Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:01 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
LTS: Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”2, những năm qua, Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng các quy định về nêu gương của Đảng và Quân ủy Trung ương3 bằng nhiều nội dung, biện pháp thiết thực; trong đó, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp được đặc biệt coi trọng.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu chùm bài “Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ nơi tuyến đảo tiền tiêu Đông Bắc” của nhóm tác giả Quang Hợp, Minh Đạt, phản ánh về những cán bộ Lữ đoàn 242 đang ngày đêm cống hiến, gắn bó với tuyến đảo tiền tiêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
I. Khó khăn, thách thức và bản lĩnh, quyết tâm của người lính đảo
Tuyến đảo phía Đông Bắc Tổ quốc bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, nằm trọn trong Vịnh Bắc Bộ. Đây là cửa ngõ giao thương trên biển với các nước trong khu vực và quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, du lịch và quốc phòng, an ninh. Những năm qua, tuyến đảo Đông Bắc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư về mọi mặt. Cơ sở hạ tầng trên một số đảo lớn được xây dựng tương đối đồng bộ, đảm bảo cho nhân dân ra lập nghiệp, sinh sống cùng với các đơn vị lực lượng vũ trang phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hiện nay, hệ thống chính trị, bộ máy quản lý nhà nước tại các huyện đảo, xã đảo đã được thành lập, hoạt động ngày càng hiệu quả. Trên các đảo, như: Cô Tô, Thanh Lân, Ngọc Vừng,… đã được đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm,… khá cơ bản. Hằng ngày, có nhiều tàu khách vận chuyển người, hàng hóa từ đất liền ra đảo Cô Tô và ngược lại, giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa đảo và đất liền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và kinh doanh du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân nơi tuyến đảo.
Lữ đoàn 242 vinh dự, tự hào khi đóng quân và làm nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc - nơi đầu tiên duy nhất được dựng tượng đài Bác Hồ khi Người còn sống. Ngày 09-5-1961, Bác Hồ đã ra thăm, làm việc tại đảo Cô Tô (nay là huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Tại đây, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo: “…, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị, nghiệp vụ và vǎn hoá, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và giúp đỡ nhân dân”4. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi hàng chục máy bay; ngăn chặn, bắn chìm, bắn cháy và xua đuổi nhiều tàu chiến của địch, viết nên truyền thống “Đoàn kết, bám trụ, kiên cường giữ đảo”, góp phần quan trọng đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thường xuyên nêu cao cảnh giác, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng tuyến đảo tiền tiêu phát triển về kinh tế, xã hội, vững về quốc phòng, an ninh.
Do đặc thù của các đơn vị đóng quân trên tuyến đảo, nên Lữ đoàn 242 là nơi hội tụ đầy đủ nhất những khó khăn, vất vả của người lính và cũng là nơi bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng. Phần lớn các đơn vị trực thuộc Lữ đoàn đều đóng quân trên các đảo, nằm ở xa đất liền, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết trên biển. Nhưng có lẽ khó khăn, vất vả hơn cả là cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đảo Trần. Là đảo tiền tiêu, nằm cách đất liền hơn 30 hải lý, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ chừng 04 hải lý, đảo Trần vẫn còn hoang sơ, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, có dư thừa nước mặn nhưng lại thiếu nước ngọt. Phương tiện đi lại của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây chủ yếu bằng xuồng, bè mảng,… chưa có tàu khách ra đảo. Để đến được với đảo Trần, từ Lữ đoàn phải vượt qua một chặng đường dài cả trên bộ và trên biển. Khi ngồi trên xuồng để ra đảo hay từ đảo vào đất liền, cán bộ, chiến sĩ đều phải mặc áo mưa cho khỏi ướt, mặc dù trời vẫn nắng chang chang. Bởi, hành trình ra đảo phải vật lộn với sóng, gió biển cả trên phương tiện nhỏ nhoi. Đúng như câu nói mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vẫn truyền tai nhau: “Ra với đảo Trần trời nắng vẫn phải mặc áo mưa”.
