QPTD -Thứ Hai, 11/01/2021, 14:22 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xung kích trên tuyến đầu, cùng các lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; làm sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội Khu 5” thời kỳ mới.

Lực lượng vũ trang Quân khu tìm kiếm cứu nạn sạt lỡ núi tại Thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My,tỉnh Quảng Nam

Mảnh đất Nam Trung Bộ vốn đã khắc nghiệt, nay lại càng phức tạp hơn trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; các sự cố, thảm họa thiên tai rất đa dạng, xảy ra với mật độ nhiều hơn, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Chỉ trong tháng 10, 11 năm 2020, trên địa bàn Quân khu phải hứng chịu liên tiếp 05 cơn bão, kèm theo mưa lớn, lũ, lụt trên diện rộng và sạt lở đất tại một số vùng, làm hơn 60 người chết, gần 50 người mất tích, hơn 60 người bị thương; phá hủy nhiều công trình hạ tầng, gây thiệt hại lớn tài sản, hoa màu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội đời sống của nhân dân. Vì vậy, phòng, chống làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”; đồng thời, coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trước, trong các đợt bão, lũ, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến theo quy định. Ngoài kíp trực sẵn sàng chiến đấu, còn tổ chức thêm kíp trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp để kịp thời xử lý các tình huống. Chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, khu kỹ thuật, phương tiện, công trình chiến đấu; phương tiện, trang bị, dự trữ vật chất, quân y, lương thực, thực phẩm, chất đốt. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức sơ tán lực lượng, phương tiện, trang bị các đơn vị ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất; kết hợp phòng, chống bão với thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm cách ly tập trung. Chủ động nắm chắc diễn biến bão, lũ; rà soát, kiểm tra, bổ sung các phương án, sẵn sàng xử lý các tình huống; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ giúp nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”1. Chỉ đạo các cơ quan Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát các khu dân cư ven biển, vùng xung yếu chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, khu vực nguy cơ sạt lở cao để triển khai phương án sơ tán nhân dân, di dời tài sản các khu vực đến nơi an toàn.

Trước mỗi cơn bão, ở ven biển và các đảo tiền tiêu, như: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cù Lao Xanh (Bình Định),… cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tổ chức chằng chống doanh trại, giúp nhân dân gia cố nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hỗ trợ chính quyền địa phương đưa người dân sơ tán. Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố ven biển chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển neo đậu, tránh trú bão an toàn. Bố trí lực lượng chốt chặn tại những ngầm, tràn nguy hiểm, hướng dẫn người, phương tiện lưu thông trên đường bảo đảm an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chủ động kịp thời ban hành các công điện chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác ứng phó, phòng, chống lũ, bão cho cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo tạm dừng các hoạt động huấn luyện, xây dựng công trình chiến đấu, xây dựng cơ bản, hội nghị không cần thiết để chủ động phối hợp với các ban, ngành, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng lực lượng, phương tiện cơ động giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra thực địa, chốt trực tại các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Cùng với đó, công tác tìm kiếm, cứu nạn người dân mất tích do sạt lở đất, nước lũ cuốn trôi, tai nạn chìm tàu; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân khu vực bị nước lũ, sạt lở cô lập, chia cắt được Bộ Tư lệnh chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương. Phối hợp với Sư đoàn Không quân 372 tổ chức các chuyến bay cấp cứu người dân gặp nạn, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân khu vực bị nước lũ, sạt lở cô lập, chia cắt; cùng với lực lượng của Vùng 3 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 2 tích cực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tàu cá của ngư dân bị sự cố trên biển. Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức các đoàn công tác trực tiếp về địa bàn để chỉ đạo các lực lượng. Với những thiệt hại do bão số 9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu thành lập Sở Chỉ huy phía trước tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam do đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu chỉ huy để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cứu hộ, cứu nạn trong vụ sạt lở đất tại địa bàn xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Tổ chức Đoàn công tác tham gia Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn trong triển khai phương án tìm kiếm người mất tích, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn. Do chủ động trong công tác chuẩn bị, chỉ trong thời gian ngắn Quân khu đã điều động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện, vừa tìm kiếm, cứu nạn, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống.

