QPTD -Thứ Sáu, 12/05/2017, 09:40 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy

Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng đã có nhiều biện pháp phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Qua đó, tạo động lực nâng cao chất lượng công tác hậu cần, góp phần xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”1 và thực hiện Chỉ thị 86/CT-BQP, ngày 23-5-2011 của Bộ Quốc phòng, những năm qua, ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và đạt được kết quả tích cực. Nét nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” của lực lượng Bộ đội Biên phòng thời gian qua, là: Phong trào được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Phong trào thi đua được cụ thể hóa, phù hợp với công tác Hậu cần Bộ đội Biên phòng, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị, đặc điểm địa bàn. Trong đó, trọng tâm hướng vào thực hiện “Ba khâu đột phá”2, “Bốn tốt”3 và khắc phục những điểm yếu, tồn tại trong công tác hậu cần, v.v. Để nâng cao hiệu quả của Phong trào thi đua, các đơn vị đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo gắn thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với việc thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Công tác Hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và xác định Phong trào thi đua là trọng tâm của Ngành trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI, XII), v.v.

Bằng những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp, sáng tạo, phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” của lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn phát triển đúng hướng, đi vào chiều sâu, được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, thực sự là động lực nâng cao chất lượng công tác hậu cần, xây dựng ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng vững mạnh. Thông qua Phong trào thi đua, ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần được nâng lên; chế độ công tác hậu cần từ cơ quan đến đơn vị đi vào nền nếp, chính quy; hoạt động bảo đảm hậu cần có nhiều đổi mới, sát với đặc thù nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của Bộ đội Biên phòng. Vì vậy, mặc dù yêu cầu bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng đòi hỏi ngày càng cao và gặp không ít khó khăn nhưng ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hậu cần các cấp đã chủ động bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho các đơn vị Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ đột xuất.

Làm theo tư tưởng và lời dạy của Bác, Ngành đã bám sát yêu cầu thực tiễn, tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhiều chủ trương, biện pháp, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần. Trong đó, trọng tâm là, nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất; đẩy mạnh tăng gia sản xuất tạo nguồn; nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội, v.v. Đặc biệt, Ngành đã nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tư lệnh ban hành Quy định về “Tiêu chí hậu cần - tài chính ở đồn biên phòng”. Hiện nay, nâng cấp thành Quy định về “Tiêu chí hậu cần - tài chính trong Bộ đội Biên phòng”, làm cơ sở để thực hiện chính quy công tác hậu cần trong toàn lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới, v.v.

Thời gian qua, cùng với tập trung nỗ lực, ưu tiên bảo đảm tốt cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Ngành quyết liệt thực hiện “Ba khâu đột phá”, “Bốn tốt”, phấn đấu giữ ổn định đời sống, cải thiện rõ rệt điều kiện ăn, ở và chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe bộ đội. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ do Bộ đội Biên phòng hoạt động chủ yếu ở địa bàn rừng núi, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn khai thác hậu cần tại chỗ hạn chế, giá lương thực, thực phẩm không ổn định, v.v. Để thực hiện mục tiêu trên, Ngành đã tích cực đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần; đẩy mạnh phân cấp tạo nguồn kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho đơn vị chủ động trong bảo đảm. Mặt khác, Ngành chỉ đạo các đơn vị phát huy nội lực đẩy mạnh tăng gia sản xuất; tăng cường công tác quản lý nuôi dưỡng bộ đội, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” ở các cấp. Thực hiện chỉ đạo của Ngành, các đơn vị, nhất là các đồn biên phòng đã chủ động nắm tình hình thị trường, tổ chức khai thác, thu mua lương thực, thực phẩm ở thời điểm có lợi, đưa vào dự trữ, duy trì lượng gối đầu4, đảm bảo vững chắc, có chiều sâu. Đồng thời, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cải thiện đời sống bộ đội. Các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đã tổ chức tăng gia sản xuất với các quy mô, hình thức phù hợp với đặc thù nhiệm vụ, địa bàn, tuyến biên giới. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo; nhiều mô hình tăng gia sản xuất có hiệu quả kinh tế cao ở cấp đồn biên phòng đã được đầu tư xây dựng, nhân rộng. Tiêu biểu như các mô hình: nuôi hải sản; làm nước mắm; nuôi gà sao, lợn rừng, ngựa bạch, v.v. Nhờ phát triển tăng gia sản xuất, các đơn vị biên phòng đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh và phần lớn nhu cầu thịt, cá, thiết thực góp phần giữ ổn định, cải thiện đời sống bộ đội. Năm 2016, lực lượng Bộ đội Biên phòng thu hoạch được 4.600 tấn rau, củ, quả; 620 tấn thủy, hải sản và 1.550 tấn thịt các loại, giá trị ước đạt hàng chục tỷ đồng.

