Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:40 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Một trong những tư tưởng xuyên suốt trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Đó là lý tưởng phụng sự suốt đời của Người và cũng là định hướng chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Năm mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày công bố bản Di chúc (tháng 9-1969), những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” vẫn giữ nguyên giá trị; vẫn là những định hướng cho sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Khẳng định là lý tưởng phụng sự suốt đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần nhắc đến vấn đề “phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” ở ba đoạn khác nhau trong bản Di chúc. Ở phần nêu lý do viết Di chúc, Người đặt vấn đề do tuổi tác, sức khỏe, nên “ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa”. Người coi việc từ biệt thế giới này là “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Điều đó khẳng định rằng: cho đến trước khi từ biệt thế giới này, Bác vẫn là một người cộng sản, một người yêu nước chân chính; bằng cả cuộc đời, Người dành để “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Khi nói về phong trào cộng sản thế giới, Người khẳng định mình “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng”. Đúng như vậy. Lúc sinh thời, trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tìm thấy ở chủ nghĩa này con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Từ đây, Người đã trở thành người cộng sản, cống hiến cả cuộc đời mình cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người để lại trong bản Di chúc niềm “tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế” và cũng “đau lòng… vì sự bất hòa… giữa các đảng anh em”. Ở gần cuối bản Di chúc, sau những lời căn dặn tỉ mỉ đối với công việc của đất nước và cuộc sống của người dân, Người dành những dòng sau cùng để nói về mình, với sự tổng kết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”; nên “dù phải từ biệt thế giới này”, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ở đây, mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên phẩm chất, nhân cách của một con người vĩ đại, suốt đời chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1.
Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một đảng mác-xít chân chính, thật sự vững mạnh. Người đòi hỏi Đảng phải luôn hoàn thiện mình để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Chính vì thế, phần lớn những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc là dành cho Đảng, với mong muốn Đảng ta luôn là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”2. Người khái quát nguyên nhân Đảng “đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, là do Đảng ta “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Để tiếp tục phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc với tư cách là Đảng cầm quyền, Người đã bốn lần dùng chữ “thật” và “thật sự” trong một đoạn rất ngắn của bản Di chúc, để căn dặn toàn Đảng: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Nhấn mạnh chữ “thật” và “thật sự”, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn căn dặn mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải làm thực chất, làm đến nơi đến chốn, không được hình thức, qua loa. Đạo đức cách mạng mà Người đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần chính là sự tận trung với Đảng, với Tổ quốc, tận hiếu với nhân dân; suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc của nhân dân. Đó chính là việc làm thiết thực, thể hiện trách nhiệm “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” của mỗi cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, vì chỉ khi đó, Đảng mới xứng đáng là người lãnh đạo, tổ chức và dẫn dắt các tầng lớp nhân dân thực hiện thành công mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, thì Đảng càng phải ý thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm xã hội của mình là phục vụ nhân dân; bởi, Đảng là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”3; mục tiêu lãnh đạo của Đảng là vì độc lập và tự do của dân tộc, ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Trên ý nghĩa đó, sự lãnh đạo của Đảng đồng nghĩa là “người đầy tớ” của nhân dân. Nếu không thật sự là “đầy tớ” của nhân dân, thiếu sự gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng sẽ rơi vào trạng thái quan liêu, do đó sẽ mất đi vai trò lãnh đạo. Sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô trong những năm cuối thế kỷ XX đã cho thấy rõ điều đó.
Là Đảng cầm quyền, trách nhiệm “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần trong Di chúc. Đối với đoàn viên thanh niên, Người dặn dò: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Đối với nhân dân lao động, Người yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đối với phong trào cộng sản thế giới, Người “mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
Thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, trung thành với lý tưởng cách mạng “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách của thời cuộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 30 năm qua đã mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong nhiều năm. “An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện”4. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, đạt hơn 240 tỷ USD vào năm 2018; GDP bình quân đầu người từ vị trí của nước nghèo, kém phát triển đã đạt 2.590 USD vào năm 2018. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước trong xu thế hội nhập. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 5,35% (theo chuẩn nghèo đa chiều) vào cuối năm 2018.
Đối với lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình đổi mới, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Với quyết tâm xây dựng “Đảng ta thật trong sạch”, tại Đại hội XII, Đảng ta đã bổ sung thêm nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức; đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng đặc biệt coi trọng cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) đang được triển khai thực hiện một cách kiên trì, kiên quyết đã làm bùng cháy ngọn lửa đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) đến hết năm 2018, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 05 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 03 trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có một Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án tù 30 năm. Nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang bị thi hành kỷ luật, có trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự. Đó là chưa kể hàng nghìn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cấp bị xử lý. Kết quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời, là minh chứng cho việc Đảng ta luôn khắc sâu và kiên trì thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là suốt đời “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mọi cán bộ, đảng viên của Đảng cần thực hiện nghiêm túc Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; coi đó là việc làm tự giác, thường xuyên, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là việc làm cần thiết để củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng; đồng thời, cũng là việc làm thiết thực để kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2019) và 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
NGUYỄN NGỌC HỒI
_________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 161.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.
3 - Sđd, tr. 88.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 58-59.
di chúc,Hồ Chí Minh,phục vụ giai cấp,phục vụ nhân dân,phục vụ Tổ quốc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam