QPTD -Thứ Năm, 19/10/2017, 08:45 (GMT+7)
Ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên vùng lũ Tây Bắc

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2 giúp nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã góp phần tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đồng thời, làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống trên địa bàn vùng lũ.

Là vùng “phên giậu” của Tổ quốc, Tây Bắc có vị trí quan trọng về nhiều lĩnh vực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Tây Bắc là địa bàn còn khó khăn, địa hình, địa chất phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thất thường, thiên tai thường xuyên xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhà nước, địa phương và nhân dân, ảnh hưởng đến các hoạt động thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc,… của lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn và xác định đây là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang. Ngày 20-01-2015, Đảng ủy Quân khu đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/ĐU về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các chỉ thị, hướng dẫn của trên, nắm chắc tình hình địa bàn, diễn biến của khí hậu, thời tiết, luôn sẵn sàng về người, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng và địa phương, thực hiện tốt phương châm: “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”. Cục Chính trị Quân khu ra Hướng dẫn 789-CCT, ngày 13-4-2017 về “Công tác đảng, công tác chính trị trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn năm 2017”; Phòng Dân vận có Công văn 536/CCT-PDV về “Công tác dân vận trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai năm 2017”, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đối với nhiệm vụ này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với công tác dân vận, hết lòng vì sự bình yên của nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vùng Tây Bắc ngày càng vững chắc, tô thắm hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp.

Từ tháng 6 đến tháng 8-2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và hoàn lưu sau bão đã dẫn đến mưa lớn kéo dài, sạt lở núi, lũ ống, lũ quét bất ngờ ập đến, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của nhân dân ở các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên. Tính đến cuối tháng 8-2017, trên địa bàn đã có 69 người chết, 34 người bị thương, 15 người mất tích); 1.084 căn nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ, hư hỏng; 248 công trình công cộng, 72 công trình giao thông bị tàn phá nặng; hệ thống thủy lợi nơi lũ đi qua bị tê liệt; gây thiệt hại nặng 3.311,2 ha lúa, hoa màu, 70,9 ha và 100 ao cá, 39 lồng cá, 31.937 con gia súc, gia cầm, với tổng mức thiệt hại ước tính lên tới gần 5.500 tỷ đồng. Hậu quả nặng nề ấy đã làm cho địa phương và cuộc sống của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái giúp đỡ nhân dân thị trấn Mù Cang Chải khắc phục hậu quả mưa lũ ngày 3-8-2017. (Ảnh: qdnd.vn)

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân… Ngoài lợi ích của nhân dân, Quân đội ta không có lợi ích nào khác”1, hòa cùng sự giúp đỡ, chia sẻ, động viên của nhân dân cả nước đối với các địa phương và nhân dân vùng lũ Tây Bắc, lực lượng vũ trang Quân khu đã chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội địa phương, đơn vị trên địa bàn đề ra giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn địa phương khẩn trương triển khai lực lượng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”2. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác do Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu xuống địa bàn trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Do chủ động trong công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, nên trong thời gian ngắn Quân khu đã huy động được gần 10 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện, thực hiện “4 cùng”3, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tìm kiếm, cứu chữa nạn nhân, giúp dân ổn định cuộc sống. Dầm mình trong mưa lũ, vượt qua những cung đèo hiểm trở, đoạn đường bị sạt lở, nhất là ở vùng cao, vùng xa, vùng tâm lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đã nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không quản ngại khó khăn, tìm kiếm được 10 nạn nhân, di chuyển 136 hộ dân ra khỏi vùng hiểm nguy, khắc phục hàng trăm ngàn mét khối đất đá sạt lở, sửa chữa 3,2 km đường giao thông, 04 cầu, cống và 560 m kè chắn suối, thu dọn vệ sinh 13 khu vực trường học và công trình công cộng, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 4.000 người dân và tổ chức phun thuốc khử khuẩn môi trường. Cùng với đó, Quân khu đã phối hợp với cấp trên, các địa phương, nhà hảo tâm và chỉ đạo các đơn vị ủng hộ, vận chuyển đến từng hộ dân trên địa bàn gần 50 tấn gạo, 19 tấn sữa tươi, 6.495 thùng mì tôm, 1.600 phần quà, 200 bộ giường tầng, 32 bộ máy vi tính, tiền mặt và nhiều vật dụng khác (xà phòng, dày, dép, áo, quần,…), với trị giá hằng trăm tỷ đồng.

