QPTD -Thứ Năm, 05/09/2024, 12:31 (GMT+7)
Những chỉ dẫn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội trong tác phẩm Thường thức chính trị 

Xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, xây dựng Quân đội nói riêng là một trong những nội dung đặc sắc trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, những chỉ dẫn sâu sắc của Người về xây dựng Quân đội trong tác phẩm “Thường thức chính trị” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng Quân đội ta hiện nay.

Tác phẩm Thường thức chính trị là một công trình tập hợp 50 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Đ.X, được đăng trong chuyên mục Thường thức chính trị của báo Cứu quốc (từ số 225, ngày 16/01/1953 đến số 2430, ngày 23/9/1953). Đến năm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) tập hợp và xuất bản thành cuốn sách Thường thức chính trị. Tác phẩm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi, cần thiết về chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối, chính sách của Đảng nhằm xây dựng lý tưởng và niềm tin để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm chiến đấu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu

Trong Tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, nhà nước dân chủ mới phải xây dựng nhiều mặt, tiến hành những công việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong những mặt, nhiệm vụ quan trọng đó, Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trở thành lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, giành độc lập cho dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân. Người chỉ rõ: “Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng... Phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm là quân đội cách mạng, quân đội quyết chiến quyết thắng”1. Đây là những chỉ dẫn hết sức ngắn gọn, song hàm chứa những vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Trước hết, Quân đội nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là nguyên tắc “bất di bất dịch”, bảo đảm cho Quân đội luôn mang bản chất cách mạng của Đảng, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có phương hướng chính trị đúng đắn và là sự quán triệt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng vào Quân đội. Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ và quyết định các chủ trương, đề ra các nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động xây dựng, chiến đấu của Quân đội. Đồng thời, trực tiếp kiểm tra việc quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong Quân đội. Tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nhân tố quyết định sự trưởng thành, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của Quân đội cách mạng và chỉ có như vậy, Quân đội mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Quan điểm nhất quán này không phải đến tác phẩm Thường thức chính trị mới xuất hiện, mà đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề cập từ rất sớm. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người khởi thảo (năm 1930) đã xác định sự cần thiết phải “Tổ chức ra quân đội công nông”2 và Người nhiều lần nhấn mạnh vai trò của Đảng trong tổ chức, lãnh đạo, giáo dục lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Hồ Chí Minh nêu rõ: việc thành lập đội là theo chỉ thị mới của Đoàn thể. Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân do “Đoàn thể” - tức Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”3. Vì vậy, cần phải “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”4 và “Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn quân”5.

Thực tiễn gần 80 năm qua đã khẳng định, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nhân tố quyết định quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, phát triển và trưởng thành của Quân đội ta. Đó là minh chứng sinh động, thể hiện giá trị bền vững từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tổ chức, lãnh đạo, giáo dục của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Đây cũng là căn cứ khoa học, thuyết phục để phản bác âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, hòng tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm cho Quân đội luôn là đội quân cách mạng, quyết chiến, quyết thắng. Đây là chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tác phẩm, nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, có lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng và ý chí quyết tâm chiến đấu cao. Bởi vì, hoạt động quân sự là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội, với những điều kiện đặc thù, khắc nghiệt, đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ, ý chí và quyết tâm của con người, Người chỉ rõ: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”6. Vì thế, Người luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng con người, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng lực lượng quân sự phải thấu suốt quan điểm “người trước, súng sau”, nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị; “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”7. Đặc biệt, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Quân đội ta lại phải chiến đấu với những đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí tối tân, thì sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần càng trở nên quan trọng. Vì thế, Người khẳng định: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”8, do vậy, “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc”9 và “Quân đội ta là quân đội nhân dân… Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”10.

Hiện nay, để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trước hết phải xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội. Xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn tuyệt đối trung thành, có trí tuệ và bản lĩnh vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần “7 dám”11, có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức mạnh quần chúng để hoàn thành mọi nhiêm vụ. Xây dựng, kiện toàn các tổ chức đúng nguyên tắc, quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tinh, gọn, hoạt động đúng chức năng, hiệu quả; xây dựng các mối quan hệ chính trị - xã hội của Quân đội thực sự dân chủ, đoàn kết và kỷ luật.  Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động chống phá đường lối chính trị của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn chính trị của các thế lực thù địch.

Ba là, Quân đội nhân dân phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật, thật sự tinh nhuệ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, sức mạnh chiến đấu của Quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, con người và vũ khí, trang bị là vấn đề cốt lõi. Vì vậy, việc xây dựng Quân đội mạnh đòi hỏi phải chăm lo xây dựng toàn diện. Theo đó, cùng với xây dựng nhân tố hàng đầu là con người, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp, cần quan tâm đầu tư hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật và đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng và sự cần thiết của vũ khí, trang bị kỹ thuật trong hoạt động quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí”12. Bởi đó là công cụ cơ bản, chủ yếu để biến sức mạnh tinh thần của bộ đội thành sức mạnh vật chất; quyết tâm chiến đấu của họ không chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải quyết tâm trong hành động thực tế. Thông qua việc khéo léo sử dụng và phát huy sức mạnh của vũ khí, bộ đội sẽ hiện thực hóa mục đích, tư tưởng, ý chí, quyết tâm chiến đấu của mình vào thực tiễn. Qua đó, sức mạnh tinh thần của họ đã trở thành sức mạnh vật chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vũ khí, trang bị kỹ thuật vừa là công cụ tiến công, vừa là công cụ phòng thủ và cũng là công cụ nối dài các giác quan của bộ đội, làm cho trí tuệ và thể lực của họ được mở rộng, sử dụng hiệu quả hơn trong hoạt động quân sự. Là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội, hoạt động quân sự thử thách con người toàn diện cả về thể lực, tinh thần và trí tuệ. Sức chịu đựng của cơ thể và khả năng hoạt động của các giác quan con người là những yếu tố có phạm vi, giới hạn nhất định, có thể bị giảm sút, hạn chế bởi những điều kiện bất lợi, khắc nghiệt của chiến tranh, địa hình, thời tiết, v.v. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của vũ khí, trang bị kỹ thuật, bộ đội sẽ khắc phục được những hạn chế, giới hạn đó và có nhiều khả năng đặc biệt ngoài giới hạn bản thân. Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã kéo theo những cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật quân sự, làm cho chiến tranh ngày càng trở nên tàn khốc và ác liệt hơn, do vậy thử thách đối với con người cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ”13, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội cần tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt để làm chủ vũ khí trang bị được giao.

Những chỉ dẫn sâu sắc về xây dựng quân đội trong tác phẩm Thường thức chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà tư tưởng quân sự thiên tài Hồ Chí Minh cần tiếp tục được quán triệt và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

TS. PHẠM VĂN MINH - TS. NGUYỄN HỒNG NGUYÊN
_______________________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 265.

2 – Sđd, Tập 3, tr. 01.

3 - Sđd, Tập 14, tr. 435.

4 - Sđd, Tập 8, tr. 29.

5 - Sđd, Tập 11, tr. 366.

6 - Sđd, Tập 7, tr. 460.

7 - Sđd, tr. 217.

8 - Sđd, Tập 3, tr. 539.

9 - Sđd, Tập 7, tr. 398.

10 - Sđd, tr. 217.

11 - 7 dám: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

12 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919 - 1969), Nxb QĐND, H. 2011, tr. 103.

13 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 221.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.