QPTD -Thứ Năm, 28/08/2014, 15:10 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân khu 3 thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” là biểu hiện sinh động, tập trung nhất của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời, là nội dung cụ thể hóa thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng của ngành Hậu cần Quân khu 3.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao đổi với lãnh đạo, chỉ huy
Bộ Tư lệnh Quân khu 3 (03-8-2014). (Nguồn: qdnd.vn).

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”1 và quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, trực tiếp là Chỉ thị 86/CT-BQP, ngày 23-5-2011 của Bộ Quốc phòng, Chỉ thị 3637/CT-BTL, ngày 19-7-2011 của Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 3 về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua (PTTĐ) “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, những năm qua, ngành Hậu cần Quân khu, trước hết là Cục Hậu cần đã có nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, sáng tạo, đưa Phong trào phát triển lên một bước mới, ngày càng sâu rộng, theo hướng “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao, chất lượng bền vững”. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hậu cần (CTHC), góp phần bảo đảm cho lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Từ kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” trong nhiều năm trước đó, Ngành đã tham mưu cho Đảng ủy, BTL Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với PTTĐ, xác định đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho Phong trào phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Phát huy vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PTTĐ ở các cấp, Ngành luôn chủ động bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kế hoạch CTHC, thực tiễn địa phương, đơn vị, lựa chọn chính xác vấn đề cần tập trung, các khâu cần đột phá để tham mưu cho Ban Chỉ đạo PTTĐ và cấp ủy, chỉ huy các cấp hướng PTTĐ vào thực hiện. Do tổ chức của Quân khu gồm nhiều lực lượng, địa bàn có cả đồng bằng, rừng núi, biên giới, biển, đảo, nên để đảm bảo tính thiết thực, nâng cao hiệu quả, sức lan tỏa của PTTĐ, Ngành tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức PTTĐ; đồng thời, bám sát chủ đề, mục tiêu PTTĐ “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” của toàn quân và phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu, cụ thể hóa thành các nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp với CTHC của Quân khu, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị, đặc điểm địa bàn,… Đặc biệt, Quân khu đã gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của PTTĐ “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với việc thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về CTHC quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và xác định PTTĐ là trọng tâm của ngành Hậu cần Quân khu trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Dù nội dung, chỉ tiêu, biện pháp của các đợt thi đua, của mỗi chuyên ngành, cơ quan, đơn vị có khác nhau, song Quân khu luôn nhất quán lấy nội dung “Một tập trung - Ba khâu đột phá”2 và “Bốn tốt”3 là mục tiêu xuyên suốt để chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý thức, động cơ thi đua cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần được Quân khu đẩy mạnh. Cơ quan hậu cần các cấp đã tích cực tổ chức học tập, quán triệt lời dạy của Bác về CTHC, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên; đồng thời, xây dựng các tiêu chí làm theo lời dạy của Bác bằng những công việc, hành động cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, làm cơ sở để các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch, đăng ký phấn đấu thực hiện. Để PTTĐ phát triển đồng đều, vững chắc, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm; đầu tư xây dựng điểm ở các loại hình cơ quan, đơn vị và điểm trên từng mặt CTHC, từng nội dung thi đua, để đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn Quân khu; mặt khác, chỉ đạo thi đua đi sâu vào các mặt công tác chủ yếu và khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong CTHC của đơn vị, v.v.

