QPTD -Thứ Năm, 04/07/2019, 07:32 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới

Là tỉnh miền núi, biên giới, Kon Tum có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng và an ninh đối với Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Tỉnh hiện có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn (có 13 xã biên giới); trong đó, có 2 huyện nghèo và 3 huyện cận nghèo, 61 xã đặc biệt khó khăn, 16 xã, phường là địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Sau hơn 08 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành Trung ương, cùng với những lợi thế về tiềm năng đất đai, khoáng sản,… kinh tế, xã hội của Tỉnh không ngừng phát triển, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Tuy nhiên, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo; đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Nhận thức rõ điều đó, đồng thời quán triệt tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn chung sức cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới; coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong công tác dân vận.

Trên cơ sở 19 tiêu chí quốc gia, 11 nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 5 nhóm nội dung kế hoạch của Cục Chính trị Quân khu 5; căn cứ vào các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân Tỉnh, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn các tiêu chí phù hợp để thực hiện. Trong đó, tập trung tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh; tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Để nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; tổ chức phát động phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh giúp dân làm đường

Với tinh thần học tập và làm theo Bác, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gắn kết chặt chẽ việc tham gia xây dựng nông thôn mới với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị, phong trào Thi đua yêu nước của địa phương và các phong trào cách mạng của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ, ban, ngành, đoàn thể phát động. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện; đối với những công việc cần huy động công sức thì ngoài bộ đội, dân quân đã động viên được đông đảo đoàn thể và nhân dân tham gia, nhất là đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương trong tất cả các khâu, từ tổ chức khảo sát, lựa chọn địa bàn, đối tượng, đến xác định các chủ trương, giải pháp và xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện, huy động các nguồn nhân lực, vật lực,… để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao. Từ đó, tiến hành đăng ký và xây dựng các mô hình để tổ chức thực hiện. Theo Quy chế 11 của Tỉnh ủy về phối hợp thực hiện công tác dân vận của các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn1 để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, các đơn vị thống nhất quyên góp và luân phiên giao cho 01 đơn vị chủ trì xây dựng 01 công trình dân sinh tại các xã đặc biệt khó khăn2. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung sức, tham gia để huy động nguồn lực tối đa cho xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thực hiện lồng ghép có hiệu quả các hoạt động dân vận, xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện các chủ trương của Quân khu, như: “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo”. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức khảo sát, thống nhất chọn đối tượng hộ nghèo, nắm nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của gia đình cần giúp đỡ, nhất là các hộ gia đình có đất ở, đất sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu sức lao động, thiếu kiến thức về kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để từ đó xây dựng kế hoạch, thống nhất lộ trình, mốc thời gian cụ thể để giúp đỡ các hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những nội dung công việc phối hợp giữa đơn vị, gia đình và địa phương được thể hiện rõ trong biên bản giao kết 03 bên (địa phương, đơn vị và gia đình). Trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, với các mô hình hiệu quả, như: “Tặng bò giống cho đồng bào nghèo”, “Giúp đồng bào trồng lúa nước, cây bời lời, cà phê xứ lạnh”, “Áo ấm vì người nghèo”, “Làng phụ nữ 3 sạch”, “Cùng em tới trường”, v.v. Bên cạnh đó, các đơn vị trích một phần quỹ vốn để hỗ trợ vốn, giống, phân bón, dụng cụ sản xuất trị giá hàng trăm triệu đồng; giúp nhân dân khai hoang, phục hóa hơn 50 ha đất nông nghiệp với hàng nghìn ngày công. Với quyết tâm cao, các cơ quan, đơn vị đều đạt và vượt từ 15% đến 20% chỉ tiêu kế hoạch xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, với hơn 110 lượt hộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện “Hũ gạo vì người nghèo” tại tất cả bếp ăn tập thể trong lực lượng vũ trang Tỉnh. Đây là mô hình học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ, thể hiện truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, nhường cơm, sẻ áo với nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân. Để dân chủ, thống nhất trong thực hiện, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo Phòng Chính trị tham mưu, hướng dẫn thực hiện chặt chẽ. Hội đồng quân nhân các cơ quan, đơn vị tổ chức sinh hoạt, bàn bạc thống nhất số lượng gạo tiết kiệm trong từng bữa ăn, cách thu, giữ, bảo quản và sử dụng hũ gạo của cơ quan, đơn vị (mỗi người 1 ngày tiết kiệm 20 gram gạo). Đối với những đơn vị có nhiều người không ăn thường xuyên tại bếp ăn tập trung thì thực hiện quy đổi thành tiền để quyên góp. Vào tháng 10 hằng năm, Hội đồng quân nhân tổng hợp báo cáo với cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan chính trị cấp trên để liên hệ, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức hỗ trợ, tặng gạo hoặc từ gạo chuyển thành những hàng hóa thiết yếu khác. Từ khi thực hiện đến nay, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tiết kiệm được trên 57 tấn gạo, trao tặng cho hơn 390 hộ đồng bào nghèo trên địa bàn và gia đình quân nhân gặp khó khăn, hoạn nạn.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Quân khu về giao địa bàn làm công tác dân vận cho các đơn vị ở các xã đặc biệt khó khăn và nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã giao địa bàn cho các đơn vị trực tiếp tham gia làm công tác dân vận tại các xã đặc biệt khó khăn. Thành lập Ban chuyên trách, do đồng chí Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh làm Trưởng ban, để tham mưu, giúp Đảng ủy, Bộ Chỉ huy trong chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đánh giá kết quả, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác này. Nội dung công tác dân vận của các đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Định kỳ 6 tháng, 01 năm, phối hợp với các xã tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, triển khai nhiệm vụ tiếp theo.

