QPTD -Thứ Tư, 27/09/2023, 15:55 (GMT+7)
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - yêu cầu quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị

Từ lâu trong lịch sử, dân tộc ta luôn duy trì một truyền thống đẹp - đặt tên để ghi nhớ, tôn vinh những người có công với dân, với nước. “Bộ đội Cụ Hồ” cũng là một cái tên như thế và còn hơn thế nữa, bởi cái tên đó đã vượt qua ý nghĩa của một danh xưng thông thường để trở thành một kiểu mẫu nhân cách người lính của nhân dân (Bộ đội), nhưng được điển hình hóa theo nhân cách của một lãnh tụ vĩ đại, luôn gần gũi với nhân dân (Cụ Hồ).

1. Nguồn gốc, vinh dự và trách nhiệm khi được mang tên “Bộ đội Cụ Hồ”

Câu hỏi đặt ra là “Bộ đội Cụ Hồ” - cái tên rất thân thương và trìu mến dành cho Quân đội ta được xuất hiện đầu tiên ở đâu và vì sao Nhân dân lại gọi Quân đội ta là “Bộ đội Cụ Hồ”? Theo những sử liệu có được, tên gọi ấy xuất hiện và truyền tụng trong nhân dân được khởi nguồn ở Chiến khu Việt Bắc.

Để bảo toàn lực lượng chiến đấu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ngay sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị bộ đội được lệnh cơ động lên Việt Bắc. Những ngày đầu trở lại Chiến khu, bộ đội tổ chức trú quân phân tán trong các bản, làng, thôn xóm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chính từ những năm tháng này, đã nảy nở và phát triển mối quan hệ quân dân “cá - nước” giữa nhân dân với những người lính do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Bằng những việc làm cụ thể thông qua thực hiện nghiêm kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, như: không lấy cái kim, sợi chỉ của dân, không gây phiền hà cho nhân dân, kính trọng dân, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân; vừa bảo vệ dân, vừa hết lòng giúp đỡ nhân dân,... cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã nhanh chóng chiếm trọn tình cảm mến mộ của nhân dân, giúp nhân dân nhận thức được sự khác biệt căn bản giữa những chiến sĩ cách mạng với binh sĩ của các đội quân mà trước đó họ đã từng tiếp xúc. Tình cảm và niềm tin của nhân dân được củng cố và nhân lên khi biết những chiến sĩ cách mạng ấy do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện - Người mà từ lâu đã được nhân dân ta hết lòng tôn kính, tin tưởng tuyệt đối vì lòng yêu nước, thương dân. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ở khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ”, khi biết “Ông Ké”, “Ông Cụ” là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Bác Hồ, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”. Và tên gọi yêu quý ấy từ Chiến khu Việt Bắc đã lan truyền đi khắp nơi và trở thành quen thuộc đến ngày nay1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh: TTXVN

Thật vinh dự, tự hào khi được nhân dân ta gọi quân đội của mình là “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là tình cảm kính yêu lãnh tụ và lòng tin yêu đối với Quân đội, tình cảm gắn bó thiêng liêng, ruột thịt giữa người lính với lãnh tụ của mình. Nhân dân ta gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cha già dân tộc” - Người tượng trưng cho những giá trị văn hóa cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Kính yêu lãnh tụ của mình, gửi gắm niềm tin vào Quân đội do chính Người giáo dục và rèn luyện, nhân dân đã lấy tên của lãnh tụ đặt tên cho Quân đội. Điều này có lẽ duy nhất chỉ diễn ra ở Việt Nam, bởi nó chính là cốt cách và nét đặc sắc của văn hoá quân sự Việt Nam. Tận trong sâu thẳm tấm lòng và tình cảm của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta chính là con em của họ, những người dân mặc áo lính dám chấp nhận hy sinh vì dân, vì nước.

Nhân dân gọi Quân đội là “Bộ đội Cụ Hồ” còn thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Quân đội. Xét trong mối quan hệ giữa Quân đội và Nhân dân, đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta có một đội quân cách mạng của chính mình. Còn với Quân đội, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự Việt Nam, một đội quân mà từ bản chất đến thực tiễn hành động đều chứng tỏ rằng đó là Quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là lý do giải thích vì sao hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - những người “lính Cụ Hồ”, luôn luôn được khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân.   

Được mang tên “Bộ đội Cụ Hồ” là một vinh dự lớn của Quân đội ta trước bè bạn quốc tế. Nhân dân thế giới không chỉ biết đến Việt Nam, khâm phục và kính trọng dân tộc Việt Nam bởi uy tín và đức độ của lãnh tụ Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng giải phóng các dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất của Việt Nam; mà còn bởi một lý do, vì đất nước Việt Nam, dân tộc và nhân dân Việt Nam đã sinh ra một Quân đội anh hùng, biểu trưng của lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quốc tế trong sáng; với chiến công vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những chiến thắng có ý nghĩa quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Thật hiếm có một quân đội nào trên thế giới lại chiếm trọn tình cảm của bạn bè, nhân dân tiến bộ trên thế giới như Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay cả những người lính, những chính khách bên kia chiến tuyến, sau cuộc chiến nhìn lại cũng phải thốt lời khâm phục về ý chí, bản lĩnh của một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Được mang tên “Bộ đội Cụ Hồ” là một vinh dự lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời, cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của Quân đội và mỗi quân nhân. Trao tặng cho Quân đội danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, nhân dân luôn mong mỏi, kỳ vọng danh hiệu đó sẽ luôn tỏa sáng, là niềm tin, là sức mạnh, chỗ dựa của nhân dân. Với trách nhiệm đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội phải ra sức tu dưỡng và rèn luyện, không ngừng phấn đấu để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là giá trị tinh thần vô giá mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã dày công vun đắp, nhân dân gửi trọn niềm tin đối với “Bộ đội Cụ Hồ”.

2. Giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”- yêu cầu quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Thấu triệt lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” và thực tiễn gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã khẳng định xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là nguyên tắc, đồng thời là giải pháp cốt lõi, cơ sở nền tảng tạo sức mạnh tổng hợp, yếu tố quyết định bản chất cách mạng của Quân đội. Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thì xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nhằm bảo đảm Quân đội bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân càng trở nên đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là giải pháp căn cốt với các nội dung cơ bản sau.

Một là, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải đảm bảo giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, phải đảm bảo mọi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần, nắm vững những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân cũng như thường xuyên thấu suốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp là đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó để mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sự thống nhất giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với nâng cao giác ngộ bản chất giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới thống nhất với nội dung xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, trong đó phải lấy xây dựng về chính trị làm nền tảng. Từ đó luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng; luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ, Nhân dân ta đã lựa chọn; nêu cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là những vấn đề cốt yếu, nhằm đảm bảo cho Quân đội luôn giữ vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Hai là, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải bảo đảm để Quân đội hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ; bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ cách mạng, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Chuẩn bị tốt về mọi mặt, tích cực huấn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, năng lực công tác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, kể cả với cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là những thời điểm cam go, thử thách, cán bộ, chiến sĩ phải đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết; sẵn sàng xả thân hy sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân”2. Thấm nhuần tư tưởng đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội không chỉ huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, chiến đấu thắng lợi,... mà còn làm tròn chức năng của “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Phải tích cực học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ, tri thức, có kiến thức về kinh tế, chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống và giải quyết hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn kết hợp với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải là người tiên phong, lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, chống quan điểm sai trái, phản động, luận điệu đòi “phi chính trị hoá” Quân đội của các thế lực thù địch. Phải thực sự nhạy bén về chính trị, có ý chí, năng lực và phương pháp đấu tranh với kẻ thù; có khả năng “miễn dịch” trước mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, sự tấn công của các thế lực thù địch để tham gia tích cực, hiệu quả vào mặt trận đấu tranh phi vũ trang, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng.

Ba là, giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cần làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, kỷ luật nghiêm. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là tổng hòa các yếu tố hợp thành; trong đó và trước hết phải thể hiện ở đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, lành mạnh; luôn kiên định, vững vàng, không bị sa ngã, tha hóa trước mọi tác động tiêu cực của đời sống xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường, sự cám dỗ của lối sống thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, những thị hiếu, dục vọng thấp hèn, không bị gục ngã trước sự tấn công của kẻ thù bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”. “Bộ đội Cụ Hồ” phải là lực lượng tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải luôn gương mẫu trong nhận thức, tư tưởng và hành động; nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội, các chế độ quy định của đơn vị và địa phương nơi đóng quân. Chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, trước hết, không đắn đo, suy tính thiệt hơn, sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ.

Bốn là, giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải luôn giữ vững và tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế. Tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết cán binh được thể hiện ở việc giúp nhau khắc phục khó khăn, cùng hoàn thành nhiệm vụ; nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng chí, đồng đội; giúp nhau trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất và trong cuộc sống. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; quan liêu, xa rời quần chúng, bởi đó là những tác nhân làm rạn nứt đoàn kết nội bộ, đoàn kết cán binh, làm giảm sức mạnh chiến đấu của Quân đội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong đoàn kết (quan hệ) với nhân dân cần khắc ghi lời Bác dạy “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội, chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Muốn như thế thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc”3, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi đóng quân, gần gũi, gắn bó với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ; không xâm phạm lợi ích của nhân dân, tích cực giúp đỡ dân phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, biên giới, hải đảo. Tích cực tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa,... sẵn sàng hy sinh bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, chia sẻ những khó khăn, mất mát của dân khi gặp hoạn nạn. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải tăng cường củng cố tình đoàn kết với quân đội các quốc gia, không ngừng mở rộng quan hệ, hợp tác với quân đội, nhân dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay phải phân biệt rõ đối tác, đối tượng; chủ động phối hợp đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình ổn định, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hợp tác trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn,... như lời dạy của Bác: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”4.

Hiện nay, “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng..., làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của Quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”5. Vì vậy, để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cần sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, mà trước hết là trách nhiệm của hệ thống tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy trong Quân đội và mọi quân nhân, làm cho những phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng, nâng lên một tầm cao mới, xây dựng Quân đội vững mạnh, xứng đáng là “Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng” và lòng tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

_______________

1 - https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Ten-goi--Anh-bo-doi-Cu-Ho-ra-doi-nhu-the-nao-i324170/

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQGST, H. 2011, tr.76.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 485.

4 - Sđd, Tập 8, tr. 105.

5 - Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.