QPTD -Thứ Sáu, 30/05/2014, 08:40 (GMT+7)
Mô hình “Dân vận khéo” ở Binh đoàn 15 (phần II)

Tiếp theo*

II: Mô hình sinh động, hiệu quả thiết thực

Trải qua gần 30 năm hoạt động, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã “kề vai, sát cánh” cùng cấp ủy, chính quyền địa phương; người lao động của Binh đoàn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), gần gũi, gắn bó với nhân dân. Các hộ công nhân (HCN) người Kinh sống xen kẽ cùng hộ đồng bào DTTS, những lúc thuận lợi, khó khăn, lúc vui, buồn đều có sự chia sẻ, giúp đỡ nhau. Nhiều cán bộ, đảng viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ lý luận và thực tiễn sâu sắc, tác phong sâu sát, gần gũi quần chúng, “miệng nói, tay làm”, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn, vất vả với nhân dân. Binh đoàn đã xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân các dân tộc trên địa bàn “sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Qua đó, đã xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo”, mang lại hiệu quả thiết thực.

Phần thi xử lý tình huống trong Hội thi "Dân vận khéo" của Công ty 74, Binh đoàn 15,
tháng 6-2013. (Ảnh: baogialai.com.vn)

1. Mô hình: Kết nghĩa giữa đơn vị với địa phương theo phân cấp - Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng.

Có thể nói, trong công tác dân vận (CTDV), kết nghĩa giữa đơn vị quân đội với địa phương là mô hình đã được thực hiện phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp. Tuy nhiên, mô hình này ở Binh đoàn 15 có đặc điểm riêng về quy mô tổ chức, tính toàn diện và tính thiết thực,... Xuất phát từ tình hình địa bàn, tính chất hoạt động và yêu cầu, nhiệm vụ được giao nên Binh đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể theo hướng bố trí dân cư tập trung, hình thành các cụm làng, xã, tạo điều kiện để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn khu vực biên giới. Đồng thời, Binh đoàn đẩy mạnh kết nghĩa giữa đơn vị với địa phương theo phân cấp: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”. Trong đó, các đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... làm hạt nhân trong mọi hoạt động và là cầu nối giữa đơn vị với địa phương và nhân dân thông qua kết nghĩa bằng nhiều hình thức phong phú. Quá trình hoạt động kết nghĩa còn xuất hiện hình thức mới: “Đội trưởng sản xuất gắn với già làng, trưởng thôn”. Đến nay, Binh đoàn và các công ty, đội sản xuất đã kết nghĩa với tất cả các tỉnh, huyện, xã và thôn, làng trên địa bàn đứng chân. Nội dung hoạt động kết nghĩa ngày càng mở rộng trên các lĩnh vực, tập trung vào việc tham gia xây dựng nông thôn mới, gồm: 1. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, cùng địa phương xây dựng thôn, làng đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa”. 2. Đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phòng chống và bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu trên địa bàn đứng chân không xảy ra các “điểm nóng”. 3. Tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông liên xã, liên thôn, trường học, cơ sở y tế, các công trình văn hóa, hệ thống hồ, đập chứa nước, nhà ở dân cư,...). Binh đoàn giao chỉ tiêu mỗi công ty giúp 01 đến 02 xã trên địa bàn đứng chân; xây dựng ở mỗi xã từ 01 đến 02 công trình có giá trị thiết thực. 4. Giúp địa phương mở rộng ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, cà phê, lúa nước cho đồng bào tại chỗ. 5. Tham gia có hiệu quả vào công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, động viên trẻ em đến trường; thực hiện có hiệu quả chương trình quân - dân y kết hợp, phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.

Theo kế hoạch hoạt động kết nghĩa, các công ty, đơn vị của Binh đoàn luôn thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban theo định kỳ: Binh đoàn và các tỉnh 06 tháng 01 lần; công ty và các huyện, xã mỗi quý 01 lần; đội sản xuất và các thôn, làng hằng tháng. Ngoài ra, hai bên thống nhất quy định khi có việc đột xuất sẽ trực tiếp trao đổi, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan theo đúng thẩm quyền. Quán triệt và thực hiện Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đều xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan Công an các cấp. Cụ thể là, Công an tỉnh Gia Lai và Binh đoàn đã xây dựng Quy chế 925/QCPH/CAT-BĐ15; Công ty 75 phối hợp với Công an các huyện Đức Cơ, Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), xây dựng Kế hoạch 230/KHPH/CT75-CAH,... Các hoạt động phối hợp được tiến hành có nền nếp, đạt hiệu quả cao; nhất là, trong công tác giao ban, trao đổi thông tin, nắm tình hình, đề xuất biện pháp xử lý các tình huống nảy sinh về quốc phòng - an ninh.

2. Mô hình: Tuyển dụng lao động là người DTTS trên địa bàn vào làm việc tại Binh đoàn.

Trong điều kiện trình độ dân trí của đồng bào DTTS chưa cao, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, nên cùng với nhiệm vụ trồng cây, Binh đoàn còn tích cực tham gia sự nghiệp “trồng người” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. So với yêu cầu trồng và khai thác, chế biến cao su thì đa số đồng bào DTTS tại chỗ còn hạn chế cả về ý thức, tác phong và trình độ khoa học - kỹ thuật, nhưng Binh đoàn vẫn quyết tâm thực hiện chủ trương: ưu tiên tuyển dụng lao động là người DTTS trên địa bàn vào làm việc tại Binh đoàn. Thực tế cho thấy, mô hình này đã góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân; và quan trọng hơn là, đã làm chuyển đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS về tác phong, lề lối lao động công nghiệp, về cách thức phát triển kinh tế gia đình, ý thức đối với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường,... Nếu chỉ chọn theo kinh tế đơn thuần sẽ không thể có kết quả đó. Thiếu tướng Đặng Anh Dũng - Tư lệnh Binh đoàn đã đánh giá: “Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, khoa học - kỹ thuật, kỹ năng lao động cho đồng bào DTTS tại chỗ là vấn đề vừa có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, vừa là trách nhiệm chính trị của Binh đoàn”. Trên các khu vực đứng chân hiện nay, Binh đoàn đã xây dựng 01 trường trung cấp nghề, 10 trường mầm non với 123 điểm trường, nuôi dạy trên 5.400 cháu; trong đó, trên 1.000 cháu là người DTTS tại chỗ. Các hộ đồng bào DTTS có người vào làm việc trong các công ty của Binh đoàn đều trở thành những hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với phương châm: “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn đã kết hợp chặt chẽ giữa tuyển dụng lao động, phát triển sản xuất với nâng cao trình độ dân trí. Hiện nay, số lao động là người DTTS trên địa bàn làm việc trong Binh đoàn đạt trên 39%. Trong đó, Công ty Bình Dương đạt 69,7%; Công ty 78 đạt 55,6%; Công ty 75 đạt 44,7%; Công ty 74 đạt 42,9%,... Số công nhân là người DTTS và các hộ đồng bào DTTS tại chỗ đã nhận khoán của Binh đoàn 5.945 ha cao su, 371 ha cà phê, 11 ha lúa nước, chiếm khoảng 26% tổng diện tích cây trồng của Binh đoàn. Đảng bộ Binh đoàn có 145 đảng viên là người DTTS tại chỗ; Công ty 75 có: 38 đảng viên, 1.276 đoàn viên Công đoàn, 350 hội viên Hội Phụ nữ là người DTTS; Công ty 72, chỉ ba năm trở lại đây đã bổ nhiệm 04 đội phó là người DTTS,… Cùng với việc tuyển dụng lao động, Binh đoàn còn cử cán bộ kỹ thuật về từng thôn, làng hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, trồng và hỗ trợ vốn, giống, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa,... Hằng năm, Binh đoàn còn hỗ trợ cho các hộ nghèo hàng trăm tấn gạo; tổ chức khám và cấp thuốc chữa bệnh cho người dân; hướng dẫn, đào tạo hàng nghìn thợ cạo mủ cao su,… Những thôn, làng mà các công ty đứng chân không còn hộ đói, người lao động thực sự gắn bó với Binh đoàn.

