QPTD -Thứ Hai, 07/10/2013, 21:53 (GMT+7)
Ngành Quân nhu đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác theo lời Bác dạy

Sau khi có Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, ngành Quân nhu đã đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều nội dung, biện pháp phù hợp; trọng tâm hướng vào thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; qua đó, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để Ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Với chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm ăn, mặc của bộ đội và tăng gia sản xuất (TGSX), tạo nguồn trong toàn quân, hoạt động của ngành Quân nhu luôn gắn liền với hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và tác động trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như công việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận…”1 và ý thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, quân nhu các cấp, trước hết là Cục Quân nhu đã làm tốt chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về công tác quân nhu (CTQN) trong Quân đội. Bên cạnh đó, Ngành còn phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” trong điều kiện mới, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các mặt bảo đảm quân nhu (BĐQN) cho toàn quân, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện, vững chắc, bước phát triển nhảy vọt về chất trong CTQN; đặc biệt là, bảo đảm ăn, mặc của bộ đội, góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Kết quả mà Ngành đạt được là tổng hợp của nhiều yếu tố; mà việc đẩy mạnh làm theo lời dạy của Bác là một trong những động lực quan trọng, biện pháp hữu hiệu để Ngành quy tụ và phát huy sức mạnh của các tập thể, cá nhân, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm. Từ kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ) “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” trong nhiều năm trước đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục Quân nhu đã có những chủ trương, biện pháp sáng tạo, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, nhân viên (CB,NV) và cơ quan quân nhu các cấp. Để nâng cao hiệu quả, sức lan tỏa của việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, Cục đã bám sát mục tiêu, nội dung của PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, cụ thể hóa thành PTTĐ “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, với nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp với đặc thù nhiệm vụ CTQN, triển khai thực hiện trong toàn quân và xác định đây là trọng tâm của Ngành trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cục yêu cầu cơ quan quân nhu các cấp tăng cường tổ chức cho CB,NV học tập, quán triệt những lời dạy của Bác, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm; mặt khác, chủ động xây dựng các tiêu chí làm theo tư tưởng, lời dạy của Bác bằng những công việc, hành động cụ thể, sát chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng CB,NV, đặc thù quân chủng, binh chủng và tổ chức xây dựng kế hoạch, đăng ký phấn đấu thực hiện… Theo chỉ đạo của Cục, quân nhu các cấp đã hướng thi đua làm theo lời Bác dạy vào xây dựng động cơ, thái độ phục vụ cho đội ngũ CB,NV; xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện; đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt CTQN…; trong đó, tập trung đột phá vào nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề mới, khó khăn và khắc phục những khâu yếu, mặt yếu. Mặt khác, Ngành luôn coi trọng làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng đối với các nhân tố mới, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Vì vậy, thi đua làm theo lời Bác dạy được CB,NV quân nhu các cấp nhiệt tình hưởng ứng, trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, tích cực, tự giác trong toàn Ngành, thực sự là động lực để Ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Trước sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, công tác BĐQN cho lực lượng vũ trang có yêu cầu ngày càng cao và đứng trước không ít khó khăn, nhất là bảo đảm đời sống bộ đội trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Thực hiện lời Bác dạy: “Thực túc thì binh cường. Anh chị em bên cung cấp phải có quyết tâm để có đủ lương thực, vũ khí cho bộ đội”2, Ngành đã tập trung tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và lãnh đạo, chỉ huy các cấp xây dựng nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTQN. Công tác tham mưu của Ngành đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đảm bảo “đúng, trúng, hiệu quả”; trọng tâm là đề xuất đổi mới phương thức tạo nguồn, bảo đảm vật chất quân nhu theo hướng tiền tệ hóa, phân cấp tạo nguồn hợp lý cho đơn vị; đẩy mạnh TGSX; hiện đại hóa trang thiết bị quân nhu; xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội; cải tiến, đổi mới các loại quân trang, quân dụng, nâng cao chất lượng ăn, mặc của bộ đội; tham mưu điều chỉnh lượng vật chất quân nhu dự trữ SSCĐ ở các cấp; quy hoạch, xây dựng thế trận quân nhu trên các khu vực phòng thủ… Qua đó, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác tạo nguồn, tổ chức BĐQN trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt lời Bác dạy, Ngành tăng cường chỉ đạo và phát huy vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ các biện pháp về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm đầy đủ, kịp thời về quân nhu cho các nhiệm vụ trong mọi tình huống; đặc biệt là, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và tập trung nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Cục Quân nhu đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng bảo đảm tốt về quân nhu cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, đơn vị ở các khu vực trọng điểm, biên giới, biển đảo, đơn vị mới thành lập, đơn vị được đầu tư hiện đại hóa; đồng thời, đẩy nhanh việc đồng bộ trang bị, vật chất quân nhu SSCĐ và huấn luyện dã ngoại cho toàn quân, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, tác chiến trong điều kiện mới. Công tác BĐQN thường xuyên được coi trọng và đạt kết quả đáng khích lệ. Thực hiện đổi mới phương thức BĐQN theo cơ chế thị trường, Cục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phân cấp tạo nguồn theo quy định; chủ động nắm chắc quy luật thị trường để tạo nguồn ở thời điểm có lợi; kết hợp phân cấp với mở rộng đấu thầu trong sản xuất, mua sắm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, khai thác. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong bảo đảm, phát huy được nguồn tại chỗ và mặt tích cực của cơ chế thị trường, nâng cao một bước chất lượng BĐQN và hiệu quả sử dụng ngân sách.