Theo chỉ đạo của Quân khu, những năm qua, Ngành đã hướng thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy vào xây dựng động cơ, thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện; đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt CTHC,… và đạt những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong xây dựng nền nếp chính quy CTHC; tăng gia sản xuất (TGSX) tạo nguồn; nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… PTTĐ “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đã trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, tích cực, tự giác không chỉ của ngành Hậu cần, mà trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nét đẹp văn hóa trong xây dựng đơn vị của LLVT Quân khu; thực sự là động lực, biện pháp quan trọng để Ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Thực hiện lời Bác dạy: “Thực túc thì binh cường. Anh em bên cung cấp phải có quyết tâm để có đủ lương thực, vũ khí cho bộ đội”4, Ngành đã bám sát yêu cầu thực tiễn, tích cực nghiên cứu, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, BTL Quân khu và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhiều chủ trương, biện pháp, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng LLVT Quân khu trong tình hình mới. Trong đó, trọng tâm là, nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất; đẩy mạnh TGSX tạo nguồn; quy hoạch, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ,… Đặc biệt, Ngành đã nghiên cứu, đề xuất thực hiện Đề án đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm lương thực, thực phẩm (LTTP), chất đốt cho các đơn vị thuộc Quân khu. Qua đó, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác tạo nguồn vật chất quân nhu, phát huy cao nhất mặt tích cực của nền kinh tế thị trường, thế mạnh địa bàn; đồng thời, tạo sự thống nhất trong công tác bảo đảm, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và chất lượng đời sống của bộ đội.

Thông qua PTTĐ, công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên của Quân khu có bước phát triển vững chắc. Trong điều kiện giá các mặt hàng LTTP tăng cao, nguồn cung không ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp,… Ngành đã quyết liệt chỉ đạo thi đua đột phá, với quyết tâm: giữ ổn định đời sống và cải thiện rõ rệt điều kiện ăn, mặc, ở của bộ đội. Bằng nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, các đơn vị đã quan tâm đến mọi mặt sinh hoạt của bộ đội. PTTĐ “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” được đẩy mạnh. Hệ thống nhà ăn, nhà bếp của các đơn vị được đầu tư đổi mới, hiện đại hóa trang, thiết bị, nâng cao một bước chất lượng phục vụ. Kết quả nuôi dưỡng bộ đội của Quân khu luôn đạt và vượt quy định về định lượng, nhiệt lượng; đảm bảo tốt vệ sinh ăn uống, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, LLVT Quân khu phát huy truyền thống “Làm giàu, đánh thắng”, tận dụng thế mạnh, tổ chức TGSX phù hợp với nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn. Phong trào TGSX của Quân khu tiếp tục phát triển mạnh, đồng bộ ở các cấp theo hướng cơ bản, ổn định lâu dài, hiệu quả và có sự phân cấp hợp lý. Điểm nổi bật trong TGSX của Quân khu là, Ngành chỉ đạo chuyển mạnh từ phát triển TGSX theo chiều rộng sang chiều sâu, coi trọng hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm. Các địa phương, đơn vị đã phát triển đa dạng mô hình TGSX theo hướng sản xuất hàng hóa; tích cực đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao vào TGSX và đẩy mạnh sản xuất tự túc cây, con giống, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi phù hợp với từng cấp để giảm chi phí. Tình trạng TGSX manh mún, làm theo phong trào, thiếu tính kế hoạch được khắc phục. Ngành cũng coi trọng gắn phát triển TGSX với phát huy hiệu quả của các trạm chế biến, tạo chu trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trực tiếp phục vụ bữa ăn của bộ đội. Chỉ trong 06 tháng đầu năm 2014, toàn Quân khu đã thu hoạch được 1.540 tấn rau xanh; 655 tấn thịt quy xô lọc; trên 220 tấn cá; 03 tấn lạc, vừng; tổng giá trị TGSX đạt hơn 59 tỷ đồng. Từ TGSX, nhiều đơn vị đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh; 90% - 95% nhu cầu thịt; 30% - 40% nhu cầu cá,… Qua đó, thiết thực góp phần giữ ổn định, cải thiện đời sống bộ đội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thi đua trong công tác quân y của Quân khu được cụ thể hóa bằng việc thực hiện các phong trào “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác”, “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt”. Hệ thống bệnh viện, bệnh xá của các đơn vị được củng cố, nâng cấp toàn diện; trình độ chuyên môn, y đức của đội ngũ thày thuốc được nâng cao. Quân y các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác; làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội từ tuyến cơ sở; đồng thời, tích cực tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và tuyến đảo Đông Bắc, thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Ngành Xăng dầu, Vận tải tập trung đẩy mạnh thi đua “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” gắn với thực hiện Cuộc vận động 50; qua đó, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, hoạt động bảo đảm có sự đổi mới, sát với thực tiễn của Quân khu. Các địa phương, đơn vị cũng tích cực phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Công tác quy hoạch doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy chế, quy trình. Quân khu đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng; 100% đơn vị được sử dụng nước sạch. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội được cải thiện rõ nét, v.v.

