm theo kế hoạch. Tiếng còi, kẻng và tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng vũ khí va chạm vào nhau lách cách hằng đêm trên đảo đã trở thành những âm thanh quen thuộc và tạo ra sự yên tâm, tin tưởng với nhân dân sinh sống trên đảo.

Không chỉ có vậy, đội ngũ cán bộ nơi đây luôn gương mẫu đi đầu trong tăng gia, sản xuất, thực hiện tốt phương châm “thực túc, binh cường”. Mỗi cán bộ ra công tác ở đảo, đều nêu gương, thực hiện tốt chỉ tiêu “01 con, 03 cây”2. Do địa hình trên các đảo thường có độ dốc lớn, đất đai bị rửa trôi cộng với tác động của gió biển, nên việc tăng gia, sản xuất gặp muôn vàn khó khăn. Học tập kinh nghiệm tăng gia, sản xuất của bộ đội Trường Sa, thời gian qua, với tinh thần gương mẫu, hăng hái đi đầu, đội ngũ cán bộ trên đảo đã cùng với chiến sĩ tích cực tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ để “xây móng”, ủ phân,… cải tạo đất vườn tăng gia, đào hố trữ nước thải sinh hoạt để tưới rau, v.v. Nhờ đó, giữa biển khơi mênh mông nhưng những luống rau, giàn cây vẫn lên xanh tốt, bảo đảm mùa nào, thức ấy, giúp các đơn vị cơ bản tự túc được rau xanh đưa vào bữa ăn thường xuyên của bộ đội và tạo nguồn dự trữ mỗi khi thời tiết xấu, biển động, khắc phục một phần khó khăn trong việc bảo đảm của Lữ đoàn từ đất liền.

Nhằm góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc trên tuyến đảo tiền tiêu Đông Bắc, đội ngũ cán bộ còn tích cực tiến hành công tác dân vận; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị trên các đảo, giúp dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy hải sản, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cải thiện đời sống, yên tâm, kiên trì bám trụ giữ đảo. Tại đảo Trần, từ khi có các hộ dân đầu tiên ra sinh sống, lập nghiệp vào năm 2006, Đơn vị đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách đến từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình, điều kiện cụ thể, trên cơ sở đó có biện pháp giúp đỡ, từ củng cố nơi ăn ở, chuồng trại, đến tàu thuyền đánh cá,… để bà con sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, Đảo đã có hơn chục hộ dân sinh sống ổn định lâu dài, tình cảm đoàn kết gắn bó máu thịt quân dân càng được thể hiện rõ và sâu đậm hơn bao giờ hết ở nơi đây. Với các gia đình, người dân trên đảo, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đều là người thân của mình.

Có thể khẳng định rằng, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, biện pháp phù hợp, hiệu quả, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là việc nêu gương của đội ngũ cán bộ Lữ đoàn 242 nơi tuyến đảo tiền tiêu Đông Bắc đã trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, tự giác trong các cơ quan, đơn vị, tạo động lực quan trọng để khắc phục khó khăn, thử thách, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, mẫu mực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên các tuyến đảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn vùng biển, đảo Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.

QUANG HỢP - MINH ĐẠT
______________

1 - Một tập trung: Tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; Ba nắm vững: 1. Nắm vững quan điểm, chủ trương, định hư­ớng của cấp trên và tình hình đơn vị; 2. Nắm vững chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của từng ngư­ời; 3. Nắm vững nguyên tắc, quy trình quy định. Một đúng: Tham m­ưu đúng, trúng, kịp thời, chất lư­ợng, hiệu quả cao; Ba dứt điểm: 1. Dứt điểm việc sai sót trong soạn thảo, ban hành văn bản; 2. Không vi phạm kỷ luật, mất an toàn trong tham gia giao thông; 3. Giải quyết từng nội dung công việc.

2 - “01 con, 03 cây” -  01 con gia súc, gia cầm; 03 cây: cây cảnh, cây ăn quả, cây lấy bóng mát.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.