Phong trào thi đua cũng khích lệ đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác bảo đảm ăn, mặc cho bộ đội. Hậu cần các đơn vị đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh chế biến, cải tiến món ăn, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn của bộ đội. Cục Hậu cần Bộ đội Biên phòng đã huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống nhà ăn, nhà bếp, đổi mới dụng cụ cấp dưỡng, lắp đặt 572 hệ thống bếp nồi hơi cơ khí và bếp đun củi cải tiến có tủ hấp cơm cho các đơn vị, tạo điều kiện nâng cao một bước chất lượng phục vụ bộ đội. Ngành cũng chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội tại 07 bếp ăn thuộc khối nhà trường theo quy định của Bộ Quốc phòng. Song song với đó, Ngành chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, nghiên cứu, đổi mới quân trang cho Bộ đội Biên phòng, như: quân trang chống rét kiểu mới; quân trang nghiệp vụ cửa khẩu; quân trang tuần tra song phương,… góp phần xây dựng chính quy, nâng cao vẻ đẹp của người chiến sĩ Biên phòng trong mắt nhân dân và du khách quốc tế, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Để “chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt”, Ngành đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chiến sĩ Quân y làm theo lời Bác”, “Xây dựng đơn vị Quân y 5 tốt”. Với phương châm: “ở đâu có hoạt động của bộ đội ở đó có quân y”, lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng thường xuyên bám sát bộ đội, bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ huấn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Quân y các đơn vị có nhiều biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, y đức; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội từ tuyến cơ sở. Vì vậy, mặc dù hoạt động ở địa bàn có nhiều loại dịch bệnh nảy sinh; thời tiết, khí hậu khắc nhiệt, nhưng tỷ lệ quân số khỏe của toàn lực lượng luôn đạt trên 98,6%. Đặc biệt, Ngành tham mưu cho Bộ Tư lệnh lập hồ sơ quản lý và hỗ trợ hàng tỷ đồng cho hơn 400 gia đình quân nhân điều trị vô sinh, hiếm muộn; tích cực triển khai Chương trình quân - dân y kết hợp, thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân nơi biên giới, mang lại hiệu quả chính trị, xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những năm qua, lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng đã đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển y tế biển, đảo; phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thí điểm thành công mô hình “Kết hợp quân - dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy khu vực biên giới”; duy trì hoạt động có hiệu quả 150 phòng khám, trạm y tế kết hợp quân - dân y, v.v. Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng đã khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 01 triệu lượt người dân khu vực biên giới, biển đảo với tổng số tiền gần 09 tỷ đồng; trong đó, có gần 60 nghìn lượt nhân dân nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Thực hiện mục tiêu của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Ngành đã triển khai sâu rộng các phong trào “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” và đạt kết quả tích cực. Cục Hậu cần đã chủ động tham mưu và chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng các công trình, dự án doanh trại, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy chế, quy trình đầu tư xây dựng cơ bản; trong đó, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng các đồn biên phòng, các công trình trực tiếp phục vụ sinh hoạt của bộ đội. Thời gian qua, Ngành đã hoàn thành nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản lớn, trọng điểm của Bộ Tư lệnh; hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng; nghiên cứu, thiết kế, xây dựng 03 đồn biên phòng mẫu cho 03 miền (Bắc, Trung, Nam) được Bộ Quốc phòng đánh giá cao và chỉ đạo áp dụng triển khai trong toàn lực lượng. Ngành cũng tích cực triển khai các biện pháp chống rét cho bộ đội ở các đồn biên phòng từ Thừa Thiên - Huế trở ra; nghiên cứu, lập đề án xây dựng hệ thống chống nóng cho các đơn vị ở phía Nam; xây bể dự trữ nước mùa khô cho đơn vị ở tuyến đảo và khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đến nay, các đơn vị đã lắp đặt gần 10.000 m2 cửa kính chống rét, chống gió lùa; xây dựng hệ thống tắm nước nóng cho 206 đồn biên phòng, v.v. Những nỗ lực đó đã tạo sự đột phá về cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường của các đơn vị, đồn, trạm biên phòng, bảo đảm tốt điều kiện làm việc, sinh hoạt cho bộ đội.

 Thực hiện lời dạy của Bác: “Cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm chính”5, ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi mặt công tác. Theo đó, hậu cần các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm với tăng cường công tác quản lý; duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ công tác hậu cần, quy định về sử dụng tài chính, tài sản công. Đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong khai thác tạo nguồn, đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng xăng dầu, điện, nước, v.v. Theo thống kê trong giai đoạn 2010 - 2015, Bộ đội Biên phòng đã tiết kiệm được hơn 50 tỷ đồng trong công tác hậu cần. Kết quả đó thật đáng khích lệ, nhưng thành công hơn là, thông qua Phong trào thi đua, tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành ý thức tự giác, thường trực trong nhận thức, hành động của cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần và lực lượng Bộ đội Biên phòng, v.v.

Không thỏa mãn với kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đưa phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” phát triển lên tầm cao mới, tạo động lực nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, góp phần cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững “phên giậu” của Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC MẠNH, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ đội Biên phòng
_________________
_________________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.409.

2 - Ba khâu đột phá: 1. Giữ ổn định đời sống bộ đội và cải thiện rõ rệt điều kiện ăn, mặc, ở; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ; bảo đảm tốt vệ sinh môi trường; 2. Thực hành tiết kiệm; chống tham ô lãng phí, chấp hành nghiêm chế độ, nguyên tắc công tác hậu cần; 3.Đẩy mạnh cải cách hành chính, duy trì nền nếp chính quy công tác hậu cần; bảo đảm tốt an toàn giao thông.

3 - Bốn tốt: 1. Tinh thần phục vụ tốt; 2. Tăng gia sản xuất, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt; 3. Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm tốt; 4. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các mô hình hậu cần tốt.

4 - Các đồn Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn duy trì lượng lương thực, thực phẩm gối đầu từ 03 tháng đến 09 tháng.

5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.180.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.