PTTĐ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ và đem lại hiệu quả thiết thực về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí trong CTHC. Tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Quân khu, ý thức tự giác trong nhận thức, hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần và bộ đội. Ngành đã duy trì nghiêm các nguyên tắc, quy chế, quy định về quản lý, sử dụng cơ sở vật chất hậu cần, tài chính; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các khâu, các mặt CTHC, nhất là trong khai thác tạo nguồn, đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng xăng dầu, điện, nước,… Nhiều năm qua, Quân khu luôn chấp hành nghiêm quy định của Bộ về tiết kiệm hạn mức sử dụng điện, xăng dầu. Các đơn vị đã mua sắm, thay thế 100% đèn sợi đốt bằng đèn com-pắc tiết kiệm điện; hoàn thành việc đầu tư lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống bếp lò hơi cơ khí, giúp tiết kiệm 20% - 25% lượng chất đốt. Đồng thời, làm tốt việc đấu thầu, kiểm soát giá trong mua sắm, tạo nguồn; cải tiến hợp lý quy trình chế biến, hạn chế thải bỏ; quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng xe, kết hợp vận chuyển hai chiều, vận chuyển với huấn luyện; công khai tiêu chuẩn, chế độ, giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng đầu mối đơn vị; tận dụng năng lực, công sức của bộ đội để sửa chữa phương tiện, củng cố doanh trại,… Qua đó, thiết thực tiết kiệm thời gian, kinh phí, công sức bộ đội, với giá trị lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Đã có nhiều điển hình tiêu biểu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: Sư đoàn 395, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tiết kiệm thông qua việc tự tổ chức cắt tóc cho bộ đội, hạ mức đun than, sử dụng tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, chế biến, giết mổ, thu hái dược liệu chế biến thuốc nam. Các lữ đoàn 513, 405, Đoàn 273 phát huy tay nghề của cán bộ, chiến sĩ để tự sửa chữa, xây dựng doanh trại, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí thuê nhân công, v.v.

Những kết quả mà ngành Hậu cần Quân khu 3 đạt được trong thực hiện PTTĐ là rất to lớn. Đã có hàng chục tập thể, cá nhân được Ban Chỉ đạo PTTĐ “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” Bộ Quốc phòng và cấp Quân khu khen thưởng. Đây là tiền đề quan trọng để Ngành tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đưa PTTĐ phát triển lên tầm cao mới, tạo động lực nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả CTHC, góp phần cùng LLVT Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thiết thực lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đại tá PHẠM ĐĂNG THUẤN, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu
__________________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 407.

2 - Một tập trung: Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng cơ quan, phân đội hậu cần vững mạnh toàn diện.

   - Ba khâu đột phá: 1. Giữ ổn định đời sống bộ đội và cải thiện rõ rệt điều kiện ăn, mặc, ở; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ; bảo đảm tốt vệ sinh môi trường; 2. Thực hành tiết kiệm; chống tham ô lãng phí, chấp hành nghiêm chế độ, nguyên tắc CTHC; 3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, duy trì nền nếp chính quy CTHC; bảo đảm tốt an toàn giao thông.

3 - Bốn tốt: 1. Tinh thần phục vụ tốt; 2. TGSX, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt; 3. Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm tốt; 4. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các mô hình hậu cần tốt.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG,     H. 2011, tr. 482.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.