Bằng những việc làm cụ thể, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa truyền thống, đón giao thừa kết hợp với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lực lượng vũ trang Tỉnh huy động gần 12.900 ngày công cùng nhân dân làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn ; hướng dẫn và giúp nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng3, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc; khai hoang ruộng lúa nước4, v.v. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở bám nắm, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác đăng ký tuyển quân, xây dựng, củng cố lực lượng dân quân đủ về số lượng, nâng cao chất lượng; phối hợp với các lực lượng thường xuyên làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, bám nắm tình hình tại các thôn, làng, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xử lý tốt tình huống phức tạp nảy sinh. Ngoài ra, nhân dịp lễ, Tết, các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, già làng, trưởng thôn ở các thôn, làng kết nghĩa; đưa cán bộ, chiến sĩ về ăn Tết với nhân dân. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, không ngừng xây dựng, thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Các tổ chức đoàn thể ở thôn, làng từ chỗ hoạt động còn hạn chế đến nay đã đi vào hoạt động có nền nếp và hiệu quả hơn.

Những kết quả đạt được trên là tiền đề quan trọng để lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục nỗ lực, chung sức xây dựng nông thôn mới, thiết thực đưa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vào đời sống cơ sở, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum vượt qua khó khăn, thách thức, sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đại tá ĐOÀN VĂN NHẤT, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

_________

1 - Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3, Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Viettel Kon Tum, các Công ty 78, 732, 716 thuộc Binh đoàn 15.

2 - Năm 2016 xây dựng sân vận động xã Mô Rai huyện Sa Thầy trị giá 281 triệu đồng; năm 2017 xây dựng công trình Nhà văn hóa thôn Chư Hem xã Ia Đal huyện Ia H’drai trị giá 235 triệu đồng; năm 2018 xây dựng đường giao thông liên thôn xã Đăk Kan huyện Ngọc Hồi trị giá 115 triệu đồng.

3 - Giúp nhân dân chuyển đổi hơn 50ha cây cà phê; 65ha cây bời lời; 35ha cây cao su; 07ha rừng phòng hộ.

4 - Giúp các hộ nghèo trồng, chăm sóc hơn 240ha lúa nước và hoa màu; hỗ trợ hơn 1950 cây giống cà phê, cao su, 970 cây giống bời lời.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.