Trong các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ, các huyện: Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái), Mường La (tỉnh Sơn La) bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong đó, Mù Căng Chải là nơi có vẻ đẹp tự nhiên hiếm có của những ruộng bậc thang bị tàn phá tan hoang. Để giúp dân khắc phục hậu quả, Ban Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn Quân khu đã huy động 02 xuồng cứu hộ, 10 bè mảng cùng 50 chiến sĩ, 22 dân quân tự vệ thị trấn Mù Căng Chải tập trung tìm kiếm với quyết tâm “không bỏ sót” những người còn bị mất tích. Có thể nói, không thể nêu hết được những khó khăn, vất vả, sự kiên cường, tinh thần phục vụ nhân dân hết lòng của “Bộ đội Cụ Hồ” giữa vùng tâm lũ. Sự trở về an toàn, khỏe mạnh của Sùng A Tổng (bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải) ngay ngày đầu tiên lũ đi qua và lần lượt đưa những nạn nhân mất tích “trở về” đã xua đi bao mệt nhọc của cán bộ, chiến sĩ, làm giảm đi nỗi đau của gia đình và người thân. Với tinh thần vì nhân dân, coi nhân dân như người thân ruột thịt của mình, khó khăn của nhân dân là khó khăn của mình, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đã vượt đèo cao, đường đất cheo leo, trơn trượt, đến với bản Phình Hồ (bản xa nhất của xã Dế Xu Phình, cách trung tâm xã 08 km, giáp ranh rừng già thuộc xã Chế Tạo - xã xa nhất của huyện Mù Căng Chải - nơi vết nứt trên đỉnh núi Nả Hấu Chông đang đe dọa sự an toàn của 23 hộ dân, 130 nhân khẩu sinh sống) để tuyên truyền, vận động, giúp dân di dời, dựng nhà nơi ở mới an toàn. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã trực tiếp đến hiện trường, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân san nền, vận chuyển, di dời và dựng nhà cho 30 hộ gia đình bị mất nhà cửa và phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở mới. Sự có mặt kịp thời của “Bộ đội Cụ Hồ” đã tiếp thêm động lực cho nhân dân nơi đây vượt qua khó khăn, gian khổ, từng bước ổn định cuộc sống. Thực tế cho thấy, do trời mưa liên tục nên việc cơ động thực hiện nhiệm vụ của bộ đội gặp nhiều khó khăn, có khi phải hành quân bộ từ 04 - 05 giờ mới tới địa điểm. Nhưng vượt lên tất cả, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 và lực lượng dân quân, bộ đội tăng cường của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái cùng nhân dân đã phối hợp đưa vật liệu về nơi tập kết mới, dựng xây những mái nhà vững chãi, ấm tình quân dân, tạo điều kiện để họ an tâm sản xuất, khởi đầu cuộc sống trên bản định cư. Sau lũ quét, cùng với ưu tiên tìm kiếm nạn nhân mất tích, di dời dân là việc khẩn trương khắc phục hậu quả về đường sá, nhà cửa, công trình công cộng. Với sự tham gia tích cực của lực lượng vũ trang Quân khu, đất đá bị sạt lở đã được thu dọn; các công trình công cộng, điểm Trường Tiểu học - Trung học cơ sở thị trấn Mù Căng Chải, lòng suối Kháo Giống,… bị hư hỏng từng bước được khắc phục, v.v. Cuộc sống mới an toàn, ổn định đang dần trở lại miền Tây Bắc. Đặc biệt, trong quá trình giúp nhân dân Mù Căng Chải khắc phục hậu quả do lũ ống, lũ quét gây ra từ đêm 02-8 đến ngày 05-8, Trung sĩ Nguyễn Văn Quang (nhập ngũ tháng 2-2016, quê ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), thuộc Trung đội 2, Đại đội 20, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên bái đã nhặt được một hộp có nhẫn, dây chuyền vàng, đã báo cáo và gửi Ban Chỉ huy phòng, chống bão lũ để trả lại người mất. Hành động đó đã góp phần làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trong vùng tâm lũ.