Hiện nay, đảo Trần vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Trước đây chủ yếu sử dụng điện từ hệ thống năng lượng mặt trời, nhưng sau nhiều năm hệ thống này đã hỏng hóc, nên hiện chỉ sử dụng máy phát điện. Mỗi ngày, đơn vị nổ máy vài ba tiếng để phục vụ huấn luyện, thực hiện các nhiệm vụ và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Vào mùa khô, nước ngọt rất khan hiếm, cán bộ, chiến sĩ phải chia nhau từng chậu nước sinh hoạt. Khi thời tiết xấu, biển động, hay vào mùa mưa, bão, sóng to, gió lớn thì việc ra đảo hay vào đất liền đều không thể thực hiện được. Không những thế, việc bảo đảm ăn uống cho bộ đội cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khi thời tiết xấu kéo dài, lương thực, thực phẩm dự trữ dần cạn kiệt, bộ đội phải ăn uống rất kham khổ. Công tác ở đảo, chuyện đi phép, tranh thủ của cán bộ, chiến sĩ nhiều khi là sự kiện đặc biệt, khó quên. Bố trí, sắp xếp mãi mới đến lượt đi phép, tranh thủ nhưng chẳng may thời tiết đổi xấu là phải dừng lại, đến khi trời yên, biển lặng thì có khi đơn vị lại có nhiệm vụ đột xuất. Vậy là cứ kéo dài mãi, có khi vài tháng mới được về thăm gia đình. Đã có nhiều trường hợp, gia đình cán bộ, chiến sĩ có bố, mẹ ốm đau, bệnh trọng, qua đời nhưng anh em cũng không thể về ngay được. Cũng vì không có tàu chở khách ra đảo, nên đơn vị phải bố trí đi phép, đi tranh thủ theo đợt để thuê cùng chuyến xuồng chở anh em vào đất liền cho đỡ tốn kém. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất doanh trại, nơi ăn ở, sinh hoạt đã xuống cấp; cán bộ, chiến sĩ đều công tác xa nhà, hậu phương, gia đình gặp nhiều khó khăn, v.v. Những khó khăn, thách thức luôn thường trực đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu, nhất là sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tư tưởng hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.
Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng không thể làm những cán bộ, chiến sĩ nơi đây nản chí, ngục ngã. Chính trong điều kiện, hoàn cảnh đó, đã phần nào tôi luyện, rèn giũa bản lĩnh thép, ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Họ luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, dốc toàn tâm, toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những người lính đảo luôn có nét mặt rạng ngời, đầy nhiệt huyết, gắn bó với đơn vị, với đảo, coi đảo là quê hương, đơn vị là “ngôi nhà thứ hai” của mình. Trong quá trình công tác, sinh hoạt ở Lữ đoàn, Quy chế Dân chủ luôn được phát huy, tư tưởng bộ đội ổn định, không có biểu hiện thoái thác nhiệm vụ; quan hệ cán bộ, chiến sĩ giải quyết hài hòa, đoàn kết, trên dưới một lòng, “đồng cam, cộng khổ”, kiên trì bám đảo, hăng say huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền tuyến đảo tiền tiêu, không để bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ luôn biết vượt qua hoàn cảnh, tận dụng thời gian đẩy mạnh tăng gia, sản xuất; chăm lo xây dựng cảnh quan, môi trường đơn vị chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp. Chính vì thế, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ Lữ đoàn luôn đạt trong sạch, vững mạnh; Lữ đoàn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu 3. Kết quả phân tích đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức quần chúng hằng năm có trên 80% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; có trên 85% đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh; 90% tổ chức đoàn, hội phụ nữ và công đoàn đạt vững mạnh xuất sắc; 90% đoàn viên đạt khá và xuất sắc. Chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn Lữ đoàn không ngừng được nâng lên; riêng nội dung diễn tập tác chiến phòng thủ đảo đạt loại Khá, bắn chiến đấu đạt loại Giỏi. Lữ đoàn có 28 lượt đại đội, 09 lượt tiểu đoàn được Quân khu công nhận là “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Đặc biệt, năm 2018, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” 05 năm (2013 - 2018). Trong những năm qua, Lữ đoàn đã tham gia 16 cuộc hội thi, hội thao do Quân khu tổ chức; trong đó, có 14 lần đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong khối các trung, lữ đoàn đủ quân. Tiêu biểu trong đó là: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Tiểu đoàn đảo Trần, đảo Ngọc Vừng, Tiểu đoàn 162, Đại đội Pháo binh 15, Đại đội Thông tin 18, v.v. Cá nhân có các đồng chí: thiếu tá Lê Quốc Đại, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Thanh Lân; Thiếu tá Phạm Văn Phú, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Trần; Đại úy Nguyễn Công Vụ, Trợ lý Tác huấn Lữ đoàn; Thiếu tá Nguyễn Hải Ninh, Trợ lý Phòng kỹ thuật, v.v.
Có thể thấy rằng, ở nơi đầu sóng, ngọn gió, với muôn vàn khó khăn, thách thức trực chờ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 và nhân dân trên đảo vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, niềm tin, quyết tâm như cây phong ba hiên ngang, bền bỉ trước bão tố biển cả, trở thành những “cột mốc sống” vững vàng, kiên cường, bám trụ giữ đảo, giữ biển trời quê hương.
QUANG HỢP - MINH ĐẠT ______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.
2 - Sđd, tr. 280.
3 - Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định 55-QĐ/TW về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Quân ủy Trung ương về nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội, v.v.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 130.
(Số sau: II. Gương sáng nơi đảo xa (Xem phần II tại đây)
Nêu gương của cán bộ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam