QPTD -Thứ Hai, 14/09/2015, 08:57 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân đoàn 4 đẩy mạnh thực hiện làm theo lời Bác Hồ dạy

Trước đây cũng như hiện nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đoàn 4. Đó cũng là động lực, biện pháp quan trọng để  xây dựng Ngành vững mạnh, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ.

Chăm sóc rau xanh ở Tiểu đoàn 12, Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4 (Ảnh: qdnd.vn)

Thấu suốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”1, ngành Hậu cần Quân đoàn đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hậu cần, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đoàn.

Quân đoàn 4 là đơn vị chủ lực, cơ động chiến lược, đứng chân và hoạt động trên địa bàn phía Nam của Tổ quốc, có nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu ngày càng cao. Nhận thức và quán triệt sâu sắc điều đó, ngành Hậu cần Quân đoàn đã thường xuyên nỗ lực phấn đấu, chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn, sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần, kịp thời tham mưu nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác hậu cần, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nội dung, biện pháp quan trọng của Ngành.

Để Chỉ thị 03-CT/TW đi vào cuộc sống, trở thành việc làm thường xuyên, ngành Hậu cần đã đẩy mạnh công tác giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Ngành. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Chỉ huy Cục lựa chọn những nội dung “làm theo” cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, từng loại hình cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch, đăng ký phấn đấu thực hiện. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách, Cục luôn quán triệt, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ về lời dạy của Bác: “Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”2; “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”3. Trên cơ sở đó, mỗi người tự xây dựng động cơ, xác định trách nhiệm, thái độ phục vụ, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, do giáo dục, quán triệt tốt nên nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần cho cả nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Để cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đoàn vừa có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, Cục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn nâng cao chất lượng huấn luyện hậu cần. Trong đó, đặc biệt quan tâm đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức huấn luyện. Nội dung huấn luyện tập trung vào công tác chỉ huy tham mưu, bảo đảm hậu cần thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, nhất là diễn tập có bắn đạn thật, diễn tập phòng, chống thiên tai, thảm họa, đảm bảo đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng; chú trọng kỹ năng cá nhân, hành động phân đội trong cơ động, dã ngoại, diễn tập, như: đào bếp Hoàng Cầm, mắc tăng võng, bao gói vượt sông, v.v. Các hội thi, hội thao cũng được chú trọng đẩy mạnh. Năm 2015, Quân đoàn đã tổ chức các hội thi ngành Quân nhu: trạm chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc; ngành Doanh trại: cấp sư đoàn, lữ đoàn và nhà trường; ngành Xăng dầu: phòng cháy, chữa cháy; ngành Vận tải: Lái xe giỏi an toàn và hội thao: Đội phẫu thuật cứu chữa bước đầu của 4 trung đoàn bộ binh đủ quân, v.v. Hội thi là một trong những biện pháp tích cực nhằm giúp các đơn vị đảm bảo hậu cần trong Quân đoàn đánh giá đúng kết quả huấn luyện, kịp thời rút kinh nghiệm, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần, phục vụ tốt hơn cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác.

Cùng với đó, Cục coi trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Các phong trào thi đua, nổi bật là phong trào “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” đã đem lại hiệu quả thiết thực. Mặc dù thường xuyên chịu sự tác động giá cả thị trường, nhưng các đơn vị vẫn phát huy được nội lực, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, tận dụng mọi khả năng, điều kiện thực tế của từng đơn vị, góp phần ổn định đời sống bộ đội và bảo đảm tốt công tác quân nhu cho các nhiệm vụ. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “… cần kiệm xây dựng quân đội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”4, ngành Hậu cần đã xây dựng được nhiều mô hình, tiêu biểu như: mô hình “Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi” của Sư đoàn 309, đã biến những vùng đồi hoang hóa mà trước đây chỉ trồng các loại cây lấy gỗ, cây công nghiệp trở thành vùng chuyên canh rau, củ, quả gắn với hệ thống ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt năng suất, hiệu quả cao; hoặc mô hình cải tạo đất của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 về thay thế lớp đất mặt đá sỏi nhiễm phèn nặng bằng đất phù sa để phát triển tăng gia, sản xuất. Đặc biệt, để góp phần tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn lương thực, Quân đoàn đã triển khai mô hình khép kín nhà máy xay xát lúa ở Ô Môn (Cần Thơ), từ thu mua lúa, chế biến đến vận chuyển, cung cấp lương thực cho các đơn vị. Với cách làm này, ngành Hậu cần đã bảo đảm 100% nhu cầu về gạo, với giá thành thấp hơn thị trường từ 10 -12%; hằng năm, tiết kiệm cho Quân đoàn hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống bộ đội. Năm 2014, toàn Quân đoàn tự đảm bảo rau xanh đạt 12,3 kg/người/tháng (102% kế hoạch), thịt xô lọc đạt 51 kg/người/năm (102% kế hoạch), cá đạt 39 kg/người/năm (108% kế hoạch), lãi thu được từ tăng gia sản xuất bình quân 1.200.000đ/người/năm và đáng mừng là 100% đơn vị đạt danh hiệu “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, v.v.

Ngành Quân y đã có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, hướng vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội từ tuyến cơ sở; tích cực xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, môi trường xanh, sạch, đẹp. Với các phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”, “Bệnh viện, bệnh xá văn hóa”, hệ thống bệnh xá ở các đơn vị được đầu tư đồng bộ cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Các đơn vị đã đẩy mạnh đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Vì vậy, nhiều năm liền, quân số khỏe của Quân đoàn đạt trên 99%. Mô hình bệnh viện, bệnh xá quân - dân y kết hợp ngày càng phát huy hiệu quả trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Bệnh viện Quân y 4 đã chủ động phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh: Bình Dương, Long An,… đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đưa các đề tài nghiên cứu ứng dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao. Với thái độ, trách nhiệm, tình cảm “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, Bệnh viện Quân y 4 là điểm đến tin cậy của nhân dân khu vực tỉnh Bình Dương, góp phần nâng cao năng lực y tế quốc phòng, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn. Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện luôn có mặt kịp thời ở những vùng khó khăn, giúp đỡ các đối tượng chính sách và nhân dân trên địa bàn. 05 năm qua, Bệnh viện đã khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 30 nghìn lượt người nghèo, đối tượng chính sách với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, v.v.

Cùng với đó, phong trào thi đua của các chuyên ngành khác, như: “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Xây dựng, quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, ... được duy trì thường xuyên, tạo chuyển biến đồng bộ trên tất cả các mặt và tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần.

Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Hậu cần Quân đoàn 4 đã trở thành động lực quan trọng, góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, ngành Hậu cần Quân đoàn 4 tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hậu cần để góp phần xây dựng Quân đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Đại  tá NGUYỄN LƯƠNG LUY, Chính ủy Cục Hậu cần
___________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 179.

2 - Sđd, tr. 482.

3 - Sđd, tr. 433.

4 Sđd, Tập 13, tr. 157.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.