Cũng với tinh thần đó, tại huyện Mường La (Sơn La), Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Sơn La đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của Tỉnh chỉ đạo các lực lượng tập trung giúp đỡ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; huy động tối đa các nguồn hỗ trợ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Có mặt tại vùng tâm lũ vừa đi qua, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 754 (Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh) hầu như không có ngày nghỉ, thực hiện “ăn tranh thủ, ngủ chớp nhoáng”, dầm mình trong dòng nước để tìm kiếm nạn nhân mất tích; hành quân bộ cả chục cây số đường gập ghềnh, trên vai là gạo, muối, nước uống, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đến cứu trợ đồng bào. Công việc tuy vất vả, không ít hiểm nguy, nhưng vì bà con vùng lũ, tất cả đều nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để người dân bị đứt bữa, ốm đau và thiếu thuốc men. Với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 754, Trường Trung học cơ sở Nặm Păm, xã Nặm Păm - nơi bị lũ quét tàn phá nặng nề - đã được dọn dẹp bùn, đất, rác; hệ thống cửa ra vào, trang thiết bị dạy học hư hỏng do lũ quét được sửa chữa, tạo điều kiện để nhà trường bước vào khai giảng năm học mới theo kế hoạch đã xác định. Cùng với đó, tổ quân y của Phòng Hậu cần, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã đến bản Hua Nặm, xã Nặm Păm phối hợp y tế địa phương vào từng nhà hướng dẫn người dân vệ sinh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các trường hợp ốm đau, với tình cảm ân cần, gần gũi như chăm lo cho người thân, v.v. Việc làm đầy ý nghĩa kể trên góp phần chia sẻ phần nào những mất mát, khó khăn, giúp người dân địa phương sớm ổn định cuộc sống.

Đến nay, hậu quả của cơn bão số 02 và hoàn lưu sau bão đã từng bước được khắc phục, nhưng tình hình thời tiết vùng Tây Bắc còn diễn biến phức tạp; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… vẫn có thể xảy ra. Để chủ động giúp nhân dân khắc phục khi có tình huống, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, vùng bị lũ tàn phá vừa qua. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ về tính chất, diễn biến phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do thiên tai gây ra; xác định rõ giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng. Trên cơ sở đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ý chí, quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung, điều chỉnh phương án, kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhất là ở nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, dễ bị cô lập, chia cắt, cháy nổ. Bổ sung, kiện toàn lực lượng, phương tiện; tổ chức luyện tập, diễn tập các tình huống sát thực tế; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, thuốc, dụng cụ y tế, nước uống, nhà bạt, phao cứu sinh, bè mảng, ca nô,… để xử lý tốt các tình huống, kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2 đối với đồng bào vùng lũ đã thể hiện rõ phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Điều đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội; làm cho tinh thần “hiếu với dân” như lời Bác Hồ dạy tiếp tục tỏa sáng trên vùng Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc.

Thiếu tướng TRỊNH VĂN QUYẾT, Chính ủy Quân khu 2
_______
_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 648.

2 - 04 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; Sử dụng lực lượng tại chỗ; Huy động phương tiện tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.

3 - 04 cùng: Cùng ăn; Cùng ở; Cùng làm; Cùng nói tiếng dân tộc.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.