Thực tiễn khẳng định, việc tuyển dụng lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn vào làm việc tại Binh đoàn là mô hình dân vận mang lại hiệu quả toàn diện. Bản chất của việc tuyển dụng đồng bào DTTS tại chỗ vào làm việc đã là thực hiện CTDV; đồng thời, khi trở thành người lao động của Binh đoàn, đời sống mọi mặt được nâng cao và với niềm tin tưởng, tự hào, mỗi người lao động đều trở thành một “cán bộ dân vận”; họ tuyên truyền, vận động từ gia đình, dòng họ đến bà con trong thôn, làng, góp phần tạo nên những nhân tố mới trong việc xây dựng thôn, làng văn hóa, đẩy lùi đói nghèo và các hủ tục. Đồng thời, họ trở thành hạt nhân tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

3. Mô hình: Gắn kết hộ.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ: “...tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận1, Binh đoàn xác định CTDV là trách nhiệm của mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động. Xuất phát từ những việc làm cụ thể giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và đời sống hằng ngày giữa các HCN người Kinh và hộ đồng bào DTTS, năm 2006 mô hình Gắn kết hộ đã xuất hiện ở Công ty 74. Nhận thấy đây là mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả cao, năm 2008, Binh đoàn đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn Binh đoàn. Phương pháp tổ chức là hai gia đình tự nguyện kết nghĩa với nhau (như anh em một nhà), trên cơ sở đó, các đội sản xuất tổ chức cho hai chủ hộ ký văn bản và làm Lễ Kết nghĩa. Nội dung, hình thức Gắn kết hộ ngày càng toàn diện, không chỉ diễn ra trong sản xuất mà cả trong đời sống sinh hoạt. Các HCN người Kinh luôn gần gũi, giúp hộ đồng bào DTTS áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cao su, cà phê, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; động viên hộ đồng bào DTTS xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội. Hộ đồng bào DTTS tuyên truyền trong cộng đồng cùng xây dựng, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết với các HCN người Kinh; giúp bảo vệ vườn cây, tài sản của Binh đoàn; giúp hộ người Kinh hiểu được phong tục tập quán; hai bên thăm hỏi lúc ốm đau, bệnh tật, v.v.

Trước đây nhiều hộ đồng bào DTTS sống dựa vào cây, con trong rừng, nhưng nhờ Gắn kết hộ nên đã biết trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa nước; biết cho con đến trường học, con ốm đưa đến bệnh xá,... Nhiều hộ đã trở nên giàu có, nổi bật như: hộ A Giá, A Dói (Công ty 78); hộ Ksor Tiên, Rơ Lan Lin, Brao (Công ty 75), hộ Kpuil Vân, Rơ Mah Phen (Công ty 74), hộ Ksor Găn (Công ty 72), Rơ Châm Đinh (Công ty 715),… Từ 30 “cặp hộ” kết nghĩa ban đầu, đến nay    Binh đoàn đã có 4.503 HCN người Kinh gắn kết với 4.503 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn; trong đó, có 1.956 hộ đồng bào DTTS không phải là người lao động của Binh đoàn. Mô hình Gắn kết hộ đã mang lại hiệu quả thiết thực, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá là mô hình điểm, là cách làm sáng tạo, hiệu quả trong CTDV và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” Binh đoàn đã tích cực tuyên truyền cho đồng bào các DTTS về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động... Những năm qua, hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định. Về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng chuyên sâu, hiệu quả cao; tiến độ “xóa đói giảm nghèo” được đẩy nhanh. Về văn hóa, có sự chuyển biến rõ rệt, các hủ tục từng bước được đẩy lùi, phong trào xây dựng môi trường văn hóa, gia đình văn hóa đạt hiệu quả thiết thực.

Nhiệm vụ xây dựng địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong thời gian tới tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao, vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn đan xen. Với trách nhiệm chính trị của mình, Binh đoàn 15 tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tiến hành để CTDV ngày càng hiệu quả, thiết thực.

MẠNH DŨNG - THANH PHÚC
____________

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 4-2014, tr. 29.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG,    H. 2011,  tr. 233.

(Số tiếp theo: III. Vấn đề đặt ra và giải pháp).

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.