QPTD -Thứ Ba, 14/11/2023, 09:33 (GMT+7)
Phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” góp phần phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong Quân đội hiện nay

Chủ nghĩa cá nhân - thứ giặc “nội xâm” vô cùng nguy hiểm, với những biểu hiện rất đa dạng, tinh vi, khó lường, xuất hiện ở nhiều lúc, nhiều nơi, trong nhiều đối tượng, lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với Quân đội, nó là lực cản kìm hãm sự tiến bộ, sáng tạo và là nguồn gốc của mọi sự lệch chuẩn của quân nhân; đồng thời là một trong những căn nguyên của các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm phai nhạt hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tổn hại nghiêm trọng đến bản chất, truyền thống, uy tín của Quân đội. Vì thế, phát huy vai trò văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần phòng, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, nhưng rất cấp thiết của Quân đội ta hiện nay.

Giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những giá trị văn hóa - chính trị - đạo đức của thời đại, là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nét đặc trưng của giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện ở sự tận trung với Đảng, với nước, trọn hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, toàn quân đã phát huy tốt giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ gìn giữ, phát huy tốt giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, nên “đơn vị trở thành cái nôi nuôi dưỡng phong trào thi đua cách mạng và những giá trị văn hóa, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần trực tiếp phát triển con người mới trong lực lượng vũ trang, đạt được mục tiêu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, phù hợp đòi hỏi của tình hình mới”1.

Tuy nhiên, trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường và âm mưu, hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, một số cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ, chưa nêu cao trách nhiệm trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, thiếu tự giác tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, phải xử lý hình sự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, việc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình hiện nay vẫn luôn là vấn đề cấp thiết, cần tiến hành toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trong đó, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là giải pháp quan trọng hàng đầu, cần được triển khai thực hiện hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị; tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”2. Vì thế, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong Quân đội3. Nội dung giáo dục tập trung vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ về 05 đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được xác định tại Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; những chuẩn mực văn hóa, đạo đức của quân nhân cách mạng. Để đạt hiệu quả cần tổ chức giáo dục bằng nhiều hình thức, biện pháp, phù hợp với điều kiện của đơn vị, đối tượng; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, đơn vị văn hóa nghệ thuật, đẩy mạnh sáng tác âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật về “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường quảng bá văn học nghệ thuật Quân đội, v.v. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cần gương mẫu chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội; kịp thời phê bình, uốn nắn những nhận thức sai trái, lệch lạc, nói không đi đôi với làm; kiên quyết đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội bất mãn về chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ ” thời kỳ mới. Đây là vấn đề cốt lõi nhất, quyết định chất lượng, hiệu quả việc phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” ở các cơ quan, đơn vị toàn quân trong tình hình mới.  Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cần bám sát vào đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp; đưa nội dung phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ; xây dựng chương trình hành động với nội dung, chỉ tiêu, biện pháp thiết thực, quy định thời gian thực hiện cụ thể; kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, giữ gìn, phát huy truyền thống Quân đội, các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, cấp mình, nhất là kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với hoạt động của đơn vị. Đồng thời, thông qua chế độ báo cáo, giao ban, nắm chắc tình hình mọi mặt liên quan đến phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, đánh giá đúng điểm mạnh, yếu, chỉ rõ nguyên nhân, tập trung giải quyết những khâu yếu, mặt yếu. Người chỉ huy các cấp, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các đơn vị thuộc quyền chấp hành điều lệnh, điều lệ, các quy chế, quy định, chế độ, nền nếp; phê bình, nhắc nhở những nhận thức, hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Cơ quan chính trị chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, tuyên truyền nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo.

Ba là, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Phong trào Thi đua Quyết thắng là động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Để đạt hiệu quả cần phải làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng; xây dựng ý thức tích cực, tự giác thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, bền vững trong từng cơ quan, đơn vị. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng sát thực, hiệu quả gắn với phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, tránh phô trương, hình thức; kiên quyết khắc phục những biểu hiện lệch lạc, bệnh thành tích trong thi đua và làm tốt việc bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời uốn nắn những thiếu sót, khuyết điểm, đưa phong trào thi đua phát triển đồng đều, vững chắc. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì và các tổ chức quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp đưa công tác thi đua, khen thưởng phát triển toàn diện, lập nhiều thành tích mới.

Bốn là, xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa quân sự tốt đẹp, lành mạnh, phong phú. Môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” để phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách; đồng thời, vô hiệu hóa sự tấn công của những yếu tố phản văn hóa, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bảo vệ “trận địa” tư tưởng văn hóa của Đảng trong Quân đội. Do đó, cần giáo dục, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa. Qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, quần chúng về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện xây dựng môi trường văn hóa quân sự. Tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa quân sự, cốt lõi là hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quân sự. Tổ chức chặt chẽ việc quy hoạch xây dựng doanh trại gắn với quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan, công trình văn hóa đảm bảo thống nhất, thiết thực, tạo môi trường và điều kiện sống tốt về tinh thần và sức khỏe của bộ đội. Mở rộng giao lưu văn hóa với Quân đội các nước, tạo điều kiện để phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, Quân đội; tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến, tốt đẹp, lành mạnh từ bên ngoài. Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và những giá trị văn hóa tốt đẹp của Quân đội. Chăm lo xây dựng các mối quan hệ trong sáng, lành mạnh trong Quân đội; trong đó, chú trọng xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, sự đoàn kết, thống nhất, tin tưởng lẫn nhau; nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định trong thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong tham gia xây dựng tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực người chỉ huy các cấp. Trong thực hiện cần đa dạng hóa phương thức, như: tọa đàm dân chủ; giao lưu văn hóa, hoạt động liên kết giữa bộ đội với nhân dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”, v.v. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế và các hình thái hoạt động văn hóa quân sự bảo đảm chính quy, tinh gọn, thống nhất, cơ cấu hợp lý; quản lý, tổ chức hoạt động hiệu quả. Chủ động sáng tạo ra các hình thức hoạt động mới theo phương châm: ngắn gọn, nhỏ lẻ, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với điều kiện, khả năng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng cao của bộ đội. Kịp thời chỉnh đốn những hoạt động văn hóa không phù hợp, gây tốn kém, lãng phí; khắc phục bệnh phô trương, hình thức.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là kết tinh những giá trị văn hóa cao đẹp từ bản sắc dân tộc, truyền thống Quân đội, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ kế thừa, phát huy trong quá trình sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu. Giữ vững, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là nhiệm vụ rất quan trọng góp phần quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU HOẠT, Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng
________________

1 - Tổng cục Chính trị, Báo cáo Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 143/CT, ngày 12/5/1992 của Tổng cục Chính trị về tiến hành Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị Quân đội (1992 - 2022), tr. 03.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 360.

3 - Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Kết luận số 1172-KL/QUTW, ngày 16/6/2022 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác văn hóa nghệ thuật trong Quân đội thời kỳ mới; Kế hoạch số 1349/KH-CT, ngày 15/8/2022, của Tổng cục Chính trị về thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.