Sau bão, lũ, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai ngay lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả trên địa bàn. Khẩn trương thu dọn cây xanh ngã đổ, vệ sinh môi trường nhà ở, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung khắc phục các điểm sạt lở ở khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông, ven biển; nạo vét kênh mương nội đồng,... giúp nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống. Tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân, hỗ trợ chính quyền, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh. Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân, Bộ Tư lệnh Quân khu cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình có người thân không may mất tích, qua đời hoặc bị thiệt hại nặng bởi thiên tai, với số tiền gần hai tỷ đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp tiếp nhận, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đưa hàng cứu trợ nhanh nhất đến với người dân bị thiệt hại.

Hiện tượng bão chồng bão, lũ chồng lũ chưa từng thấy trong lịch sử đã dường như vắt kiệt sức lực của người dân và bộ đội, là con em nhân dân Nam Trung Bộ, lớn lên trên mảnh đất có thời tiết, khí hậu đầy khắc nghiệt này, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu càng thấu hiểu nỗi đau, mất mát của nhân dân trong bão, lũ vừa qua, nhiều người trong số họ có gia đình trong vùng bị thiệt hại. Song, gác lại việc riêng, coi nhân dân như người thân ruột thịt, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; không quản ngại khó khăn, dầm mình trong mưa lũ, vượt qua những đoạn đường bị sạt lở, địa hình hiểm trở, quên mình để cứu nhân dân. Với tinh thần vì nhân dân quên mình, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 không một phút ngơi nghỉ, không kể ngày đêm khắc phục các điểm sạt lở, cây đổ, quyết tâm thông đường sớm nhất đến vùng bị cô lập. Cũng với tinh thần đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 tranh thủ từng giây, xúc từng xẻng bùn, gạt từng tảng đá trong mưa rét để tìm kiếm người dân bị vùi lấp với niềm hy vọng sẽ tìm thấy người còn sống; hàng trăm dân quân, tự vệ tỉnh Quảng Nam hành quân bộ hàng chục cây số đường rừng để cõng gạo, muối, nước uống, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đến cứu trợ đồng bào gặp nạn ở xã Phước Lộc, Phước Thành,… đã minh chứng cho phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội Khu 5” trong lòng nhân dân.

Thời gian tới, với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, yêu cầu đối với công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn ngày càng cao, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; dự báo tình hình, đánh giá sát đúng các khu vực, địa bàn trọng điểm, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thiết thực ứng phó hiệu quả với các thảm họa thiên tai. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố cần chú trọng thực hiện tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực tế sạt lở tại huyện Nam Trà My, lực lượng tại chỗ đã kịp thời tìm kiếm, cứu sống được nhiều người dân bị nạn trước khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân khu cơ động đến hiện trường. Các công trình thủy điện, khu dân cư ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, giao thông cách trở, thông tin liên lạc khó khăn dễ bị cô lập khi xảy ra mưa lũ, bão. Vì vậy, công nhân, người dân cần chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; có kế hoạch sẵn sàng sơ tán khi có tình huống. Khi xảy ra bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất phải có nhiều phương án tiếp cận các khu vực bị chia cắt, cô lập; có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đánh giá nơi ở, địa điểm và có phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân.

Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thiên tai, thảm họa cho nhân dân bằng nhiều hình thức; bồi dưỡng kỹ năng ứng phó với thảm họa; hướng dẫn cho người dân biết cách phòng ngừa thiên tai. Xây dựng lực lượng xung kích ở từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trước mùa bão, lũ, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương kiểm tra, khơi thông thường xuyên các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng; cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm.

Công tác thông báo, tiếp nhận thông tin cảnh báo, thực hiện các biện pháp huy động tàu thuyền tránh trú bão trên biển cần chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng với người dân. Đối với những khu vực dân cư nơi nguy cơ cao, như: sườn đồi, chân núi, đầu nguồn sông, suối, ven biển, đảo,… cần trang bị những thiết bị cảnh báo, báo động hiện đại. Đồng thời, tận dụng những vật dụng, công cụ cảnh báo truyền thống, như loa cầm tay, kẻng, cồng, chiêng,… để kịp thời báo động khi thiên tai xảy ra.

Nặng nghĩa đồng bào, tận “hiếu với dân”, những việc làm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã thể hiện rõ phẩm chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội Khu 5” trong tình hình mới, góp phần xây đắp tình quân - dân thêm bền chặt, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Thiếu tướng TRƯƠNG THIÊN TÔ, Phó Chính ủy Quân khu
__________________

1 - “4 tại chỗ”: 1. Chỉ huy tại chỗ; 2. Lực lượng tại chỗ; 3. Phương tiện, vật tư tại chỗ và 4. Hậu cần tại chỗ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.