Những năm gần đây, trước tình hình giá cả, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến phức tạp, Cục đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ nuôi dưỡng bộ đội trong tình hình mới, thường xuyên bám sát sự biến động giá cả thị trường, kịp thời đề xuất Bộ Quốc phòng điều chỉnh mức tiền ăn cho các đối tượng; đồng thời, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giữ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội. Cơ quan quân nhu các cấp đã chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm ổn định, vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm và quản lý, nhất là quản lý mức tiền ăn, giá cả và chất lượng lương thực, thực phẩm đưa vào bếp ăn; bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn cho các đối tượng. Để đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội trong tình hình mới, Ngành đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, đầu tư nâng cấp, thay thế trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng theo hướng hiện đại, chính quy, thống nhất, phù hợp với quy mô từng loại bếp. Nổi bật là, nghiên cứu, đề xuất đầu tư lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí cho các bếp ăn. Từ năm 2011 đến nay, Cục đã tổ chức tạo nguồn, chỉ đạo lắp đặt gần 1.800 bếp lò hơi cho các đơn vị trong toàn quân. Qua sử dụng đã khẳng định hiệu quả cao, giảm nhân công, tiết kiệm chất đốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng nhà ăn, nhà bếp chính quy, hiện đại. Đặc biệt, Ngành đã tham mưu xây dựng Đề án Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội và phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Sau bước thực hiện thí điểm, đến nay, việc xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội đã được triển khai ở 24 học viện, nhà trường, bệnh viện, cơ quan cấp chiến lược và cho kết quả tốt. Đây là nội dung đổi mới mang tính đột phá, bước phát triển quan trọng trong công tác BĐQN, phù hợp với xu thế phát triển của Quân đội và nền kinh tế đất nước trong thời bình, thiết thực huy động các nguồn lực xã hội bảo đảm tốt hơn đời sống bộ đội, tiết kiệm ngân sách quốc phòng.

Làm theo lời Bác dạy, Ngành đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác bảo đảm mặc của bộ đội. Tiêu biểu là, cải tiến quân phục sĩ quan K08, các loại lễ phục, quân phục và trang bị dã chiến; nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các loại quân trang đặc chủng, quân trang chống rét…, tạo bước ngoặt trong mang mặc của bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, đáp ứng yêu cầu tác chiến và hòa nhập với quân đội các nước. Phương thức bảo đảm quân trang, quân dụng có nhiều đổi mới và từng bước chuẩn hóa. Công tác tạo nguồn được Cục chỉ đạo tiến hành sớm, thực hiện tạo nguồn tập trung các mặt hàng có yêu cầu chính quy và cấp thẳng từ doanh nghiệp đến đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị duy trì việc cấp phát quân trang tập trung theo cấp trung đoàn; cấp thẳng quân trang tân binh tại các địa phương; kết hợp bảo đảm với quản lý, hướng dẫn sử dụng… nên chất lượng bảo đảm được nâng lên.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cần kiệm xây dựng quân đội, phải TGSX và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”3, Ngành đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương có tính chiến lược; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh TGSX cải thiện đời sống bộ đội. Công tác TGSX được Ngành chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ở cả 3 cấp (tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương) theo hướng tập trung, khép kín, bền vững, ổn định lâu dài, bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện đa dạng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với từng vùng, miền; gắn TGSX với xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở chế biến, giết mổ tập trung… Nhờ đẩy mạnh TGSX, đến nay, toàn quân đã tự túc được 95% định lượng rau, củ, quả; 65% định lượng thịt; 32% định lượng cá; trong đó, nhiều đơn vị đã tự túc được 100% định lượng rau xanh, 90% - 100% định lượng thịt. Qua đó, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, chất lượng cao, có giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, góp phần cải thiện bữa ăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đóng quân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, thông qua việc học tập và làm theo lời Bác dạy, quân nhu các cấp đã đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi hoạt động công tác; qua đó, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Công tác nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận của Ngành cũng được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, thiết thực góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng CTQN, v.v.

Không thỏa mãn với kết quả đạt được, Đảng ủy, chỉ huy Cục Quân nhu tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 317-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, đưa việc “làm theo” Bác đi vào chiều sâu, nhằm tạo những đột phá và bước phát triển mới trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

Thiếu tướng, PGS, TS. PHẠM TIẾN LUẬT
Cục trưởng Cục Quân nhu
__________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 296.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 559.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 375.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.