QPTD -Thứ Ba, 17/09/2024, 08:40 (GMT+7)
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó)

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt, thực hiện chủ trương đó và căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa bàn đứng chân, Binh đoàn 15 luôn nêu cao tinh thần vượt khó, tích cực đổi mới, sáng tạo, tiên phong khai mở những vùng đất mới, bằng những biện pháp và việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, kiên trì gieo mầm xanh trên những vùng đất khó; tạo vành đai bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và chung sức xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc,... là những vấn đề nổi bật. Thông qua đó, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Binh đoàn xanh ngày càng tỏa sáng, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Điều đó được thể hiện sinh động ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó

Tây Nguyên1 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tây Nguyên đã vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, lập công xuất sắc, cùng cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Tây Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc, trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào những thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cùng với những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây đã phải hứng chịu hàng vạn tấn bom, mìn cùng chất độc hóa học của địch rải xuống, nhất là những tồn dư chất độc xạ cùng khối lượng lớn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã biến nhiều vùng ở Tây Nguyên trở thành những vùng đất chết. Không những thế, sau ngày đất nước được giải phóng, khu vực Tây Nguyên còn là điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt, đây là nơi lực lượng phản động FULRO tập trung hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây nhiều tội ác với nhân dân. Trước tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh và những tiềm năng phát triển kinh tế của Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước ta sớm có chủ trương xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để sớm hồi sinh, phát triển và giữ vững ổn định địa bàn chiến lược này.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 20/02/1985, Binh đoàn xây dựng kinh tế Tây Nguyên, mang phiên hiệu Binh đoàn 15 được thành lập. Địa bàn đứng chân của Binh đoàn trải dài 251km trên tuyến biên giới thuộc hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum và khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Bình. Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, Binh đoàn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dân cư xã hội chậm phát triển, nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn lạc hậu. Hình ảnh đói, nghèo do lối sống du canh, du cư, phương thức sản xuất “phát, đốt, chọc, tỉa” lạc hậu cùng những hủ tục tồn tại lâu đời trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở những thôn, buôn, phum, sóc không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế,… nằm ẩn mình trong những cánh rừng sâu làm cho cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn trăn trở: phải làm gì để giúp đồng bào nơi đây thoát cái đói, cái nghèo và làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao trên địa bàn chiến lược trọng yếu này.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”2, phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã đạp bằng mọi khó khăn, thách thức, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn khai hoang, phục hóa, gieo mầm xanh trên những vùng đất khó, hồi sinh những vùng đất chết, từng bước xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho nhân dân.

Bước vào “cuộc chiến” trên mặt trận mới với những kiến thức, kinh nghiệm ít ỏi về quản lý kinh tế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là tích cực khai hoang, mở đất; mở rộng sản xuất, phát triển đi đôi với giữ vững an ninh chính trị trên toàn tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. Trong núi rừng hoang vu, điều kiện nơi ở chỉ là những lán trại tạm bợ, ăn uống kham khổ, lại bị bệnh sốt rét hành hạ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn vẫn kiên trì bám trụ, quyết tâm khai hoang, mở đất, hồi sinh những vùng đất chết, tiên phong mở đường khởi nghiệp cho Tây Nguyên phát triển.

Kiên trì thực hiện nhất quán mục tiêu, quyết tâm ngay từ khi mới thành lập “Trồng cây chiến lược để tạo ra con người chiến lược trên địa bàn chiến lược”, với những giải pháp đồng bộ, các đội sản xuất đã thực hiện “đặt cây trước khi đặt nhà”; tranh thủ thời gian, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, Binh đoàn đã biến một vùng đất rộng lớn vốn là chiến trường ác liệt, đầy tàn tích của chiến tranh thành vùng đất cao su, cà phê bạt ngàn. Chỉ gần một năm sau ngày thành lập, Binh đoàn đã trồng, chăm sóc 416 ha cao su đúng quy trình kỹ thuật, phát triển tốt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong 10 năm tiếp theo, Binh đoàn đã khoanh nuôi bảo vệ 1.500 ha rừng, phát triển tổng diện tích cây công nghiệp và cây nông nghiệp đạt 7.394 ha; trong đó, cao su chiếm 6.814 ha, cà phê 480 ha, lúa nước 100 ha. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, tổng sản lượng mủ cao su của Binh đoàn đạt hơn 55.000 tấn, năng suất mủ quy khô đạt hơn 1,8 tấn/ha; lợi nhuận đạt gần 147 tỉ đồng/năm, thu nhập của người lao động bảo đảm bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Binh đoàn 15 thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN

Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn trải rộng, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, nơi từng là căn cứ kháng chiến; cư dân phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số, quen với lối sống du canh, du cư, phát rừng làm rẫy; tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, như mệnh lệnh trái tim, bằng tất cả mọi nguồn lực, Binh đoàn tích cực hỗ trợ chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Theo đó, với mục tiêu đặt lợi ích của người lao động và người dân trên địa bàn làm trung tâm, bảo đảm việc làm và thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc là ưu tiên hàng đầu, Binh đoàn tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu cống, các công trình phúc lợi, như: nhà làm việc, nhà ở, nhà trẻ, trường học, trạm xá, bệnh viện,... để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động và nhân dân địa phương ổn định, yên tâm sản xuất.

Để “ươm mầm xanh chiến lược trên địa bàn chiến lược”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn luôn trăn trở, tìm nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để nhân dân vùng dự án, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, phát triển bền vững ngay trên chính mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Các đơn vị của Binh đoàn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ thói quen “du canh, du cư”; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong lao động, sản xuất, xóa dần đói, nghèo. Binh đoàn đã chú trọng tiến hành tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn. Trong quá trình triển khai các dự án, Binh đoàn luôn ưu tiên nhường đất thuận lợi gần suối nước theo công thức “suối - dân - bộ đội”3 cho bà con sản xuất; thực hiện tốt việc kết hợp giao đất, giao ruộng với khoán gọn, khoán sản phẩm, nhận thầu vườn cây để tăng thu nhập. Nhằm giúp bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát khỏi tình cảnh thiếu đói thời điểm giáp hạt, ngoài việc tặng quà, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị, công ty của Binh đoàn còn tạo điều kiện cho đồng bào mượn hàng nghìn héc-ta đất tái canh cây cao su, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống vốn, ngày công để trồng lúa và hoa màu ngắn ngày; qua đó góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Binh đoàn chỉ đạo các đơn vị sản xuất ưu tiên tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo công ăn, việc làm ổn định cho lao động dôi dư người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực của họ; mặt khác, triển khai thực hiện đồng bộ mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số để thuận tiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho bà con, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn đã trực tiếp bồi dưỡng, “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào, không chỉ hướng dẫn phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc cây cao su, cà phê, lúa nước,... mà còn tích cực tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng, niềm tin, khát vọng để bà con chiến thắng đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, nhận thức, “nếp nghĩ, cách làm” của bà con đã thay đổi căn bản, biết làm chủ cuộc sống của mình, trở thành lao động giỏi, điển hình, như: Rơ Mah Klum được tuyên dương Anh hùng lao động, Rơ Mah Mrao trở thành người giàu có từ cây cao su, cà phê.

Bám sát thực tiễn và sự phát triển của tình hình địa bàn và toàn xã hội, Binh đoàn đã chủ động đổi mới từ mô hình kế hoạch hóa sang tự chủ hạch toán đầu tư, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế. Bên cạnh hai sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, Binh đoàn từng bước mở thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, như: ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19 bùng phát, giá cả vật tư leo thang, giá sản phẩm giảm sâu,… nhưng Binh đoàn đã có những quyết sách thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, bảo đảm thu nhập đời sống, an sinh xã hội cho cán bộ, chiến sĩ và người lao động; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, hơn 16.000 lao động, trong đó có hơn 54% là người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống mới, không còn tình trạng di, dịch cư tự do, yên tâm lao động sản xuất tại nơi cư trú, gắn bó xây dựng đơn vị, buôn, làng.

Bằng sự quyết tâm, mồ hôi, xương máu và tình cảm trách nhiệm với vùng đất Tây Nguyên chiến lược, gần 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã phát huy tốt truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự là những người “gieo mầm xanh” trên vùng đất khó. Nhờ đó, từng bước biến những “vùng đất chết”, vùng rừng núi hoang vu, cằn cỗi, nơi ở chỉ là “chiếc lán dựng tạm”... thành những cánh rừng cà phê, cao su ngút ngàn tầm mắt; những buôn làng mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu mọc lên; những con đường mới được xây dựng như biểu tượng của sự kết nối tình cảm quân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác; nhiều trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang cùng ánh đèn điện được thắp sáng trong mỗi ngôi nhà, trên những con đường đã đưa ánh sáng văn hóa đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,... từng bước làm cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới trên đại ngàn Tây Nguyên không ngừng “thay da đổi thịt”.

Hiện nay, trong cơ chế mới với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, Binh đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Kết luận của Quân ủy Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty, các công ty con phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg, ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Nâng cao năng lực dự báo tình hình, xây dựng định hướng phát triển của Binh đoàn phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới của Đảng và Chính phủ. Tập trung rà soát kiện toàn, tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển dụng lao động, ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào các dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng đơn vị. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, điều hành, kế hoạch sản xuất kinh doanh, khả năng huy động, khai thác các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án khoán, phương án tiền lương, định mức lao động; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả; quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Coi trọng, thực hiện tốt công tác đào tạo và đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề, giao khoán gắn với năng lực khả năng của người lao động để giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đây là những giải pháp rất quan trọng để đưa “những mầm xanh” nơi đây tiếp tục phát triển, đơm hoa kết trái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho Tây nguyên phát triển nhanh, bền vững.

(Số sau: 2. Tạo vành đai bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc)

ĐÌNH PHIẾM - ĐỨC THỊNH

_______________

1 - Căn cứ Điều 3 Quyết nghị ban hành kèm theo Nghị quyết 81/2023/QH15, vùng Tây Nguyên gồm có 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 376.

3 - Tính từ mép suối, nơi có nguồn nước, Binh đoàn để lại khoảng 100m cho bà con có đất sản xuất, trên 100m trở đi mới tổ chức khai thác dự án.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.